slider

Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội

20 Tháng 05 Năm 2021 / 700 lượt xem

ThS. Lê Thị Thanh Loan

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào năm 1930 đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc ta, giải quyết căn bản sự khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài trong những thập kỷ trước và ghi nhận công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chuẩn bị những điều kiện về mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức và lực lượng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngay lập tức phải đảm nhận sứ mệnh to lớn mà lịch sử giao phó (được ghi rõ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo) đó là: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”; “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(1).

Từ ngày thành lập cho đến nay, thực hiện sứ mệnh cao cả đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn dắt cả dân tộc vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn để giành được những thắng lợi vĩ đại.

Có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng những năm 1930 đã phát triển mạnh mẽ trên 25 tỉnh, thành trong cả nước đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Dù thực dân Pháp đã dùng mọi biện pháp khủng bố dã man để đàn áp cách mạng và làm tiêu hao đáng kể lực lượng của ta lúc bấy giờ nhưng điều này chẳng những không cản trở được bước tiến của cách mạng mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng.

Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/1935 tại Macao, Trung Quốc là một sự kiện trọng đại: đánh dấu sự khôi phục của hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước; thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tạo thành sức mạnh, chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến mới.

Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng đang dâng cao. Tháng 5/1941 tại Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ VIII quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh. Đến tháng 8/1945, Quốc dân đại hội do Mặt trận Việt Minh triệu tập họp tại Tân Trào, Tuyên Quang đã quyết định mở cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ sau 1 tháng tiến hành Tổng khởi nghĩa dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập để khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngay sau ngày giành được độc lập, chính quyền non trẻ đã ngay lập tức đối mặt với những thử thách vô cùng to lớn. Vững tay chèo dưới ngọn cờ của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Tháng 2/1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Việt Nam được diễn ra tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Đây là đại hội đầu tiên sau ngày giành được chính quyền và cũng là đại hội đầu tiên dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại hội đã ra Nghị quyết đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Báo cáo Chính trị tại Đại hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là phải đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức, xây dựng Đảng Lao động Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thực hiện đường lối được Đại hội Đảng lần thứ II đề ra, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn để thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau thất bại tại chiến dịch Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng (12/1960) được diễn ra trong bối cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt thành 2 miền. Nhiệm vụ cho giai đoạn mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tại Đại hội là: đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Để thực hiện mục tiêu này, Đại hội đã xác định công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất để cải biến tình trạng lạc hậu của nền kinh tế trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Song song với đó là phải thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm làm thay đổi căn bản đời sống tinh thần của toàn xã hội. Trên cơ sở đường lối chung, Đại hội đã vạch ra kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân miền Bắc đã hòa chung vào không khí thi đua sôi nổi. Đặc biệt là khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Chính trị đặc biệt năm 1964, nhân dân miền Bắc đã hăng hái thi đua “mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”(2). Do đó chỉ sau 4 năm trong điều kiện chiến tranh phá hoại, miền Bắc đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đề ra.

Để đẩy nhanh sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Bộ Chính trị đã họp phiên đặc biệt dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức thông qua kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công đã giáng một đòn rất nặng vào chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam. Và cũng từ đây, thế giới hiểu và ủng hộ nhiều hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa vì tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu về công tác xây dựng Đảng bởi Người hiểu rõ hơn ai hết vai trò quyết định của Đảng đối với mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trước lúc đi xa, điều Bác quan tâm trước hết đó cũng chính là về Đảng. Người căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi khi chưa kịp nhìn thấy ngày toàn thắng của đất nước. Nhưng tư tưởng và đạo đức của Người vẫn sống cùng dân tộc và trở thành một nguồn động lực tinh thần to lớn giúp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi gian khổ hy sinh để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước như mong ước của Người lúc sinh thời.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng được chính thức diễn ra tại thủ đô Hà Nội tháng 12/1976. Đây là đại hội đầu tiên sau chiến tranh. Đại hội đã tổng kết quá trình đấu tranh chống Mỹ cứu nước kiên cường của nhân dân ta và từ đó đề ra đường lối xây dựng lại đất nước sau chiến tranh và mục tiêu kế hoạch 5 năm 1976-1980. Đại hội khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam là tranhthủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng khắc phục hậu quả của chiến tranh. Thực hiện đường lối này, năm 1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc và đã tiến hành những hợp tác kinh tế đầu tiên với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế và thực hiện kế hoạch 5 năm (1976-1980). Chủ trương cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp đã giúp cho sản lượng nông nghiệp tại các địa phương tăng cao. Nhiều công trình trọng điểm, các nhà máy, xí nghiệp được xây dựng và mở rộng.

Tuy nhiên hậu quả của chiến tranh chống đế quốc nhiều thập niên chưa được khắc phục thì chiến tranh biên giới xảy ra. Cùng với đó là việc duy trì mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp đã dẫn đến sự khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế, đời sống nhân dân khó khăn, bội chi ngân sách lớn. Chính vì vậy, tại Đại hội Đảng lần thứ V, mục tiêu bức thiết nhất được đưa ra là phải bằng mọi giá ổn định lại nền kinh tế. Theo đó, Đảng chủ trương sắp xếp lại cơ cấu và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế quốc dân, điều chỉnh nội dung bước đi của công nghiệp hóa, trước hết cần phải tập trung phát triển mạnh nông nghiệp. Điều này cũng cho thấy những tư duy đổi mới của Đảng đã bắt đầu được hình thành từ đây và thể hiện rõ nét tại Đại hội lần thứ VI của Đảng tháng 12/1986.

Với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”, Đại hội VI đã chỉ ra những hạn chế của Đảng trong quá trình lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội để từ đó đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội. Trên tinh thần kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp để từng bước vận hành nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đại hội đã xác định nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ, khuyến khích mở rộng hợp tác, đầu tư với nước ngoài dưới nhiều hình thức. Đây là một bước ngoặt trong quá trình quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Nhằm thúc đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới đất nước, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cho rằng trước hết phải chỉnh đốn và làm trong sạch Đảng mà trọng tâm chính là phải chống tiêu cực vì “quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy”(4). Báo Nhân dân thời kỳ này đã mở chuyên mục “Những việc cần làm ngay” với một loạt bài báo của ông đã tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội: dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm giúp cho nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đường lối đổi mới đã thể hiện tính đúng đắn khi áp dụng vào thực tiễn đất nước, giúp nền kinh tế từng bước ra khỏi khủng hoảng, đời sống người dân từng bước được nâng cao. Đại hội Đảng lần thứ VII tháng 6/1991 tiếp tục khẳng định lại đường lối đổi mới. Trong bài phát biểu bế mạc Đại hội VII, Tổng bí thư Đỗ Mười đã chỉ rõ: “Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có nguyên tắc và có bước đi vững chắc, đó là mệnh lệnh của cuộc sống, là quá trình không thể đảo ngược”(5). Đại hội VII đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Bước sáng tạo mới tại Đại hội lần này chính là chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, mở đường cho một loạt các hoạt động ngoại giao của Việt Nam nhằm bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, chủ động hội nhập sâu, rộng vào cộng đồng khu vực và trên thế giới.

Những thành tựu về mọi mặt sau 10 năm Việt Nam thực hiện sự nghiệp Đổi mới đã được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ VIII năm 1996. Nhiệm vụ chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kiên định sự nghiệp Đổi mới vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn.

Đường lối đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển hoàn thiện hơn tại các kỳ Đại hội Đảng lần thứ IX năm 2001 và lần thứ X năm 2006. Tại Đại hội Đảng lần thứ X, lần đầu tiên vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng đã trở thành chủ đề của báo cáo Chính trị tại Đại hội, điều đó cho thấy Đảng đã bước đầu chú trọng vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng như một khâu then chốt của sự nghiệp lãnh đạo đất nước. Điều này lại tiếp tục được khẳng định và nhấn mạnh hơn tại các đại hội Đảng lần thứ XI (2011) và XII (2016) khi yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế đặt ra cho Đảng nhiều đòi hỏi cao hơn.

Sau 35 năm với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Từ một nước phải nhập khẩu gạo để cứu đói, đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 187 quốc gia, xây dựng đối tác chiến lược và toàn diện với 25 nước trong đó gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp quốc. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh đã làm thay đổi diện mạo của đất nước ngày một văn minh và hiện đại hơn. Môi trường Chính trị - xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Các dịch vụ công được cải thiện giúp chăm lo cho đời sống người dân tốt hơn. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng cao. Điều này được thể hiện rõ nét trong năm 2020 với đại dịch Covid, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về kinh tế cũng như số người thiệt mạng. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Đảng, của Chính phủ, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia khống chế đại dịch thành công nhất trên thế giới, bảo vệ được sự bình an cho nhân dân và giúp nền kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh các nước đều rơi vào suy thoái nặng nề. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Thành tựu đó không chỉ là “bệ phóng” để Đảng tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà còn giúp cho nhân dân thêm tin tưởng và vững bước dưới ngọn cờ của Đảng, tạo thành sức mạnh “ý Đảng, lòng Dân” - nhân tố quyết định trực tiếp đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang.

Chặng đường 2015 - 2020 đã khép lại với những thành tựu quan trọng để đón chào nhiệm kỳ mới 2020-2025 với niềm tin và kỳ vọng mới vào thành công của Đại hội Đảng XIII vừa diễn ra trong đầu năm 2021. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, cả dân tộc Việt Nam sẽ cùng đoàn kết một lòng xây dựng đất nước phát triển hùng mạnh như khát vọng ngàn đời của dân tộc và đó cũng chính là mục tiêu, sứ mệnh cao cả nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia,

Hà Nội, 2002, tập 3, tr.1-4.

2.       Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.278.

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia,

Hà Nội, 2001, tập 12, tr.12.

4.       Nguyễn Văn Linh: Những việc cần làm ngay, Báo Nhân dân, ngày 10/7/1987.

5.       Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr.168.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)