slider

CÔNG TÁC TRƯNG BÀY DI TÍCH BK1 – ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

15 Tháng 09 Năm 2011 / 1948 lượt xem
Ngô Tuấn Anh
Lê Văn Tuyên
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Từ nhiều năm nay công tác trưng bày di tích bất động sản nói chung, di tích bất động sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng đã được các cấp lãnh đạo và các nhà chuyên môn quan tâm nghiên cứu. Năm 1993, Cục Di sản văn hoá và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã đồng tổ chức Hội thảo Khoa học về vấn đề này. Tại Hội thảo, các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số quan điểm như sau:
1. Đối với các di tích của Bác Hồ, mục đích trưng bày càng thông qua các hiện vật, tài liệu, khách tham quan càng có thể hiểu được về một hoạt động, một cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ đó có thể làm sống lại một không khí lịch sử, một giai đoạn cách mạng của dân tộc. Người xem được nhận thức tự do về nội dung đó và trên cơ sở này mới có thể tiếp thu được những giá trị khoa học, giá trị đạo đức hay giá trị thẩm mỹ của những trưng bày trong di tích đó.
2. Ngôn ngữ riêng của Khoa học bảo tồn bảo tàng là trưng bày. Đối với di tích Bác Hồ chỉ có trưng bày đúng nguyên trạng thì mới thể hiện đúng nơi Bác Hồ đã ở và làm việc. Cơ sở của trưng bày chính là các bản vẽ định vị, bản vẽ màu và sổ sách kiểm kê khoa học ngay sau ngày Bác Hồ ra đi. Không được đưa các hiện vật không thuộc di tích vào trưng bày. Không được thay đổi bố cục, loại hình và vị trí nguyên trạng của các hiện vật trong mỗi di tích.
3. Mỗi di tích bất động sản trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch cũng là một hiện vật gốc. Việc trưng bày trong mỗi di tích cũng nên quan niệm đó là môt dạng kho mở. Nên vấn đề đặt ra là phải đảm bảo được các yêu cầu bảo quản để giữ gìn lâu dài di tích đó. Còn nếu không thì phải trưng bày hiện vật làm lại, nhưng hiện vật làm lại đó phải như thật, không được chiếu lệ, giả tạo.
Việc trưng bày các di tích cần thiết phải được tiến hành đồng thời với việc nghiên cứu khoa học, đảm bảo cho các tài liệu, hiện vật được trưng bày đều có giá trị khoa học, có nghĩa là có hộ chiếu khoa học để đảm bảo tính pháp lý cho công tác trưng bày và giới thiệu hiện vật.
4. Để phát huy tác dụng tuyên truyền và giáo dục nhiều mặt về Khu di tích, trong khi tiến hành việc trưng bày các nhà di tích, cần đồng thời tiến hành việc tôn tạo và khôi phục hoàn chỉnh các di tích ngoài trời hoặc một phần cảnh quan đã bị mất đi hoặc đang bị mất dần. Bởi mỗi di tích đều có và gắn liền với một môi trường cụ thể của nó mới tạo ra sự hợp lý. Vì vậy nên tránh khuynh hướng hiện đại hóa dần các di tích hay làm mới chúng một cách thiếu nguyên tắc, không dựa trên cơ sở khoa học.
Trên cơ sở những nguyên tắc chung đó, công tác trưng bày ở Khu di tích Phủ Chủ Tịch gần đây dần dần đã thực hiện và tuân thủ được một số nguyên tắc. Tuy nhiên do lịch sử để lại, trong nhiều nhà di tích vẫn còn giữ hiện trạng trưng bày mang tính sắp đặt để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Giới hạn bài viết này chúng tôi mạnh dạn chỉ xin nêu một vài suy nghĩ về việc trưng bày ở Di tích BK1 trong Khu di tích.
 Di tích BK1 trong Khu di tích Phủ Chủ Tịch là di tích khi sinh thời Bác Hồ thường làm việc, tiếp khách, xem phim và ký các Sắc lệnh của Chủ tịch nước.
Di tích là một căn nhà nhỏ hướng mặt ra ao cá, nằm khiêm tốn phía sau ngôi nhà bếp nấu ăn phục vụ Bác Hồ và Bác Tô (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng) từ năm 1954-1969.
Theo hồ sơ khoa học lưu ở phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu, căn phòng này là căn nhà cuối cùng được xây dựng trong khu Phủ toàn quyền. Trên tường chái nhà vẫn còn đắp nổi thời gian căn nhà được hoàn thành là ngày 13-1-1942. Nhà xây theo kiểu dân dụng, mái lợp ngói, tường dày 30cm, quét vôi màu vàng, nền nhà láng xi măng. Khi Bác Hồ về ở và làm việc trong khu Phủ chủ tịch, căn phòng nhỏ được sử dụng làm nơi đặt máy quay phim để chiếu phim sang phông vải được treo ở phòng lớn phục vụ Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị, vì thế bức tường ngăn hai phòng đã được đục bốn ô vuông vừa với kích thước các ống kính của máy chiếu. Theo các nhân chứng lịch sử, nội dung các phim được chiếu thường về tình hình chiến sự hai miền Nam-Bắc, về các vấn đề khoa học mới như phá bom từ trường của Mỹ đã thả xuống các công trình xây dựng, các tuyến đường giao thông… để báo cáo với Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Những khi không chiếu phim thì có một tấm bản đồ thế giới được treo để che những ô vuông này. Bác vẫn theo dõi tình hình quốc tế qua tấm bản đồ ấy. Sau năm 1969, gian phòng đặt máy chiếu phim được chuyển thành nơi làm việc của đồng chí Vũ Kỳ - nguyên là thư ký của Bác.
Ở góc trái trên nền lát xi măng của phòng lớn còn có một hầm phòng không cá nhân. Cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch đã chuẩn bị căn hầm này để phục vụ Bác khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Theo ảnh chụp và những bản vẽ màu lưu giữ ở Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, ở giữa phòng lớn có kê một bộ bàn ghế mây gồm một chiếc bàn tròn và bốn chiếc ghế kiểu sa lông chân thấp. Theo các nhân chứng lịch sử thì tại bộ bàn ghế này Bác Hồ đã tiếp các đồng chí lãnh đạo đầu ngành đến làm việc và báo cáo công tác với Bác và xin chỉ thị, chỉ đạo trực tiếp của Người. Tại đây Người đã tiếp Bộ trưởng Giao thông Phan Trọng Tuệ và xem những bộ phim về việc xây dựng những tuyến đường giao thông huyết mạch tiếp tế cho mặt trận. Bác cũng tiếp Đại sứ Liên Xô đầu tiên ở Việt Nam nhiệm kỳ 1954-1956, ông A.A Lavrisep, ở căn phòng này.
Bên trái căn phòng từ cửa phía ao cá vào còn được kê giá sách bằng gỗ, trên cùng đặt một tượng bán thân V.I Lenin, các ngăn xếp đầy sách vở, với hơn 300 cuốn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trong đó có nhiều cuốn là các tác phẩm của Lênin bằng tiếng Pháp… Bên cạnh giá sách kê một bộ bàn ghế gỗ. Tại bộ bàn ghế gỗ này Bác đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước. Sắc lệnh đầu tiên Bác ký là Sắc lệnh số 220/SL ngày 14/1/1955 để tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất và bằng khen cho các đoàn văn công Nam Bộ, Quân đội và truy tặng cho các đoàn văn công Thừa Thiên và Lào Cai-Hà Giang, ghi nhận vai trò của hoạt động văn hoá và những đóng góp to lớn của các nghệ sỹ đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước trong những năm kháng chiến. Trong năm 1955, Bác còn ký nhiều Sắc lệnh như Sắc lệnh 229/SL về chính sách dân tộc của Chính phủ; Sắc lệnh 230/SL ban hành quy định về việc thành lập Khu tự trị Thái Mèo; Sắc lệnh 234/SL đảm bảo quyền tụ do tín ngưỡng và một số vấn đề khác của tôn giáo; Sắc lệnh 237/SL thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba cho các sỹ quan và thuỷ thủ các tàu Liên Xô “Staropol” và “Arkhangelsk”, tàu Ba Lan “Kilinski” đã phục vụ đắc lực việc chuyển quân tập kết, cán bộ và nhân dân miền Nam ra miền Bắc; Sắc lệnh 242/SL thưởng Huân chương độc lập, Huân chương Lao động cho các đồng chí trong đoàn cố vấn Trung Quốc công tác tại Việt Nam; những người có thành tích trong lao động, chiến đấu cũng được Người quan tâm tặng thưởng Huân chương … Sắc lệnh cuối cùng Bác ký là Sắc lệnh số 125/ LCT ngày 2/8/1969 công bố tha cho những phạm nhân cải tạo tốt và giảm hạn tù cho những phạm nhân thật thà, cố gắng sửa chữa khuyết điểm trong thời gian ở trại.
Chúng tôi liệt kê những sự kiện trên để cho thấy một di tích có nhiều ý nghĩa như thế nhưng hiện nay chỉ còn bộ bàn ghế gỗ trên đó để tấm nhựa ghi “nơi Bác Hồ ký Sắc lệnh”, căn hầm phòng không đã bịt xi măng, một bàn đặt ba máy điện thoại, một tấm bảng đen treo ở phòng hiện tai cơ quan Khu Di tích Phủ Chủ tịch sử dụng làm phòng y tế . Trên tấm bảng đen này sinh thời Bác Hồ, Văn phòng Phủ Chủ tịch vẫn ghi số lượng máy bay bị bắn rơi hàng ngày trên miền Bắc để báo cáo với Bác và bộ bàn ghế mây.
Năm 2005, ở chính phòng giữa ngôi nhà này được đặt một bàn thờ Bác rất trang trọng. Hình thức tưởng niệm này phù hợp với truyền thống dân tộc, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân cả nước mỗi khi có dịp về Hà Nội, vào Lăng viếng Bác và viếng thăm nơi Người đã ở và làm việc. Tuy nhiên hoạt động này ban đầu cũng có nhiều ý kiến khác nhau,
Theo chúng tôi, để phát huy tác dụng giáo dục nhiều mặt di tích này thì ngoài những hiện vật đã trưng bày, cần được khôi phục trưng bày và trưng bày bổ sung thêm những hiện vật vốn có còn thiếu, ví dụ:
-         Nên khôi phục lại nắp hầm phòng không cá nhân.
-         Trưng bày lại giá sách với đầy đủ số sách vốn có và các hiện vật thể khối có ở tầng trên cùng của giá sách như tượng V.I Lênin, quả địa cầu …
-         Treo lại tấm bản đồ thế giới ở tường ngăn hai phòng (có thể sau tấm ri đô để mỗi khi có khách đến tham quan vẫn có thể kéo ri đô để giới thiệu…)
-         Những hiện vật đang trưng bày cần được xếp đặt đúng vị trí vốn có của nó.
Việc khôi phục trưng bày lại di tích này chúng tôi cho là có nhiều thuận lợi vì Hồ sơ Khoa học của di tích có đầy đủ bản vẽ màu mặt phẳng, vẽ màu phối cảnh, ảnh chụp đen trắng toàn bộ nội ngoại thất di tích, lý lịch di tích, danh mục hiện vật vốn có, lời kể của các nhân chứng… đang được lưu giữ tại Kho tư liệu của Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Bàn thờ Bác đặt ở đây cũng không ảnh hưởng đến việc khôi phục trưng bày di tích này vì bàn thờ đặt vào nơi có cánh cửa thông hai phòng của căn nhà mà ở vị trí vốn có của nó đã không tồn tại vật dụng nào.
Mạnh dạn nêu ra các ý kiến trên, chúng tôi mong muốn được lãnh đạo, các cán bộ khoa học và các phòng chức năng của cơ quan quan tâm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, phối kết hợp với các cơ quan hữu quan như Cục di sản văn hoá, Bảo tàng Hồ Chí Minh để tổ chức thực hiện.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)