slider

CUỐN SÁCH: BÀN VỀ CUỘC CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THÁNG MƯỜI VĨ ĐẠI CỦA V.I. LÊNIN Ở NHÀ SÀN

02 Tháng 11 Năm 2011 / 4424 lượt xem
Trần Thị Thuấn
Phòng Sưu tầm – Kiểm kê – Tư liệu
 
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc tại Khu di tích Phủ Chủ tịch có rất nhiều sách của V. I. Lênin - vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới. Đó là những cuốn sách: Lênin Toàn tập, Lênin Tuyển tập và một số cuốn sách về các chuyên đề khác... được in bằng các thứ tiếng như: tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga... Một trong số những cuốn sách in bằng tiếng Nga có cuốn “Bàn về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại”, hiện đang được trưng bày trang trọng trên chiếc bàn Bác Hồ thường họp với Bộ Chính trị và làm việc ở tầng một nhà sàn.
Cuốn sách “Bàn về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại” do Nhà xuất bản Văn học chính trị Nga xuất bản lần thứ 2 năm 1966, bìa giấy cứng giả da, có khổ 13 x 22 cm, dày 440 trang. Sách do các cán bộ Viện Mác-Lênin thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô tập hợp và biên soạn từ một số bài viết, bài phát biểu của V.I. Lênin trong khoảng thời gian từ ngày 7/11/1917 đến năm 1922 (là thời gian sau 5 năm Cách mạng tháng Mười vĩ đại thành công). Cuốn sách gồm 3 phần: Phần mở đầu, Phần nội dung chính và Phần ghi chú, kèm theo một số trang minh họa tranh ảnh, những trang bản thảo của V.I. Lênin được chụp lại.
Phần mở đầu của cuốn sách nhấn mạnh vai trò của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, đã mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại - kỷ nguyên sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và ra đời một xã hội mới – XHCN, đồng thời, chứng minh sự thắng lợi của tư tưởng Mác - Ănghen - Lênin đã soi sáng con đường đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản và khẳng định sự đúng đắn của đường lối, sách lược của Đảng Bônsêvích.
Phần nội dung chính của cuốn sách gồm các tác phẩm quan trọng của V.I. Lênin trong thời kỳ 1917-1922, qua đó người đọc có thể thấy được mục tiêu, động lực và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Mười Nga đối với cách mạng các nước trên thế giới. Người đọc thấy rõ vai trò to lớn của Đảng mácxít trong việc tổ chức, lãnh đạo quần chúng nhân dân (gồm giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động) làm cách mạng, giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Ngoài ra, cuốn sách còn giúp người đọc được tiếp cận với các văn kiện do V.I. Lênin soạn thảo cho Đại hội đại biểu công nhân và binh lính toàn Nga lần thứ 2 (họp ngày 7, 8 /11/1917). Trong đó, có những sắc lệnh về hoà bình, ruộng đất; những nhiệm vụ chính của chính quyền Xô viết sau ngày cách mạng thành công; đường lối đối nội, đối ngoại trong điều kiện quốc tế mới; vấn đề dân chủ; vấn đề xoá bỏ áp bức, bóc lột.... Dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin và Đảng Cộng sản, nhân dân Liên Xô đã lao động sáng tạo, xây dựng xã hội XHCN phát triển toàn diện về mọi mặt. Chỉ trong một thời gian ngắn sau Cách mạng tháng Mười, Liên Xô đã tiến hành công nghiệp hoá, hợp tác hoá nông nghiệp và tiến hành cách mạng văn hoá.
Phần minh hoạ, ghi chú của cuốn sách đăng tải một số hình ảnh của V.I. Lênin chụp những năm 1920. Những trang đầu là toàn bộ bản thảo “Tuyên bố về quyền lợi của người dân lao động và người dân bị bóc lột” được V.I. Lênin viết đầu tháng Giêng năm 1918; Trang 132 – 133 là hình ảnh của V.I. Lênin đang đi dạo trong điện Cremlin lúc đã hồi phục sức khỏe (sau khi Người bị thương tháng 10-1918); Trang 356-357 là hình ảnh của Lênin tại cuộc thi máy cày điện xôviết đầu tiên trong phòng kinh tế thử nghiệm của trường Đại học Kỹ thuật Thú y Moskva ngày 22/10/1921...
Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ - nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh([1]), khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cần tư liệu để viết bài kỷ niệm 50 năm ngày Cách mạng tháng Mười Người đã yêu cầu bên ngoại giao tìm tài liệu cho Người. Cuốn sách “Bàn về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại” là một trong những tài liệu được gửi đến cho Người bằng con đường ngoại giao. Vì theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên trong cuốn sách không có lưu bút của người tặng và ngày, tháng, năm được tặng...
Trong cuốn sách tuy không bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng qua một số minh chứng cụ thể có thể thấy: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách và sử dụng tư liệu ở trong  cuốn này. Vì trong bài viết “Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” gửi báo Sự thật (Liên Xô) ngày 28/10/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sử dụng câu nói của Lênin về ý nghĩa lịch sử của cách mạng tháng Mười như sau: “Chúng ta có quyền tự hào và thực tế, chúng ta tự hào là chúng ta có vinh hạnh được bắt đầu xây dựng Nhà nước Xôviết và do đó, một thời đại thống trị của giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa và ở bất cứ nơi nào cũng đang tiến tới một cuộc đời mới, tiến tới chiến thắng giai cấp tư sản, tiến tới chuyên chính của giai cấp vô sản, tiến tới giải phóng loài người khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”(1). Trong bài viết này, Người cũng đã dẫn chứng nhiều con số cụ thể để so sánh sự phát triển toàn diện của nước Nga Xô viết trước, trong và sau Cách mạng tháng Mười... có ở trong cuốn “Bàn về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại” của V.I. Lênin.
Cuốn sách xuất hiện tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài mục đích để nghiên cứu và khai thác tư liệu như những cuốn sách khác của Lênin thì còn vì lý do với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lênin là bậc thầy chỉ lối dẫn đường cho Người tìm ra con đường cách mạng chân chính phù hợp với điều kiện chính trị, lịch sử của Việt Nam. Mặt khác, qua nghiên cứu tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì trong quá trình hoạt động cách mạng, từ khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân, Người luôn quan tâm nghiên cứu các cuộc khởi nghĩa, cuộc cách mạng diễn ra ở Việt Nam và trên thế giới. Những năm sống và hoạt động trên đất Pháp, Người đã nghiên cứu nhiều về cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại và đã có nhiều bài viết về nó. Năm 1924, Người viết bài “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa: Người đọc các tác phẩm của V.I.Lênin nói vềcác vấn đề dân tộc và thuộc địa, tham dự những cuộc tranh luận sôi nổi trong Đảng Xã hội Pháp. Người bỏ phiếu tán thành Quốc tế III - "chính là vì Quốc tế thứ III đấu tranh để giải phóng các dân tộc bị áp bức". : “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại là bước ngoặt trong phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười đã đem lại một cao trào chưa từng thấy trong cuộc vận động giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc”(3). Về quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, Người nói: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô là những người anh em thân thiết nhất, những mối quan hệ thân ái của chúng ta là tấm gương thể hiện các nguyên tắc vĩ đại của chủ nghĩa quốc tế vô sản”(4). Người khẳng định: "Đối với nhân dân và đặc biệt là đối với những người cách mạng, Cách mạng Tháng Mười vĩ đại là ngọn đèn pha soi sáng cuộc đấu tranh cho tự do và hạnh phúc. Cách mạng Tháng Mười đã đem lại cho chúng tôi chủ nghĩa Mác - Lênin. Học thuyết bất hủ đó đã vạch ra con đường mà chúng tôi phải đi theo”. Người cho rằng: "Các dân tộc xây dựng xã hội mới, đang gặp phải và sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Nhưng... sớm hoặc muộn, tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội”(2). Trong bài “Cách mạng tháng Mười và sự nghiệp giải phóng các dân tộc phương Đông” có đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh” với bút danh Nguyễn Ái Quốc đăng báo La Vie Ouvrière số 20. Năm 1927, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người cũng dành nhiều trang viết về “Lịch sử cách mạng Nga” và khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi”. Những năm sau này, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người lãnh đạo cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì những kinh nghiệm, sự thành công của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại đối với Người cũng như đối với cách mạng Việt Nam ngày càng có vai trò, ý nghĩa rất sâu sắc. Năm 1957, khi viết bài “Cách mạng tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường đưa chúng ta tới hạnh phúc” để nói chuyện với các nhà báo Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết
Không chỉ qua các bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều tình cảm và và sự quan tâm đối với Đảng và nhân dân Liên Xô, cụ thể: Ngày 20/5/1957, tại Phủ Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với Chủ tịch K.E.Vôrôsilốp và các vị khách Liên Xô. Tại buổi tiếp, nói về ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga, Người khẳng định:“Riêng đối với nhân dân Việt Nam, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười đã giúp cho Cách mạng Tháng Tám thành công, giúp cho kháng chiến thắng lợi”(5). Tháng 1 năm 1962, tại ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô - Thiếu tá German Titốp - sang thăm Việt Nam. Người đưa German Titốp ra thăm vườn cam và tặng anh những quả cam do chính tay Người chăm sóc. Tối ngày 21/1/1962, tại buổi chiêu đãi German Titốp, trong lời phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ý nghĩa, niềm tự hào của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam trước “kỳ công của người phi công anh hùng Liên Xô” G. Titốp. Người mong mọi người “cần học tập nơi đồng chí Titốp những đức tính cao quí, như trí tuệ dồi dào, tinh thần anh dũng, đức tính kiêm tốn, chí khí kiên quyết, vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ”(6). Từ năm 1953, năm nào cũng vậy, sắp đến ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga thành công. Người lại thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gửi điện mừng đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Xôviết. Nhiều năm kỷ niệm chẵn, người còn viết bài đăng Báo Nhân dân hoặc viết bài theo yêu cầu của các cơ quan như: Năm 1961, Người viết bài “Chào mừng kỷ niệm lần thứ 44 cách mạng tháng Mười vĩ đại... ” đăng Báo Nhân dân (số 2786 ngày 7/11/1961); Năm 1967, Người viết bài “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” cho báo Sự thật (Liên Xô) nhân kỷ niệm lần thứ 50 Cách mạng Tháng Mười Nga (bài viết đã được báo Nhân dân đăng trong số ra ngày 1/11/1967)
Qua lời kể của đồng chí Vũ Kỳ cũng như qua nghiên cứu tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thời gian cuốn sách được xuất bản là năm 1966, cũng như trong hồ sơ khoa học hiện vật đã so sánh, đối chiếu và tổng hợp có thể thấy, cuốn sách “Bàn về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại” chỉ có thể xuất hiện tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khoảng thời gian từ cuối năm 1966 hoặc đầu năm 1967. Vì chỉ sau khi cuốn sách xuất bản, được phát hành và đến với Chủ tịch Hồ Chí Minh để Người có thời gian đọc và nghiên cứu trước đó thì Người mới khai thác được tư liệu để sử dụng trong bài viết của mình cho Báo Sự thật (Liên Xô) số ra ngày 28-10-1967. Như vậy, cuốn sách không chỉ là vật chứng lịch sử của những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Hà Nội, mà còn cho thấy tinh thần cách mạng kiên cường, lập trường kiên định quyết tâm đi theo chủ nghĩa Lênin, đi theo con đường XHCN của Người; cho thấy tình cảm của Người đối với người thầy V.I. Lênin, với nước Nga Xôviết vĩ đại. Là lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin, nghiên cứu cách mạng tháng Mười Nga, phương pháp lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, mà còn nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng một xã hội XHCN để vận dụng vào lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng XHCN ở Việt Nam.
Hiện nay, cuốn sách “Bàn về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại” đang được lưu giữ trong kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh có số kiểm kê: BTHCM 1025/G-782 và đã được xây dựng hồ sơ khoa học. Thay vào vị trí vốn của nó là cuốn sách làm lại khoa học chính xác để phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.   
 
Chú thích:
1, Xem Bàn về cuộc cách mạng XHCN tháng Mười vĩ đại - Có thể nói về ý nghĩa quốc tế của Cách mạng Nga như thế nào, tr.  290.
2, Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN.1996, T.8, Tr.440-443.
3,4,Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN.1996, T.8, Tr.558-574.
5, Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN.1996, T.8, Tr.356-358
6, Hồ Chí Minh, Toàn tập, .Nxb. CTQG, H,.2002, t.10, tr.499


[1] Ngày 14-6-1986

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)