slider

CHUYỆN KỂ VỀ NHỮNG NGƯỜI CON NUÔI CỦA BÁC HỒ

15 Tháng 09 Năm 2011 / 7916 lượt xem
Ths. Nguyễn Thị Ngọc Dung
Đại học Thuỷ lợi Hà Nội
            Dành sự yêu thương và quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng là một trong những nét đẹp của nhân cách Hồ Chí Minh. Tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đầy ân tình của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với những người con nuôi của mình qua những câu chuyện kể, những lời căn dặn và những bức thư của Người càng làm ngời sáng chân dung một vị lãnh tụ hết lòng yêu thương và quan tâm đến con trẻ.
Chuyện kể rằng, năm 1946, với vị thế thượng khách của nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hoà Pháp. Trong chuyến thăm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Raymông Ôbrắc - cựu Ủy viên Cộng hoà ở Mácxây, nghị sĩ Quốc hội Pháp. Ông Raymông Ôbrắc ngỏ ý mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình mình ở 190 đường Soisy sous Montmorency, quận Seine et Oire2, cách Thủ đô Pari 10 km. Vui vẻ nhận lời, Người nói: "Tôi sẽ sung sướng nếu được đến thăm vườn của ông, ông bạn thân mến ạ. Vậy tuần sau, vào giờ uống trà buổi chiều tôi đến thăm gia đình ông được chứ?"1.
 Sau đó, Người chuyển về ở trong căn nhà và khu vườn nhà ông Ôbrắc. Ngày 15 tháng 8 năm 1946, bà Luyxi sinh một bé gái, đặt tên là Êlidabét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến bệnh viện thăm hai mẹ con bà, tặng quà và nhận Êlidabét làm con đỡ đầu (Người gọi Êlidabét là Babét -Babette). Gia đình ông Ôbrắc vô cùng vui sướng và hạnh phúc.
Những năm sau đó, giữa bộn bề công việc của một nguyên thủ quốc gia, Người vẫn thường gửi thư và quà tới ông bà Ôbrắc và con gái đỡ đầu của mình mỗi dịp sinh nhật Babét. Quà của Người giản dị, dù đó chỉ là quả cầu nhỏ hay một con trâu bằng ngà, là một bức ảnh chân dung của Người hay một đồng tiền vàng có mang hình Người nhưng chứa đựng trong đó tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Người. Món quà đặc biệt mà Babét nhận được từ người cha đỡ đầu, chính là tấm lụa vàng để may áo cưới. Những món quà tặng của người cha đỡ đầu được Babét giữ gìn như những kỷ vật, và theo Babét, đó là những “kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong đời” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho chị.
Ông Raymond Aubrac từng nhiều lần sang thăm Việt Nam, và gần đây nhất, từ ngày 27/8đến ngày 04/9/2007, Raymond Aubrac - người bạn Pháp thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và con gái Elizabeth được Người đỡ đầu đã sang thăm Việt Nam. Ông Raymond Aubrac và con gái đã đến chào Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Trong cuộc gặp này, Chủ tịch nước bày tỏ lòng biết ơn đối với tình cảm gắn bó, sự đóng góp to lớn của ông và gia đình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với nhân dân Việt Nam...
Chuyện cũng còn kể rằng, Ma đơ len Rípphô, nhà báo nữ tài năng của nước Pháp cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu quý và “sẵn sàng đón con bất cứ lúc nào, như đón con gái Bác!”2. Trong những năm nhân dân Việt Nam kiên cường đánh Mỹ, Ma đơ len Rípphô đã có mặt ở Việt Nam, từng cùng nhà báo Úc Bớt sét vượt đường Trường sơn vào tận Tây Ninh. Kết quả của chuyến đi thực tế đó là cuốn sánh “Trong căn cứ Việt Cộng”. Cuốn sách đã nhận được giải thưởng của Tổ chức các nhà báo OIJ năm 1966 và Ma đơ len Rípphô đã gửi tặng người cha tinh thần của mình “với sự biết ơn sâu sắc và tất cả lòng yêu mến của con đối với Người”. Cũng vào năm 1966, cuốn phóng sự nổi tiếng “Ở miền Bắc Việt Nam viết dưới bom đạn” được chị viết khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam đã được độc giả đón đọc ở nhiều nơi trên thế giới. Người con nuôi của Bác Hồ đã gửi tặng Người cuốn phóng sự đó “với tất cả tấm lòng con”. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trong bài viết “Bác Hồ đi giữa mùa thu” đăng trên báo Nhân đạo, người con gái nuôi thảng thốt tự hỏi lòng mình: Chủ tịch Hồ Chí Minh lần này có thật là Người ra đi vĩnh viễn không?
 Knuth Wolfgang Walther Hartmann ở miền nam nước Đức sinh ngày 19/5/1951, có ngày sinh trùng với ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm con đỡ đầu sau khi Người nhận được bức thư của ông bà Walter R. Harlmann, cha mẹ của Knuth gửi tới. Trong thư, cha mẹ của Knuth bày tỏ tình cảm, ủng hộ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam và xin Người nhận Knuth Wolfgang Walther Hartmann làm con đỡ đầu.
 Tại căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời ông bà Hartmann. 5 tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư, ông bà Hartmann đã nhận thư trả lời của Người, được đánh máy trên giấy với nội dung:
 
"CHỦ TỊCH PHỦ
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập Tự do Hạnh phúc
 
Gởi:                                     Bà và ông Walther R. Hartmann
                                            Postamtsvorsteher
                                                E. Thalmanr – Strasse 13
                                                Sebaitz (Sachs)
 
Tôi thân ái mừng bà và ông vừa có cháu trai là Knuth Wolfgang Walther Hartmann.
Tôi cảm ơn bà và ông đã gửi thư và ảnh cho tôi. Và tôi rất vui lòng nhận cháu làm con đỡ đầu. Tôi gởi biếu cháu một bức ảnh nhỏ và một đồng Việt Nam để làm kỷ niệm. Tôi chắc rằng ở trong nước Đức dân chủ nhân dân và dưới sự chăm sóc của Chủ tịch W. Pieck và của Đảng, bà và ông sẽ nuôi dạy cháu mau lớn, vui vẻ, mạnh khoẻ, mai sau cháu sẽ thành một chiến sỹ tốt trong sự nghiệp phát triển nước Đức xã hội chủ nghĩa, gắn chặt tình thân thiện giữa hai dân tộc Đức - Việt và giữ gìn dân chủ cùng hoà bình thế giới.
Tôi gởi bà và ông lời chào thân ái, và gởi cháu nhiều cái hôn.
                                                             VIỆT NAM. 15-9-51
                                                                  HỒ CHÍ MINH”3
   Nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình ông Hartmann vô cùng xúc động. Ngày 19 tháng 5 năm 1954, khi Knuth Wolfgang Walther Hartmann tròn 3 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng gia đình ông Hartmann một bức ảnh Ngườii chụp chung với một bé gái. Phía sau ảnh, Người viết:
"Thân ái gởi con đỡ đầu yêu quí Knuth Wolfgang W. Hartmann. Việt Nam, 19-5-1954 - Hồ Chí Minh"4.
  Tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho gia đình ông Harmann và Knuth, đặc biệt là những bức ảnh chụp chung ở làng Mô rít xbuốc trong dịp Người sang thăm Cộng hoà dân chủ Đức (7/1957) luôn được trân trọng, được lưu giữ như những kỷ vật, dù giờ đây người con trai đỡ đầu Knuth của Người đã gần 60 tuổi.
   Không chỉ có Elizabeth, Madelene Riffaud và Knuth, cô bé người Nga, Irina Đimitơriépna Đênia, sinh năm 1958, là con của gia đình Điôminnưi, ở thành phố Giucốpxki, ngoại ô Mátxcơva cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm con đỡ đầu. Với tấm lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, vợ chồng Điôminnưi viết thư gửi Người: "Chúng cháu được biết, tình yêu của Người đối với trẻ em và của trẻ em đối với Người vô cùng sâu sắc. Theo phong tục Nga cổ truyền, một phong tục tốt đẹp ở nước Nga, chúng cháu chân thành đề nghị Người làm cha đỡ đầu của đứa con nhỏ của chúng cháu - con gái tên là I-ri-sơ-ca"5.
   Không lâu sau ngày gửi thư, gia đình Điôminnưi đã nhận được thư trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cô An-na Xta-xi-a Va-xi-lép-na và chú Đi-mi-tơ-ri Gơ-ri-gô-rê-vích thân mến!
Tôi đã nhận được thư của cô chú và chân thành cảm ơn cô chú đã mời tôi làm cha đỡ đầu cho con gái của cô chú. Tôi mong rằng sự nhận lời của tôi sẽ thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết anh em giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên Xô.
Hôn con gái đỡ đầu bé nhỏ của tôi và chúc cháu được mạnh khoẻ, hạnh phúc, chúc cô chú đạt nhiều thành tích trong công tác, trong cuộc sống.
                                                                            Chào thân ái
                                                                           HỒ CHÍ MINH"6.
   Cùng với lá thư, Người còn gửi kèm một bức chân dung của Người, trên đó viết dòng chữ Nga: "Hôn con I-ra-sơ-ca, chúc con mạnh khoẻ và hạnh phúc!
                                                                         Cha nuôi Hồ"7.
   Tháng 5 năm 1960, gia đình Điôminnưi nhận được thư tiếp theo của Người, trong đó viết: "Tôi đã nhận được thư của cô chú.
Tôi gửi lời chào thắm thiết nhất tới bé I-ra-sơ-ca. Chúc bé khoẻ, hạnh phúc.
                                                                                   Hônbé                                                                                                        HỒ CHÍ MINH"8.
   6 tháng sau (11/1960), Irasơca và bố mẹ đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Alếchxây Tônxtôi, nhân dịp Người cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang Mátxcơva dự lễ kỷ niệm lần thứ 43 cách mạng XHCN Tháng Mười vĩ đại. Cuộc gặp gỡ đã diễn thân mật và giản dị, sau đó, Người mời gia đình Irasơca cùng ăn trưa với Người.
Còn tại đất nước Trung Quốc láng giềng, nữ ca sĩ Đỗ Lệ Hoa, người từng hát rất hay bài hát Tiếng đàn Tơ rưng bằng tiếng Việt cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ngợi khen và nhận chị “làm con của Người”. Theo lời kể của chị, mỗi lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Trung quốc, Người đều hỏi thăm chị và chị lại có dịp được hát cho Người nghe bài Lãnh tụ ca, bài Làng tôi,..
Chuyện kể về những người con của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ thiếu, nếu như không nhắc đến Hoàng thân Xuphanuvông - một Hoàng thân của Hoàng tộc Lào, vị lãnh tụ của nhân dân Lào. Dù chỉ hơn Hoàng thân 19 tuổi (Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh 1890, Hoàng thân sinh 1909), nhưng cuộc gặp gỡ định mệnh mùa thu năm 1945 giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân; sự quan tâm, tình thương yêu của Người dành cho Hoàng thân; lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ của Hoàng thân với Người được lưu truyền trong nhiều câu chuyện kể, đặc biệt là trong Hồi ký của người con trai út Xi na va (tên Việt Nam là Chí Long) đã cho ta biết Hoàng thân kính trọng gọi Người là “PapaHồ”.
Cũng theo Hồi ký của Chí Long, dù đang hoạt động bí mật, hay từng chịu cảnh tù đầy trong nhà ngục Phôn Khênh, Hoàng thân Xuphanuvông vẫn luôn luôn nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh Người luôn hiện lên trong trái tim Hoàng thân, và ông đã vẽ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để tặng người vợ của mình. Và tại ngôi nhà của Hoàng Thân ở Viêng Chăn, anh Chí Long kể rằng: trong ngăn bàn của phòng làm việc có hai chiếc phong bì. Một phong bì, Hoàng thân đề bên ngoài “với hai ta”, lưu giữ những bức ảnh ông chụp cùng người vợ Việt Nam của mình; còn chiếc thứ hai, bên ngoài đề “với Papa Hồ”, lưu giữ những bức ảnh Hoàng thân chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha tinh thần của ông như ông từng gọi theo tiếng Nga. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, một ngày 19/5 Hoàng thân nói với Xivana: “Hôm nay là ngày 19 tháng 5. Con đi mua hoa tươi, trái cây để ta thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ”9.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa vừa tròn 40 năm (1969-2009), song tình cảm, lòng yêu thương con trẻ của Người vẫn được truyền lại qua những câu chuyện kể cả ở trong và ngoài nước. Trái tim nhân hậu, tình thương yêu vô bờ bến của Người đối với thanh thiếu niên và nhi đồng, đặc biệt là niềm hạnh phúc của mỗi người khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm con nuôi, con đỡ đầu vẫn luôn làm chúng ta xúc động. Người là hiền nhân, dù vinh quang đến tột đỉnh, Người vẫn giản dị, chân thành trong từng cách xử thế, trong từng câu chữ của những bức thư gửi cho những người con đỡ đầu, con nuôi của mình.
Đem đến cho họ, những người con nuôi, con đỡ đầu tình cảm nồng hậu của người cha tinh thần, Hồ chí Minh - vị nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã coi nguyện vọng của Khổng Tử nêu trong Luận ngữ là nguyện vọng của mình, trong dó không chỉ đem lại sự nghỉ ngơi cho người già, đem lại lòng tin cậy cho bầu bạn, mà còn đem lại tình yêu thương cho con trẻ, vì rằng. “Người không phải như mọi con người khác. Người là Hồ Chí Minh”10.


1 Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Nxb. QĐND, H, 2000, tr. 8
2 Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Sđd, tr. 36
3 Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Sđd, tr. 27
(Bức thư in nghiêng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có trong Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử và Hồ Chí Minh Toàn tập)
4 Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Sđd, tr. 28
5 Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Sđd, tr. 53
6 Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Sđd, tr. 55
(Bức thư in nghiêng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có trong Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử và Hồ Chí Minh Toàn tập)
7 Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Sđd, tr. 55
8 Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Sđd, tr. 56
(Bức thư in nghiêng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có trong Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử và Hồ Chí Minh Toàn tập)
9 Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Sđd, tr. 124
10 I ri na Lépsen cô, Báo Sự Thật, Liên Xô, ngày 7/9/1969

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)