slider

Chuyện kể Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm đảo Hải Nam, Trung Quốc

07 Tháng 08 Năm 2020 / 518 lượt xem

Đặng Quang Huy

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tình cảm hết sức đặc biệt đối với cách mạng và nhân dân Trung Quốc. Người tham gia sôi nổi vào phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quốc và tạo dựng mối quan hệ mật thiết với nhiều bạn bè, đồng chí, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc. Những đồng chí đó có người từng là bạn chiến đấu với Người từ lúc còn rất trẻ, cùng hoạt động trong cách mạng quốc tế đến khi trở thành những nguyên thủ quốc gia, tình bạn ấy càng được gắn bó mật thiết, cùng trợ giúp nhau trên con đường đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của mỗi dân tộc.

Ngày 18/01/1950, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bắt đầu thời kỳ chính thức đặt mối quan hệ ngoại giao cấp nhà nước. Cũng chính sự kiện này đã góp phần thúc đẩy hàng loạt các nước tiến bộ khác trên thế giới công nhận Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà quan trọng nhất là anh cả Liên Xô trong phe các nước xã hội chủ nghĩa. Hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường trao đổi thư, điện với các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Từ năm 1954 đến năm 1969, Người đã nhiều lần sang thăm Trung Quốc không chỉ theo nghi lễ ngoại giao mà còn dưới danh nghĩa là “đi nghỉ” để hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Đầu tháng 10 năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nghỉ ở Hải Nam - hòn đảo ngọc của Trung Quốc. Người nghỉ ở đây gần một tháng. Tại đảo Hải Nam, Người đã được các đồng chí lãnh đạo chính quyền khu Hải Nam (thời kỳ ấy Hải Nam trực thuộc tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc) đưa đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh, thăm nhà máy, nông thôn, cơ quan, đơn vị quân đội, cửa hàng thương nghiệp, vườn trẻ và học viện cây nhiệt đới.

Tại núi Ngũ Chỉ phong cảnh tuyệt đẹp, Người đã thưởng ngoạn những điều kỳ diệu của thiên nhiên, mải mê ngắm cảnh. Trông thấy bà con dân tộc Lê cần cù làm ruộng, Người cảm động nói với các đồng chí Trung Quốc cùng đi: “Các dân tộc thiểu

số ở Trung Quốc cũng như người Hán, họ lao động cần cù và khó nhọc để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nước Việt Nam chúng tôi có rất nhiều dân tộc thiểu số. Bà con dân tộc thiểu số đã cùng với người Kinh góp phần rất lớn vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng Tổ quốc”.

Đến thăm Lộ Hồi Đầu, Người lập tức bị cuốn hút vào phong cảnh đẹp ở đây. Người yêu cầu các đồng chí Trung Quốc cùng đi kể lại truyền thuyết Lộ Hồi Đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú nghe và tỏ vẻ hứng thú với câu chuyện. Nghe xong, Người im lặng như suy nghĩ một điều gì. Một lát sau, Người nói: Ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam cũng có những truyền thuyết đẹp đẽ và cảm động như thế. Những truyền thuyết đó đã phản ánh tâm hồn đẹp và những mơ ước về cuộc sống tự do hạnh phúc của người lao động.

Khi đến thăm vùng đất mang tên “Thiên nhai hải giác” (có nghĩa là chân trời góc biển), Người vòng cánh tay sau lưng, đi đi lại lại, ngắm kỹ những dòng chữ mà người xưa đã khắc trên vách đá: “Thiên nhai”, “Hải thoát thiên không” (Biển trời mênh mang). Người lại xem dòng chữ “Hải giác” (góc biển) và “Nam thiên nhất trụ” (Cây cột trụ ở phương Nam) khắc trên bia đá ở rừng bia. Người quay lại ngắm nhìn biển cả dào dạt và vui vẻ nói với mọi người: “Hôm nay tôi đã thực sự bước chân tới chân trời góc biển rồi!”. Khi thấy một số ngư dân đang kéo lưới gần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi han tình hình sản xuất và đời sống của họ.

Những ngày đến thăm và nghỉ ở đảo Hải Nam, không một giờ phút nào Chủ tịch Hồ Chí Minh xa quần chúng nhân dân. Người đã tận dụng mọi cơ hội để đến với quần chúng. Khi đến thăm nông trường Hồng Quang trên đảo Hải Nam, Người đã đến thăm một gia đình công nhân trồng cao su và để lại những hình ảnh tốt đẹp khó quên cho người dân Hải Nam. Hôm đó, hơn một nghìn cán bộ và công nhân nồng nhiệt đón Người. Đồng chí cán bộ phụ trách nông trường đã đưa Người đi thăm quan nông trường. Người rất vui khi thăm vườn cao su, vườn cà phê, vườn hồ tiêu và trại thí nghiệm các loại cây nhiệt đới. Người vừa thăm quan vừa thăm hỏi tình hình về mọi mặt. Cuối cùng, Người nói với một đồng chí Trung Quốc đi bên cạnh: “Nào! Chúng ta đi thăm một gia đình công nhân cao su!”

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cả đoàn cán bộ vui vẻ bước vào gia đình nữ công nhân cao su Lâm Á Phượng. Cả nhà vô cùng mừng rỡ ra đón Người, ríu rít nói to: “Kính chào Bác Hồ! Kính chào Bác Hồ!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi xuống hỏi thăm gia đình. Người hỏi: “Cháu quê ở đâu?”. Khi nghe trả lời là người Hải Nam, Người vui vẻ nói: “Hay lắm! Sinh ra ở đảo ngọc, lớn lên ở đảo ngọc, cống hiến sức mình cho đảo ngọc, đâm rễ, nở hoa, kết quả ở đảo ngọc này!”.

Chị Lâm Á Phượng lấy kẹo dừa và cà phê của gia đình ra mời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “Không phải khách khứa gì! Chúng ta nói chuyện thoải mái thôi!” Chị Lâm Á Phượng đã báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về hai mảnh rừng cao su do chị chăm sóc mỗi năm đạt sản lượng hơn 34.000 kg mủ cao su, mỗi cây đạt sản lượng khoảng 10 kg cao su. Người vui và ngạc nhiên nói: “Sản lượng đó so với nơi khác là gấp đôi rồi!” Người hỏi rất tỉ mỉ những biện pháp để đạt được sản lượng cao như thế. Chị Lâm Á Phượng lần lượt trả lời từng câu hỏi của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn hỏi Lâm Á Phượng về tình hình gia đình. Đồng chí phụ trách nông trường đã thay lời chị báo cáo với Người rằng liên tục mấy năm qua Lâm Á Phượng đều được bầu là công nhân xuất sắc và được thưởng tới hàng nghìn đồng. Người rất vui, hỏi Lâm Á Phượng: “Bây giờ thu nhập cao rồi, đời sống khá rồi, cháu còn mua sắm gì nữa, có muốn đi nước ngoài chơi không?”. Lâm Á Phượng đáp: “Thưa Bác! Thu nhập khá rồi nhưng vẫn còn phải dùng một ít vốn để mở rộng sản xuất, lại còn phải chu cấp cho các cháu đi học. Sau này khá hơn mới đi nước ngoài chơi được ạ!”. Người gật đầu vui vẻ nói: “Đúng đấy! Cháu nói đúng đấy!”.

Buổi trưa hôm đấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn bữa cơm giản dị với gia đình Lâm Á Phượng. Lúc ra về, Người còn khen ngợi tài nghệ nấu nướng của chị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam và cũng là người bạn lớn thân thiết của nhân dân Trung Quốc, Người đã dày công xây dựng và vun đắp mối tình hữu nghị vừa là đồng chí vừa là anh em giữa nhân dân ta và nhân dân Trung Quốc. Trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ mối quan hệ thân thiết, chân tình với các nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc. Truyền thống đáng quý này đang được Đảng và nhân dân hai nước tiếp tục giữ gìn, kế thừa, phát huy, cùng nhau mang lại hoà bình, hạnh phúc, thịnh vượng cho nhân dân hai nước Việt - Trung.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)