slider

CÔNG TÁC SƯU TẦM-KIỂM KỂ-TƯ LIỆU Ở KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH

23 Tháng 11 Năm 2008 / 2942 lượt xem
 
                                                                            Ths. Lê Kim Dung
Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu
          Một trong những nhân tố quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành công của một bài nói (đối với người làm công tác tuyên truyền) và một bài viết, một tác phẩm (đối với người làm công tác nghiên cứu khoa học) là tư liệu và độ tin cậy của tư liệu. Trong thực tế, công tác tư liệu là một môn khoa học về sử liệu học, bổ trợ cho khoa học lịch sử, có chức năng, nội dung, phương pháp và đối tượng nghiên cứu cụ thể. Bài viết này xin được trao đổi vài nét về chức năng, vai trò và yêu cầu của công tác tư liệu ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Trong thực tế, sự phong phú hay nghèo nàn, đóng góp được nhiều hay ít của mỗi công trình khoa học nghiên cứu, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của dân tộc Việt Nam phụ thuộc rất nhiều nguồn tư liệu và tác giả của mỗi công trình đã khai thác và sử dụng tư liệu. Vì vậy, để góp phần phát huy tác dụng hơn nữa những giá trị hàm chứa trong di sản văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch thì người làm công tác tư liệu phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, đảm bảo tính khoa học cho từng loại hình tư liệu (mà nhiệm vụ trọng tâm là sưu tầm, phân loại, sắp xếp,...).
Công tác tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Khu Di tích Phủ Chủ tịch tuy nằm trong công tác tư liệu chỉnh thể chung, nhưng cũng có những đặc thù riêng, phù hợp với điều kiện cụ thể của một di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ nhận thức sâu sắc rằng công tác tư liệu là cơ sở nền tảng của công tác nghiên cứu, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về Khu Di tích, công việc này trong những năm qua đã được lãnh đạo cơ quan thường xuyên đôn đốc, quan tâm. Khi tiến hành sưu tầm những tư liệu về Người và những tư liệu liên quan đến Người, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ đã rất chú ý đến các tư liệu, tài liệu, hiện vật có liên quan, hoặc góp phần phản ánh thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống, phản ánh các mối quan hệ quốc tế, địa vị xã hội,... của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tư liệu, tài liệu, hiện vật trực tiếp liên quan, gắn bó với 15 năm cuối cùng trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh (1954-1969), khi Người sống và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, càng được những cán bộ Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu quan tâm đặc biệt.
          Cũng vì hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác tư liệu trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị đặc biệt, vượt không gian và thời gian của di tích lịch sử này, nên trong những năm gần đây, Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu đã tiến hành sưu tầm, bổ sung được nhiều tư liệu liên quan đến hoạt động của Người trong những năm 1954-1969 như: tổ chức tiếp nhận một số hiện vật có giá trị như chiếc thùng đựng kẹo phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách những năm 60; chiếc la bàn là đồ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 50; chiếc máy chữ dùng đánh các văn bản khi Người cần gấp… do các nhân chứng lịch sử đã có vinh dự được trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng. Ngoài ra, Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu đã phối hợp với Cục Lưu trữ TW tiếp nhận kho tư liệu của đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, phối hợp cùng cán bộ Cục Lưu trữ TW thống kê, phân loại khối tài liệu theo từng phông lưu trữ, đồng thời trao trả khối tư liệu cho những nơi liên quan (như Cục Lưu trữ TW, Bảo tàng Hồ Chí Minh); ghi chép đầy đủ các hiện vật thể khối trước khi giao lại cho phòng Bảo quản di tích; khối tư liệu ảnh chụp các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch và ảnh chụp các nhà di tích với hiện trạng vốn có được scan và bảo quản trong máy tính, trong đĩa CD.
          Xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ khoa học các nhà di tích và hồ sơ khoa học các tài liệu hiện vật của các nhà di tích trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những nhiệm vụ cơ bản của Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, nhằm góp phần phục vụ cho công tác nghiên cứu và tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về Khu di tích. Chính vì vậy, ngoài việc sưu tầm tài liệu, hiện vật có liên quan đến Người, Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, cũng đã sưu tầm được nhiều bản vẽ thiết kế, kiến trúc các ngôi nhà trong Phủ Toàn quyền do người Pháp xây dựng từ 1900-1942, một số tài liệu về Phủ Toàn quyền liên quan đến tổng thể Khu di tích.
Từng bước xây dựng Hồ sơ khoa học tổng thể Khu Di tích, lý lịch khoa học của từng nhà di tích theo mẫu của Cục Di sản văn hoá, cùng với thời gian, Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu sẽ tiếp tục bổ sung cho đầy đủ hơn, phong phú hơn. Trong số các hồ sơ khoa học cho những tài liệu - hiện vật của hầu hết các nhà di tích đã được xây dựng (nhưng chưa có nhiều về số lượng và đầy đủ về chất lượng), mới chỉ có tài liệu hiện vật ở di tích H66 và H67 là đầy đủ hồ sơ khoa học. Ngay cả di tích H67, hiện tại cũng chỉ mới có hồ sơ khoa học hiện vật đang trưng bày. Công việc trong thời gian tới của phòng chức năng là tiếp tục xây dựng hồ sơ khoa học cho toàn bộ hiện vật vốn có ở di tích này.
Với di tích nhà sàn - di tích trung tâm của Khu Di tích Phủ Chủ tịch, việc hồ sơ khoa học hoá cho toàn bộ các tài liệu - hiện vật ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nhưng trong thực tế, chúng ta mới chỉ xây dựng được hồ sơ đầy đủ cho các hiện vật đồ giấy và một số hiện vật thể khối. Vì vậy, vấn đề cần quan tâm là phải xây dựng ngay hồ sơ khoa học cho các hiện vật thể khối vốn có trong thời gian nhanh nhất.
Với những hiện vật là sách, ngoài việc nắm được những nội dung cơ bản của cuốn sách, người xây dựng hồ sơ còn phải nghiên cứu về tác giả cuốn sách đó, mối quan hệ giữa tác giả cuốn sách với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phân tích bút tích trong sách (nếu có),... Đặc biệt hơn, nếu đó là bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì cần phân tích mối quan hệ giữa bút tích với các hoạt động khác của Người, ý nghĩa lịch sử của bút tích đó… và những công việc lặng lẽ, khiêm nhường đó, thực sự góp phần đem đến cho các nhà nghiên cứu và những người làm công tác tuyên truyền giáo dục những tư liệu quý.
          Từ thực tế công tác tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu di tích, có thể thấy được rằng, muốn làm thật tốt công việc đó, người cán bộ chuyên môn trước hết phải nắm vững tiểu sử, sự nghiệp, các mối liên hệ của Người… để từ đó có định hướng cho sưu tầm tư liệu, xây dựng các sưu tập tư liệu theo thời gian, theo thể loại, hoặc chuyên đề và phải ứng dụng công nghệ thông tin mới, nhằm phục vụ nhanh cho công tác tra cứu.
          Việc hoàn thiện một bộ hồ sơ cho tư liệu, cho tài liệu - hiện vật là một quá trình không đơn giản, từ sưu tầm, bổ sung, chỉnh lý, ghi chép, tổng hợp, phân tích khoa học, đặc biệt phải bổ sung được các loại hình tư liệu liên quan trong mối quan hệ thống nhất với tư liệu, với tài liệu hiện vật đó. Đây là một công tác khoa học, vì ngoài phân tích, đánh giá những giá trị của tài liệu - hiện vật, của tư liệu, người xây dựng hồ sơ còn phải chứng minh khoa học, độ chính xác của các tư liệu đưa ra. Riêng đối với tài liệu khi tư liệu hoá, ngoài lập bản ghi chép chi tiết hồ sơ tài liệu, phải phân tích những giá trị hình thức: bản gốc có bản thảo thứ mấy, bản chính thức, bản đồng thời, bản cùng thời, bản in báo, bản sao lại bản chính, các dị bản (nếu có) và phải chứng minh được quá trình phát sinh, phát triển của tư liệu. Với các tài liệu là bản gốc, thì có các loại hình: bản Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tay, bản Người tự đánh máy, bản Người đọc cho người khác viết hoặc đánh máy, bản chuyển từ băng ghi âm gốc, bản có chữ ký của Người… Ngoài ra, cũng cần có sự đánh giá giá trị của nội dung tư liệu và khẳng định được bản chất giai cấp, thiên hướng chính trị, vị trí, ảnh hưởng của tư liệu trong toàn bộ hệ thống và trong toàn xã hội…
          Các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh (trong một hồ sơ mang đầy đủ tính khoa học và pháp lý) sẽ cung cấp những thông tin ban đầu cơ bản, quan trọng về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Vì vậy, để công tác tư liệu ngày một hoàn thiện hơn, hỗ trợ đắc lực cho việc nghiên cứu, tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không chỉ đòi hỏi tâm huyết, trách nhiệm của những cán bộ làm nghiệp vụ chuyên môn mà còn cần sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của tất cả các cán bộ khoa học của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. /.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)