slider

Chuyến đi Côn Minh của lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh

07 Tháng 04 Năm 2014 / 3155 lượt xem

 

 Đỗ Hoàng Linh

Từ cuối năm 1941, chiến tranh thế giới thứ II đã tiến triển theo hướng thắng lợi của phe Đồng Minh, nhưng chính trong phe này lại nảy sinh mâu thuẫn về tương lai của các thụôc địa sau khi thế chiến kết thúc. Một phái nà đại diện là Thủ tướng Anh Churchill, vì quyền lợi của chính họ đã ủng hộ Pháp quay trở lại Đông Dương. Phái kia theo quan điểm của Tổng thống Mỹ Roosevelt chủ trương cho một số nước tư bản bảo trợ để Đông Dương tự trị sau vài chục năm tới. Nắm được thông tin này, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định gặp phía Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với Việt Minh, qua đó có thể khẳng định vai trò của cách mạng Việt Nam trong phe Đồng minh chống phát xít và góp phần phân hoá sức mạnh cuả hàng ngũ đế quốc. Lúc đó ở Côn Minh, Mỹ có Bộ tư lệnh quân đoàn không quân 14 do tướng Chenault chỉ huy. Nhiệm vụ của lực lượng này là hỗ trợ  bộ binh Trung Quốc đánh quân Nhật, trong các cụôc giao tranh, một số máy bay Mỹ đã bị lực lượng phòng không Nhật bắn hạ trên đất Việt Nam và quân du kích Việt Minh đã cứu giúp được 17 phi công Mỹ, mặc dù vịêc chăm sóc và bảo vệ cho những phi công này rất khó khăn vì điều kiện vật chất thiếu thốn và bọn Nhật thường xuyên lùng sục tìm kiếm.

            Ngày 20.9.1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh về đến Pắc Bó sau hơn một năm bị quản chế ở Liễu Châu. Chỉ mấy tháng sau, để nắm lấy thời cơ giải phóng dân tộc khi chiến tranh đến hồi kết, lãnh tụ Hồ Chí Minh dự định trực tiếp bắt liên lạc với các cơ quan quân sự Mỹ đang đóng ở Trung Quốc. Đầu năm 1945, với giấy phép đi lại do tướng Trương Phát Khuê cấp, Hồ Chí Minh trong bộ quân phục  Quốc dân có Phùng Thế Tài đi cùng đã lên đường đi dọc theo lộ trình mà Người từng đi qua năm 1940 với ý định gặp lại các đồng chí từng hoạt động ở Vân Nam và tiếp xúc với cơ quan của Mỹ ở Côn Minh. Để tranh thủ tình cảm của họ đối với cách mạng Vịêt Nam, Người dẫn theo cả trung uý Shaw,  viên phi công Mỹ này đã đựơc ta cứu thoát sau khi chiếc B25 của anh ta bị bắn rơi trên đất Cao Bằng.  Để hành trình nhanh và tiết kiệm kinh phí, trứơc khi đi Bác bảo mua 1kg thịt lợn, 1kg muối, 1 kg ớt tất cả trộn đều, rang khô cho vào một ống bương, trên đường đi cứ nghỉ ở đâu nấu ăn ở đó. Đồng chí Tài mua gạo, mượn nồi thổi cơm, một bó rau muống nửa lụôc nửa nấu canh với một thìa thịt rang là thành nồi súp ngon. Riêng Shaw được ưu tiên ăn bánh mỳ với thịt luộc mua ở quán, nhưng anh chàng phi công này không chịu nổi đường trường, luôn cà nhắc nhăn nhó rất khổ sở. Đến Tĩnh Tây, đồng chí Tài liên hệ với bản doanh của Trung tướng Trần Bảo Xương (quân Tưởng Giới Thạch) nhờ gọi điện cho tướng Mỹ Chenault, nhắn có đại biểu Việt Minh đến trao trả viên phi công và bàn vịêc hợp tác đánh Nhật, nhưng tay Trần này tráo trở, một mặt luôn miệng cảm ơn, mặt khác âm mưu bắt giữ Bác, vì thế khi biết tin, hai Bác cháu giả vờ ra cổng doanh trại mua thuốc lá rồi quay về ngay trong đêm ấy. (Chuyến đi Côn Minh của Bác Hồ được nhiều tài liệu, chuyện kể nhắc đến nhưng hầu hết đều cho rằng Bác đi một lần thẳng từ Pắc Bó sang Côn Minh, nhưng đ/c Phùng Thế Tài viết cụ thể là Bác quay về Pắc Bó xong mới đi lần hai do viên tướng Trần Bảo Xương tráo trở  như chi tiết trong bài đã viết. Đồng chí Phùng Thế Tài kể: Đến Tĩnh Tây khoảng 3 giờ chiều. Bác bảo tôi và liên hệ với tướng Trần Bảo Xương nhờ gọi điện cho tướng Chenaut ở Côn Minh báo có đại biểu của Vịêt Nam độc lập đồng minh đến gặp trao cho phía Mỹ viên phi công Shaw và bàn việc đánh Nhật. Nhưng Trần Bảo Xương một mặt chiêu đãi cơm rượu 2 bác cháu rất trọng thể, mặt khác khăng khăng nhận tránh nhiệm đưa viên phi công trao trả tận tay người Mỹ. Sau khi chào từ biệt Shaw, Bác chợt nhớ ra để quên mũ ở phòng khách nên bảo đ/c Tài quay lại lấy, không ngờ nghe thấy chúng bàn kế hoạch bắt giữ hai bác cháu nên phải giả cách đi mua thuốc lá để thoát ngay trong đêm. Hai ngày sau, hai bác cháu về tới Pắc Bó). Khoảng hơn một tuần sau,  Bác lại bảo chuẩn bị lên đường và lần này có thêm đ/c Minh –tức là đồng chí Đinh Đại Toàn, người dân tộc Tày rất to khoẻ.

Chuyến đi lần 2 này rất quan trọng và dài ngày nên Bác dặn anh em chuẩn bị rất cẩn thận. Trang phục quần áo, giấy thông hành đều là của Quốc dân cả, lương khô đạm mặn vẫn chế biến như lần trước, lịch trình trên đường cụ thể như  sau: sáng sớm đồng chí Toàn thổi cơm, ăn cơm nóng canh nóng rồi nắm để dành đến trưa, trưa nghỉ ăn cơm nắm, tối tìm nhà trọ lại thổi cơm nóng. Đường rất xa (khoảng 1000 km từ Pác Bó đến Côn Minh), nhiều dốc đèo (có dốc cao gần 3 km buổi sáng sớm ở chân dốc bên này, buổi trưa mới lên tơí đỉnh, xuống dốc bên kia trơì vừa tối). Bác đi dép rơm phồng rộp cả chân, còn hai đồng chí rã rời rệu rạo. Thấy vậy, Bác bày cho cách buổi tối trước khi đi ngủ ngâm chân vào nước tiểu, quả nhiên sáng hôm sau đỡ hẳn mỏi chân. Mất hai tuần đi bộ, Bác cháu tới ga Bixichai, chuẩn bị lên tàu về Côn Minh, nhưng ở trên tàu Bác bị sốt cao nên đến ga Nghi Lương anh em đưa Bác xuống tạm nhà anh Hoàng Quang Bình, cơ sở của ta mở hiệu cắt tóc. Một tuần liền được tiêm ký ninh trực tiếp nên cơn sốt lui dần, mọi người nhất trí đưa Bác đến Côn Minh điều trị tiếp.

Thế là vừa đi bộ vừa đi tàu hoả tới tháng Hai mới đến nơi, anh em bố trí Bác ở nhà anh chị Tống Minh Phương, cơ sở của ta mở tiệm cà phê tại 76 phố Kim Bích, Côn Minh. ( Nhiều tài liệu viết về thời gian đi Côn Minh của Bác là tháng Hai, nhưng quãng đường xa hàng nghìn km như vậy đi bộ phải mất cả tháng, vì vậy Bác phải khởi hành trước tháng Hai và khi đến nơi còn kịp đón tết Ất Dậu tại Côn Minh ngày 12.2.1945. Hầu hết các tài liệu chính thống đều nói đến sự kiện này nhưng lại vẫn nói là tháng 2.1945 Bác bắt đầu khởi hành hoặc cuối tháng 2, như thế Bác chỉ đi  1 tuần đường bộ thì không đúng với diễn biến chi tiết các đồng chí đi cùng Người đã kể lại, cũng như hồi ký của chị Tống). Mọi người dồn sức chữa thuốc và bồi dưỡng sức khỏe cho Bác nhưng Người ăn uống rất thanh đạm, chỉ chăm chú làm vịêc. Mấy tháng ở Côn Minh, Bác rèn luyện và sinh hoạt rất đều đặn. Hàng ngày Bác dậy từ 5 giờ sáng chạy dọc đường mương tập thể dục. Đến 7 giờ, Bác xuống giúp kê dọn cửa hàng và phụ  bán bánh mỳ lúc đông khách. Chiều 30 tết Ất Dậu, Bác đi thăm vài cơ sở hoạt động của ta. Đêm giao thừa, trong tiếng pháo nổ râm ran, pháo thăng thiên vút lên sáng rực cả bầu trời Côn Minh, Bác vẫn cặm cụi làm việc. Sáng mồng 1, Bác mời các gia đình Việt kiều tiêu biểu đến gặp mặt. Người nói: “Năm nay cách mạng Vịêt Nam có nhiều thuận lợi. Bây giờ ta phải đoàn kết, phải ủng hộ cách mạng, ủng hộ đoàn thể. Nhất định cách mạng Việt Nam sẽ giành thắng lợi”. Sau đó, rất nhiều kiều bào ta đã quyên tiền, mua súng đạn gửi về chiến khu và không ít người tình nguyện về nước hăng hái tham gia kháng chiến.

Mấy hôm sau thì bắt liên lạc đựơc với Đồng minh và bắt đầu gặp gỡ bàn việc cụ thể. Buổi gặp đầu tiên, Mỹ đã cử trung uý Charles Fenn, đại diện cơ quan cứu trợ không quân(AGAS) đến gặp Bác lần đầu vào chiều 17-3-1945 tại hiệu cà phê của anh chị Tống để bàn việc hợp tác giữa hai bên, phía Mỹ đem theo cả rượu Whisky, bánh quy, thuốc men, hoa và đôla để cảm ơn Người đã cứu Shaw, nhưng Bác nói: “Hoa, rượu, bánh và đôla rất quý nhưng chúng tôi là Mặt trận Việt Minh có chiến khu, có quân đội, đứng bên cạnh Đồng Minh chống phát xít. Quân đội chúng tôi còn rất nhỏ bé, chỉ có mấy thanh mã tấu và mấy khẩu súng kíp. Giá bây giờ, Shaw và các bạn cho chúng tôi đổi những thứ này lấy súng đạn thì quý biết bao!”.  Phen trả lời: “ Việt Minh có chiến khu, có quân đội lại sẵn sàng cùng quân Đồng Minh đánh phát xít thì tốt quá… Nhưng ông Chủ tịch Việt Minh cần gặp Tư lệnh không quân chúng tôi ở Hoa Nam, Trung tướng Chenault để thương lượng. Nếu Tư lệnh đồng ý, chúng tôi sẽ giúp bằng mọi cách và sẽ hợp tác cùng Việt Minh nhiều mặt khác nữa”. Tiếp theo là những cuộc gặp với các sĩ quan Hall, Glass, Sibour thuộc cơ quan phục vụ chiến lược(OSS). Phía Mỹ nhận cung cấp các phương tịên thông tin liên lạc, người sử dụng và đồng thời huấn luyện cho ta. Phía ta đồng ý cung cấp địa bàn hoạt động cho Đồng minh.  Hôm sau, phía Mỹ đề nghị cử ngay một số thanh niên để họ hướng dẫn kỹ thuật tình báo và nhảy dù để họ thả vào Việt Nam thu lượm tin tức của Nhật. Do Fenn thu xếp nên ngày 23-3, Hồ Chí Minh hội kiến với tướng  Chenault, Tư lệnh tập đoàn không quân Mỹ 14 tại tổng hành dinh. Mọi việc giao dịch được Bác giao cho đồng chí Phạm Việt Tử rất giỏi tiếng Anh phụ trách. Khi thuyết phục đựơc Chenault về tình cảm trên danh nghĩa của những người ủng hộ phe Đồng minh, Bác mới vào vấn đề chính: “Hiện nay phong trào du kích của chúng tôi rất phát triển nhưng vũ khí, thúôc men đều thiếu thốn. Chúng tôi đề nghị các ngài tạo điều kiện để hai nước chúng ta có đầy đủ điều kiện mau chóng đánh bại phát xít Nhật”. Tướng Chenault hoàn toàn ủng hộ ý kiến của Bác và hứa sẵn sàng giúp đỡ. Kết thúc buổi gặp, ông ta đã tặng Hồ Chí Minh một tấm ảnh đề chữ phía dưới: “Bạn chân thành của Ngài, Chenault”, điều đó chứng tỏ Bác chủ động nắm vững mục đích của mình và thái độ cùng sự uyên bác của Người đã chinh phục được đối tượng. (Nhiều tài liệu nhắc đến cuộc gặp gỡ với phía Mỹ ngày 20.3.1945 nhưng thực ra còn mấy lần gặp nữa mang nhiều nội dung khác nhau vào các ngày: 17.3; 23.3; 29.3). Cùng thời gian này, Hồ Chí Minh tham dự đại hội các đoàn thể hải ngoại của Đồng minh Hội họp từ 25 đến 28.3. Thực chất đây là đại hội cải tổ theo sự chỉ đạo của Trương Phát Khuê, đưa thêm 2 thành viên của Đảng Cộng sản Đông dương là Hồ Chí Minh và Lê Tùng Sơn vào Ban chấp hành Hội.  Ngày 29-3, tướng Chenault sai Fenn đi ô tô đến nhà anh Tống đưa Bác đi họp, thực ra phía Mỹ đề nghị Bác làm việc cho họ, nhưng Người trả lời: “ Chúng tôi không phải người đi làm thuê. Chúng tôi là người cách mạng. Chúng tôi đánh Nhật, Đồng Minh cũng đánh Nhật. Chúng tôi giúp Đồng Minh thì Đồng Minh phải giúp chúng tôi. Chúng ta bình đẳng với nhau. Còn nhiệm vụ cách mạng, chúng tôi cứ làm...”. Tiếp đó tướng Chenault mở tiệc chiêu đãi Bác và phái đoàn ta tại khách sạn. Quan khách được mời dự tiệc khá đông, toàn những nhân vật cỡ bự: tướng Lư Hán, Tư lệnh quân Tưởng ở Vân Nam, tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh đệ tứ chiến khu, Long Vân tỉnh trưởng Vân Nam... Hồ Chí Minh nói chuyện với các tướng Mỹ bằng tiếng Anh, với các tướng Tưởng bằng tiếng Trung Quốc phổ thông và khi nâng cốc chúc sức khoẻ, Bác nhắc khéo Trương Phát Khuê: “Rất tiếc là không gặp được tướng quân khi đến Côn Minh. Tôi có nhờ Trần Bảo Xương địên cho tướng quân biết trước để xin vài lời chỉ giáo, nhưng không hiểu sao ông ta lại không báo cáo gì với tướng quân ?!”. Sau bữa chiêu đãi của phía Mỹ mấy hôm, Bác bàn bạc với tất cả anh chị em : “Chúng ta đàng hoàng là phái đoàn của Việt Nam độc lập Đồng minh sang đàm phán với Mỹ để hợp tác đánh Nhật. Sau khi hội đàm thắng lợi, họ đã chiêu đãi ta, ta cũng nên chiêu đãi họ: tuy ta không có nhiều tiền nhưng ta tỏ cái tâm là chủ yếu”. Thế là bưã chiêu đãi của đoàn ta được tổ chức ngay tại gác hai quán cà phê anh chị Tống Minh Phương. Không nhiều món sang trọng đắt tiền,  chỉ là những món ăn phương Đông do chị Tống tự tay chế biến, nhưng cả 6 khách mời và 6 người bên ta đều tấm tắc khen ngon. Không khí buổi tiệc hết sức thân tình, sau mỗi câu nói dí dỏm của Bác, các tướng Mỹ đều cười rất sảng khoái.

            Sáng hôm sau, phái đoàn ta lên đường về nước. Tướng Chenault cho xe đến tận nhà đưa Bác ra sân bay, cùng đi còn có hai bạn đồng minh F.Tan (người Mỹ gốc Hoa) và Maxim (phụ trách địên đài). 9 giờ sáng máy bay hạ cánh xuống sân bay Bách Xắc, Bác gặp Trương Phát Khuê cùng đồng chí Hoàng Quốc Vịêt dẫn đầu đoàn đại biểu Vịêt Minh đang bàn kế hoạch chống Nhật ở đó. Bác cũng đề đạt nguyện vọng xin cho một số học viên vừa tốt nghiệp trường quân sự về nước để tăng cường lực lượng kháng chiến, tướng Trương cũng hoàn toàn nhất trí. (Cuộc họp của Uỷ ban hành động Việt Nam cách mạng Đồng minh Hội do tướng Tiêu Văn chủ trì tại Bách Xắc từ ngày 14.4 đến 17.4 cũng chưa có tài liệu nào nói cụ thể). Ngày 14.4, Người tham gia Uỷ ban hành động của Việt Nam cách mạng Đồng minh Hội do tướng Tiêu Văn, Trưởng phòng ngoại vụ của đệ tứ chiến khu chỉ định thành lập. Chiều ngày 16.4, Uỷ ban họp lại, thành phần đoàn bên ta gồm: Ông Hồ Chí Minh, Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu, Dương Đức Hiền, Trịnh Khiêm, Nguyễn Thanh Đồng, Lê Tùng Sơn, hai bố con cụ Đinh Chương Dương, Đinh Trọng Cung và sĩ quan bảo vệ Lưu Minh Đức. Phía Phục quốc quân có: Bồ Xuân Luật, Vũ Kim Thành. Đồng minh Hội có: Nguyễn Tường Tam, Hoàng Kỳ Nam. Đảng Đại Việt có Văn Chí và đại diện phía Trung Quốc là tướng Tiêu Văn. Nội dung bàn bạc khá găng, Bồ Xuân Luật nói to chỉ trích Bác: “ Ông uỷ viên Hồ Chí Minh làm nhiều việc vô nguyên tắc như: lôi kéo thanh niên về nước không báo cáo Hội; lấy tiền của Hội chuẩn bị về nước; đưa chủ lực qua biên giới nấp cũng không báo cáo Hội?”. Bác đứng dậy điềm tĩnh trả lời: “ Ông Bồ uỷ viên bổ ba búa đều trượt. Búa thứ nhất bảo tôi lôi kéo thanh niên về nước nhưng thanh niên yêu nước xin về chứ có phải trẻ con đâu mà lôi kéo được? Búa thứ hai bảo tôi lấy tiền của Hội nhưng không phải, tôi chỉ vay trước thôi, bởi đã có ngân khoản tướng Trương Phát Khuê biếu, tôi đợi tướng Tiêu Văn ký, tôi sẽ lĩnh tiền trả Hội. Búa thứ ba là về nấp ở biên giới không báo cáo, vậy đề nghị ông Bồ uỷ viên gợi ý dàn bài cho tôi viết báo cáo nộp Hội?”. Ngày 17-4 kết thúc cuộc họp, Người cùng 20 thiếu sinh quân, hai người bạn đồng minh và anh em khiêng giúp 2 máy phát điện, điện đài, đồ  quân dụng đi Điền Đông, Tĩnh Tây. Tại đây Bác gặp lại Patti, ông này rất có cảm tình với Người, sau này ông ta viết trong hồi ký: “Đây là một con người thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình, biết đùa và tinh tế. Tôi biết mục tiêu cuối cùng của ông là giành được sự ủng hộ của Mỹ đối với sự nghiệp của nước Việt Nam tự do...”. Sau đó, Bác và đoàn cán bộ 12 người trang bị lỉnh kỉnh súng, đạn kèm theo giấy, mực in và lương khô... tiếp tục đi theo đường Bình Mãng, Cột Mà mất một tuần, nửa đêm ngày 22-4 mới về đến biên giới nước ta. (Thời gian Bác cùng đoàn cán bộ và quân Đồng Minh về đến biên giới nước ta, nhiều tài liệu chỉ viết chung là cuối tháng Tư, chứ chưa khẳng định chính xác là đêm ngày 22.4.1945).

Ba tháng sau, thiếu tá Tomat cùng bịêt đội Con Nai của Mỹ nhảy dù xuống Kim Lung, trong thời gian này Mỹ cũng đã thả dù tiếp viện xuống Vịêt Bắc và đưa từ Nam Ninh sang một số vũ khí nhẹ, thuốc men cho Vịêt Minh. Phía ta cũng cung cấp cho họ những tài liệu rất quan trọng về tình hình quân Nhật, giúp tìm những người Mỹ đang lạc trong rừng Tuyên Quang, Patti đã nhận xét: “Hồ Chí Minh đã giữ lời hứa”. Khởi đầu sự hợp tác Vịêt – Mỹ có kết quả như vậy, nhưng bản chất của một nứơc tư bản đế quốc không dễ thay đổi, nên không thể tiến tới một quan hệ tốt đẹp hơn. Mãi cho đến lúc chết, ngày 12-4-1945, Tổng thống Roosevelt vẫn không có được một quyết định dứt khoát cho Đông Dương và do vậy vịêc công nhận Việt Minh cũng chưa thành văn bản./

 

Tài  liệu tham khảo:

 

 

1.       Hồ Chí Minh- chiến sỹ cách mạng quốc tế. NXB Quân đôị nhân dân 2001

2.       Bác Hồ- những kỷ niệm không quên. NXB Quân đội nhân dân 1996

3.       Chương II cuốn hồi ký: Con đường theo Bác. NXB Thanh Niên 2003.

4.       Bác Hồ tiếp xúc với tình báo đối phương. NXB Đà Nẵng, 1990

5.       Người đầu tiên bảo vệ Bác. NXB Quân đội nhân dân, 1998

6.       Hồi ký của ông Lưu Minh Đức (tức Lưu Khải Hoàn- nguyên báo vụ viên kiêm bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh) hiện lưu tại Văn phòng Trung ương Đảng.

7.       Tài liệu tổng kết hoạt động của Việt kiều ở Vân Nam và Quảng Tây, bản đánh máy 1990 hiện lưu tại Phòng Tư liệu Viện Hồ Chí Minh.

8.       Ch.Fenn: Hồ Chí Minh - A biographical introduction; London 1973

9.       A. Patti: Why VietNam?  Los Angeles 1980

 

 

 

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)