slider

Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ

06 Tháng 06 Năm 2023 / 62 lượt xem

Nguyễn Minh Đức

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(1). Người khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời tin tưởng, mong muốn công tác giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nghệ sĩ luôn đi đầu xung kích, sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, một trong những lực lượng tiên tiến trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước xứ Nghệ, cha Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Quê hương Nam Đàn nói riêng và Nghệ An nói chung là một mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống, bản sắc văn hóa. Gia đình, quê hương với vẻ đẹp của phong cảnh, của những nét văn hóa đặc sắc đã thấm đẫm vào tâm hồn Bác từ những ngày thơ bé, để rồi hun đúc nên một tâm hồn nghệ sĩ nơi Người, đồng thời giúp Bác ý thức được và nhận ra những giá trị to lớn của văn hóa, trong đó có nghệ thuật.

Trong những lần gặp gỡ giới văn nghệ sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường kể về thời thơ ấu được nghe hát ví phường vải và dân ca Nghệ Tĩnh, nhắc về các điệu ví đò đưa và điệu hò khoan. Người cũng nhiều lần tham dự và nói chuyện thân mật với những nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ tại các hội nghị, đại hội toàn quốc của ngành. Trong cuộc đời mình, Người đã viết nhiều thơ, truyện, kịch, phê bình phim. Trong đó, tác phẩm thơ Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) mà Bác viết bằng chữ Hán những năm 1942 - 1943 khi bị giam giữ tại nhà tù Quốc Dân đảng ở Trung Quốc được Quách Mạt Nhược - nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà sử học, nhà chính trị Trung Quốc - nhận định trong đó có những bài thơ có thể xếp ngang hàng với những bài thơ Đường hay nhất. Ngoài sáng tác văn chương, Bác từng làm nghề thợ ảnh, vẽ truyền thần, là tác giả của nhiều bức tranh chống đế quốc thực dân in trên các báo Pháp như Nhân đạo, Người cùng khổ...

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa văn nghệ là một mặt trận và không kém phần ác liệt như mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự. Tuy nhiên tính chất chiến đấu của mặt trận văn hóa văn nghệ có phần khác so với cách mạng bạo động, vũ trang, là cuộc chiến “khổng lồ” giữa cái thiện và cái ác, cái hay và cái dở, cái mới và cái cũ. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cao về tính cách mạng đối với người sáng tạo văn nghệ: văn nghệ sĩ phải có lập trường cách mạng đúng đắn, vững vàng, lấy lợi ích của đất nước, của nhân dân làm mục tiêu chính. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, sau khi khẳng định văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận và anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ, Bác căn dặn: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân trước hết là công nông binh. Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”(2).

Trong bài viết Tri thức tư sản chỉnh phong (đăng trên báo Nhân dân, 1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết và đưa ra những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng nền nghệ thuật cách mạng đầy tính nhân văn. Bác phê phán quan điểm cho rằng nghệ thuật là một quá trình hoàn toàn tự phát, không cần đến sự lãnh đạo của Đảng, đó là “một tư tưởng sai lầm, nguy hiểm, nó có thể đưa văn nghệ xa rời nhân dân, thậm chí phản bội nhân dân”(3). Trong cuốn Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tác giả Phạm Khoa nhớ lại: “Những ngày được công tác bên Bác, được Bác dạy dỗ, dìu dắt. Mỗi lần chúng cháu làm xong một phim và được vinh dự đem vào chiếu để Bác xem và được Bác dặn dò: “làm công tác nghệ thuật phải làm thế nào phục vụ nhân dân được tốt, phải làm gì cho xứng đáng là nghệ sĩ cách mạng”(4).

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dùng ngòi bút của mình để “làm đòn xoay chế độ”. Thời kỳ hoạt động ở Pháp, Người đã viết hàng loạt tiểu phẩm đăng trên các báo Nhân đạo, Người cùng khổ..., trong đó có nhiều tác phẩm như Bản án chế độ thực dân Pháp được sử dụng như một vũ khí lợi hại lên án chủ nghĩa thực dân Pháp, với văn phong và cách lập luận rành rọt, vừa đanh thép buộc tội vừa châm biếm sâu cay; ngôn từ vừa hàm súc, vừa mộc mạc, ngắn gọn, khiến người đọc dễ hiểu, dễ nhớ. Có thể khẳng định rằng, dù không có ý định trở thành nhà thơ, nhà văn, nhưng với ngòi bút của mình, Bác đã thực sự trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người định hướng tư tưởng, tình cảm cho nhân dân cho nên bản thân người nghệ sĩ phải có đức sáng. Người yêu cầu văn nghệ sĩ phải trau dồi đạo đức, trước hết là “đức khiêm tốn”, đoàn kết, khắc phục khó khăn. Người làm công tác văn hóa văn nghệ cần ra sức học tập, rèn luyện tinh thần trách nhiệm cho “đến nơi đến chốn”. Có như vậy họ mới sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chân chính xứng đáng với thiên chức cao quý của mình. Trong buổi đến thăm và nói chuyện ở Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba ngày 01/12/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về nhiệm vụ của văn nghệ sĩ: “Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ, thêm xuân”(5).

Nhiều câu chuyện được kể lại cho thấy Bác Hồ rất quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức của giới văn nghệ sĩ. Trong cuốn Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, một số nghệ sĩ kể lại những ngày được gặp Bác và được nghe Bác khuyên nhủ. Nhà quay phim Lê Minh Hiền viết: “Trong thời gian được sống gần Bác, chúng tôi học được những bài học lớn về tinh thần vì dân, vì nước, đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, về đức tính giản dị, khiêm tốn, về lề lối làm việc khoa học của Bác, Bác luôn luôn nhắc nhở chúng tôi về nếp sống giản dị, ngăn nắp, trật tự. Lúc nào Bác cũng nhanh nhẹn gọn gàng. Chúng tôi, khi đi quay phim Bác, cũng phải tập cho quen, nếu không sẽ bị lỡ việc. Bác còn nhắc nhở chúng tôi tập thể dục, dạy cho chúng tôi học võ cho người khỏe mạnh để làm việc tốt”. Còn nghệ sĩ Trà Giang nhớ lại, sau khi biểu diễn cho Bác xem, Trà Giang đã được Bác căn dặn: “Diễn viên phải đoàn kết thương yêu nhau, phải năng tập thể dục cho khoẻ mạnh”. Nguyễn Đức Vân kể chuyện Bác đến thăm triển lãm ảnh nghệ thuật lần thứ IV năm 1962, Người đã ân cần dặn dò: “Các chú phải đoàn kết thương yêu lẫn nhau, lo lắng cho nhau, đừng kèn cựa nhau về địa vị”, rồi sau đó Bác ghi vào quyển sổ vàng của Ban liên lạc nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam những lời sau: “Các cô, các chú phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu văn nghệ phải gắn với đời sống của nhân dân để “hiểu thấu” tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của nhân dân, từ đó mới phản ánh được thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu và xây dựng xã hội mới. Bởi theo Người, thực tiễn đời sống nhân dân đem lại cho văn nghệ sĩ nguồn sinh khí, chất liệu vô tận để văn nghệ sĩ có thể nhào nặn, thăng hoa, sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, có sức sống, vượt qua giới hạn của không gian và thời gian.

Ngày 07/10/1945, sau khi dự Lễ khai mạc Triển lãm Văn hóa tại trụ sở của Hội Khai trí Tiến Đức, Bác Hồ sang phòng triển lãm tranh của các họa sĩ có tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung... Người nhận xét: “Những bức tranh này tỏ rõ các nghệ sĩ của ta lâu nay đều đã cố gắng tìm một con đường đi. Nhưng tiếc một điều là không muốn đi ở dưới đất mà cứ muốn vụt lên trời; chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt lại quá ít”(6). Trong một lần khác, Bác động viên văn nghệ sĩ sáng tạo ra những tác phẩm văn nghệ “xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta”, trong đó Bác nhấn mạnh “những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới”. Hiện thực mà nghệ thuật phản ánh phải là hiện thực “chân thật”, có như vậy văn chương mới có giá trị thực tiễn. Thấm thía điều này, Bác mong muốn người sáng tạo nghệ thuật phải thấu hiểu tình trạng đất nước, thấu hiểu cuộc sống của nhân dân để có được những tác phẩm tái hiện lại đời sống một cách giản dị chân thành.

Yêu cầu văn nghệ sĩ phải bám sát vào đời sống nhân dân, Bác Hồ cho rằng họ phải chịu khó nghe, hỏi, thấy, xem, ghi chép qua sách báo và các phương tiện thông tin những chuyện trong và ngoài nước để miêu tả, thể hiện có “chừng mực”, “đúng đắn”, để có thể “thật thà”, “chân thành” trong nêu những cái hay, cái tốt cũng như trong việc phê bình và tự phê bình. Bác từng nói với nhà thơ Tú Mỡ: “Đại hội này có nhiều đề tài hay lắm đấy, nên để ý trông tìm, lắng nghe, ghi chép, về viết cho tốt”(7). Bác còn quan tâm nhắc nhở văn nghệ sĩ về cách nói, cách viết, cách thể hiện sao cho hiệu quả, từ viết văn, viết báo, viết khẩu hiệu đến các bài nói chuyện sao cho thiết thực và thấm thía, sao cho thu hút được quần chúng và thuyết phục được họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi văn nghệ sĩ phải xây dựng tác phong làm việc đúng đắn: chịu đựng được gian khổ, chất phác, chống xa rời quần chúng, xa rời thực tế, xa rời chính trị, xa rời lao động. Ngày 07/6/1968, khi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về việc làm và xuất bản loại sách người tốt việc tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một tờ báo có hình vẽ ba cô du kích Hà Nội - Huế - Sài Gòn và nói với các họa sĩ: “Nếu các chú không tin, các chú thử đem hỏi các cháu gái ở mấy thành phố này xem. Chắc các cháu sẽ bảo: Các chú vẽ ai chứ các cháu cầm súng đánh giặc, không bao giờ lại ăn mặc như thế! Bác không giỏi về mỹ thuật nên có thể không đánh giá đúng tranh vẽ của các chú. Nhưng Bác nghĩ rằng nghệ thuật phải gần với cuộc sống, người vẽ không thể tùy ý muốn tưởng tượng ra thế nào cũng được, rồi quần chúng phê bình lại bảo người ta dốt”(8).

Như vậy, phát huy tính chân thật, gạt bỏ chất mộng mơ, người nghệ sĩ trong quan niệm của Bác Hồ phải là người hiểu rõ thời đại mới, đời sống, nguyện vọng của nhân dân, bởi thế mà tất cả các ngành văn học, điện ảnh, âm nhạc, múa, tuồng, hội họa... phải quần chúng hóa và dân chủ hóa. Đây chính là tính dân chủ trong nghệ thuật mà Bác nhấn mạnh. Một lần nữa, lấy nhân dân làm gốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi lĩnh vực trong đó có nghệ thuật, mọi “chiến sĩ” trong đó có nghệ sĩ, phải thực hiện dân chủ trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Không chỉ miêu tả cho thật, cho hay, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu văn nghệ sĩ cần phải miêu tả hiện thực cho “hùng hồn”. Nghĩa là Bác yêu cầu người sáng tạo nghệ thuật phải sắc bén, mạnh mẽ cả trong việc miêu tả, ca ngợi cũng như phê bình những con người chiến đấu, lao động trong xã hội. Sự mạnh mẽ, bạo dạn, sắc sảo trong phong cách nghệ thuật là điều hết sức cần thiết. Theo Bác, đó cũng là lý do để nhân dân còn biết đến người nghệ sĩ. Bản thân Hồ Chí Minh cũng là nhà thơ, nhà văn cách mạng xuất chúng. Là tác giả của nhiều tác phẩm văn chương viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Pháp, Bác đã có đóng góp đáng kể vào văn học Việt Nam trên nhiều thể loại như tiểu thuyết du ký, truyện ngắn, ký, kịch, tiểu phẩm, văn chính luận... Nhiều tác phẩm của Người được đánh giá là ngắn gọn, súc tích, có sức cảnh tỉnh mạnh mẽ, lên án chủ nghĩa thực dân, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và khơi gợi tinh thần yêu nước của nhân dân.

Bên cạnh việc khai thác sự thật, bám sát đời sống lao động, chiến đấu của nhân dân, văn nghệ sĩ không được né tránh sự thật, phải dám phê bình, tố cáo những mặt sai trái của cán bộ cũng như nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu khi phản ánh đời sống, người nghệ sĩ không được làm ngơ hay bỏ qua các ngóc ngách gay cấn. “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời, phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu”(9). Người khẳng định trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những thành tích tốt đẹp là chính còn sót lại “những cái xấu xa của xã hội cũ như: tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu, đánh con, đập vợ... Đối với những thói xấu đó, văn nghệ cũng cần phải phê bình rất nghiêm khắc, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn”(10).

Như vậy, người nghệ sĩ trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, phải giữ vững lập trường tư tưởng, phục vụ kháng chiến, phụng sự nhân dân. Người nghệ sĩ không được tự thỏa mãn mà luôn có ý thức hoàn thiện bản thân, trau dồi đạo đức cách mạng, trung thành với sự thật, sát cánh cùng đời sống nhân dân, không né tránh những sự thật đau lòng, và cần có cá tính sáng tạo và tài năng để tạo ra những tác phẩm có tính thuyết phục. Trước sau như một, Bác Hồ luôn hướng về nước về dân, một lòng vì độc lập, tự do, hạnh phúc và tiến bộ của nhân dân, thể hiện từ quan niệm của Bác về vai trò của văn nghệ, nhiệm vụ của nghệ sĩ cho đến những cống hiến về sáng tác văn hóa, nghệ thuật của chính Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn một nửa thế kỷ nhưng tư tưởng đạo đức của Người cho đến ngày nay vẫn vẹn nguyên giá trị đối với nhân dân Việt Nam nói chung và mỗi người nghệ sỹ nói riêng. Mỗi nghệ sĩ hôm nay phải tích cực học tập, rèn luyện và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh; phải luôn kiên định lập trường, tư tưởng, trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin và sự mong mỏi của Người. Đó cũng là những vấn đề cốt lõi nhất đòi hỏi người nghệ sĩ phải tiếp tục nâng cao “Đức” và “Tài”, nhất là khi đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn này, lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, điện ảnh phát triển sôi động với nhiều thể loại, tác phẩm theo phong cách mới, có tính hiện đại, sáng tạo nhưng mang tính thương mại hóa, lai căng, chạy theo thị hiếu và chưa có được nhiều tác phẩm đi vào chiều sâu, thực sự đáp ứng nguyện vọng của công chúng. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận văn nghệ sĩ; sự du nhập của các xu hướng lai căng, Tây hóa... làm mai một, đảo lộn các giá trị văn hóa truyền thống, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc, làm giảm mức hưởng thụ và năng lực sáng tạo văn hóa của quần chúng. Thực tiễn đó đòi hỏi văn nghệ sĩ hiện nay càng phải nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm chấn hưng nền văn hóa - văn nghệ nước nhà, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Chú thích:

1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 7, tr.246.

3.            Nghệ thuật chân chính để phục vụ nhân dân, https://nhandan.vn, ngày 21/5/2022.

4.            Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với

Hồ Chí Minh, Nxb. Hội Nhà văn, 2010, tập 1, tr.250.

5.            Bác Hồ với các hội nghị văn hóa, văn nghệ toàn quốc, https://baovanhoa.vn, ngày 28/1/2022.

6.            Báo Cứu quốc, số 61, ngày 8/10/1945.

7.            Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Văn học, 1995, tr.158.

8.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 15, tr.667.

9.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 8, tr.206.

10.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 13, tr.504.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)