slider

Cuốn sách “Việt Cộng” trưng bày ở giá sách phòng làm việc di tích Nhà 54 trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

06 Tháng 07 Năm 2024 / 388 lượt xem

Nguyễn Thị Thu

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Cuốn sách Việt Cộng của nhà báo Pháp Jacques Doyon là hiện vật vốn có lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại ngôi nhà 54 trong Khu Phủ Chủ tịch. Cuốn sách do Nhà xuất bản Denoël (Editions Denoël) 14, sue Améhê, Paris 7e xuất bản tháng 5 năm 1968, kích thước 14,5x23cm, gồm 320 trang, tiếng Pháp. Bìa sách màu trắng, nhẵn bóng, mặt ngoài bìa trước, phía trên in tên tác giả chữ in màu xanh nước biển, tên sách chữ in màu đỏ; phía dưới in ảnh một thiếu niên đang mỉm cười và một bàn tay nắm khẩu tiểu liên.

Ngày 18/2/1962, Mỹ thiết lập “Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MACV)” do đại tướng P.D. Hackin đứng đầu, trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam. Chính sách của chúng là sự khủng bố, đàn áp của Mỹ - Diệm chống đồng bào miền Nam Việt Nam bắt đầu ngay sau 24 giờ ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Chúng đã không chỉ khủng bố bằng vũ khí thông thường chưa đủ, từ tháng 8/1961, chúng còn sử dụng các chất độc hóa học, rải bằng máy bay để phá hoại mùa màng, đầu độc con người và gia súc, thả thuốc độc vào nước uống, thức ăn của nhân dân trong những trận càn quét. Hội Chữ thập đỏ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ước tính đến ngày 7/3/1963, riêng ở các tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho, Gò Công, Gia Định và Tây Ninh đã có hơn 20.000 người bị nhiễm độc. Những hành động tàn ác này đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ năm 1954 và các luật pháp quốc tế, bị dư luận thế giới lên án kịch liệt. Phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam phát triển lan rộng mạnh mẽ khắp thế giới. Không chỉ Chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa mà ngay cả nhân dân các nước phương Tây cũng bày tỏ sự ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Nhiều nhà hoạt động chính trị, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo… của các nước đã đến Việt Nam để tìm hiểu tội ác của đế quốc Mỹ và hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam anh dũng kiên cường. Đồng thời, họ cũng bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong số những người như vậy, có Jacques Doyon - một nhà báo Pháp, cũng là tác giả cuốn sách Việt Cộng.

Tác giả Jacques Doyon sinh năm 1938, làm báo từ những năm 1960, viết bài cho các báo Pháp và Mỹ. Năm 1967, ông đến miền Nam Việt Nam và ở lại 6 tháng. Trong thời gian ở Việt Nam, ông đã đi nhiều nơi và gặp gỡ rất nhiều người. Ông đến Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, gặp gỡ nông dân, cán bộ, chiến sĩ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông cũng gặp gỡ các cố vấn Mỹ, những người đang tìm cách lôi kéo, bình định nông thôn, nhằm xây dựng nông thôn miền Nam thành thuộc địa kiểu mới phục vụ lâu dài cho chủ nghĩa thực dân.

Sau chuyến thăm dài ngày ở miền Nam Việt Nam, Jacques Doyon cho ra đời cuốn sách đầu tiên viết về Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với tên gọi Việt Cộng, được xuất bản tháng 5/1968. Cuốn sách được Jean Lacouture (nhà báo Pháp nổi tiếng) nhận định là: “có những bằng chứng chân thành nhất và sâu sắc nhất từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thứ 2 ở Việt Nam”.

Nội dung cuốn sách gồm các phần: Phần thứ nhất: Du kích Tây nguyên Phần thứ hai: Nông dân đồng bằng Kết luận: Tác giả kết luận Mỹ thua không phải do Trung Quốc và Hà Nội “mà do sự giác ngộ của một dân tộc gồm nông dân và một ngày nào đó sẽ làm chủ vận mệnh của mình”.

Qua nghiên cứu cuốn sách, chúng tôi thấy ở trang giáp bìa có dòng chữ viết tay của tác giả gửi tặng ông Mai Văn Bộ, được dịch như sau:

“Kính gửi Ô. Mai Văn Bộ Một bằng chứng khiêm tốn về cuộc đấu tranh của Việt Nam giành hoàn toàn tự do, với lời chào rất kính trọng”.

Ký tên: Jacques Doyon

Trang một cuốn sách có dòng chữ ghi:

“Kính gửi Bác Pari ngày 19/5/1969”

Ký tên: Mai Văn Bộ

Thông qua nội dung lời đề tặng, chúng ta xác định được tác giả Jacques Doyon đã tặng ông Mai Văn Bộ, khi đó đang là đại diện thương mại và Tổng Đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp. Sau đó, ông Bộ đã gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh cuốn sách này nhân ngày sinh nhật Bác (19/5/1969) thông qua con đường ngoại giao từ Pháp về Việt Nam.

Tuy trong sách không có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng chúng tôi tin rằng Người đã đọc cuốn sách này vì nội dung cuốn sách đề cập đến vấn đề thực tiễn của cuộc chiến tranh Việt Nam, là điều mà Người đặc biệt quan tâm hơn tất thảy. Người gửi nhiều thư từ, điện văn tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước các nước anh em và các nước khác, những hội nghị quốc tế, những chiến sĩ hòa bình..., trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo nước ngoài, cảm ơn và kêu gọi sự đồng tình ủng hộ đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu Việt Nam, đồng thời khẳng định thiện chí hòa bình và quyết tâm chiến đấu cho độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, nhân dịp năm mới (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các bạn người Mỹ chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Người thân ái chúc mừng những người bạn Mỹ “lời chúc hòa bình và hạnh phúc”, đồng thời thông báo về việc nhà cầm quyền Hoa Kỳ đã tuyên bố chấm dứt ném bom không điều kiện ở miền Bắc Việt Nam và cho rằng: “Đó là một thắnglợi to lớn chung của toàn thể nhân dân Việt Nam, của nhân dân tiến bộ Mỹ và của các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới”.

Người vạch rõ thái độ ngoan cố của Chính phủ Mỹ tiếp tục âm mưu mở rộng chiến tranh ở miền Nam, điều đó, theo Người “càng làm thiệt hại thêm cho nước Mỹ, làm tăng thêm số thanh niên Mỹ chết vô ích trên chiến trường... gây thêm sự đau xót cho nhiều gia đình Mỹ”(2)...

Cuốn sách Việt Cộng đã trở thành những kỷ vật thiêng liêng và vô giá có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và những hoạt động của Người tại Khu Phủ Chủ tịch. Cuốn sách không chỉ giúp chúng ta hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta mà còn minh chứng cho tình cảm, sự đồng tình và ủng hộ không chỉ của tác giả mà còn của cả nhân dân thế giới đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Vì vậy, ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để bảo quản lâu dài những hiện vật gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn sách đã được xây dựng hồ sơ khoa học và đang được bảo quản tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Để giúp khách tham quan hiểu đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi xin đề xuất bổ sung trưng bày cuốn sách này tại vị trí vốn có của nó như sinh thời Người sống và làm việc (giá sách Nhà 54) trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H.2009, t.10, tr.392.

2. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H.2009, t.10, tr.296, 297.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)