slider

Cuốn sách “Tội ác chiến tranh mới ở Nam Việt Nam. Người Mỹ rải chất độc hóa học” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và để lại bút tích

07 Tháng 06 Năm 2023 / 101 lượt xem

Nguyễn Thị Thu

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch có rất nhiều cuốn sách của các tác giả nước ngoài viết về Việt Nam và cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam với nhiều ngôn ngữ khác nhau như: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc... Một trong số đó là cuốn sách “Nouveau crime de guerre au sud Viet Nam. Les américains épandent des produits chimiques toxiques” (tạm dịch : Tội ác chiến tranh mới ở Nam Việt Nam. Người Mỹ rải chất độc hóa học) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc và để lại nhiều bút tích.

Cuốn sách do Ủy ban hành động chống chính sách khủng bố của Mỹ - Diệm đối với tri thức Nam Việt Nam biên soạn và phát hành tại Hà Nội năm 1963, tiếng Pháp, dày 91 trang, kích thước 13x19cm. Bìa sách được làm bằng giấy mềm, mặt ngoài bìa trước in tiêu đề sách hai màu đỏ và đen trên nền trắng. Tên cơ quan biên soạn in chữ màu đen, nơi xuất bản và năm xuất bản in chữ màu đỏ ở dưới một gạch ngang màu đỏ ở bên dưới tên sách. Gáy sách in tên sách, chữ màu đen.

Ngoài lời nói đầu, từ trang 5 đến hết trang 12 và phần phụ lục từ trang 75 đến hết trang 90, cuốn sách chia làm 4 phần với các tiêu đề:

- Sự việc tố cáo (từ trang 3 đến trang 31).

- Phản ứng của dư luận thế giới (từ trang 31 đến trang 49).

- Trả lời của Mỹ (từ trang 49 đến trang 63).

- Chấm dứt tội ác của Mỹ (từ trang 63 đến trang 75).

Và đặc biệt ở 8 trang in ảnh dày hơn các trang khác xen giữa trang 48 và 49 (không đánh số trang) là những hình ảnh minh họa cho việc Mỹ rải chất độc hóa học ở miền Nam Việt Nam và 2 ảnh là cảnh mít tinh tại Hà Nội vào ngày 28/3/1963 với khẩu hiệu “Nhiệt liệt hoan nghênh hành động cương trực và dũng cảm của 62 nhân sĩ trí thức tiến bộ Mỹ” (theo chú thích ảnh). Ngoài những phần mục đó ra, sách còn kèm thêm một tờ giấy với tiêu đề “Motion aux co-présidents de la conférence de Geneve de 1954” với một số cột mục khác in ở mặt sau tờ giấy này cùng với số 1963 đề trống ngày, tháng (giấy này có kích thước 27,6x19,5cm).

Cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam chính thức vào đầu năm 1962, sau khi Mỹ thiết lập Bộ Chỉ huy chiến tranh tại Sài Gòn do tướng Hác kin cầm đầu, núp dưới nhãn hiệu “Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự (MAC)”. Song, những dính líu của đế quốc Mỹ vào Việt Nam đã sớm xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ XX. Đặc biệt là sự khủng bố, đàn áp của Mỹ - Diệm chống đồng bào miền Nam Việt Nam bắt đầu từ ngay sau 24 giờ ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Khủng bố bằng vũ khí thông thường chưa đủ, từ tháng 8/1961 đế quốc Mỹ còn sử dụng máy bay rải các chất độc hóa học để phá hoại mùa màng, đầu độc con người và gia súc, thả thuốc độc vào nước uống, thức ăn của nhân dân trong những trận càn quét. Hội Chữ thập đỏ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ước tính đến ngày 7/3/1963 riêng ở các tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Gia Định và Tây Ninh đã có hơn 20.000 người bị nhiễm độc. Những hành động này đã vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và luật pháp quốc tế, bị dư luận thế giới lên án kịch liệt.

Tính từ tháng 8/1954 đến tháng 10/1962, theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 8 năm 2 tháng đã có 140.000 người chết, 350.000 bị giam giữ trong 900 nhà tù và trại tập trung, 600.000 người bị tra tấn thành thương tật, 14.000 đàn bà con gái bị làm nhục, 6.000 nam nữ vị thành niên bị giam giữ trái phép, 700.000 người bị tập trung vào “ấp chiến lược”, “khu dinh điền”, “khu trù mật".. .ll'.

Cuốn sách Tội ác chiến tranh mới ở Nam Việt Nam. Người Mỹ rải chất độc hóa học là tài liệu của Ủy ban hành động chống chính sách khủng bố của Mỹ - Diệm in và phát hành rộng rãi nhằm tố cáo những tội ác tàn bạo của đế quốc Mỹ: dùng bom đạn, vũ khí hiện đại để tiến hành chiến tranh hòng giết hại nhân loại, đặc biệt là những người dân thường..., Đây là vấn đề thực tiễn của cuộc chiến tranh Việt Nam, là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hơn tất thảy. Trong hoàn cảnh đó, trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước chúng tôi tin rằng Ủy ban hành động đã gửi cuốn sách này đến Văn phòng Phủ Chủ tịch để báo cáo Bác. Cuốn sách được in năm 1963 thì rất có thể cùng năm đó hoặc năm sau cuốn sách đã có mặt tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã đọc cuốn sách này và để lại bút tích được đánh bằng bút bi Parker mực màu đỏ ở những trang viết về những tội ác của Mỹ - Diệm gây ra cho đồng bào miền Nam Việt Nam, sự ủng hộ của các trí thức như Giáo sư Paolinh (người đạt giải thưởng Nôben năm 1954), nhà văn Suman, bác sĩ Jêrôm Đêvít - nguyên Giáo sư Khoa Thần học ở Trường đại học Yale gửi thư ngỏ cho Tổng thống Mỹ Kennedy tố cáo cuộc chiến tranh không tuyên bố ở miền Nam Việt Nam là vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc. Thư ngỏ của 62 tri thức và các nhân vật Mỹ ký tên như bà Y tơn - một nhà canh nông tư bản ở Ô hi ô, các nhà hoạt động công nghệ Tâylơ Ađam (Niu York ), Anpơ (Massachusetts), tướng hồi hưu Hết tơ và nhiều luật gia khác. đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh dấu ở các trang 6, 33, 42, 63 và 69.

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong sách cho thấy Người đọc cuốn sách này rất kỹ và sửa lại một số thông tin viết sai, viết thiếu. Ví dụ như: Ở trang 63, Người thêm chữ “des” (những). Nghĩa của câu này: “Tội ác của Mỹ sử dụng những chất độc vào mục đích chiến tranh càng đáng trừng phạt, vì đây không phải lần đầu bọn đế quốc Mỹ hành động như vậy”. Một số chỗ Người gạch nét, gạch xiên, gạch dọc ở ngoài lề viết bằng bút bi màu đỏ ở trang 6 (3 nét), trang 42 (1 nét), trang 69 (1 nét) và 2 nét gạch xiên viết bằng bút chì màu xanh ở trang 33. Các đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Cù Văn Chước - cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, khẳng định đây là nét bút của Người.

Những vấn đề nêu ra trong cuốn sách, nhất là trong những đoạn có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những vấn đề nóng bỏng, nổi cộm đang diễn ra tại Việt Nam thời điểm đó. Là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận thấy từ rất sớm âm mưu đen tối và hành động xâm lược trực tiếp, từng bước leo thang của đế quốc Mỹ đối với cách mạng Việt Nam, nhất là nguy cơ sử dụng vũ khí có sức hủy diệt lớn như vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử. Ngày 24/01/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về công tác đấu tranh ngoại giao. Người nhận định: “Mỹ có thể sẽ ném bom miền Bắc, thậm chí cả Hà Nội, Hải Phòng. Vì vậy không chủ quan”. Ngày 02/10/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục họp Bộ Chính trị thảo luận đề án đấu tranh ngoại giao trong thời gian tới. Người lưu ý nếu Mỹ ngừng ném bom nhưng chiến tranh vẫn diễn ra ở miền Nam, Mỹ vẫn có thể ném bom trở lại miền Bắc, nên ta phải chuẩn bị sẵn sàng.

Từ năm 1960 đến năm 1969, năm nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi điện mừng tới Hội nghị quốc tế chống bom nguyên tử, nêu rõ lập trường của nhân dân Việt Nam, hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh đòi cấm phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới đồng thời cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân thế giới đã dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Bên cạnh đó, một số bài viết, sự kiện tiêu biểu thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới vấn đề này như: Ngày 10/5/1962, bài viết “Đế quốc Mỹ tội ác tày trời” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Trần Lực, đăng báo Nhân dân, số 2968, tố cáo việc Mỹ (và Anh) thử lại bom hạt nhân, gây những hậu quả nghiêm trọng cho nhân loại. Người chỉ rõ: “Bọn đế quốc do Mỹ cầm đầu không ngừng đe dọa loài người với một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Càng đến gần mạt kiếp, chúng lại càng hung hăng. Chúng càng hung hăng thì nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình càng đoàn kết chống lại chúng... thì chắc chắn đế quốc chủ nghĩa sẽ bị bom hạt nhân tiêu diệt, rồi nhân dân thế giới sẽ vĩnh viễn tiêu diệt bom hạt nhân”.

Với giá trị và ý nghĩa về lịch sử, cuốn sách “Tội ác chiến tranh mới ở Nam Việt Nam. Người Mỹ rải chất độc hóa học” góp phần không nhỏ vào nghiên cứu lịch sử chiến tranh Việt Nam, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về nơi Người ở và làm việc mà còn minh chứng cho tình cảm, sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Vì vậy, ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để bảo quản lâu dài những hiện vật gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách đã được xây dựng hồ sơ khoa học của một hiện vật bảo tàng nhằm tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch./.

Chú thích:

1. Bản dịch của Xuân Di, lưu hồ sơ tư liệu Khu Di tích Phủ Chủ tịch.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)