slider

cuốn sách Chiến tranh và cách mạng Angiêri trưng bày ở nhà sàn

19 Tháng 09 Năm 2011 / 2106 lượt xem
Nguyễn Thị Thu
Phòng Sưu tầm – Kiểm kê- Tư liệu
 
Trên giá sách phòng làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tầng 2 nhà sàn trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có một cuốn sách của ông Fehat Apbát- nguyên Chủ tịch Quốc hội Angiêri. Cuốn sách có tên gọi : "Chiến tranh và cách mạng Angiêri"- Phần 1 "Đêm thuộc địa". Cuốn sách viết bằng tiếng Pháp, gồm 120 trang, in khổ 12 x 20cm được xuất bản ở Paris - Pháp năm 1962.
ở trang 3 của cuốn sách có lời đề tặng của tác giả viết bằng bút mực màu xanh, tiếng Pháp, tạm dịch là:
Kính tặng Ngài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cuốn sách nhỏ này miêu tả một cách chân thực lịch sử của phong trào giải phóng của chúng tôi.
Xin tặng Ngài để bày tỏ lòng kính mến quí trọng và tình anh em thân thiết.
                                   Ngày 2-11-1962
                             Kí tên: Fehat Apbát.
Tác giả cuốn sách, ông F. Apbát là người Angiêri, sinh năm 1900. Ông là một trong nhiều nhà trí thức Angiêri đã tham gia hoạt động chính trị đấu tranh đòi cải thiện chế độ thuộc địa của Pháp ở Angiêri. Ngay từ khi 20 tuổi, ông đã từng tham gia đòi quyền của người Angiêri theo Hiến Pháp đã quy định và ông bị thực dân Pháp bắt đi tù. Ngày 8-5-1945 bọn thực dân Pháp đã bắt ông ngay lúc ông cùng một đoàn đại biểu đến Phủ Toàn quyền chúc mừng nước Pháp thắng trận trong chiến tranh thế giới lần II.
 Như tác giả đã viết lời tặng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung cuốn sách miêu tả một cách chân thật lịch sử của phong trào giải phóng Angiêri từ năm 1830 đến ngày thắng lợi 19-3-1962. Trong cuốn sách này, ở trang 16, tác giả đã đề cập đến ý nghĩa lịch sử lớn lao của chiến dịch Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam năm 1954: "Những kẻ mưu đồ bảo vệ chế độ thuộc địa chúng ngăn cản làm sao được bước tiến của lịch sử? Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng quân sự. Nó còn là một tượng trưng. Đó là trận “Valmy" của các dân tộc thuộc địa" (Trận Valmy là trận quân đội cách mang Pháp năm 1789 đánh tan đạo quân của hoàng đế Đức kéo sang dẹp cách mạng cứu vua chúa Pháp. Valmy là tên một làng Pháp gần biên giới Đức). Ông F. Apbát còn viết, "ở Điện Biên Phủ, nước Pháp đã mất đi "tính hợp pháp" về sự có mặt của họ, tức là lẽ phải của kẻ có sức mạnh hơn". Và chính phương hướng đấu tranh đúng đắn và giành chiến thắng lẫy lừng của trận Điện Biên Phủ ở Việt Nam đã giúp cho nhân dân Angiêri tìm ra con đường đấu tranh và họ thấy rằng chỉ bằng con đường vũ trang mới giành được độc lập cho nhân dân mình thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, thoát khỏi cuộc sống nhục nhã của những "đêm dài thuộc địa" giống như nhân loại trước đây bị giam hãm trong "đêm dài trung cổ". Trong cuộc đấu tranh đó, F. Apbát là người tham gia trực tiếp và là người lãnh đạo.
Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho vùng đất Châu Phi nói chung, cho đất nước Angiêri nói riêng đã có từ những ngày Người bôn ba đi tìm đường cứu nước. Cuối năm 1912, Người đã từng đến Châu Phi, đã đi qua một số nước như Angiêri, Tuynidi, Xênêgan, Ghinê, Đahômây (ngày nay là nước Cộng hòa Bênanh)… Tại đây Người đã chứng kiến những cảnh tượng ghê rợn mà thực dân Pháp đối xử với người dân bản xứ, chứng kiến những "sự khai hóa" của chủ nghĩa thực dân ở những nơi này và Người cũng chứng kiến cả sự vùng lên giành quyền sống, quyền độc lập tự do của các dân tộc Châu Phi. Người đặc biệt quan tâm đến cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Angiêri và dành nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần cho họ: “Chế độ thuộc địa của Pháp đã phá vỡ tính tập thể của dân bản xứ và thay vào đó bằng sự cướp đoạt trắng trợn. Tiếp theo bạo lực và tàn phá thường mở đầu cuộc xâm lược… Năm 1848, Angiêri lần đầu tiên chịu sức ép của cuộc tiến công kiểu ấy của những kẻ đi khai hóa…”(1)
Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch, Người đã có nhiều hoạt động góp phần làm tăng cường quan hệ 2 nước Việt Nam - Angiêri. Người viết nhiều bài báo biểu thị sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam, của cá nhân Người đối với cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Angiêri như: Bài “Angiêri anh dũng” ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 1515, ngày 6-5-1958; Bài “Nhiệt liệt chúc mừng và ra sức ủng hộ Angiêri anh em” ký bút danh Chiến Sĩ, đăng báo Nhân dân, số 3505, ngày 2-11-1963… Hồ Chủ tịch còn thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam đón tiếp và hội đàm với các đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Angiêri, đoàn đại biểu quân đội Angiêri… và nhân danh cá nhân gửi nhiều điện mừng đến các vị lãnh đạo Nhà nước Angiêri vào các dịp kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của nhân dân Angiêri, trong đó có 3 bức điện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi trực tiếp cho ông F. Apbát. Trong điện mừng Quốc khánh nước CHDC và nhân dân Angiêri ngày 31-10-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Để góp phần vào việc giúp đỡ anh em Angiêri, nhân dân Việt Nam đã tổ chức một tháng lạc quyên. Mặc dù kết quả vật chất không đáng là bao, nhưng ảnh hưởng về tinh thần thì rất lớn. Tất cả mọi người Việt Nam đều rất quan tâm đến đất nước Angiêri anh em và đều chúc Angiêri nhiều thắng lợi. Tôi xin gửi các vị lời chào anh em".
Châu Phi nói chung, Angiêri nói riêng đánh giá Hồ Chủ tịch là người mở đầu một kỷ nguyên mới đối với các dân tộc bị áp bức, đó là kỷ nguyên các dân tộc bị áp bức vùng lên đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân để giành quyền sống, quyền làm người của mình. Ông Hu-a-ri Bu-mê-điêng - Chủ tịch Hội đồng cách mạng, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng nước CHND Angiêri cho rằng: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trong thế giới thứ ba để tự giải phóng mình khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc”(2). Còn Xã luận Báo Chiến Sĩ - cơ quan TƯ của mặt trận giải phóng dân tộc Angiêri số ra ngày 19-5-1969 viết: "Ngay từ những hoạt động chính trị đầu tiên, khi đã thấy rõ giải pháp duy nhất cho các thuộc địa là giành lại nền độc lập từ tay thực dân, Người (Hồ Chí Minh) đã hướng tất cả mọi nghị lực của mình về mục đích xa xôi đó. Làm thế nào để đạt được mục đích? Bằng phương pháp nào? Đó chính là điều mà Người và các bạn chiến đấu của Người đã học được trong hành động. Trước hết phải thành lập Đảng và chuẩn bị đấu tranh vũ trang" ; "Tên tuổi của Người cũng sẽ ghi sâu mãi mãi trong tâm trí chúng ta như tình đoàn kết giữa hai dân tộc chúng ta Angiêri và Việt Nam mãi mãi bền vững"(3).Còn ông Mô- ha -Mét La- Ma- ri- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Angiêri tại Việt Nam lại viết: "Tôi tự cho mình được phép gọi Người là Bác Hồ, bởi vì tuy thuộc nhân dân Việt Nam, Người vẫn thuộc vào gia tài của nhân loại, cái gia tài của mọi dân tộc yêu tự do, giải phóng đã phải tiến hành đấu tranh chống lại ách thực dân đế quốc"(4). "Ưu điểm lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không chỉ đấu tranh cho một lá cờ, cho một sự giải phóng ở bề mặt bên ngoài. Người muốn tiến hành một cuộc chiến đấu cho phẩm giá con người, cho sự giải phóng và phúc lợi của toàn dân và nhờ thế mà cuộc cách mạng Người phát động đã mang tầm cỡ thế giới” (5). Sự tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được một nhà văn lớn của Angiêri Ka-tép Ya-xin đã xây dựng hình tượng Bác Hồ trong vở kịch "Con người đi dép cao su". Trong đó hình ảnh Người: không ưa nghi lễ, bao giờ cũng mang cùng một bộ đồ vải, một đôi dép lốp. Người vẫn giữ phong thái xưa của người du kích. Mỗi tháng, Người lĩnh lương 240 đồng. Sự khiêm tốn ấy là một bài học kinh tế học. Không xa hoa, không khổ cực. Và cuối vở kịch, tác giả viết:
Người ta gọi tên đơn giản Bác Hồ
Hồ Chí Minh con người soi sáng
Con người mà cả toàn dân gọi đến
Con người không đòi hỏi bao nhiêu
Trong giấc mơ, chân người vẫn bước đều
Người đi dép cao su quen thuộc(6)
          Cuốn sách Chiến tranh và cách mạng Angiêri đã được lập hồ sơ khoa học, đang được lưu giữ ở phòng Sưu tầm – Kiểm kê – Tư liệu. Thông qua cuốn sách, chúng ta không chỉ hiểu thêm về một hiện vật gốc vốn có trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, mà qua đó, chúng ta hiểu thêm tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Châu Phi nói chung, nhân dân Angiêri nói riêng và tình cảm của nhân dân Châu Phi đối với Người.
 
­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­Chú thích: 
1. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc Gia, H.2002, t1, tr.253,254
2. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch. Nxb Sự Thật, H.1970,t.1, tr.175
3.     Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch. Nxb Sự Thật, H.1971, t.2, tr.84
4.5.6 Hội thảo quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc nhà văn hóa lớn của UNESCO và UBKHXHVN, Nxb KHXH, H.1990, tr.39

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)