slider

Cuốn sách “Chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ” hiện đang trưng bày tại nhà 54

14 Tháng 11 Năm 2019 / 2811 lượt xem

rần Thị Thuấn
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

 
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Dù bận nhiều công việc nhưng lúc nào, ở đâu Người cũng dành sự quan tâm nhất định đến tình hình phát triển của các ngành khoa học kỹ thuật ở trong nước cũng như trên thế giới, đặc biệt là ngành chinh phục vũ trụ của Liên Xô. Trước mỗi bước tiến mới của khoa học kỹ thuật, Người coi đó là thành tựu của toàn nhân loại, mong muốn những tiến bộ ấy hướng vào mục đích hoà bình và hạnh phúc cho nhân dân thế giới. Người đã từng nghiên cứu nhiều tài liệu, ấn phẩm khoa học viết về những vấn đề khoa học kỹ thuật bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trong số các tài liệu được lưu giữ có cuốn sách: Chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ hiện đang được bảo quản, trưng bày ở Di tích nhà 54 (ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ năm 1954-1958).
 
Sách tập hợp những tài liệu đã được đăng trên báo “Sự thật”, cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Sách do nhà xuất bản “Sự thật” Moskva xuất bản năm 1961, chữ Nga. Bìa bằng giấy cứng, màu xanh nhạt có hình người phất cờ đỏ, và chân dung Lênin ở góc trên bên trái, khổ sách 13x20 cm, gồm 344 trang. Nội dung sách gồm các phần:
Phần 1: “Buổi bình minh của kỷ nguyên mới” đăng tuyên bố của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô và Chính phủ Liên Xô gửi toàn Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô, nhân dân và Chính phủ các nước, toàn thể nhân loại tiến bộ về chuyến bay lịch sử của con người vào vũ trụ.
Phần 2: “Những lời chúc mừng thắng lợi vĩ đại”, đăng các điện chúc mừng của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước các nước xã hội chủ nghĩa, các Đảng cộng sản, các nhà hoạt động chính trị ở các châu lục trên thế giới nhiệt liệt chúc mừng chuyến bay đầu tiên của công dân Liên Xô vào vũ trụ.
Phần 3: “I.A.Gagarin- người du hành đầu tiên của Liên Xô”, trích đăng bài xã luận “Vinh quang và niềm tự hào của nhân dân” đăng trên báo “Sự thật” số ra ngày 14/4/1961.
Phần 4: “Sự thắng lợi của trí tuệ̣ loài người”, kể về những bước đi đến thành công của chuyến bay vào vũ trụ của Gagarin bắt đầu từ con tàu vệ tinh đầu tiên, các cuộc họp báo ở ngôi nhà của các bác học. Trong chương này có đăng bài nói chuyện của các nhà bác học, kỹ sư, công nhân kỹ thuật, những người đã đóng góp phần quan trọng vào thắng lợi của chuyến bay.
Phần 5: “Nhân dân ca ngợi người anh hùng”, đăng thư của Tổng công đoàn Liên Xô gửi các nhà bác học, kỹ sư, công nhân kỹ thuật và công nhân chế tạo con tàu vũ trụ phương Đông và Yuri Gagarin. Các bài viết, thư điện chúc mừng của các viện sĩ, nhà văn, các đồng chí Bộ trưởng, các phi công, anh hùng Liên Xô, những nông trang viên, tập thể công nhân các nhà máy, các giáo sư... ở khắp mọi vùng của Liên Xô gửi đến Ban biên tập báo” Sự thật” chúc mừng thắng lợi vĩ đại.
Phần 6: “Nhân dân tất cả các châu lục khâm phục”, in các bức điện của Tổng thống Inđônêxia, Chủ tịch Cu Ba, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Italia, Bộ trưởng ngoại giao Anh, Chủ tịch thường vụ hội đồng hoà bình thế giới, Tổng thư ký uỷ ban đoàn kết nhân dân Á Phi, các vị Chủ tịch Hàn lâm khoa học Tiệp Khắc, Ba Lan, Chủ tịch các Ban nghiên cứu vũ trụ của Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Liên bang Đức...
 
Yuri Gagarin (9/3/1934 - 27/3/1968) là nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Liên Xô. Ông được sinh ra tại làng Klushino, cách Thủ đô Mátxcơva 180 km về phía Tây. Ông là con thứ 3 trong gia đình công nhân có 4 người con. Tuổi thơ của ông đã chứng kiến sự khốc liệt của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1939 - 1945), khi ngôi làng Klushino bị quân Đức chiếm đóng. Năm 1951, ông tốt nghiệp ngành đúc, trường kỹ thuật công nghiệp Saratov, đồng thời tham gia khoá huấn luyện của một câu lạc bộ hàng không. Tốt nghiệp loại giỏi, Gagarin được điều động về một trường hàng không và trở thành phi công quân sự. Năm 1955, sau 4 năm luyện tập, Gagarin thực hiện chuyến bay một mình đầu tiên.
 
Tháng 11/1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo thứ hai đem theo chú chó Laica, lúc đó Gagarin đã nghĩ: Có lẽ sắp tới con người sẽ bay vào vũ trụ và tại sao người đó không phải là mình? Khi nghe tin tuyển phi công để nắm bắt kỹ thuật mới, ông đề nghị được ứng cử. Trong số 3500 người tình nguyện phải đáp ứng những tiêu chuẩn bắt buộc: Chiều cao dưới 1,65 m (Gagari cao 1,65 m) và cân nặng 68 kg. Cuối cùng chỉ có 20 người được chọn, trong đó có Gagarin.
 
Vào năm 1960, kiến trúc sư trưởng thiết kế các con tàu vũ trụ của Nga Sergei Korolev mời các nhà du hành được chọn đến xem con tàu vũ trụ. Khi Sergei mời tất cả vào buồng lái và ngồi thử vào chiếc ghế của con tàu vũ trụ thật sự, duy chỉ có Gagarin nói: “Cho phép tôi”. Sau đó Gagarin bước đến con tàu, sờ vào lớp vỏ bọc, nắm tay vịn và bỗng nhiên chậm rãi tụt xuống sàn và cởi đôi giày ra. Một thái độ thật sự trân trọng đối với thành quả lao động. Ngay khi đó, Korolev nói với các cộng sự: “Đây chính là người đầu tiên sẽ bay”(1). Ông hài lòng khi phát hiện ở Gagarin những phẩm chất cao đẹp của con người, đặc biệt sự tự chủ, bình tĩnh, chân thành, giản dị và tin vào chính mình.
 
Ngày 7/4/1961, Thiếu tá phi công Gagarin được chọn làm nhà du hành vu trụ đầu tiên trong lịch sử loài người. Vào lúc 9 giờ 7 phút ngày 12/4/1961, tàu Phương Đông mang theo nhà du hành vũ trụ Gagarin xuất phát. 10 phút sau, tàu đi vào quĩ đạo, với tốc độ 18 nghìn dặm một giờ và Gagarin trở thành người đầu tiên nhìn thấy trái đất từ bên ngoài vũ trụ. Trên thực tế, ngay vài giờ trước lúc cất cánh, các kỹ sư buộc phải khắc phục một số trục trặc. Khi những nhân viên kỹ thuật đã đưa Yuri Gagarin vào bên trong con tàu và sập cửa, mới hay không xác lập được mối tiếp xúc, cánh cửa không thể khép kín. Có nghĩa là không thể cất cánh được! Lại một lần nữa cần điều chỉnh, sửa chữa. May sao, trở ngại này không lớn. Sau đó, ngay trong khoảng thời gian tên lửa phóng lên, liên lạc với con tàu đột nhiên bị gián đoạn. Nikolai Petrovist Kamanhin, Trợ lý tư lệnh Không quân đặc trách về vũ trụ, ghi trong nhật ký của mình khoảnh khắc này như sau: “Kerd (mật danh của Gagarin) anh cảm thấy trong người ra sao?” - Không thấy lời đáp! “20 (biệt danh của Tổng công trình sư Sergei Corolev) gọi đây, Kerd trả lời!”. Trong máy chỉ nghe thấy tiếng thở nặng nhọc. “Tôi không rõ vào thời điểm ấy sắc diện của tôi ra sao, nhưng đứng bên tôi, Tổng công trình sư Sergei Corolev rất lo lắng, căng thẳng. Khi nắm lấy mirco tay ông run lên, giọng nói của ông như nghẹn lại trong cổ, gương mặt ông lúc đỏ lừ, lúc trắng bệch. Nhưng rồi vào lúc căng thẳng nhất, tất cả mọi người bỗng đồng loạt thở phào khi tín hiệu liên lạc với con tàu được nối lại. Phương Đông đã bay vào quỹ̃ đạo”.
 
Từ tàu vũ trụ Gagarin quan sát thấy trái đất màu xanh da trời, không gian bầu trời tối thẫm với hàng vạn ngôi sao. Điện về trái đất từ con tàu Gagarin nói: “Từ vũ trụ, tôi không còn nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái đất xanh một màu xanh vĩnh cửu”(2). Đây cũng chính là thông điệp hoà bình mà Liên Xô thời đó đã chuyển tới con người trên khắp thế giới.
 
Sau khi bay một vòng quanh Trái đất hết 108 phút, tàu vũ trụ Phương Đông hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Volga. Chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ đã kết thúc thắng lợi. Trong cuốn Đường vào vũ trụ, Gagarin đã viết lại cảm xúc của mình khi đó: “Tất cả xảy ra như trong một giấc mơ: Từ không gian bao la tôi quay về an toàn nơi tôi cất cánh lần đầu trên mặt đất”(3). Chuyến bay thành công của Gagarin đã mang lại niềm phấn khởi cho mọi người trên khắp thế giới. Vì vậy từ năm 1962, ngày 12 tháng 4 được gọi là ngày Du hành vũ trụ, đồng thời cũng chính thức được công nhận là ngày Hàng không và Vũ trụ Quốc tế.
 
Với những đóng góp lớn lao cho ngành vũ trụ Liên Xô và thế giới, Gagarin được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và cũng được Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam và nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu công dân danh dự của các thành phố tại các quốc gia ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Ông cũng đã tới thăm nhiều quốc gia trên thế giới với tư cách đại sứ hoà bình và hữu nghị. Ngày 27/3/1968, Gagarin đã hy sinh trong một chuyến bay thử nghiệm, khi ông mới 34 tuổi.
 
Theo các đồng chí từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh thời sách, báo các tài liệu được gửi đến Người đều được kiểm tra cẩn thận và kỹ càng. Sách, báo, bản tin... từ nhiều nguồn khác nhau gửi đến như: Người đi thăm các nơi được tặng mang về; tác giả gửi Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại, Đại sứ gửi qua đường giao thông ngoại giao; tác giả đến thăm và trực tiếp tặng sách cho Người (sách này thường có lời đề tặng), cũng có khi sách được gửi đến Phủ Chủ tịch qua đường bưu điện. Cuốn sách “Chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ”, được gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam năm 1961. Trong sách không có bút tích của Người nhưng qua lời kể của đồng chí Vũ Kỳ nội dung cuốn sách đề cập đến ngành khoa học vũ trụ mà Người đặc biệt quan tâm nên Người đã đọc cuốn sách này và để ở giá sách ngôi nhà 54. Nhân chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ thành công, ngày 14/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy bút danh T.L đã viết bài: “Thêm một thắng lợi vô cùng vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản”, đăng báo Nhân dân số 2581, ca ngợi người thanh niên cộng sản Yuri Gagarin đã lái con tàu vũ trụ “ Phương Đông” bay vòng quanh trái đất và trở về an toàn, mở ra kỷ nguyên mới trong sự phát triển vĩ đại của loài người. Bài báo nhấn mạnh: “Thắng lợi đó là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin, là thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản, là thắng lợi chung của phe xã hội chủ nghĩa và của toàn thể loài người”(4). Tối ngày 15/4/1961, Đài phát thanh Mátxcơva đã truyền đi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phóng viên thường trú của đài tại Hà Nội về kỳ công khoa học của Liên Xô: “Cũng như những người cộng sản và tiến bộ khắp thế giới, tôi rất vui sướng về thành công rực rỡ của con tàu vĩ trụ Liên Xô do đồng chí Gagarin lái đã trở về Tổ quốc Xô Viết một cách bình yên. Thành công khoa học của Liên Xô sẽ giúp tăng thêm hạnh phúc cho loài người và củng cố hoà bình trên thế giới”(5).
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, theo dõi nền khoa học vũ trụ của Liên Xô. Khi thấy bài viết nào liên quan đến vấn đề đó, Người thường cắt lại làm tư liệu nghiên cứu, viết bài đăng báo, giới thiệu cho nhân dân ta hiểu thêm về những thành tựu vĩ đại của nhân dân Liên Xô anh em. Mỗi khi Liên Xô phóng vệ tinh, Người đều có bài viết đăng báo Nhân dân và gửi điện chúc mừng Đảng và Nhà nước Liên Xô. Ngày 17/2/1961, bài viết: Thêm một thắng lợi to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân dân, số 2525, đưa tin Liên Xô đã phóng quả vệ tinh số 1 thành công, không những thế Liên Xô phóng nhiều vệ tinh và nhiều tên lửa ngày càng to, ngày càng nặng, ngày càng xa... để chinh phục vũ trụ, để phục vụ hạnh phúc loài người.
 
Ngày 13/1/1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 3-LCT, tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Thiếu tá Liên Xô Yuri Gagarin, vì đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ trên con tàu vệ tinh “Phương Đông I”. Ngày 5/2/1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh - Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, trong thư viết Người gửi sang Đại sứ quán một Huân chương anh hùng lao động và bằng của Huân chương tặng đồng chí Gagarin. Trong thư Người đã nhắn gửi ý nghĩa của tấm Huân chương anh hùng lao động Việt Nam (mà đến thời điểm đó chỉ có 31 người được nhận) và hy vọng học tập tấm gương anh dũng của các đồng chí, từ nay về sau, trong hàng ngũ lao động Việt Nam sẽ nảy nở nhiều anh hùng hơn nữa.
 
Không chỉ đối với nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Yuri Gagarin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đối với sự phát triển khoa học của Liên Xô như: Ngày 6-7/8/1961 Liên Xô lại phóng thành công tàu vũ trụ Phương Đông II do G.Titop điều khiển. Nhận được tin vui, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng tới đồng chí Khơrutsop - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Sau đó, tháng 6/1963, nhân sự kiện hai con tàu vũ trụ Phương Đông V và Phương Đông VI do nhà du hành vũ trụ Bưcốpxki Valeri và nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Valentina Têrêscova điều khiển được phóng thành công vào vũ trụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho trồng hai cây Y lan (Người gọi cây lan vũ trụ) ngay cạnh ngôi nhà sàn của Người trong Khu Phủ Chủ tịch làm kỷ niệm. Giờ hai cây lan vũ trụ vẫn còn dáng thẳng đứng vươn lên bầu trời như hai con tàu vũ trụ sóng đôi...
 
Khối tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến Liên bang Xô Viết được bảo quản, trưng bày và phát huy tác dụng tại Khu di tích Phủ Chủ tịch về mọi lĩnh vực như Chính trị, Triết học, các tác phẩm văn học và đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến những cuốn sách viết về lĩnh vực khoa học kỹ thuật của Liên Xô như: Lò phản ứng hạt nhân, Công nghiệp sắt thép ở Liên Xô, 7000 km trong vũ trụ và Chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ... không những giúp đồng bào trong nước, bạn bè quốc tế (đặc biệt đối với du khách Nga) hiểu sâu sắc hơn tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Nga cũng như tình cảm chân thành và lòng trân trọng của nhân dân Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn góp phần khẳng định và tăng cường thêm sự phát triển tình đoàn kết hữu nghị bền vững giữa hai dân tộc Việt Nam - Liên bang Nga do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và dày công vun đắp trước đây cũng như ngày nay.
 
Chú thích:
1.       Theo tài liệu lưu tại TTXVN.
2.       Sputnik và giấc mơ bay vào vũ trụ, Báo Quốc tế, ngày 8/10/2017.
3.       Đường vào vũ trụ (Дорога в космос), Nxb Quân sự, Moscow, năm 1978.
4.       Báo Nhân dân số 2581, ngày 14/4/1961.
5.       Báo Nhân dân, số 2584,ngày17/4/1961.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)