slider

Cuốn sách “Những bài viết và chân dung” trưng bày tại phòng làm việc Di tích Nhà sàn

23 Tháng 05 Năm 2020 / 755 lượt xem

Vũ Thu Hằng

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Trong những di vật thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta có nhiều cuốn sách của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế gửi tặng Người hiện đang được lưu giữ tại nơi ở và làm việc của Người trong 15 năm (1954-1969) - Khu di tích Phủ Chủ tịch. Trong số sách đó có cuốn “Écrits et portraits” (tạm dịch: “Những bài viết và chân dung”) của Mácxen Hechgô Casanh (Marcel Hertzog Cachin) gửi đến tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời Người, cuốn sách được để trên giá sách phòng làm việc tầng 2 ngôi nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch Hà Nội.

Sách do Nhà xuất bản Les Editeurs, Pari, Pháp xuất bản tháng 3 năm 1964, gồm 305 trang, góc phải phía trên bìa sách in chữ “Marcel Cachin” và hình ký họa bằng bút mực đen. Cuốn sách gồm những bài viết, bài nói của tác giả Mácxen Casanh, một người bạn chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được con gái ông là bà Mácxen Hechgô Casanh tập hợp, in thành cuốn sách “Những bài viết và chân dung” này.

Nội dung cuốn sách gồm có các phần sau:

I.             Từ công xã đến cuộc chiến 1914.

II.            Đại cách mạng tháng Mười và sự ra đời của Đảng Cộng sản Pháp (1917-1920)

III.           Chân dung (1919-1939)

- Hãy xứng đáng với Gramxi (1936)

- Paxionaria nói với các anh (1938)

- Lòng tôn kính đối với Tenlơman (1938)

- Đám tang của Vayăng Cutuyariê (1938)

- Vayăng Cutuyariê người của hòa bình

IV.          Báo Lumanitê bí mật. Số 300, ngày 1/6/1944

V.            Chân dung (1914-1951)

- Hoan nghênh Jôliô Quyri

- Nhà họa sĩ đương thời lỗi lạc nhất Picatxô

- Gioocxiăngtốt, anh hùng Hy Lạp

- Jắc Đuyêlô

- Con của Môrixơ Tôrê

- Một cuốn sách căn cốt

- Hai đồng chí thân thiết: Xămpe và Pêri

VI.          Nghiên cứu về Bangiắc

VII.         Khoa học và tôn giáo

Trong cuốn sách, Mácxen Casanh viết về một số sự kiện và nhân vật liên quan đến phong trào công nhân và Đảng Cộng sản Pháp. Những bài viết chính trong cuốn sách này là: Những sự kiện từ công xã Pari 1871 cho đến 1914; Cuộc đại cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười và sự ra đời của Đảng Cộng sản Pháp; Những nhân vật có tiếng trong phong trào công nhân Pháp và của phong trào cách mạng thế giới; Về sự kiện tác giả được gặp Lênin năm 1920... Đối với những văn nghệ sĩ tiến bộ trên thế giới Mácxen Casanh cũng có các bài bình luận và nghiên cứu sâu sắc.

Mácxen Casanh là một trong những người lãnh đạo xuất sắc nhất của Đảng Cộng sản Pháp và cũng là một người bạn chiến đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên trong cuốn sách cũng đã giới thiệu về sự ra đời của Đảng Cộng sản Pháp và toàn bộ bài viết của Mácxen Casanh về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh bị bắt năm 1931 tại Hồng Kông với nhan đề: “Nhà cách mạng An Nam Nguyễn Ái Quốc”.

Nội dung bài viết “Nhà cách mạng An Nam Nguyễn Ái Quốc” như sau: Các tin điện báo cảnh sát Anh đã bắt người cộng sản An Nam Nguyễn Ái Quốc cùng với một số người Pháp ngay giữa Hồng Kông. Báo chí tư sản coi đây là một vụ bắt bớ quan trọng. Nguyễn Ái Quốc ở Pháp đã từng chiến đấu cho việc Đảng ta gia nhập Quốc tế III và từ 10 năm nay hoạt động bền bỉ để tổ chức đồng bào mình. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là một trong những người đi đầu lỗi lạc nhất của phong trào cộng sản toàn thế giới. Báo “Nhật trình” viết rằng kẻ thù của chúng ta hí hửng cho rằng bắt được Nguyễn Ái Quốc thì phong trào An Nam sẽ ngừng. Chúng nổ súng vào đám đông biểu tình ngày 1-5, rồi đưa đi đày hàng loạt nhưng việc ấy chẳng đem lại gì hơn, bắt được Nguyễn Ái Quốc cũng chẳng thể bẻ gãy xu thế cách mạng của thợ thuyền Đông Dương. Xu thế ấy đã có cơ sở xã hội rất vững chắc của nó. Trái lại, cách mạng An Nam sẽ tống cổ bọn áp bức, cách mạng sẽ tôn vinh những đồng chí dũng cảm như Nguyễn Ái Quốc và hàng nghìn người khác, họ đã hết sức mình vì sự nghiệp của nhân dân lao động Đông Dương.

Xuất phát từ tình cảm, sự khâm phục đối với đất nước, con người Việt Nam và lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, con gái tác giả đã gửi tặng Người cuốn sách cùng với lời đề tặng ở trang 1 viết tay bằng bút mực màu đen, dịch là:

“Dâng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người mà cha tôi thường nhắc với các con một cách thân thiết “Ông bạn già Hồ Chí Minh của bố” để tỏ lòng tôn kính.

Mácxen Hechgô Casanh”.

Trong lời đề tặng sách của con gái tác giả không đề ngày tặng nhưng qua những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch thì ngày 24/4/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có buổi làm việc với đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp và tối ngày 04/5/1964 tại Phủ Chủ tịch, Người mở tiệc chiêu đãi đoàn nên có thể cuốn sách được gửi đoàn đại biểu kính biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp này.

Mácxen Casanh sinh năm 1869 tại vùng Brittany ở miền Tây Bắc nước Pháp. Năm 1891 ông tham gia cuộc mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động mồng 1 tháng 5, ngay sau đó Macxen Casanh ra nhập Đảng Công nhân, lúc này ông 22 tuổi. Từ năm 1905, ông đã là một trong nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng Xã hội Pháp và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1911, Mácxen Casanh là Chủ nhiệm báo Nhân Đạo nổi tiếng của Đảng Xã hội Pháp cho đến năm 1958. Những bài ông viết hầu hết cho báo Nhân Đạo và Tạp chí Cộng sản của Đảng Cộng sản Pháp. Ông mất năm 1958 tại một vùng ngoại ô của Paris.

Bức ảnh chụp Nguyễn Ái Quốc đang phát biểu tại Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp năm 1920 (cũng là Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp) đã trở thành bức ảnh lịch sử nổi tiếng trên toàn thế giới. Phía bên trái của Nguyễn Ái Quốc là Pôn Vayăng Cutuyriê, nhà văn lỗi lạc, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Pháp, người đã giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Xã hội Pháp, còn phía bên phải, ngồi ngay cùng hàng ghế với Nguyễn Ái Quốc là một người đã đứng tuổi. Đó chính là giáo sư triết học Mácxen Casanh, lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp, một trong những người bạn thân thiết nhất của Nguyễn Ái Quốc.

Sau khi Đảng Cộng sản Pháp ra đời, Mácxen Casanh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Quan hệ giữa Casanh và Nguyễn Ái Quốc càng trở nên gần gũi. Chính Casanh, với tư cách là Chủ nhiệm báo Nhân Đạo đã khuyến khích Nguyễn Ái Quốc viết bài cho tờ báo của Đảng. Truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Ái Quốc được đăng trên báo Nhân Đạo ngày 30 và 31/5/1922 là có sự khuyến khích và giúp đỡ của Casanh. Sau này, phấn khởi trước thành công bước đầu của mình trên bước đường văn học, Nguyễn Ái Quốc còn viết tiếp cho tờ báo của Đảng nhiều bài khác nữa.

Trong cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” do Trần Dân Tiên viết, kể về chuyến đi bí mật của Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô vào năm 1923 có sự giúp đỡ của các đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp trong đó có Mácxen Casanh.

Như vậy là năm 1924, cả Mácxen Casanh, Pôn Vayăng Cutuyriê và Nguyễn Ái Quốc đều có mặt tại Matxcơva. Casanh và Nguyễn đã lưu lại tại thành phố này khá lâu để tham dự Đại hội 5 của Quốc tế Cộng sản và một số đại hội khác nữa. Tại Đại hội 5, Mácxen Casanh được bầu vào Ban Chấp hành, sau đó được cử vào Đoàn Chủ tịch của Quốc tế Nông dân và bắt đầu công tác tại Cục Phương Nam của Bộ Phương Đông. Sau các đại hội, họ chia tay nhau, Mácxen Casanh trở lại Pháp, tiếp tục điều hành công việc tại báo Nhân Đạo với cương vị biên tập và Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp. Còn Nguyễn Ái Quốc chuyển sang hoạt động tại Quảng Châu, thủ đô cách mạng của Trung Quốc lúc bấy giờ, để có điều kiện tiếp xúc gần gũi hơn với Tổ quốc mình. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự kiện trọng đại này đánh dấu một giai đoạn nỗ lực phi thường của Nguyễn Ái Quốc và một số nhà cách mạng Việt Nam khác trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào Việt Nam và các nước Đông Dương cũng như việc huấn luyện và đào tạo cán bộ cách mạng, xây dựng cơ sở cách mạng.

Ngày 06-6-1931, mật thám Anh bắt được Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông. Đồng chí, bạn bè của Nguyễn Ái Quốc tại Việt Nam, Pháp, trong Quốc tế Cộng sản và trên toàn thế giới lo lắng cho số phận của Nguyễn, bởi mật thám của Anh và Pháp sẵn sàng thông đồng với nhau, hoặc buôn bán, trao đổi tìm cách hãm hại người chiến sĩ cách mạng nguy hiểm và nổi tiếng đó.

Ngày 19/6/1931, báo Nhân Đạo (L'Humanité) đã đăng bài của Mácxen Casanh với nhan đề “Nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc”. Tài liệu gồm 2 trang đánh máy, viết về sự kiện cảnh sát Anh bắt được Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông. Mácxen Casanh kết luận: “Nguyễn Ái Quốc là một trong những người tiên phong, ưu tú nhất trong phong trào cộng sản thế giới. Cách mạng Việt Nam sẽ đánh đuổi những kẻ áp bức mình, sẽ ngợi ca những người đồng chí dũng cảm như Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Ái Quốc và hàng nghìn đồng chí khác đã hết lòng vì sự nghiệp giải phóng những người lao động ở Đông Dương”.

Tiếp theo bài báo của Mácxen Casanh, hàng loạt các báo chí tiến bộ lúc bấy giờ đã lên tiếng bảo vệ Nguyễn Ái Quốc. Ban thư ký của Liên đoàn chống chủ nghĩa đế quốc nêu khẩu hiệu: “Hãy cứu lấy nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc!”.

Hơn một năm sau, nhờ tài ứng phó với kẻ địch lại được Quốc tế Cứu tế Đỏ vận động, được những luật sư người Anh, đặc biệt là ông E.H. Lôdơbi hết lòng giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc đã thoát khỏi nhà tù của đế quốc Anh, trở về với hàng ngũ cách mạng.

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Cộng hòa Pháp. Trong 4 tháng ở đây, Bác Hồ đã có dịp gặp lại những người bạn Pháp thân thiết của mình, những người đã hết lòng giúp đỡ, cưu mang Bác trong những năm tháng Người hoạt động cách mạng.

Ngày 27 tháng 6, Người có cuộc gặp mặt thân mật với vợ chồng cụ Casanh (lúc đó cụ ông vẫn đảm đương chức vụ Chủ nhiệm tờ báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp). Cuộc gặp mặt đã diễn ra vô cùng thân mật, thắm tình đồng chí anh em. Ngày hôm sau, một thành viên khác của gia đình cụ Casanh lại đến thăm Bác, đó là chị Dắc- ki Casanh (Jacquier Cachin). Đầu những năm hai mươi, khi Bác còn hoạt động tại Paris, chị còn nhỏ. Bây giờ chị đã là một luật sư nổi tiếng, hoạt động trong Hội Liên hiệp phụ nữ thế giới.

Như bạn bè ở Paris hồi ấy đã ví Nguyễn Ái Quốc và Mácxen Casanh là hai con người cùng một lý tưởng, cuốn sách “Những bài viết và chân dung” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và giữ lại trên giá sách nhà sàn như một minh chứng cho tình bạn, tình đồng chí, “tình hữu ái vô sản” của Người với tác giả. Nó cũng chứng tỏ rằng văn hóa phương Tây được Hồ Chí Minh quan tâm, đồng thời với quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lênin là một bộ phận hết sức quan trọng trong tư tưởng của Người. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới lại đều tìm thấy trong tinh hoa văn hóa phương Tây mà Người đã tiếp thu được. Hồ Chí Minh đã đến với phương Tây và tiếp thu tinh hoa văn hoá phương Tây, trước hết là lý tưởng cách mạng dân chủ tự do, tiến bộ với một tầm nhìn và tấm lòng rộng mở. Hồ Chí Minh sớm có cảm tình sâu sắc, am hiểu văn hóa phương Tây và đã tôi luyện những lý tưởng và truyền thống cách mạng dân chủ, tự do, tiến bộ phương Tây.

Ngoài ra còn phải kể đến những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ của Hồ Chí Minh với nhiều nhà văn, nhà hoạt động chính trị - xã hội thời bấy giờ như Hăng-ri Bác-buýt, Rô- manh Rô-lăng, Pôn Vai-ăng Cu-tuy-ri-ê, Giắc Đuy-clô, Mác-xen Ca-sanh...và sự có mặt của Người ở các cuộc hội thảo về văn học, triết học, chính trị, kinh tế ở các câu lạc bộ, đặc biệt là câu lạc bộ Ngoại ô, cũng như ở các nhà máy, bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh, thư viện... Những cuộc hội ngộ và những sinh hoạt có tính chất văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật đó một mặt đem lại cho Hồ Chí Minh những giá trị văn hóa Pháp, văn hóa phương Tây nói chung, như chủ nghĩa lãng mạn, sự phân tích khoa học và lý tính, tăng cường sự hiểu biết chính trị và hiểu rõ nhân dân Pháp.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cùng với những tài liệu hiện vật được gìn giữ tại Khu di tích Phủ Chủ tịch như lúc sinh thời Người, cuốn sách được trưng bày trên giá sách tầng 2 nhà sàn để phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Khu di tích Phủ Chủ tịch. Cùng với hàng trăm tài liệu hiện vật, những di vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến nền văn hóa Pháp hiện đang được bảo quản, trưng bày và phát huy tác dụng tại nơi Người sống và làm việc trong 15 năm cuối đời, cuốn sách không những giúp đồng bào trong nước, bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Pháp cũng như tình cảm chân thành và lòng kính trọng của nhân dân Pháp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó góp phần khẳng định và tăng cường thêm tình đoàn kết hữu nghị bền vững giữa hai dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và dày công vun đắp và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)