CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY TÁC DỤNG Ở KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH
29 Tháng 10 Năm 2009 / 4389 lượt xem
Nguyễn Văn Công
Phó Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là di sản lịch sử văn hoá vô cùng quý giá của quốc gia. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời Người (1954-1969) và nó cũng đã gắn liền với việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, gắn liền với mối quan hệ giữa Người và bạn bè quốc tế, với đồng bào, chiến sĩ và các cháu thiếu nhi cả nước. Trong Khu Di tích có các di tích bất động sản, tài liệu hiện vật gốc và môi trường cảnh quan di tích. Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định bảo tồn và giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để mở cửa đón khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
1. Đặc điểm của công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là loại hình bảo tàng lưu niệm về danh nhân. Trong Khu Di tích hiện có 15 di tích bất động sản, trong đó có 10 di tích đang được Khu Di tích quản lý, bảo quản và phát huy tác dụng là Di tích nhà 54: Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ tháng 12/1954 đến tháng 5/1958; Phòng họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, gắn với sự kiện lịch sử trọng đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968; BK1: Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tiếp cán bộ đến báo cáo công việc và ký các Sắc lệnh; Ngôi nhà Sàn gỗ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ ngày 17/5/1958 đến ngày 17/8/1969; Nhà H67: ngôi nhà được Bộ Chính trị xây dựng năm 1967 để đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Mỹ ném bom bắn phá Hà Nội, nhưng Người đã không ở mà dùng làm nơi hàng tuần họp Bộ Chính trị (từ 1967 đến 1969). Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm chữa bệnh từ ngày 17/8/1969 cho đến khi Người qua đời (2/9/1969); Căn phòng Bộ Chính trị nghỉ giải lao mỗi khi họp, nơi nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn các phóng viên nước ngoài và là nơi Hội đồng giáo sư, bác sỹ túc trực theo dõi chăm sóc sức khỏe cho Người trong những ngày cuối cùng; Hầm H66: Được xây dựng năm 1966, nhằm bảo đảm an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị khi đến họp với Người trong những năm đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam; Nhà ga ra ôtô: Nơi trưng bày và bảo quản các xe ô tô Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng; Nhà bếp A: Nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ tháng 12/1954 đến tháng 7/1969; Nhà bếp B: Nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 7/1969 đến 2/9/1969.
Tổng số hiện vật vốn có trong các nhà di tích tại Khu Di tích là 1.622 đầu loại hiện vật với gần 4.000 đơn vị hiện vật gốc. Hiện nay Khu Di tích đang lưu giữ trưng bày 796 đầu loại hiện vật với 1.059 đơn vị hiện vật.
Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thấy rõ được tính cấp thiết của việc gìn giữ lâu dài các di tích, các tài liệu hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh - di sản văn hoá vô giá của dân tộc và nhân dân Việt Nam. Thực hiện chỉ thị của Đảng và Nhà nước phải thống kê ngay toàn bộ các di tích bất động sản, động sản liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoảng từ năm 1954-1969, toàn bộ các di tích bất động sản và tài liệu hiện vật trên đã được quản lý và đăng ký vào sổ kiểm kê có đánh số kiểm kê, có bản ghi chép hiện vật. Khu Di tích hết sức coi trọng công tác kiểm kê, xây dựng hồ sơ khoa học cho các di tích, tài liệu, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã xây dựng hồ sơ khoa học cho hầu hết các nhà di tích và tài liệu, hiện vật ở các nhà di tích. Trong những năm gần đây, cơ quan đã chú trọng áp dụng công nghệ thông tin và các trang thiết bị kỹ thuật số cùng với việc điều chỉnh, phân công công việc theo năng lực cán bộ nên chất lượng công tác sưu tầm, kiểm kê được nâng lên rõ rệt và đã đạt nhiều thành tích đáng kể. Bên cạnh đó đã có hàng trăm tài liệu hiện vật là những bức ảnh tư liệu, những kỷ vật của Bác Hồ, cùng với hàng trăm trang tư liệu được sưu tầm góp phần làm phong phú thêm các tài liệu hiện vật về Bác Hồ trong những năm Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch.
Về cảnh quan di tích, hiện trong Khu Di tích có vườn cây với 1271 cây các loại, thuộc 161 loài cây, 54 họ thực vật. Có 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc từ nước ngoài và 15 loài đang xác định nguồn gốc. 35 loài là cây ăn quả, 59 loài là cây bóng mát, 67 loài là cây hoa, cây cảnh. Đặc biệt, có một số loài cây quý hiếm được Bác Hồ đem về trồng như: cây xanh bốn mùa, dừa lửa, cọ dừa... Chính tại nơi đây, ngày 28/11/1959, Bác Hồ đã khởi xướng phong trào “ Tết trồng cây”. Cùng với vườn cây, ao cá Bác Hồ có diện tích 3.320m2, với trữ lượng gần 5.000kg cá các loại, thuộc 14 loài và 6 nhóm: chép, trôi, rô phi, mè, trắm cỏ… có nhiều loài được Bác Hồ nuôi dưỡng và theo dõi quá trình sinh trưỡng. Năm 1959, hợp tác xã Tiền Phong - nay là Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội - là đơn vị đầu tiên được Bác Hồ gửi cho giống cá rô phi để nuôi.
Sự đa dạng về thành phần và phong phú về thể loại hiện vật, về chất liệu cấu thành hiện vật và tính phức tạp của vị trí trưng bày, bảo quản, khiến công tác bảo tồn di tích hết sức khó khăn và phức tạp. Những hiện vật gốc đó là những chứng tích đầu tiên của các sự kiện, hiện tượng lịch sử, những sinh hoạt, những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và làm việc tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Chính vì vậy, chúng là cơ sở của hoạt động nghiên cứu bảo tồn và phát huy tác dụng của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Môi trường ngoại cảnh gây tác động không nhỏ cho công tác bảo tồn ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Khu Di tích có khuôn viên rộng 14.7 ha, các điểm di tích nằm rải rác không tập trung, lại nằm trong một khu vườn kín có nhiều cây cối, là điều kiện hết sức thuận lợi cho côn trùng mối, mọt, sâu bệnh hại hoạt động mạnh, xâm hại trực tiếp đến tài liệu, hiện vật di tích. Khu Di tích có tính đặc thù riêng khác với các di tích khác là công tác bảo tồn ở đây được thực hiện trong điều kiện là một kho mở hoàn toàn, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn vừa làm công tác phát huy tác dụng phục vụ khách thăm quan. Công tác bảo quản không chỉ thực hiện đối với tài liệu, hiện vật trong các ngôi nhà, mà còn cả với bản thân các ngôi nhà đó cùng môi trường cảnh quan di tích. Lượng khách vào thăm Khu Di tích càng ngày càng đông, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và nhiều đoàn khách cấp cao trên thế giới. Do vậy, công tác bảo tồn ở Khu Di tích không thể tiến hành theo đúng quy trình như một kho bảo quản thông thường. Các tài liệu hiện vật ở đây luôn luôn phải chịu áp lực trực tiếp của môi trường khí hậu tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp của tác nhân con người, trong khi đó việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào công tác bảo tồn di tích còn hạn chế. Đó là những khó khăn, phức tạp mà Khu Di tích luôn phải quan tâm giải quyết.
2. Hoạt động công tác bảo tồn và phát huy tác dụng của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Thực hiện chỉ thị của Đảng và Nhà nước về việc tổ chức bảo vệ, bảo quản và gìn giữ di sản lịch sử, văn hoá quý giá này, trong 40 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và với sự cộng tác giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các cơ quan hữu quan, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã nỗ lực cố gắng bảo vệ, bảo quản, giữ gìn tốt các di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan di tích, góp phần phục vụ đông đảo công chúng đến thăm quan nghiên cứu và học tập về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Công tác bảo vệ, bảo quản là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, quyết định sự trường tồn của mỗi di tích nói chung và của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nói riêng, là công tác được tiến hành đầu tiên sau ngày Bác Hồ qua đời. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là di tích còn tương đối nguyên gốc bao gồm các di tích bất động sản, tài liệu hiện vật gốc và môi trường cảnh quan di tích. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ, bảo quản giữ gìn lâu dài, nguyên trạng di tích, tài liệu hiện vật và cảnh quan môi trường di tích hết sức lớn và nặng nề. Để làm tốt công tác này, Khu Di tích đã chú trọng và không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng duy trì tốt công tác bảo quản thông thường, kết hợp bảo quản thông thường với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỷ thuật và công nghệ vào công tác bảo quản di tích đồng thời thực hiện tốt các chế độ bảo quản định kỳ (ngắn hạn, dài hạn) và chống xuống cấp di tích. Để bảo quản tốt tài liệu - hiện vật, Khu Di tích đã trang bị dụng cụ đo nhiệt độ, ẩm độ, ẩm kế và lắp đặt các thiết bị bảo quản như: máy hút ẩm, điều hoà nhiệt độ, công nghệ khí khô... Kết hợp bảo quản thường xuyên định kỳ với tu bổ, chống xuống cấp di tích. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Đoàn 5- Tổng cục Hậu cần; Viện hoá kỹ thuật quân sự; Bộ tư lệnh công binh; Xí nghiệp gỗ Cầu Đuống; Sở Giao thông Công chính- Hà Nội; Ban quản lý Quảng trường Ba Đình; Trung tâm phòng trừ mối Thuỷ lợi; Viện điều tra quy hoạch Lâm nghiệp; Trường đại học nông nghiệp I- Hà Nội; Viện cây lương thực & cây thực phẩm; Bộ Thuỷ sản... Trong những năm qua, Khu Di tích đã thực hiện công tác tu bổ được nhiều hạng mục công trình như: chống hiện tượng mao dẫn làm mục chân tường; rải thảm toàn bộ bề mặt sân, đường trong khu vực di tích; xử lý hệ thống thoát nước; cải tạo nâng cấp lưới điện; lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động; tu bổ tôn tạo nâng cấp vườn cây; tu bổ, tôn tạo ao cá v.v... Có thể khẳng định, trong 40 năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã bảo vệ, bảo quản giữ gìn tốt các di tích bất động sản, tài liệu hiện vật và cảnh quan môi trường di tích. Và trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, luôn phục vụ tận tình chu đáo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân trong cả nước, kiều bào nước ngoài, bạn bè, khách quốc tế đến tham quan, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Công tác nghiên cứu khoa học là khâu quan trọng góp phần to lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Trong suốt 40 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, Khu Di tích đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức nhiều hoạt động như Hội thảo khoa học, nghiên cứu đề tài khoa học, toạ đàm khoa học, xuất bản sách,… phục vụ công tác tuyên truyền, nghiên cứu và học tập tư tưởng tấm gương đạo đức Bác Hồ. Cùng với việc xuất bản định kỳ Nội san thông tin tư liệu (2 kỳ/ năm), trang Website của Khu Di tích cũng đã đi vào hoạt động, bước đầu phát huy tác dụng tốt.


Công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, khoa học nghiệp vụ được Khu Di tích chú trọng và đặc biệt quan tâm cả về số lượng và chất lượng cán bộ. Trước những năm 1980, Khu Di tích chỉ có 2 phòng công tác chuyên môn với hơn 20 cán bộ và chỉ có 50% cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp; một chi bộ Đảng, một tổ Công đoàn và một phân đoàn thanh niên. Đến nay, Khu Di tích đã có hơn 90 cán bộ, có 7 cán bộ có trình độ trên đại học và 42 cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng; có 7 phòng công tác, một Đảng bộ, một tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên và một trung đội tự vệ. Có 5 đồng chí đã hoàn thiện lý luận chính trị cao cấp 17 đồng chí hoàn thiện trung cấp chính trị và 22 đồng chí được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, nhiều đồng chí học thêm ngoại ngữ và tin học...
3. Một số đề xuất kiến nghị
Từ thực tiễn công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và nhận thức, kinh nghiệm công tác của mình, chúng tôi nhận thấy: Muốn cho công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ở Khu Di tích được thực hiện tốt, nhất thiết chúng ta phải có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về giá trị, tầm quan trọng và ý nghĩa của Khu Di tích về Bác có giá trị đặc biệt này, trên cơ sở đó có kế hoạch và biện pháp giải quyết tốt các vấn đề sau đây:
- Công tác bảo tồn và phát huy tác dụng ở Khu Di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch phải được xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc, nhằm góp phần quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
- Thường xuyên đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đối với các di tích, tài liệu hiện vật và môi trường cảnh quan di tích để từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển theo hướng bảo tồn tốt nhất các di tích, tài liệu hiện vật và cảnh quan môi trường di tích, nghiên cứu chỉnh lý trưng bày và trưng bày bổ sung nội thất một số nhà di tích: nhà Hội đồng y khoa, Nhà bếp A, bếp B, nhà họp Bộ Chính trị… đưa vào phát huy tác dụng mở cửa phục vụ khách tham quan thường xuyên, nhằm tạo hiệu quả giáo dục cao hơn cho người xem.
- Luôn luôn quan tâm chăm lo đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị ở Khu Di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch cả về đạo đức, trình độ và năng lực công tác ngang tầm với nhiệm vụ được giao.
- Đầu tư hợp lý, đúng hướng trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy tác dụng giá dục ở Khu Di tích, ưu tiên việc ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị. Tích cực động viên, vận động sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn có liên quan để bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch; chú trọng mở rộng giao lưu, hợp tác, trao đổi và thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác bảo tồn và phát huy tác dụng giáo dục Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
40 năm qua, với các hoạt động của mình Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cùng với các di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo với mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh như Bác Hồ hằng mong muốn./.
Ảnh:
1. Cán bộ Phòng Tuyên truyền- Giáo dục đón đồng bào vào sau khi viếng Lăng vào thăm Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
2. Hình ảnh đồng bào thăm nhà sàn Bác Hồ