slider
Phát triển kinh tế số

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc qua thơ chữ Hán

27 Tháng 05 Năm 2015 / 24721 lượt xem

Ths. Trần Thị Thắm
Phòng TTGD
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời cũng là một danh nhân văn hóa kiệt xuất. Cùng với tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời, Người còn để lại cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có các bài thơ viết bằng chữ Hán. Qua các tác phẩm thơ chữ Hán, giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn thời gian, bối cảnh, địa điểm, sự kiện, nhân vật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh làm thơ, hiểu rõ hơn về  tình cảm của Người với đất nước, con người Trung Quốc.
Tài làm thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ việc Người được tiếp xúc với nền giáo dục Hán học từ thuở nhỏ, và cũng bắt nguồn từ việc Người đã từng hoạt động cách mạng nhiều năm ở Trung Quốc. Hồ Chí Minh đã trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc ngôn ngữ, văn tự cũng như văn hóa và xã hội Trung Quốc. Theo những tài liệu mới nhất, thơ chữ Hán của Người tổng cộng có 173 bài, trong đó tập Nhật ký trong tù có 133 bài, viết vào thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà tù ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), hơn 20 bài viết trong thời gian Người đi công tác, đi thăm hoặc đi nghỉ điều dưỡng tại Trung Quốc, một số bài viết trên đất Việt Nam để tặng các đồng chí Mao Trạch Đông, Trần Canh, Vi Quốc Thanh.  Qua nội dung thơ chữ Hán của Người được các học giả Trung Quốc đánh giá: "… Có một số thơ rất hay, nếu xếp chúng vào tập thơ Đường, Tống, e rằng cũng không dễ gì nhận ra”(1) hay: “ Thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh có nội dung phong phú, tinh thâm mà uyên bác, lòng can đảm, khí phách, trí tuệ và tinh thần lạc quan cách mạng của một nhà cách mạng vô sản, niềm tin kiên định, coi thường mọi khó khăn, trong khó khăn và trắc trở luôn nhìn thấy ánh sáng và hy vọng; tình cảm mãnh liệt yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu cuộc sống, yêu hòa bình; khí phách anh hùng chống xâm lược, không sợ cường bạo, dám chiến đấu đến cùng chống kẻ thù; tấm lòng chân thành với chiến hữu, đồng chí, bạn bè; cùng với thế giới quan và phương pháp luận khoa học mà người cách mạng phải có để nhìn nhận và giải quyết mọi sự việc…”(2).
Trong thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh, Nhật ký trong tù là tác phẩm tiêu biểu, được viết ra từ những trải nghiệm thực tế của Người tại Quảng Tây, Trung Quốc. Hồ Chí Minh đã phản ánh chế độ lao tù tàn bạo, dã man, đầy đọa con người hết sức tàn nhẫn bằng cách miêu tả rất chân thực cuộc sống của những người tù:

Tha thân chỉ hữu cốt bao bì
Thống khổ cơ hàn bất khả chi;
Tạc dạ tha nhưng thụy ngã trắc,
Kim triêu tha dĩ cứu tuyền quy
 
Dịch thơ:
Thân anh da bọc lấy xương,
Khổ đau, đói rét hết phương sống rồi;
Đêm qua còn ngủ bên tôi,
Sáng nay anh đã về nơi suối vàng!(3)

Tận mắt chứng kiến cảnh vợ một người tù đến thăm chồng, không kìm được cảm xúc, Người đã viết lên những vần thơ  Vợ người bạn tù đến nhà lao thăm chồng

 
Quân tại thiết song lý,
Thiếp tại thiết song tiền;
Tương cận tại chỉ xích,
Tương cách tự thiên uyên;
Khẩu bất năng thuyết đích,
Chỉ tại nhân truyền nghiên (ngôn);
Vị ngôn lệ dĩ mãn,
Tình cảnh chân khả liên!
Dịch thơ:
Anh ở trong song sắt
Em ở ngoài song sắt;
Gần nhau chỉ tấc gang,
Mà cách nhau trời vực;
Miệng nói chẳng nên lời,
Chỉ còn nhờ khóe mắt;
Chưa nói, lệ tuôn tràn,
Cảnh tình đáng thương thật!(4)

Thấu hiểu cuộc sống của nhân dân Trung Quốc, mùa thu năm 1942, vùng Tây Nam, tỉnh Quảng Tây đại hạn, khi Hồ Chí Minh bị giải tới vùng này, Người đã viết bài thơ Long An Đồng Chính:

 
Thử gian thổ địa quảng nhi bần,
Sở dĩ nhân dân kim xuân phùng đại hạn;
Thính thuyết kim xuân phùng đại hạn,
Thập phân thu hoạch lưỡng tam phân.
Dịch thơ:
Vừng đây tuy rộng, đất khô cằn,
Vì thế nhân dân kiệm lại cần;
Nghe nói xuân nay trời đại hạn,
Mười phần thu hoạch chỉ đôi phần (5)

Thời điểm Hồ Chí Minh viết tập thơ Nhật ký trong tù thì nhân dân Trung Quốc đang tiến hành cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật đầy gian khổ. Trong một số bài thơ, Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc. Trong bài Song thập nhất,Người viết:

 
Trung Hoa kháng chiến tương lục tải,
Liệt liệt oanh oanh cử thế tri;
Thắng lợi tuy nhiên hữu bả ác,
Nhưng tu nỗ lực phản công thì.
Dịch thơ:
Trung Hoa kháng chiến sau năm chầy
Oanh liệt, vang lừng khắp đó đây.
Đến lúc phản công nên cố gắng,
Mặc dầu thắng lợi nắm trong tay (6)

Tác phẩm Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh được đánh giá là “của báu của nền văn học hiện đại”. Tác phẩm ấy không những thuộc về nhân dân Việt Nam, mà cũng thuộc về nhân dân Trung Quốc”(7). Điều đó không phải chỉ vì Nhật ký trong tù được viết bằng tiếng Trung, mà chủ yếu vì nó “ghi lại một phần bộ mặt xã hội Trung Quốc cũ khoảng 1942-1953”(8). Nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng Trung Quốc Quách Mạt Nhược nhận xét: “Chúng ta cảm ơn pho sử bằng thơ của Hồ Chủ tịch đã giữ lại cho chúng ta một số nét về bộ mặt của thời đại cũ đáng cho chúng ta hồi tưởng”. Chính vì vậy, ông gọi tập Nhật ký trong tù không những là tự truyện bằng thơ mà còn là một bộ “sử thi” của nhà cách mạng.
Những dòng thơ trong Nhật ký trong tù tràn đầy sự cảm thông sâu sắc của Hồ Chí Minh đối với nhân dân lao động Trung Quốc trong xã hội cũ. Tuy nhiên, cảm xúc của Người đối với cuộc sống của người dân Trung Quốc đã thay đổi trong một bài thơ khác, đó là vào đầu những năm 1950 sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, Hồ Chí Minh trở về nước sau chuyến thăm Bắc Kinh bí mật đi qua Hồ Bắc, Người đã bộc bạch niềm vui mừng khôn xiết của mình trước cuộc sống hạnh phúc, yên bình của nhân dân Trung Quốc trong thời đại mới qua một bài thơ với tựa đề Qua Hồ Bắc:

 
Ngã khứ điền gian đô bạch tuyết,
Ngã lai điền mạch dĩ thanh thanh.
Minh thiên cơ giới thế mộc giới,
Ức triệu nông gia lạc thái bình.
Dịch thơ:
Đồng ruộng khi đi đầy tuyết trắng,
Nay về lúa mạch đã xanh xanh.
Ngày mai cày máy thay cày gỗ,
Ức triệu nhà nông hưởng thái bình (9)

Trong thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh có không ít bài thơ ca ngợi vẻ đẹp tráng lệ của phong cảnh núi non Trung Quốc, thể hiện tình cảm nồng nhiệt của Hồ Chí Minh với đất nước Trung Hoa. Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, đặc biệt sau khi miền Bắc Việt Nam được giải phóng (năm 1954), Hồ Chí Minh nhiều lần đến thăm Trung Quốc, nhất là các danh lam thắng cảnh. Được chứng kiến cảnh đẹp của thiên nhiên Trung Quốc, với ngòi bút đầy cảm xúc, Hồ Chí Minh đã ca ngợi vẻ đẹp mỹ lệ của thiên nhiên cũng như những di sản văn hóa lâu đời nơi đây. Tháng 6-1955, Hồ Chí Minh lần đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc, trên tàu trở về sau khi thăm Vạn lý Trường thành, Người đã viết bài thơ Vịnh Vạn Lý Trường Thành, ca ngợi trí tuệ và sức mạnh của nhân dân Trung Quốc:

 
Thính thuyết trường thành vạn lý trưởng,
Đầu liên Đông Hải vĩ Tây Cương.
Kỷ thiên bách vạn lao động giả,
Kiến trúc tư thành trấn nhất phương
Dịch thơ:
Thấy nói trường thành dài vạn dặm,
Đầu từ Đông Hải cuối Tây Cương.
Hàng ngàn trăm vạn người lao động,
Xây đắp ngôi thành trấn một phương (10)

Tháng 8-1959, Hồ Chí Minh từ Mátxcơva về Tân Cương, Trung Quốc, Người đã dệt nên một bức tranh thiên nhiên Trung Quốc kỳ thú, tráng lệ bằng cách miêu tả qua các câu thơ chữ Hán với tiêu đề Trông Thiên san:

 
Dao vọng Thiên San phong cảnh hảo,
Tử hà, bạch tuyết bão thanh san.
Triệu dương sơ xuất xích như hỏa.
Vạn đạo hồng quang chiếu thế gian.
Dịch thơ:               
Xa ngắm Thiên San phong cảnh
Ráng đào, tuyết trắng ấp non lam
Mặt trời mới mọc đỏ như lửa
Muôn ánh hồng soi khắp thế gian (11)

Tháng 5-1961 trong chuyến thăm Quế Lâm, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động trong thời kỳ kháng Nhật, trước những đổi thay của Quế Lâm sau hơn 20 năm quay trở lại, Người đã ngẫu hứng làm bài thơ Quế Lâm phong cảnh và còn phác họa bài thơ này thành một bức họa thư pháp, nội dung bài thơ chữ Hán như sau:

 
Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ,
Như thi trung họa họa trung thi.
Sơn tràng tiều phu xướng,
Giang thượng khách thuyền quy.
Dịch thơ:
Quế Lâm phong cảnh tuyệt vời,
Thơ đan trọng họa, họa cài trong thơ.
Tiều phu trên núi hát ca,
Dưới sông thuyền khách vào ra: Diệu kỳ! (12)

Tháng 5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ tại Hoàng Sơn, khu du lịch và điều dưỡng thuộc tỉnh An Huy. Cùng đi với Người có Phó Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Đổng Tất Vũ. Tại Hoàng Sơn, Người tham quan các thắng cảnh: Quan Bộc Đình (Đình Ngắm Thác), Bách Trượng Tuyền (Suối Trăm Trượng), Đào Nguyên Đình (Đình Đào Nguyên), Nhân Tự Bộc (Thác Chữ Nhân), Từ Quang Các (Gác Từ Quang)...; các di tích: Hổ Đầu Nham (Núi Đầu Cọp), Long Đầu Thạch (Đá Đầu Rồng), Luyện Đan Tỉnh (Giếng Luyện Đan), Dược Cừu (Cối Dã Thuốc), v.v.. Người đặt tên cho một ngọn núi cái tháp là Luyện Đan Tháp (Tháp Luyện Đan). Tại nhà khách Hoàng Sơn, Người tự tay viết năm chữ Hán lớn: "Hoàng Sơn phong cảnh hảo" (Hoàng Sơn phong cảnh đẹp) và đề biển cho Quan Bộc Đình (Đình Ngắm Thác). Trước khi rời Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch Đổng Tất Vũ làm bài thơ thất ngôn"Từ giã Hoàng Sơn" (gồm bốn khổ) tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết chùm thơ Nhật ký Hoàng Sơn gồm sáu bài tặng lại Phó Chủ tịch Đổng Tất Vũ, cảm nhận vẻ đẹp đích thực của phong cảnh Hoàng Sơn,  tình cảm tha thiết đối với cảnh sông núi hùng vĩ, tráng lệ của đất nước Trung Quốc:

 
Hoàng sơn phong cảnh phi thường hảo,
Nhất thiên hạ vũ ngũ thiên tình.
Triệu tùy tân khách tống lão khách,
Dạ thính tuyền thanh họa điều thanh.
Dịch thơ:
Hoàng Sơn cảnh núi đẹp thay,
Năm ngày nắng hửng, một ngày mưa sa,
Sớm mai đưa đớn khách xa,
Đêm nghe tiếng suối vẳng hòa tiếng chim (13)

Tháng 4-1968, lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc chữa bệnh. Mấy ngày trước khi về nước, Người đã làm bài thơ chữ Hán Mậu Thân xuân tiết phác họa một bức tranh tươi sáng với nhiều màu sắc, sinh động, nhịp nhàng và tuyệt đẹp của mùa xuân, hòa quyện mùa xuân của đất trời Trung Quốc, với mùa xuân trong lòng, tác giả viết

 
Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên,
Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên,
Bạch điểu tróc ngư hổ lý khứ,
Hoành oanh phi thượng thiên.
Thiên thượng nhàn văn lai hựu khứ,
Mang bả Nam phương tiệp báo truyền.
Dịch:
Tháng tu hoa nở một vườn đầy,
Tía tía, hồng hồng đua sắc tươi
Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá,
Hoàng oanh vút tận trời.
Trên trời mây đến rồi đi,
Miền Nam thắng trận báo về tin vui (14)

Một nội hàm đặc sắc trong thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh chính là tình cảm của Người với những người đồng chí, chiến hữu Trung Quốc. Cho đến ngày nay, đông đảo các độc giả Trung Quốc, đặc biệt là những đồng chí đã từng tham gia vào công cuộc viện trợ cho kháng chiến ở Việt Nam đều cảm nhận sâu sắc về tấm lòng bao la và sự quan tâm ân cần của Người.
 Năm 1950, Hồ Chí Minh bí mật sang Trung Quốc và ở Bắc Kinh Người đã gặp gỡ những người bạn chiến đấu cũ quen biết nhau đã hàng chục năm trời như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ. Lúc về nước, Người xúc động viết nên bài thơ Ly Bắc Kinh (Rời Bắc Kinh):

 
Ký Bắc thiên tâm huyền hao nguyệt,
Tâm tùy hao nguyệt cộng du du.
Hao nguyệt thùy phân vi lưỡng bán?
Bán tùy cựu hữu, bán chinh phu
Dịch thơ
Trời Ký Bắc treo vầng trăng rọi,
Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời.
Vầng trăng ai sè làm đôi,
Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành (15)

Trong cuộc đại cách mạng đầu tiên của Trung Quốc vào những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và quen biết với người đồng chí trẻ Trần Canh ở Quảng Châu (tháng 5-1924, Trần Canh học khóa 1 Trường Quân sự Hoàng Phố - Quảng Châu còn Hồ Chí Minh khi đó làm phiên dịch trong phái đoàn cố vấn của chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân quốc), hai người thường xuyên gặp nhau trao đổi công tác. Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Nam Ninh thăm bí mật Trung Quốc, Trần Canh lúc đó đã là Phó Tư lệnh Quân khu Tây Nam kiêm ủy viên Quân khu Vân Nam đã đến Nam Ninh để đón Người. Lúc gặp mặt, Người đề thơ tiếng Hán tặng người đồng chí trẻ:

 
Đương niên ngộ quân nhất thanh niên,
Như kim thống binh ốc soái quyền.
Hùng sư bách vạn tất thính lệnh,
Hãn vệ cách mạng cố Điền biên.
Dịch thơ
Khi xưa gặp chú một thanh niên,
Nay chú cầm quân giữ soái quyền.
Trăm vạn hùng binh theo lệnh chú,
Giữ gìn cách mạng cõi Điền biên (16)

Từ năm 1950 quan hệ Việt Nam – Trung Quốc được mở ra toàn diện, các đồng chí ở hai Đảng và hai nước đi lại, trao đổi với nhau. Tháng 9-1950, trong chiến dịch biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trần Canh đều ở mặt trận Biên Giới, Người đã viết bài thơ Lên núi tràn đầy khí thế chiến đấu tặng Trần Canh:

 
Huề trượng đăng cao quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân.
Dịch:
Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy (17)

Trong niềm vui lớn của chiến dịch Biên giới mở màn bằng trận đánh Đông Khê với thắng lợi vẻ vang, Hồ Chí Minh cử người mang mấy chai rượu Sâm banh chiến lợi phẩm, kèm theo bài thơ chữ Hán“ Tại Việt Bắc tặng Trần Canh đồng chí

 
Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm, tỳ bà  mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu 
Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi
Dịch:
Rượu ngọt sâm banh lấp lánh ly
Muốn uống, tì bà thúc ngựa phi
Đừng cười say nghỉ nơi trận mạc
Không tha quân địch một tên về (18)

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt thấu hiểu nỗi lòng "nhớ nước, nhớ quê mỗi dịp xuân về" của những người đồng chí Trung Quốc vốn đang được sống trong một môi trường hòa bình nay đến Việt Nam công tác trong chiến tranh gian khổ. Do đó, mỗi năm Tết đến, Xuân về, Người đều đích thân đến thăm hỏi đoàn cố vấn, tặng quà động viên và những bài thơ chữ Hán của Người đã diễn tả một phần những tình cảm đó:

 
Nghênh xuân vô biệt quỹ,
Duy hữu tửu số tôn.
Thỉnh nhĩ môn nhất túy,
Cộng khánh thắng lợi xuân.
Dịch:
Tết này không sắm sửa
Dăm chén rượu làm vui
Say đi nào các bạn
Mừng thắng lợi cùng tôi (19)
 
Đào bồ vạn hộ nghênh tân,
Bạo trúc nhất thanh dư cựu.
Phụng tống hải vi số điều,
Liêu cung thưởng xuân hạ tửu.
Dịch:
Đào nở, nhà nhà đón tết
Pháo nổ, đất trời qua đông
Gửi anh một ít hải sản     
Cùng nhau nâng chén xuân nồng!20

Đầu xuân năm 1955, đồng chí La Quý Ba lúc này đang đảm nhiệm chức vụ Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên gửi món quà tết tới chúc mừng đồng chí và gửi tặng kèm theo một bài thơ:

 
Bạch đậu tam (công) cân trọng,
Chất điểm nhi vị hương.
Thanh niên tăng sản đắc,
Thỉnh nhĩ thường nhất thường.
Dịch:
Có ba cân đậu trắng
Chất ngọt và vị thơm
Thanh niên tăng gia được
Mời anh nếm thử xem (21)

Ngày 16-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui khi biết tin Chủ Mao Trạch Đông 73 tuổi đã bơi qua sông Trường Giang ở Vũ Hán, Người đã lập tức viết bài thơ Ký Mao Chủ tịch (Gửi Chủ tịch Mao):

 
Hân vấn nâm sướng du Trường Giang,
Đắc tất năm thân thỉ kiện khang.
Ngã tại Việt Nam mang kháng Mỹ,
Dao chúc nâm vạn thọ vô cương.
Dịch:
Vui nghe Người bơi thỏa Trường Giang,
Quần chúng mừng Người được kiện khang
Tôi ở Việt Nam lo đánh Mỹ ,
Xa chúc Người “vạn thọ vô cương” (22)

Là một nhà cách mạng và một nhà hoạt động cứu nước vĩ đại, những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đa dạng, trong đó đặc biệt phải nói đến lĩnh vực thơ chữ Hán. Tìm hiểu những vần thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh dành cho đất nước, con người Trung Quốc, chúng ta càng tự hào về Hồ Chí Minh - một con người toàn vẹn đã tô điểm cho non sông gấm vóc của tổ quốc Việt Nam ta thêm rạng rỡ:  “cảm thấy tự hào vì nhân dân Việt Nam anh em có lãnh tụ lỗi lạc như thế”(23 )(Quách Mạt Nhược). “Hồ Chí Minh vĩnh viễn sống trong trái tim nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới!”(24) (Hoàng Tranh).
 
Chú thích:
(1) Quách Mạt Nhược: Nay ở trong thơ nên có thép. Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học 12/1960
(2) Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị quốc gia, H. 2005, Tr 18
(3)                                                        sđd, Tr 181
(4)                                                        sđd , Tr 142
(5)                                                        sđd, Tr 165
(6)                                                        sđd, Tr 198
(7) Bút ký nhân đọc thơ trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Học Nghệ Thuật số 32 tháng 8/1973.
(8) Quách Mạt Nhược: Nay ở trong thơ nên có thép. Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học 12/1960
(9) Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị quốc gia, H. 2005, Tr 47
(10) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, T 10, tr 28
(11) Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị quốc gia, H. 2005, Tr 65
(12)                                                      sđd, Tr 67
(13)                                                       sđd,, Tr 75
(14)                                                      sđd, Tr 89
(15) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2011, T 6, tr. 325
(16)                                                      sđd,tr.316
(17)                                                      sđd,, tr 441
(18)                                                      sđd, tr 451
(19) Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Nxb Chính trị, Hành chính, H2010, tr 815
(20)                                                      sđd, tr 815
(21)                                                      sđd, tr 816
(22)  Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị quốc gia, H. 2005, Tr 83
(23) Quách Mạt Nhược: Nay ở trong thơ nên có thép. Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học 12/1960
(24) Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị quốc gia, H. 2005, Tr 20
 

 
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)