slider

Công ty diêm Thống Nhất vinh dự hai lần được đón Bác về thăm

08 Tháng 08 Năm 2020 / 1264 lượt xem

Hoàng Kiều Trang

Nhà máy Diêm Thống Nhất được thành lập vào năm 1956, là công xưởng sản xuất đầu tiên được xây dựng ở miền Bắc sau hòa bình lập lại. Cùng với các sản phẩm giày của Thượng Đình, cao su Sao Vàng, bóng đèn phích nước của Rạng Đông, quạt điện Thống Nhất... diêm Thống Nhất là sản phẩm đặt nền móng cho nền sản xuất miền Bắc.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, quân Pháp rút khỏi nước ta, nhân dân miền Bắc bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế. Tuy đặt nhiệm vụ trước hết là hồi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định xã hội, ổn định đời sống nhân dân, tăng cường và mở rộng hoạt động quan hệ quốc tế. nhưng Đảng và Bác Hồ vẫn dành sự quan tâm không nhỏ tới ngành công nghiệp.

Tháng 11 năm 1955, khi hòa bình vừa mới lập lại ở miền Bắc được hơn một năm, nói chuyện tại hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp, Bác đã nhấn mạnh: “Cán bộ quản lý cần nhận thật rõ rằng: công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế nước nhà. Chân phải thật vững, thật khỏe, thì kinh tế mới tiến bộ thuận lợi và nhanh chóng”(1). Với Nhà máy Diêm Thống Nhất, “đứa con đầu lòng” của ngành công nghiệp nhẹ Việt Nam, Bác đã hai lần trực tiếp về thăm và căn dặn tập thể cán bộ lãnh đạo và công nhân nhà máy những chỉ dẫn quý báu trong công việc, trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là tinh thần tiết kiệm trong sản xuất, góp phần thiết thực củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam, thực hiện một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Lần thứ nhất vào sáng ngày 16/8/1956, Bác đến thăm nhà tập thể, nhà ăn, nhà trẻ của nhà máy. Bác rất vui khi thấy tuy tất cả chỉ là những dãy nhà tranh, vách nứa nhưng đều sạch sẽ gọn gàng. Lãnh đạo nhà máy mời Bác vào phòng giám đốc nhưng Bác không vào mà đi thẳng tới các phân xưởng sản xuất. Đã thành nếp mỗi khi đến thăm các đơn vị cơ sở, Bác thường đến từng bộ phận, quan sát quá trình lao động, sản xuất, đời sống, gặp gỡ, nói chuyện, để lại những kỷ niệm, bài học sâu sắc, thấm thía trong lòng cán bộ, nhân viên. Bác dừng lại khá lâu ở các phân xưởng nan, dán, dầu thuốc và bao kiện. Đứng bên máy chặt que diêm tại phân xưởng nan, Bác chăm chú nhìn công nhân thao tác kĩ thuật và cầm trên tay mấy que rồi nói:

- Các chú làm que hơi to và dài (cỡ que diêm là 50mmx2mm).

Đồng chí giám đốc đứng bên cạnh báo cáo:

- Thưa Bác, nhân dân ta thường dùng diêm để hút thuốc lào nên phải làm to và dài ạ!

Bác nói:

- Nếu thế thì các chú nên làm hai loại. Bây giờ nhiều người dùng thuốc lá, làm que ngắn tiện bỏ túi mà lại tiết kiệm.

Thực hiện lời dạy của Bác, sau đó ít lâu, que diêm được chỉnh lại ngắn và nhỏ hơn (40mmx1.6mm)

Bác tiếp tục đi thăm các nơi sản xuất khác và rất vui khi thấy nhà xưởng khang trang, gọn gàng, sạch sẽ, mọi người đều vui vẻ nghiêm túc, say sưa với công việc.

Được gặp Bác vào những năm đầu giải phóng Thủ đô, cán bộ, công nhân nhà máy đều hân hoan, nhiều người cảm động nước mắt lưng tròng, nhất là những đồng chí công nhân miền Nam tập kết. Tại cuộc gặp mặt, Bác ra hiệu cho mọi người im lặng, trật tự để nghe nói chuyện. Trước hết Bác căn dặn: “Mọi người phải biết ơn Liên Xô và các nước bạn đã giúp đỡ nhân dân ta kiến thiết Tổ quốc và phải học tập tinh thần quốc tế cao cả của các đồng chí chuyên gia và công nhân các nước bạn”.Tiếp đó, Người đề cập đến vai trò của giai cấp công nhân, nhấn mạnh anh chị em phải nhận rõ ngày nay công nhân đã làm chủ nhà máy, phải làm sao xứng đáng với địa vị đó, phải ra sức làm cho nhà máy phát triển, thực hiện tàng gia sản xuất và tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tôn trọng kỷ luật lao động.

Bác rất quan tâm tới điều kiện làm việc và đời sống tinh thần, vật chất của công nhân, của người lao động. Người chỉ rõ lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người được khoẻ mạnh thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất, làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển thì có khả nàng để cải thiện đời sống của công nhân và nhân viên. Do đó, muốn đời sống được cải thiện thì anh chị em công nhân phải cố gắng sản xuất, còn các cán bộ phụ trách phải luôn luôn chú ý sàn sóc đến đời sống của công nhân. Người đặc biệt lưu ý cán bộ phụ trách phải chú ý hơn nữa đến việc chàm nom sàn sóc các cháu trong nhà máy vì như vậy mới làm cho cha mẹ các cháu yên tâm sản xuất và sau này các cháu mới trở thành những công nhân, cán bộ khoẻ mạnh để phục vụ Tổ quốc.

Toàn thể anh chị em phải thực hiện đoàn kết dân chủ, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, thành khẩn phê bình, tự phê bình để giúp nhau tiến bộ. Nhà máy diêm Thống nhất là nhà máy xây dựng xong đầu tiên ở miền Bắc. Vì vậy, các cán bộ, công nhân viên cùng phải cố gắng làm gương mẫu về mọi mặt. Các cán bộ lãnh đạo chi bộ, đoàn thanh niên, công đoàn của nhà máy phải làm cho nội bộ đoàn kết, toàn xưởng đoàn kết, đoàn kết với đồng bào địa phương, chú trọng giáo dục công nhân, thực hiện dân chủ, đẩy mạnh thi đua sản xuất, tiết kiệm và chú trọng sàn sóc đến đời sống của anh chị em công nhân trong nhà máy, để góp phần thiết thực củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam, thực hiện một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(2).

Tiết kiệm là một trong những nội dung luôn được Bác Hồ rất mực coi trọng. Trong suốt thời gian lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Bác luôn nhấn mạnh vai trò và tầm ý nghĩa của tiết kiệm trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của nước ta. Miền Bắc được giải phóng, cùng một lúc nhân dân ta phải tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Để làm tốt cả hai nhiệm vụ đó, hơn lúc nào hết, việc sản xuất cũng như tiết kiệm luôn rất được coi trọng, vì tiết kiệm là Quốc sách. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở, yêu cầu: “người yêu nước phải thi đua thực hành tiết kiệm”(3) và đi đôi với việc thực hành tiết kiệm và phải chống lãng phí, “nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút thì góp lại sẽ rất to”(4), Tất cả mọi người đều cùng tiết kiệm. Đây chính là nguồn gốc để tạo nên sức mạnh bền vững của đất nước. Làm việc gì cũng cần có tinh thần đoàn kết một lòng trong toàn thể nhân dân. Bởi aicũng có thể tiết kiệm và ai cũng nên tiết kiệm! Dù là Chủ tịch nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống rất giản dị, tiết kiệm. Điều đó thể hiện trong cách ứng xử từ lời nói đến việc làm, từ cách ăn, mặc, ở và cách sinh hoạt hằng ngày. Tác phong bình dị ấy mang lại sự gần gũi, ấn tượng khó quên với những ai đã được gặp Người dù chỉ một lần.

Lần thứ hai vào cuối tháng 8/1960, Bác đi kiểm tra đê ở Bắc Ninh, trên đường về Bác lại ghé thăm khu tập thể nhà máy. Hôm đó Bác mặc bộ quần áo lụa màu gụ, chân đi dép cao su. Một thói quen đã thành tác phong, thành dấu ấn phong cách lãnh đạo của Bác là khi đi thăm các địa phương, cơ sở, xí nghiệp, Bác không chỉ quan tâm đến hoạt động sản xuất mà còn rất quan tâm đến đời sống sinh hoạt của cán bộ công nhân viên. Bác thường xuống thăm nhà ăn, nơi ở, khu sinh hoạt chung của công nhân. Trong chuyến thăm này cũng vậy. Từ cổng khu công nhân Bác rẽ vào khu nhà vệ sinh trước rồi mới đến khu nhà lợp lá, Bác xem các cháu là con công nhân dán đáy diêm đang giúp đỡ bố mẹ trong dịp nghỉ hè. Khi Bác đến thăm nhà ăn tập thể, nhiều cháu nghe tin Bác về thăm nhà máy đã xô cả lại vây quanh Bác. Bác tươi cười, âu yếm và nhìn khắp lượt và nói: muốn Bác ở đây lâu thì phải dãn ra một chút. Mọi người cười vui vẻ làm theo lời Bác. Nhìn bao quát các mâm cơm đặt trên bàn ăn được đậy lồng bàn cẩn thận, Bác mở một mâm đã chia sẵn theo định suất và nói: các cô nấu như thế này cho mấy người ăn? Chị cấp dưỡng thưa: Thưa Bác bốn người ăn ạ. Bác khen cơm ngon và thức ăn tốt. Nhìn trên tường có câu khẩu hiệu “Biến căm thù Phú Lợi thành hành động nấu cơm nóng, canh ngọt”. Bác nói: các cô các chú làm như thế là tốt! - Từng lời nói của Bác đã trở thành niềm động viên to lớn đối với các chị em cấp dưỡng, hằng ngày chăm lo cho bữa ăn của cán bộ công nhân nhà máy ngày một chu đáo. Tiếp đó, Bác vào nhà mẫu giáo thăm các cháu và lên thang gác đến chỗ ở của công nhân bộ phận la-ket. Thấy có nhiều mạng nhện chăng ở gầm cầu thang, Bác nói: sao các chú để mạng nhện nhiều thế. Vào phòng thấy đồ đạc, quần áo để chưa được gọn, Bác hỏi vui: các chú ở đây ngày rửa mặt mấy lần? Các đồng chí có mặt lúc đó áy náy không yên. Lời nói của Bác vừa nhẹ nhàng, hóm hỉnh, tạo cảm giác thân thiện, gần gũi nhưng cũng lại vừa thấm thía. “Tục ngữ có câu “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”. Ăn mà bát không sạch thì không ngon. Cho nên từ trong nhà ra ngoài ngõ, đến cái ăn, cái mặc phải chú ý hơn nữa. Cần chăm chỉ vệ sinh hơn”(5).

Từ sau ngày đáng nhớ ấy, cả nhà máy đã dấy lên phong trào vệ sinh sạch đẹp, cho đến nay, truyền thống đó vẫn được duy trì. Đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng mọi người trong nhà máy hết thế hệ này đến thế hệ khác ai ai cũng có chung một niềm tự hào là được sống, làm việc và học tập trên mảnh đất hai lần được Bác về thăm.

Thực hiện lời Bác dạy và để xứng đáng với Bác, anh chị em cán bộ công nhân và các cháu thiếu niên nhi đồng trong nhà máy đã liên tục phấn đấu vươn lên giành nhiều thành tích trong lao động sản xuất và chiến đấu. Các phong trào thi đua yêu nước liên tục được phát động và được mọi người hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, đạt nhiều kết quả.

Nhà máy đã được Nhà nước tặng thưởng 4 Huân chương Lao động (một hạng hai và 3 hạng ba). Được Bác Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa năm 1971 về thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu. Nhiều năm nhà máy là lá cờ đầu của ngành Công nghiệp nhẹ và Liên hiệp Giấy - Gỗ - Diêm. Các hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên, phụ nữ trong nhà máy cũng được quan tâm đúng mức, giành nhiều thành tích, nhiều mặt được ghi nhận và trở thành truyền thống tốt đẹp của nhà máy.

Là một nhà máy nằm trong vùng trọng điểm đánh phá trong cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của giặc Mỹ, nhà máy đã 2 lần phải di chuyển, sơ tán nhưng sản xuất vẫn được duy trì giữ vững góp phần phục vụ tốt cho công cuộc chống Mỹ, cứu nước. Kết thúc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhà máy bị đánh phá thiệt hại nghiêm trọng, nhưng với tinh thần kiên cường, không lùi bước trước khó khăn, cán bộ công nhân trong nhà máy đã phấn đấu ngày đêm, nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định sản xuất, vì vậy đã phục vụ kịp thời sự nghiệp xây dựng đất nước và cuộc sống của nhân dân.

Từ đầu năm 1988, bước vào thực hiện cơ chế mới, xóa bỏ bao cấp, thực hiện tự hạch toán. Từ năm 1993 nhà máy hoạt động theo mô hình công ty với chức năng sản xuất và kinh doanh. Buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng nhớ lời Bác dặn và để xứng đáng với Bác, với truyền thống tốt đẹp của đơn vị, cán bộ công nhân viên trong nhà máy đã kiên trì phấn đấu, từng bước tháo gỡ khó khăn để kiên quyết giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống là bao diêm. Đồng thời tổ chức mở rộng sản xuất thêm những mặt hàng khác để giải quyết lao động và ổn định nâng cao đời sống. Công tác chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên đã được quan tâm và ngày càng cải thiện hơn, khu sản xuất và khu tập thể của Công ty ngày càng khang trang sạch đẹp và văn minh. Nhiều năm khu tập thể Công ty Diêm Thống Nhất đạt danh hiệu lá cờ đầu của thành phố về khu tập thể văn minh sạch đẹp. Trường mầm non của Công ty liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến, được bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng và thành phố. Tổng kết 5 năm phong trào An toàn vệ sinh do Bộ Công nghiệp nhẹ phát động (1989 - 1994), Công ty Diêm Thống nhất đã được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ tặng bằng khen. Lớp lớp thiếu niên nhi đồng của nhà máy đã vươn lên không ngừng để kế tục và xứng đáng với lớp cha anh , nhiều người đã trở thành những cán bộ quản lý xuất sắc, thợ giỏi, có người đã trở thành phi công, nhà thơ, vận động viên nổi tiếng...

Từ giai đoạn nền kinh tế bắt đầu mở cửa, cũng như nhiều thương hiệu xưa khác, Diêm Thống Nhất cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm tạo lửa từ nước ngoài, đặc biệt là bật lửa Trung Quốc. Kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, sức mua nội địa và xuất khẩu giảm khiến tiêu thụ sản phẩm diêm khó khăn hơn. Trong bối cảnh ấy, Diêm Thống Nhất đã phải tự “làm mới mình” để tồn tại. Với diêm, công ty chọn giải pháp phát triển công tác thị trường bằng việc tăng tiếp thị, quảng bá sản phẩm. để giữ sản lượng và doanh thu của sản phẩm truyền thống này. Với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, công ty định hướng mở rộng sản xuất sản phẩm bao bì carton, in ấn từ năm 2006 và Bật lửa Thống Nhất vào năm 2014. Với sản phẩm bao bì carton đến nay đã tròn 10 năm chính thức đi vào sản xuất, Công ty đã trở thành nhà cung cấp bao bì carton cho nhiều đơn vị sản xuất lớn trên địa bàn. Với sản phẩm Bật lửa, Diêm Thống Nhất cho ra mắt sản phẩm bật lửa an toàn, chất lượng cao với các ưu việt như bật êm, nhẹ và có thể giữ được ngọn lửa trong môi trường gió; bật lửa châm nến cốc, châm bếp cồn an toàn.

Đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Nhà máy đã dựng tượng Bác ngay trước sân giữa vườn hoa của nhà máy. Cũng vào đúng dịp kỷ niệm này , dây chuyền sản xuất que diêm hiện đại do Thụy Điển viện trợ đã chính thức đưa vào hoạt động.

Từ trước tới nay và mãi mãi về sau, hình ảnh Bác Hồ kính yêu và những lời dạy bảo của Bác luôn trong trái tim, trí nhớ và biến thành hành động của mỗi cán bộ công nhân viên Công ty Diêm Thống Nhất.

 

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr191

2.       Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1980, tr.59-61

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.8-9

4.       Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr.639

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 10, tr.468

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)