slider

Chuyến thăm Liên Xô tháng 7/1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những tư liệu lịch sử

14 Tháng 11 Năm 2019 / 3380 lượt xem

ThS. Cao Thị Hải Yến
PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 
Vận mệnh của dân tộc ta gắn liền với thắng lợi của cách mạng  tháng  Mười  và  đất nước của Lênin vĩ đại. Là người Việt Nam đầu tiên tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng dân tộc và cũng là người Việt Nam đầu tiên đến Liên Xô, từ những năm 1920 đến những năm 1960, Bác Hồ đến Liên Xô nhiều lần. Tháng 7/1959, nhận lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang nghỉ hè ở đất nước của Lênin. Hành lý của Người vẻn vẹn một chiếc vali nhỏ đựng một bộ quần áo kaki, hai bộ quần áo cánh, hai bộ quần áo lót, ba chiếc khan mùi xoa, năm cuốn sách, vài bao thuốc lá, không mang giày vì Bác ưa đi dép cao su. Về thành phần đoàn đi cùng Bác, có đồng chí Vũ Kỳ, nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An và chị Phạm Thị Xuân Phương được đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (lúc đó là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Liên Xô) cử đi theo để giúp đồng chí Vũ Kỳ trong giao tiếp với các bạn Liên Xô. Chị Phương kể lại, Bác yêu cầu Bạn ở bất cứ đâu cũng chỉ đón tiếp đơn giản, không chính thức, không nghi lễ. Tuy nhiên, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã cử đồng chí Trưởng khoa “Phương Đông” (tựa như trưởng phòng) Subuikov N.M. (đầu những năm 1980 là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và là đại sứ của Liên Xô tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên), hai đồng chí cán bộ công tác ở Trung ương Đảng (trong đó một đồng chí là phiên dịch tiếng Pháp), hai đồng chí bảo vệ và một nữ đồng chí để lo việc ăn uống cho Bác. Bạn dành cho Bác một chuyên cơ để đi lại do phi công Popov, Anh hùng Liên Xô năm đó đã 43 tuổi lái(1).
 
Khi đến Mátxcơva cũng như các những nơi khác, các đồng chí lãnh đạo đều đón tiếp Bác một cách thân mật, trọng thể, các báo đều đăng tin và ảnh. Để vừa làm đúng ý muốn của Bác là đón tiếp rất đơn giản lại vừa thỏa mãn yêu cầu của cán bộ và nhân dân là được gặp Bác, các đồng chí địa phương đã có một biện pháp rất hay: Sau hôm Bác đến, tổ chức một bữa cơm gia đình, chỉ khoảng 15 đến 20 đồng chí lãnh đạo đến dự và trước hôm Bác đi, tổ chức một buổi biểu diễn nghệ thuật, có thể cho 500 đến 1000 nhân dân và cán bộ đến xem. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, kể lại: “Chúng tôi cảm thụ một cách sâu sắc tình hữu nghị chân chính và tinh thần quốc tế vô sản khi được thấy từ các đồng chí lãnh đạo đến quần chúng nhân dân xô- viết đối với Bác một cách chân tình, thân mật, yêu thương, kính trọng. Nhất là thanh niên và nhi đồng, hễ thấy Bác là vui vẻ reo lên rồi kéo nhau quấn quýt chung quanh Bác, không ngớt vang lên những lời cao đẹp bằng tiếng Nga: Việt Nam muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”(2).
 
Ngày 02-7-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Mátxcơva. Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp và nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã đón tiếp trọng thể Người. 17 giờ, Người đến thăm Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp. Sau đó, Người về nghỉ tại biệt thự Lípky.
 
Ngày 03-7, 12 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khơrútsốp. 13 giờ, Người đến dự bữa cơm gia đình với Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp. Cùng dự có các ông N.Khơrútsốp, A.Micaian, một số vị trong Bộ Chính trị, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao, Đại sứ Liên Xô ở Việt Nam và Đại sứ Việt Nam ở Liên Xô. 16 giờ, Người đi xem “Triển lãm thành tựu kinh tế - khoa học kỹ thuật” sáu tháng đầu năm thứ nhất (1959) của Kế hoạch bảy năm của Liên Xô.
 
Thời gian này đang là mùa hè, thời tiết Matxcơva thay đổi thất thường, biên độ nhiệt trong ngày dao động rất lớn, đồng chí Vôrôsilốp rất lo sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ bị ảnh hưởng nên đã chỉ thị các bác sĩ đến khám cho Người. Bác không muốn khám sức khỏe nhưng đồng chí Vôrôsilốp vừa cười nói: “Cần phải khám sức khỏe, đó là ý kiến của Trung ương”, Bác lời: “Trung ương đã chỉ thị thì tôi xin tuân theo”(3). Sáng sớm  ngày 04-7-1959 có bốn bác sĩ đến xem mạch, thử máu cho Bác và kết luận sức khỏe của Người khá hơn năm trước. Sáng ngày 05-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thuyền máy trên kênh đào Mátxcơva, tham quan thành phố.
 
Ngày 06-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Mátxcơva đi Kiép, Thủ đô nước Cộng hòa Xô viết Ucraina. Người đã đề nghị với các vị lãnh đạo Nhà nước Liên Xô và các địa phương không tổ chức đón tiếp theo nghi lễ ngoại giao mà chỉ có những buổi gặp gỡ như trong gia đình. Ngày 07-7, Người đi thăm Nông trang tập thể “Hữu nghị”, gặp gỡ và nói chuyện với một số bà con nông dân về tình hình nông thôn Việt Nam. Khi Người vào thăm một gia đình nông dân, chủ nhà đã biếu Người một giỏ quả dâu mới hái. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm một nông trường quốc doanh cách Kiép 86km. Người tìm hiểu tình hình mọi mặt của nông trường.
 
Ngày 08-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy bay tới thăm thành phố Krêmentrúc (cách Kiép 265km) và công trình thủy điện trên sông Đnhiép. Người gặp gỡ thăm hỏi anh chị em công nhân đang xây dựng trên công trường thủy điện và chúc chóng hoàn thành kế hoạch.
 
Ngày 09-7, Chủ  tịch  Hồ  Chí  Minh đi thăm xí nghiệp gang  thép ở ngoại ô Dapôrôdiê. Giữa đường thấy hai chị phụ nữ tất tả chạy theo xe Bác, Bác bảo dừng xe lại. Hai chị vừa thở hổn hển vừa nói: “Chúc Bác mạnh khỏe” và tặng Bác hai bó hoa. Những người đứng hai bên đường nhiệt liệt vỗ tay. Những sự việc cảm động như vậy thường xảy ra trong khi Bác đi đường. Nó chứng tỏ tình cảm thân ái của nhân dân Liên Xô đối với Bác và đối với nhân dân ta(4). Tại xí nghiệp gang thép, Người được Ban lãnh đạo đón tiếp nồng nhiệt và hướng dẫn đi tham quan các khu vực sản xuất. Bác tặng xí nghiệp 20 chiếc huy hiệu. Đồng chí Giám đốc thay mặt anh em công nhân cảm ơn Bác và nói: Sẽ tặng 16 đội lao động cộng sản chủ nghĩa mỗi đội một chiếc và bốn công nhân xuất sắc nhất mỗi người một chiếc. 10 giờ, Người lên đường đi thăm thành phố Mêlitôpôn (cách Dapôrôdiê 110km). Dọc đường, Người ghé thăm một trại hè của nhi đồng trên bờ sông Đnhiép. Các em dẫn Bác đi thăm chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ chơi, chỗ học nghề. Bác kể chuyện “nhi đồng kháng chiến” cho các em nghe. Bác nói: “Ngày nay Việt Nam còn nghèo. Các cháu nhi đồng Việt Nam chưa được sung sướng như các cháu ở đây. Bác cùng toàn thể nhân dân Việt Nam, kể cả nhi đồng, đều ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong 5 năm nữa, chắc các cháu Việt Nam cũng được như các cháu”(5). Buổi chiều, Người đến Mêlitôpôn, đi thăm một số cơ sở trồng cây thí nghiệm của thành phố. 16 giờ, Chủ tịch lên máy bay đi thăm Xêvaxtôpôn (cách Mêlitôpôn 320km). Bí thư Tỉnh ủy Crưm, Đô đốc hạm đội Hắc Hải, cùng một cán bộ lãnh đạo đã ra sân bay đón Người. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và trồng cây “thiên tuế” làm lưu niệm tại vườn hoa trung tâm mang tên “Hữu nghị và vẻ vang”. Thấy Người cởi áo, xúc đất, trồng cây, mọi người vui vẻ vỗ tay hoan hô. Sau đó, Người lên một chiếc tàu nhỏ của Hải quân có treo cờ đỏ sao vàng, đi một vòng ngắm cảnh Xêvaxtôpôn. 21 giờ, Người lên bến Mikho và nghỉ tại một biệt thự trên sườn núi.
 
Ngày 10-7, Người đi thăm thành phố nghỉ mát Ianta. Ngày 11-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tham quan khu vườn thực nghiệm Nikixki ở gần Ianta. Trên đường về, Người ghé thăm quảng trường của thành phố mang tên Lênin và chụp ảnh chung với mọi người. 17 giờ, tại nhà nghỉ, Người tiếp vợ chồng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô M.A.Xuxlốp và mời ở lại dùng cơm tối cùng Người.
 
Ngày 12-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh trèo lên đỉnh núi Aipiêtri cao 1250m để ngắm cảnh mặt trời mọc trên biển. 16 giờ, Người tới thăm gia đình đồng chí M.A.Xuxlốp ở một biệt thự trong rừng thông gần vườn Nikixki. Tại đây, Người gặp cả gia đình đồng chí L.Brêgiơnhép - Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Mọi người cùng nhau đi dạo, chụp ảnh, ca hát và trò chuyện vui vẻ. Lúc trở về, Người ghé thăm vườn hoa Mikho bên bờ biển và thăm nhà nghỉ “Cờ đỏ”.
 
Sáng sớm ngày 13-7, Chủ tịch  Hồ Chí Minh đến thăm gia đình Thủ tướng Tiệp Khắc Xirôki và gia đình Thủ tướng Hunggari Phêrenxô Muynni cũng đang nghỉ hè tại đây theo lời mời của Chính phủ Liên Xô. Gặp lại hai đồng chí cũ, Người rất vui và sôi nổi trò chuyện. 8 giờ, Người lên viếng tượng đài Lênin đặt trên lưng chừng núi. 9 giờ, Người đến Nhà nghỉ “Cờ đỏ” gặp gỡ và trò chuyện với cán bộ đảng của các tỉnh, thành phố thuộc Liên Xô và của các nước anh em đến nghỉ.
 
Ngày 14-7, buổi sáng, trên bãi biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và trò chuyện với Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản nước Cộng hòa Xô viết xã hội chủ nghĩa Léttôni - Canbécdin. Đồng chí Canbécdin đã mời Người đến thăm Léttôni. 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Crưm. Tàu “Đô đốc Nakhimốp” đưa Người đi Xôtri. Người chuyện trò vui vẻ và chụp ảnh lưu niệm với các sĩ quan và thủy thủ trên tàu.
  
14 giờ ngày 15-7 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cảng Xôtri. Nhiều vị lãnh đạo địa phương đã lên tàu đón Người. Người nghỉ tại biệt thự Bôdarốp Rusây, nơi Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp thường nghỉ lại mỗi khi qua đây. Đồng chí phụ trách trông nom biệt thự báo cáo với Bác: cách đây 1 tháng, đồng chí Vôrôsilốp đã nghỉ mát ở đây, khi ra về đã dặn dò rằng: “Đồng chí Hồ Chí Minh sẽ đến nghỉ hè ở đây, anh em phải chăm sóc Người thật chu đáo”. Cũng trong buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà hát lớn của thành phố và xem xiếc.
 
Ngày 16-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bệnh viện điều trị bằng suối nước nóng Masétxta. Trên đường trở về, Người leo lên đỉnh núi Akhum cao 600m, đứng trên ngọn tháp canh trên núi để ngắm toàn cảnh thành phố Xôtri. 11 giờ, Người đến thăm nhà nghỉ của Công đoàn Ngũ Kim, ngôi nhà nghỉ đẹp nhất ở đây. 12 giờ, Người đến thăm “Trạm chọn giống cây nhiệt đới”. Theo đề nghị của ông Giám đốc Trạm, Người ghép hai cành vào “cây chanh hữu nghị” để lưu niệm. 14 giờ, Người đến thăm gia đình Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên Xô kiêm Bí thư Đảng Cộng sản Kadắcxtan - A. Bêliaép. Ông A. Bêliaép đã mời Người đến thăm Kadắcxtan. Cùng ngày, Người đi thăm Xukhumi (cách Xôtri 240km) bằng ô tô. Dọc đường, Người ghé thăm thành phố Gagra cũng là một địa điểm nghỉ mát nổi tiếng, rồi lên tham quan hồ Rítda nằm trên đỉnh núi cao 960m cách Gagra 36km. Người được các cán bộ ở đây mời đi ngắm cảnh hồ bằng ca nô, sau đó dự bữa cơm khách theo phong tục địa phương: cừu thui và chả nướng ăn với bánh mỳ u-ri. Ngày hôm sau, Người nghỉ lại ở Rítda.
 
Sáng ngày 18-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Rítda tiếp tục hành trình đến Xukhumi. Trên đường đi, Người ghé thăm Nông trang tập thể “Đurípsa”. Thiếu nhi, thanh niên và các cụ già đều múa hát đón chào Người. Bữa cơm trưa ở nông trang cũng “cừu thui để cả con, chả nướng dài một thước”. Chia tay với “Đurípsa”, Người được các cụ tặng hai chiếc cốc bằng sừng và đưa tiễn theo phong tục địa phương: khách ra đến ngoài sân, các cụ mời khách ăn uống thêm một lần nữa; khách ra đến ngoài cổng, các cụ lại đãi thêm một tiệc nữa. 15 giờ, Người đến Xukhumi, Thủ đô nước Cộng hòa Ápkhadia. Tại Công viên Lênin, Người trồng một cây cọ làm kỷ niệm. Buổi chiều, Người đến thăm Vườn nuôi khỉ của Viện Y học. Ngay ngày hôm sau, 19/7/1959, trên báo “Abkhazia Xô viết” đã có bài báo kể lại chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm này. Bài báo cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến nông trại chè của Durips. Vào buổi tối cùng ngày, các vị khách quý được mời đến nhà của ông Miktat Tarkil. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy cháu gái nhỏ của chủ nhà là Zalita Tarkil khi đó mới 7 tháng tuổi đang lẫm chẫm tập đi. Người liền bước đến, bế cô bé lên tay rồi đi dạo khắp vườn nho.
  
Một phóng viên đã chụp được khoảnh khắc đáng nhớ này. Trong ảnh, Zalita tay cầm đồ chơi, mặc váy hoa, còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì mỉm cười âu yếm nhìn cô bé. Cuộc gặp gỡ đầm ấm của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với gia đình một nông dân Abkhazia đã gây xúc động với nhà thơ Xô viết Boris Bendik – Verov. Ông đã sáng tác một bài thơ dài về cuộc gặp gỡ này. Trong bài thơ, nhà thơ Boris Bendik – Verov dẫn lại lời kể của ông Miktat Tarkil, qua đó chúng ta có thể hình dung rõ hơn về chuyến thăm này. Theo đó, khi Miktat Tarki đang cắt tỉa cây trong vườn, bỗng nghe tiếng xôn xao ngoài cửa, rồi vợ ông chạy đến, báo tin có vị khách “vẻ ngoài dễ mến” đến thăm. Khi gặp, người nông dân già vô cùng sửng sốt ngạc nhiên, trước mặt ông là người mà cả thế giới đều biết: Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn khách, mặc một đồ kaki trắng, mái tóc bạc. Người nói tiếng Nga lưu loát, gửi tới vị chủ nhà lời chào từ Việt Nam. Sau đó Hồ Chủ tịch đi thăm vườn, đến đâu Người cũng hỏi về cách chăm sóc các loại cây, rồi tận tình hỏi thăm về cuộc sống, thu nhập..của người dân trong nông trang. Đến khi chia tay, Người ôm cháu gái Zalita vào ngực để tỏ lòng quý mến. Kết thúc bài thơ, tác giả viết :”Vâng, đó là mùa hè tuyệt diệu/ Tôi sẽ mãi ghi vào trong tim”. Bài báo đăng trên “Abkhazia Xô viết” ngày 19/7/1959 còn cho biết thêm hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Abkhazia: “Sau khi nghỉ ngơi một lát, đồng chí Hồ Chí Minh tiếp tục đi thăm thành phố nghỉ mát. Người đã đến Viện thí nghiệm bệnh và trị liệu của Viện Hàn lâm Y học trong núi Sukhumi ở công viên bên bờ biển. Bất cứ nơi nào Hồ Chí Minh xuất hiện đều có hàng trăm người lao động của thành phố và khu nghỉ mát chào đón Người với những tràng vỗ tay và lời chào nồng nhiệt”(6).
 
Sáng hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi máy bay đến Tbilixi, Thủ đô nước Cộng hòa Grudia, cách Xukhumi 350km. Trưa, Người đến thăm Nhà máy gang thép Ruxtavili. Sau khi tham quan các phân xưởng sản xuất, Người nghỉ ở Cung văn hóa của nhà máy và được Ban Giám đốc tặng một chiếc sừng uống rượu. 16 giờ, Người đi thăm nông trường thí nghiệm và dự tiệc trái cây ở nông trường. Tối, Người đi chơi núi Mtátxminda cao 600m ở phía tây thành phố cùng với một số quan chức địa phương.
 
Ngày 20-7, sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi ô tô lên thăm thành phố Gôri, quê hương của đồng chí Xtalin, cách Tbilixi 100km. Người vào thăm nơi ở của Xtalin thời niên thiếu, thăm Bảo tàng Xtalin, rồi tham quan một tòa thành cổ xây dựng từ thế kỷ XII ở ngoại ô Gôri. 12 giờ, Chủ tịch đến thăm nông trường trồng táo Kítnhixki và nghỉ trưa tại đây. Trước lúc trở về Tbilixi, Người được nông trường tặng hai bình rượu nho và cặp sừng uống rượu. 20 giờ, Người dạo chơi trong vườn cây “Văn hóa và nghỉ ngơi”, được các em nhi đồng ở đây tặng hoa và mời lên “tàu hoả mini” của các em đi chơi một vòng quanh vườn. Sau đó, Người đi xem buổi biểu diễn ca múa dân tộc.
 
Ngày 21-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp nhân dịp ông ghé qua Tbilixi. Bác và đồng chí Vôrôsilốp khoác tay nhau vừa đi vừa nói chuyện rất thân mật, vui vẻ. Thấy hai đồng chí lãnh đạo hồng hào, khỏe mạnh, vui vẻ, đồng chí Bí thư trung ương Đảng cộng sản Grudia nói: “Các bạn xem, đó là biểu hiện của tinh thần đoàn kết thân ái giữa hai dân tộc chúng ta”(7). Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay đi Erêvan - Thủ đô nước Cộng hòa Ácmênia. Các vị lãnh đạo Đảng và Chính quyền Ácmênia đón tiếp Người rất trọng thể. Đi tham quan thành phố, Người ghé xem chợ Erêvan, thăm Nhà máy Rượu Cônhắc, Nhà máy Điện trên sông Radơdan và Thư viện thành phố. 21 giờ, Người xem buổi biểu diễn của văn công Ácmêni.
 
Sáng sớm ngày 22-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tham quan hồ trên đỉnh núi Sêvan. Trên đường đi, Người ghé thăm một trạm thủy điện và trại nhi đồng ở Ankavan. Tại khu nghỉ Sêvan, Người gặp gỡ, trò chuyện và vui liên hoan với anh chị em công nhân, văn nghệ sĩ đang an dưỡng ở đây. Tối, Người dự bữa cơm thân mật với các vị lãnh đạo Ácmêni và nhận một kỷ vật bằng đá quý của Ácmêni: một quả cầu nhỏ xíu đặt trên một cái tháp, trong quả cầu có một hạt gạo trên khắc dòng chữ: “Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh, để kỷ niệm những ngày Người ở Ácmênia”.
 
Ngày hôm sau, 23-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Erêvan đi Bacu - Thủ đô nước Cộng hòa Agiécbaigian, nơi được coi là “thủ đô dầu mỏ” của Liên Xô. Khi bay qua vùng biển Casipian, Bác chỉ xuống dưới và hỏi chị Phạm Thị Xuân Phương: “Cháu có thấy gì ở dưới máy bay không?”, chị Phương nói: “Cháu chỉ thấy biển màu đen thôi”. Bác nói “Biển dầu đấy”. Bác chỉ xuống biển giải thích: “Cháu thấy không kia là máy hút dầu, xa xa là cầu nối từ đất liền ra biển để lấy dầu đấy. Dầu quý lắm, nước nào có dầu là giàu lên ngay!”. Rồi Bác cười hóm hỉnh nói hai từ “dầu” và “giàu” người Hà Nội phát âm như nhau nhưng xứ Nghệ của Bác phát âm khác nhau đấy!...(8). Tới nơi, Bác được mời về nghỉ ở một biệt thự cách thành phố 45km. 10 giờ 30, Bác đi xem khu khai thác dầu mỏ ở phía bắc thành phố Bacu. Người đã nói với các nhà lãnh đạo và kỹ sư dầu khí ở đây: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, Agiécbaigian nói riêng sẽ giúp Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu”. Sự kiện này thể hiện mong ước và quyết tâm xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dùng cơm trưa xong, Người đi tham quan thành phố, ghé thăm công viên, sân vận động và Trường đại học Bách khoa Bacu. Chiều, Người đi tắm biển.
 
Ngày 24-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp máy bay đi Askhabát - Thủ đô nước Cộng hòa Tuốcmênia. Người nghỉ ở khu biệt thự Phêruda và đến thăm một trại nhi đồng ở đây.
 
Ngày 25-7, buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Tasken - Thủ đô nước Cộng hòa Udơbêkixtan. Ra đón Người tại sân bay có bà Bí thư Xô viết tối cao Udơbêkixtan – Inkhaniba và bà Chủ tịch nước Cộng hòa Udơbêkixtan - Nađridinôva. 16 giờ, Người đi thăm Nhà máy dệt Xtalin. 17 giờ, Người đi thăm Đài vô tuyến truyền hình thành phố. 20 giờ, Người đi xem hát tuồng cổ ở rạp hát ngoài trời, trong công viên.
 
Ngày 26-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một số cơ sở sản xuất công nghiệp và Trường đại học ở Tasken, thăm nông trường quốc doanh, hợp tác xã nông nghiệp Pôlitôđen và ăn cơm trưa theo kiểu Triều Tiên với nhân dân địa phương.
 
Ngày 27-7, sáng sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên máy bay đi Stalinabát - Thủ đô nước Cộng hòa Tadikixtan. Tới Tadikixtan, Người đến thăm trụ sở Trung ương Đảng, Xô viết tối cao Tadikixtan và một số địa điểm khác của Thủ đô. 17 giờ, Chủ tịch thăm một trại nhi đồng. 20 giờ, Người đi xem biểu diễn văn nghệ. Kết thúc buổi trình diễn, Người lên sân khấu tặng hoa cho các nghệ sĩ.
 
Ngày 28-7, 7 giờ 30, Chủ tịch Hồ Chí Minh  từ  biệt  Tadikixtan  lên  máy  bay  đi Phrungie - Thủ đô nước Cộng hòa Kiếcghidia. 10 giờ 30, Người tới Phrungie. Sau khi đi tham quan thành phố, Người đến thăm Nông trường chăn nuôi quốc doanh Strennhicôva. Ban giám đốc nông trường tặng Người một bộ quần áo dân tộc Kiếcghidi. Trên đường trở về thành phố, Chủ tịch ghé thăm Nhà triển lãm sản phẩm nông nghiệp của nước Cộng hòa Kiếcghidia.
 
Sáng ngày 29-7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi máy bay đến Anma Ata, thăm nước Cộng hòa Kadắcxtan. Tại Anma Ata, Người đến tham quan công viên “Văn hóa và nghỉ ngơi” Goorky và nghỉ tại một biệt thự ở ngoại ô. Trong ngày, Người nhận được nhiều thư từ từ các nơi gửi đến chúc sức khỏe và mời Người đến thăm trường học, nhà máy, nông trường hoặc địa phương mình.
 
Ngày 30-7, 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tham quan hồ Yxức, trên đỉnh núi Alatao, một thắng cảnh cách Thủ đô 50km. Trên đường về, Người ghé thăm Nông trường quốc doanh Yxức, chuyên trồng cây ăn quả ở vùng này. Tối, Người đến xem một vở kịch Hunggari do Đoàn văn công Omskơ biểu diễn. Sáng hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Viện Hàn lâm khoa học Kadắcxtan thành lập năm 1946, gồm 22 phân viện. Người đã nghe ông Viện trưởng báo cáo tình hình hoạt động của Viện. Tối, Người dự bữa cơm thân mật do Chính phủ Kadắcxtan tổ chức. Các bạn đã tặng Người một bộ quần áo dân tộc Kadắcxtan và một số sách.
 
Ngày 01-8, Chủ tịch Hồ  Chí  Minh rời Liên Xô, kết thúc chuyến nghỉ hè kéo dài trong một tháng, Người đã đi hơn 16.200km, qua 10 nước cộng hòa Xô viết, thăm 19 thành phố và thủ đô. Khắp nơi đều thấy nhân dân hăng hái thi đua nhằm hoàn thành vượt mức và trước thời hạn kế hoạch 7 năm, góp phần xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Khắp nơi đều thấy sự phát triển của mọi mặt, mọi ngành và tình cảm thân ái nồng nàn của nhân dân Liên Xô đối với Bác và đất nước Việt Nam. Trước khi lên máy bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô. Qua cửa sổ máy bay, ngắm biển cát trải dài và dải núi Thiên San hùng vĩ, Người đã viết bài thơ chữ Hán và dịch như sau:
Xa trông cảnh đẹp núi Thiên San
Ráng đỏ vây quanh, tuyết trắng ngàn
Sáng dậy mặt trời như lửa tía
Muôn hào quang đỏ chiếu nhân gian
 
Tuy đi nghỉ hè nhưng Bác vẫn chú ý khảo sát và xem xét cách thức và lợi ích trồng cây gây rừng đối với môi trường sinh thái và đời sống xã hội Liên Xô. Bác hỏi thăm về hiệu lực dân chủ của quá trình “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với những việc nước được công khai trách nhiệm trước toàn dân, học hỏi kinh nghiệm của bạn. Chuyến đi nghỉ của Người vừa kết nối mối tình thân thiết giữa hai đất nước, vừa tuyên truyền thêm đến các bạn về đất nước và con người Việt Nam. Đồng chí L.N. Dai cốp, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô đã phát biểu: “Đồng chí Hồ Chí Minh là người bạn lớn và chân thành của đất nước chúng tôi. Người đã khơi nguồn cho tình hữu nghị Xô - Việt và đã góp phần to lớn và sự nghiệp hợp tác của hai Đảng và nhân dân hai nước chúng ta”(9). Người bạn lớn, chân thành của đất nước Nga Xô viết, người có sức lôi cuốn lạ kỳ, đặc biệt khiếm tốn và giản dị - chính hình ảnh ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm mỗi người dân đất nước Nga luôn nhớ và giữ gìn trong tâm trí mình. Những người dân Liên Xô, những vị chỉ huy quân sự và các nhà bác học, những người xây dựng và các bác sĩ, những nhà văn và các kỹ sư, tất cả những ai đã gặp gỡ Bác Hồ đều mãi mãi ghi nhớ hình ảnh của Người, một con người giản dị và khiêm tốn, một nhà lãnh đạo sáng suốt, một chiến sĩ mác xít Lêninnít chân chính.
 
Chú thích:
1, 8. http://www.vietsov.com.vn/Pages/Details.as- px?itemid=785&c=2
2, 3, 4, 5, 7. Vũ Kỳ, Khi Người Việt Nam đầu tiên vào Kremli, NXB Sự thật, năm 1987, tr. 56, 40, 67, 69, 89.
6. https://nongnghiep.vn/buc-anh-bac-ho-duoc- mot-gia-dinh-nong-dan-abkhazia-giu-gin-gan-60- nam-post218575.html
9. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với nước Nga, NXB Thông tin và truyền thông, tr. 207

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)