slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần đoàn kết ba nước Đông Dương

14 Tháng 09 Năm 2022 / 2190 lượt xem

ThS. Trần Thị Thắm

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trên phương diện quan hệ quốc tế, Người đã nêu một mẫu mực điển hình phấn đấu cho sự phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc. Trong đó những đóng góp to lớn của Người đối với sự phát triển quan hệ giữa ba nước Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia) là một biểu hiện sinh động nhất.

Lịch sử và địa lý đã gắn bó ba nước Đông Dương trong một mối quan hệ đoàn kết keo sơn, tương trợ lẫn nhau. Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược ba nước Đông Dương giữa thế kỷ XIX (1858-1860), nhân dân ba nước đã ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Trên hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn đau đáu cho vận mệnh Đông Dương. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản tại Pháp) cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc cảnh tỉnh: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại, người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh”(1). Với lòng yêu nước nồng nàn, sự nhạy cảm chính trị thông tuệ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã từng bước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp cận tư tưởng giải phóng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Từ thực tế tình hình trong nước và các nước Đông Dương lúc đó, Người đã xác định đường lối cứu nước: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(2). Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện ra đời năm 1930 đã trở thành cột mốc trong tình đoàn kết và hợp tác giữa ba dân tộc, ba nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi tin chắc rằng các dân tộc ta, đã sẵn có một tinh thần tranh đấu cao, lại gắng đi tới một sự cộng tác chặt chẽ, thì thắng lợi thế nào cũng về ta, và chúng ta nhất định sẽ giành được độc lập”(3).

Ngày 28/01/1941, sau hơn ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Ánh sáng của tư tưởng cách mạng tiến bộ đã thôi thúc tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc đồng hành cùng tinh thần quốc tế cộng sản soi sáng con đường giải phóng cho thuộc địa Đông Dương. Từ nơi núi rừng Pác Bó (Cao Bằng), Nguyễn Ái Quốc luôn theo dõi tình hình biến động của thế giới, lãnh đạo phong trào cách mạng ở ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Ngày 03/9/1945, Nhật tiến hành đảo chính quân sự, hất cẳng Pháp và độc chiếm Đông Dương. Chỉ ba ngày sau, Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp và ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định: đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể, trước mắt duy nhất của nhân dân Đông Dương. Bản Chỉ thị đã vạch rõ những điều kiện về cuộc tổng khởi nghĩa: “Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy có thể bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị phá phách cho đến những hình thức cao hơn như biểu tình thị uy võ trang, du kích..."(4), đồng thời "sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện”(5). Với tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong Chỉ thị là “phải hành động ngay, hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động táo bạo”(6), ngọn lửa cách mạng được thổi bùng lên dữ dội. Cả Đông Dương thuộc Pháp sôi sục khí thế cách mạng: Ngày 02/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do, hạnh phúc; Xứ ủy Ai Lao (Lào), trực tiếp là Hoàng thân Xuvanuvong đã chỉ huy quần chúng yêu nước và đội vũ trang Việt - Lào chiến đấu giành chính quyền trên toàn bộ lãnh thổ. Cuối năm 1945, Chính phủ Lâm thời Lào trịnh trọng tuyên bố nền độc lập trên toàn xứ Ai Lao. Cùng năm đó, tại Campuchia chính quyền Xi-ha-núc tiến hành bầu cử Quốc hội trên cả nước.

Chính quyền non trẻ của ba nước ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp lăm le gây hấn và đàn áp dân tộc ba nước một lần nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Nó sẽ là một cuộc chiến giữa voi và hổ. Nếu hổ đứng yên thì sẽ bị voi giẫm chết. Nhưng hổ không đứng yên. Ban ngày nó ẩn nấp trong rừng và ra ngoài vào ban đêm. Nó sẽ nhảy lên lưng voi, xé những mảnh da lớn, và rồi nó sẽ chạy trở lại vào rừng tối. Con hổ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi con voi chảy máu đến kiệt sức và chết. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương sẽ như vậy”(7). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Khmer, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào), đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân ba nước Việt - Lào - Campuchia luôn phối hợp, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau thực hiện toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, từng bước chuyển từ thế phòng ngự sang phản công và tổng phản công để giành thắng lợi. Thực hiện tuyên bố chung “Đoàn kết Việt-Miên-Lào chống Pháp”, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Quân đội Việt Nam nhiệm vụ vừa giúp bạn tổ chức, xây dựng lực lượng, vừa cùng quân và dân nước bạn trực tiếp chiến đấu chống quân xâm lược. Trong thư gửi các đơn vị bộ đội có nhiệm vụ tác chiến ở Thượng Lào ngày 03/4/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh ý nghĩa của tình đoàn kết chiến đấu này như sau: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/1954) ở Việt Nam và Hội nghị Giơnevơ về lập lại hoà bình ở Đông Dương được triệu tập là thành quả chung của cách mạng Đông Dương, trong đó tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt - Lào - Campuchia được thể hiện nổi bật nhất.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ 1954 được ký kết, tuy nhân dân ba nước Đông Dương đều giành được thắng lợi nhưng mức độ có khác nhau: Việt Nam giải phóng được một nửa đất nước, miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội; Lực lượng cách mạng và vũ trang Lào có vùng tập kết và là một lực lượng trong Chính phủ liên hợp; Campuchia được công nhận độc lập, nhưng lực lượng cách mạng và vũ trang không được thừa nhận tồn tại độc lập. Tuy mỗi nước có “thế cách mạng” riêng, nhưng trước âm mưu chia rẽ và hành động mở rộng chiến tranh ra cả Lào và Campuchia, nhận rõ âm mưu của kẻ thù, nhận thức được tầm quan trọng của liên minh, đoàn kết ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương: phát huy truyền thống đoàn kết quý báu đã được thử thách trong cuộc kháng chiến chống Pháp của ba dân tộc trước đây, kiên trì đẩy mạnh đoàn kết với hai nước láng giềng Lào và Campuchia anh em trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của mỗi dân tộc, đồng thời giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, cùng nhau đoàn kết chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia của cả ba dân tộc.

Thực hiện chủ trương trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cũng xác định rõ sự ủng hộ và giúp đỡ toàn diện cách mạng Lào và Campuchia là một nhiệm vụ quốc tế, có ý nghĩa trọng đại đối với sự nghiệp củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”, nhân dânViệt Nam đã phối hợp chặt chẽ cùng nhân dân hai nước Lào và Campuchia anh em chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Lực lượng vũ trang ba nước có sự hợp đồng chiến đấu, cùng chia lửa giữa ba chiến trường, giáng cho quân Mỹ và quân ngụy những đòn chí mạng. Chính phủ ba nước đã hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau cả về mặt chính trị, quân sự, ngoại giao. Chúng ta không chỉ có trách nhiệm phối hợp chiến đấu mà còn giúp đỡ cơ sở vật chất, phương tiện chiến đấu, xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng vùng giải phóng ở hai nước bạn.

Trong những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, đế quốc Mỹ ráo riết đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở cả Việt Nam, Lào và Campuchia. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị kịp thời đưa ra những chủ trương, hình thức và nội dung đoàn kết ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia bao gồm nhiều lĩnh vực, tập trung trên các vấn đề chiến lược chủ yếu như: xây dựng thực lực cách mạng, chi viện kịp thời, phối hợp chiến trường chiến đấu, mở các chiến dịch, trao đổi kinh nghiệm, v.v.. song song với việc tập trung đánh địch. Trong thư gửi tới Hội nghị nhân dân Đông Dương (25/02/1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân ba nước anh em Việt Nam, Campuchia và Lào vốn đã luôn luôn cùng nhau sát cánh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh mở rộng do Mỹ gây nên, nhân dân ba nước chúng ta đoàn kết chặt chẽ chống đế quốc Mỹ, thì chúng ta nhất định thắng lợi”(8).

Một số căn cứ kháng chiến của Lào dựa lưng vào Tây Bắc, Tây Nguyên của Việt Nam. Việt Nam đã cùng với Lào xây dựng tuyến đường chiến lược Tây Trường Sơn để vận chuyển khí tài, vật lực từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam và chi viện kịp thời cho các căn cứ kháng chiến của Lào và Campuchia đánh Mỹ. Trong các thời kì hòa hoãn thành lập Chính phủ liên hiệp ở Lào, Việt Nam đều ủng hộ đường lối hòa bình, trung lập, hòa hợp dân tộc của Chính phủ Vương quốc Lào, từng bước đẩy Mỹ ra khỏi Lào. Ngoài ra, chúng ta còn tranh thủ đoàn kết với các lực lượng khác ở Lào cùng đứng lên chống đế quốc Mỹ xâm lược. Có thể nói, liên minh, đoàn kết Việt - Lào là hết sức trong sáng, thủy chung, bền vững, đem lại hiệu quả cao, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển liên minh, đoàn kết lâu dài sau này. Đối với Campuchia, chúng ta cũng chủ trương đoàn kết, ủng hộ đường lối hòa bình, trung lập, không liên kết của Chính phủ Vương quốc Campuchia.

Cùng với các chỉ thị, nghị quyết được đưa ra trong thời kỳ này, tại nơi Người ở và làm việc ở Phủ Chủ tịch từ năm 1954-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 11 cuộc gặp gỡ, làm việc trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo cách mạng Lào và trong những dịp Lễ, Tết của Lào, Người đã gửi 22 bức điện, thư chúc mừng... Những cuộc gặp gỡ tràn đầy tình cảm hữu nghị anh em nồng thắm, giản dị mà chân tình giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hoàng thân Xuphanuvông, với đồng chí Cayxỏn Phômvihản ngay từ những ngày đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và sau này là hàng loạt cuộc gặp làm việc của Người với các đồng chí lãnh đạo nước bạn đã để lại những ấn tượng rất sâu đậm đối với bạn. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản từng nhớ lại: “Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của tôi từ lúc còn thanh niên cho đến khi trưởng thành, tôi đã vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần. Tất cả các lần gặp gỡ đều rất thân thiết, chân thành trên tình cảm đồng chí thủy chung và lòng kính trọng sâu sắc đối với Người thầy vĩ đại đã tận tình dạy bảo, rèn luyện, xây dựng và truyền lại cho tôi những kinh nghiệm phong phú... Suốt đời tôi nhớ ơn công lao trời biển của Người”(9).

Đối với Campuchia, ngày 21/11/1956, lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Vua Nôrôđôm Xuramarit và Hoàng hậu, chúc nhân dân Khơme thu được nhiều thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước Khơme, trong việc thực hiện chính sách hoà bình và trung lập, chúc tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Khơme ngày càng phát triển. Ngày 21/6/1960, Người gửi điện mừng Thái tử Nôrôđôm Xihanuc nhận chức Quốc trưởng Vương quốc Campuchia, trong đó Người viết: “Chúc nhân dân Khơme dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Thái tử Quốc trưởng thu được nhiều thắng lợi mới trong việc thực hiện chính sách hoà bình, trung lập, xây dựng đất nước Campuchia ngày thêm phồn vinh, góp phần vào việc củng cố hoà bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới”.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở miền Nam xâm phạm chủ quyền Campuchia và đánh phá miền Bắc đã khiến Nôrôđôm Xihanuc đứng về phía cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Năm 1965, theo sáng kiến của Xihanuc, Hội nghị nhân dân Đông Dương được triệu tập. Ngày 06/3/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Thái tử Xihanuc, Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Đông Dương, bày tỏ: “Tôi rất cảm kích được biết qua bức điện của Ngài rằng Thái tử Nôrôdôm Xihanuc, Quốc trưởng Vương quốc Campuchia đã kịch liệt lên án đế quốc Mỹ về hành động khiêu khích mới và hết sức nghiêm trọng của chúng tôi đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhấn mạnh sự cần thiết đối với nhân dân các nước Đông Dương phải tăng cường đoàn kết hơn nữa trước nguy cơ mở rộng chiến tranh do đế quốc Mỹ gây nên”. Người cho rằng thái độ này “là bằng chứng tỏ rõ ý chí thống nhất của nhân dân ba nước chúng ta (gồm cả Lào) là kiên quyết đấu tranh chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ và ra sức bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ”. Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động tạo mối liên hệ để tranh thủ sự ủng hộ của Nôrôđôm Xihanuc. Ngày 23/6/1967, trong điện mừng nhân dịp 2 nước đặt quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ, Người đánh giá “Đây là một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, một nhân tố tích cực trong việc gìn giữ hoà bình ở Đông Duơng và Đông Nam Á”. Ngày 8/11/1968, chúc mừng kỷ niệm lần thứ 15 Quốc khánh Campuchia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một lần nữa chính sách trước sau như một của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tôn trọng độc lập, chủ quyền, trung lập và toàn vẹn lãnh thổ Vương quốc Campuchia trong biên giới hiện tại đồng thời tin tưởng rằng “ngày nay cũng như ngày mai, hai nước chúng ta mãi mãi vẫn là những người bạn thân thiết... xây dựng mỗi nước theo con đường riêng của mình”. Ngày 07/02/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanuc “đã ủng hộ hoàn toàn lập trường chính nghĩa của nhân dân Việt Nam tại Hội nghị bốn bên ở Pari về Việt Nam...” và coi đây là “sự cổ vũ to lớn đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước” của nhân dân Việt Nam, là “biểu hiện rực rỡ của tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước”. Đây cũng là văn kiện cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Quốc trưởng Campuchia. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tháng 9 năm 1969, Quốc vương Nôrôđôm Xihanuc cùng phu nhân đã tới Hà Nội dự Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, ông phát biểu: “Được nhân dân kính mến, được bạn hữu khâm phục, được kẻ thù tôn trọng, Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ cao quý nhất của thế kỷ này... Trong thế giới tàn bạo này, Người đã đem lại cho chúng ta cũng như cho biết bao dân tộc khác những lý do để hy vọng”.

Có thể thấy rằng, cùng với việc đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị đoàn kết Việt - Lào, đoàn kết Việt Nam - Campuchia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng góp to lớn vào quá trình phát triển thắng lợi của cách mạng ba nước thông qua sự chỉ đạo trực tiếp hoặc gián tiếp cả về lý luận cả về thực tiễn. Với phương châm chiến lược “giúp bạn là tự giúp mình” do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra và gương mẫu thực hiện, nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong mỗi thời kỳ của cuộc đấu tranh cách mạng đã phát huy truyền thống đoàn kết, nương tựa vào nhau, hỗ trợ lẫn nhau để giành thắng lợi, đưa mối quan hệ hữu nghị giữa ba nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác chặt chẽ toàn diện Việt - Lào - Campuchia có ý nghĩa chiến lược, sống còn đối với mỗi nước. Bởi vậy, biên niên sử quan hệ Việt - Lào - Campuchia vốn đã đầy ắp các sự kiện trọng đại, vẫn đang chờ đợi những bước bứt phá mới. Quan hệ hữu nghị Việt - Lào - Campuchia mãi là tài sản vô giá. Đảng và nhân dân Việt Nam luôn tâm niệm sâu sắc rằng, vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa ba nước Đông Dương không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng, mà còn là tình cảm sâu nặng của mỗi người dân Việt Nam yêu nước chân chính. Xuất phát từ thực tiễn đó, để tăng cường quan hệ ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lên tầm cao mới, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương thức và cơ chế hợp tác theo hướng hiệu quả, khắc phục những khó khăn, hạn chế còn tồn tại.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 2, tr.144.

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 12, tr.30.

3.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập 5, tr.61.

4.            Giáo trình trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính. Những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb. Lý luận Chính trị, tr.169.

5.            Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, tập 7, tr.367.

6.            Trường Chinh : “Chỉ thị Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, tạp chí Lịch sử Đảng, số 2-1992.

7.            PGS.TS Phạm Quang Long: Năm Dần, tản mạn về con hổ, Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần số 1361 + 1362, ngày 30/01 và 06/02/2022.

8.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 14, tr.494-495.

9.            Cayxỏn Phômvihản: Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Báo Nhân dân, ngày 15/5/1990, tr.1-4.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)