slider

Cuốn sách “Châu Phi tiến bước” trong Nhà BK1

22 Tháng 09 Năm 2021 / 1187 lượt xem

Nguyễn Thị Thu

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh cho nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam mà còn rất quan tâm tới phong trào cách mạng giải phóng dân tộc tại các nước thuộc địa, đặc biệt là các nước Châu Phi. Nhiều lãnh tụ phong trào cách mạng Châu Phi đã trở thành bạn bè thân thiết của Người, luôn dành tình cảm kính trọng và ngưỡng mộ Người. Trong khối tài liệu, hiện vật của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người sử dụng trong 15 năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, có nhiều cuốn sách do chính tác giả đề tặng Người, trong đó có cuốn sách “Châu Phi tiến bước - Tập X” của tác giả Ahmed Sékou Touré - Tổng Bí thư Đảng Dân chủ Ghinê, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Ghinê.

Cuốn sách xuất bản lần thứ nhất năm 1967, in khổ 16 x 24cm, gồm 693 trang, tiếng Pháp. Ở trang lót bìa trước của sách có lời đề tặng của tác giả, tạm dịch như sau:

“Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh,

Để tỏ lòng tôn kính lòng trung thành tuyệt đối và kiên trì của đồng chí vì sự nghiệp đấu tranh của nhân dân cho sự tiến bộ xã hội trong sự thống nhất và hòa bình.”

Ngày 28/9/1968

Ký tên: A. Sékou Touré

Tác giả cuốn sách là Ahmed Sékou Touré (1922 - 1986) (X. Ture). Ông là người lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Ghinê, là một trong những người sáng lập Liên đoàn dân chủ châu Phi và là Phó Chủ tịch Liên đoàn (thành lập ở Bamacô năm 1946). Năm 1955, ông là Thị trưởng thành phố Conakry và được bầu là nghị sĩ Ghinê trong Quốc hội Pháp (1956). Năm 1957, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng Chính phủ Ghinê và là nghị sĩ của Đại hội đồng Tây Phi thuộc Pháp. Ông là người thúc đẩy độc lập của Ghinê, đưa đất nước này trở thành nước đầu tiên của thuộc địa Tây Phi thuộc Pháp giành độc lập năm 1958. Sau khi Ghinê giành lại được độc lập (2/10/1958), X. Ture trở thành Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Ghinê và ít lâu sau lên làm Tổng thống.

Ghinê chỉ có một đảng cầm quyền là Đảng Dân chủ do X.Ture đứng đầu. Ngoài lãnh đạo quốc gia về chính quyền, ông còn là người xây dựng Đảng về tổ chức và giáo dục tư tưởng. Vì vậy ông viết rất nhiều bộ sách. Trong số những cuốn sách Tổng thống X.Ture viết có nhiều cuốn ông đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện vẫn đang lưu giữ tại nơi ở và làm việc của Người trong Khu di tích Phủ Chủ tịch như: “Châu Phi và cách mạng - Tập 13”; “Chính quyền nhân dân - Tập 16”; “Cuộc cách mạng văn hóa - Tập 17”; “Hành động chính trị của của Đảng Dân chủ Ghinê - Tập 6”; “Đại hội toàn quốc lần thứ 8 Đảng Dân chủ Ghinê” và cuốn “Châu Phi tiến bước” gồm nhiều tập. Năm 1967, ông viết tập thứ X và gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1968.

Tập X trong bộ sách “Châu Phi tiến bước” nêu lên các đặc điểm riêng của Ghinê dựa trên sự phân tích về lịch sử của Ghinê, trích trong Báo cáo chính trị và phương hướng hoạt động của Đại hội lần thứ 6 Đảng Dân chủ Ghinê họp tại Conakry từ ngày 27 đến ngày 31/12/1962. Cuốn sách gồm 9 phần, đề cập đến tất cả các lĩnh vực của cuộc cách mạng của nhân dân Ghinê, với tinh thần cách mạng Ghinê, dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ Ghinê là một bộ phận không thể tách rời của cuộc đấu tranh chung của nhân dân các nước châu Phi giành tự do và hoàn toàn giải phóng. Cách mạng Ghinê không phải là một hiện tượng tự phát mà gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ Ghinê. Cách mạng Ghinê là kết quả tinh thần cách mạng dựa trên cơ sở thực tế của châu Phi và triển vọng phát triển của châu Phi.

Theo lời kể của các ông Vũ Kỳ - nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Trần Văn Vượng - nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch cho biết: “những cuốn sách tiếng nước ngoài, nếu tác giả không trực tiếp tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những dịp gặp gỡ hoặc trong các buổi đón tiếp thì thường gửi theo các đoàn đi công tác hoặc qua Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại và Đại sứ quán gửi về cho Người bằng đường giao thông ngoại giao”. Qua nghiên cứu những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày tác giả viết lời đề tặng thì chúng tôi không thấy có hoạt động nào liên quan trực tiếp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống X.Ture. Tuy nhiên có sự kiện sáng ngày 03/12/1968 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh có buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Đức Thiệng, Đại sứ Việt Nam tại nước Cộng hòa Ghinê. Từ những sự kiện và thông tin tư liệu trên, nhiều khả năng cuốn sách “Châu Phi tiến bước - Tập X” đã được gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Ghinê và đồng chí Nguyễn Đức Thiệng đã mang cuốn sách này về và trao đến tay Người ngay trong buổi làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 3/12/1968 (sau ngày tác giả viết lời đề tặng sách 28/9/1968).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống X.Ture là những người đã xây dựng nên mối quan hệ hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam và Ghinê. Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với châu Phi nói chung, Ghinê nói riêng, đã có từ những năm 20 của thế kỷ XX. Cuối năm 1912, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến châu Phi, đi qua một số nước như Ghinê, Angiêri, Tuynidi...

Trên hành trình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng kiến sự đoàn kết vùng lên chống thực dân xâm lược của các dân tộc châu Phi để giành quyền sống, giành quyền độc lập tự do. Cuộc kháng chiến của nhân dân Ghinê tạm ngừng sáng ngày 29/9/1898 sau khi thủ lĩnh X.Ture bị bắt. Sau đó Ghinê phải trải qua 60 năm dài đen tối bị Pháp chiếm đóng. Nhưng cuộc chiến đấu của họ không hẳn chấm dứt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc đã nổi lên mạnh mẽ sau chiến tranh thế giới thứ hai và ngày 28/9/1958 Ghinê trở thành nước thứ 9 của châu Phi được độc lập sau Etiopia, Ai cập, Tuynidi, Marốc, Liby, Xu đăng và Gana. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng tới Tổng thống X.Ture nhân sự kiện trọng đại này. Trong thư, Người khẳng định: “Việc thành lập nước Cộng hoà Ghinê là một thắng lợi to lớn của nhân dân Ghinê và một lần nữa chứng tỏ rằng tinh thần các Hội nghị Băngđung, Lơ Ke và Acơra đã không ngừng thúc đẩy phong trào giải phóng ngày càng lớn mạnh của các dân tộc bị áp bức ở Á - Phi”.

Qua sự nghiên cứu cũng như chứng kiến hiện thực lịch sử những khổ đau và sự vùng lên chiến đấu anh dũng kiên cường của nhân dân các dân tộc châu Phi nói chung, Ghinê nói riêng, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho họ những tình cảm đặc biệt. Ngày 15/9/1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Tổng thống X.Ture sang thăm chính thức Việt Nam. Trong diễn văn chào mừng Tổng thống X.Ture tại sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại những kỉ niệm cách đó hơn 40 năm khi Người có dịp đến thăm Thủ đô Conakry của nước Cộng hoà Ghinê. Khi đó “một nhóm thanh niên yêu nước, người các thuộc địa Pháp trong đó có thanh niên Việt Nam và thanh niên Ghinê đã cùng nhau đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, để giành tự do, độc lập cho đất nước mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ tấm lòng thân tình và tình cảm đã có với tổng thống X.Ture và thanh niên yêu nước Ghinê bằng hai câu thơ:

“Bây giờ gặp mặt nhau đây

Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên”

Trong thời gian 4 ngày Tổng thống X.Ture và đoàn đại biểu Ghinê ở thăm Việt Nam (từ ngày 15 đến ngày 18/9/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã cùng với Tổng thống X.Ture đến viếng và đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sỹ Mai Dịch, đến quảng trường Ba Đình dự mít tinh của đại biểu các tầng lớp thủ đô với 250 thiếu nhi đến chào mừng Tổng thống, xem đoàn ca múa nhạc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam biểu diễn chào mừng đoàn. Tại Phủ Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã mời cơm thân mật Tổng thống X.Ture và các đại biểu cùng đi. Ngày 17/9/1960, hai bên đã ký tuyên bố chung trên cơ sở đoàn kết, hữu nghị và hoà bình.

Từ sau năm 1960 đến năm 1968, năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những hoạt động đối ngoại với các đoàn công tác từ nước Cộng hoà Ghinê sang thăm Việt Nam, gửi điện hỏi thăm Tổng thống X.Ture khi được tin Ghinê bị lụt lớn (điện gửi ngày 3/11/1967). Đặc biệt vào những ngày 28, ngày 29 hoặc 30 tháng 9 hằng năm Người luôn gửi điện chúc mừng Tổng thống X.Ture nhân ngày Ghinê tuyên bố độc lập.

Tuy trong cuốn sách không có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng chúng tôi cho là Người đã đọc. Vì ngoài tình cảm của Người dành cho đất nước Ghinê nói chung, Tổng thống X.Ture (tác giả cuốn sách) nói riêng, như những lời đề tặng sách của tác giả nội dung cuốn sách đưa ra là những vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, đặc biệt là vấn đề văn minh kiểu Mỹ, phân biệt chủng tộc, sự áp bức của chủ nghĩa thực dân mới.

Cuốn sách “Châu Phi tiến bước - Tập X” của Tổng thống X.Ture gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện vật quý, có giá trị khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa, tư tưởng ngoại giao của Người... Suốt đời chiến đấu không ngừng nghỉ không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả nhân loại cần lao, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu được bầu bạn khắp năm châu ngưỡng mộ và khâm phục. Đối với các lãnh tụ Châu Phi, tên gọi Hồ Chí Minh không chỉ là Bác Hồ mà còn là người anh cả cùng chung những nỗi khổ đau, cùng chung một nhiệm vụ và những băn khoăn lo lắng cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Tổng thống X.Ture đã viết về Người: “Xuất sắc và dũng cảm, người Anh Hồ Chí Minh là tấm gương tốt đẹp đối với các dân tộc Á - Phi trong cuộc đấu tranh cao cả chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới”.

Nghiên cứu hồ sơ khoa học của hiện vật là cuốn sách này giúp cho công tác nghiên cứu, công tác tư liệu và tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và giá trị di sản về Người tại Khu di tích Phủ Chủ tịch. Hiện nay, Di tích mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc và tiếp cán bộ (nhà BK1) chưa được mở cửa và phát huy tác dụng nên cuốn sách này cũng chưa được trưng bày. Vì vậy, chúng tôi đề xuất bổ sung trưng bày cuốn sách tại vị trí vốn có lúc sinh thời Bác sống và làm việc để giúp khách tham quan hiểu đầy đủ, trọn vẹn hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là những đóng góp của Người giai đoạn 1954 - 1969 và tình cảm của lãnh tụ, bạn bè quốc tế dành cho Người.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)