slider

Để Xây dựng CNXH thì cần phải có lao động trí óc và lao động chân tay

19 Tháng 09 Năm 2011 / 6222 lượt xem
Ths. Nguyễn Đoàn Phượng
Đại học Ngoại ngữ Hà Nội
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo đến thế hệ trẻ, trong đó sinh viên là những “người lao động trí óc trẻ” được Người thư­ờng xuyên thăm hỏi, động viên họ, khuyến khích họ miệt mài học tập và không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng để trở thành những người có đức, có tài, đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong hành trình tìm đ­ường cứu n­ước, tìm con đường giải phóng dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho đồng bào, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh đã sớm quan tâm đến “bộ phận quan trọng” này của dân tộc. Hồ Chí Minh đã cuốn hút những thanh niên, sinh viên Việt Nam, đưa họ đến với cách mạng bằng chính những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình. Khi nước nhà chưa giành được độc lập, từ điều kiện cụ thể của Việt Nam, một đất nư­ớc với hơn 90% dân số là nông dân, đa phần là mù chữ, Người đã bằng những hoạt động thiết thực của mình tuyên truyền, cổ vũ họ, tạo điều kiện giúp họ được học hành để góp sức cho cách mạng. Sau khi cách mạng thành công, tin yêu và hy vọng ở thanh niên sinh viên, những con ng­ười như­ Lênin nói: Nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa chính là của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh niên là người chủ tư­ơng lai của nư­ớc nhà. Thật vậy, nư­ớc nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”[1]. Để thanh niên có thể trở thành những ng­ười chủ xứng đáng, những con ngư­ời đủ đức, đủ tài, gánh vác đư­ợc những trọng trách mà cách mạng giao phó, bên cạnh việc tự bản thân họ phải rèn luyện, tu d­ưỡng đạo đức, năng lực chuyên môn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã luôn tạo điều kiện để họ được học tập, được sinh hoạt trong tổ chức và hư­ớng dẫn cho họ tập dư­ợt làm việc để họ từng bước hoàn thành nhiệm vụ     đ­ược giao.
 Không chỉ dừng lại ở việc hoạch định một chiến lược đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp cách mạng lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thông qua những bức thư, những bài phát biểu thể hiện rõ sự quan tâm của mình đối với thanh niên. Đến thăm và nói chuyện với các sinh viên Việt Nam tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II (5-7/5/1958), Người nói: Hồi Người còn đồng tuổi với các sinh viên, những người đang được hưởng sự chăm lo, giáo dục của chế độ xã hội mới, được Đảng và Chính phủ nâng niu giúp đỡ, thì Người không có điều kiện được học hành như họ, mà phải “đi rửa bát hoặc làm nhiều công việc khác để lấy tiền mà đi học”. Hơn nữa, khi đó đất nước đang đắm chìm trong đêm trường nô lệ, người dân thuộc địa không có một chút tự do dân chủ nào nên không thể “phát triển hết khả năng của mình”. Tuy nhiên, đánh giá đúng vị trí và vai trò của thanh niên (sinh viên) trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước sau này, ngay từ những ngày cách mạng còn trong thời kỳ trứng nước, cùng với việc tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Hồ Chí Minh khi đó đã kịp gửi những thanh niên đi đào tạo ở trường Quân sự Hoàng Phố, ở trường đại học phương Đông Mátxcơva, trường Không quân Mátxcơva, v.v.. Giờ đây, khi miền Bắc đã được giải phóng, sau những năm dài chiến tranh, một kỷ nguyên mới với những nhiệm vụ mới nhằm hướng đến độc lập tự do và CNXH đang đòi hỏi sự cố gắng phấn đấu về mọi mặt của thanh niên, đặc biệt là những sinh viên. Nhấn mạnh điều này, Hồ Chí Minh khẳng định: họ là những người không chỉ tiếp sức cho thế hệ già mà còn có trách nhiệm dìu dắt các em nhỏ và chính họ là thế hệ lớp người kế cận, tiếp tục tực hiện con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Đề cao nhiệm vụ đào tạo và phát triển con người Việt Nam mới XHCN “vừa hồng vừa chuyên”, Người từng nhiều lần nhấn mạnh: thanh niên phải có cả đức và tài mới hoàn thành được nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân tin tưởng giao phó. Người quan niệm “Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”[2]. Mặc dù nhấn mạnh: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang”[3], song được sinh ra và lớn lên từ trong lòng chế độ xã hội cũ, họ ít nhiều còn mang trong mình những tàn dư của tầng lớp tiểu tư sản, nên để xứng đáng với vị trí, vai trò và nhiệm vụ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: bản thân mỗi người phải “tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng mình”, cải tạo tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Bởi rằng, cá nhân chủ nghĩa “đẻ ra tư tưởng danh lợi”, ham chuộng địa vị, quyền chức, từ đó lại sinh ra căn bệnh sợ khó nhọc và sợ khổ, “coi khinh lao động chân tay”, “coi khinh người lao động chân tay”. Nêu ra những căn bệnh vốn là dấu vết của tầng lớp tiểu tư sản, chỉ ra biện pháp để sửa chữa những căn bệnh đó, đồng thời thấm nhuần đạo đức cổ nhân “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ trí thức tương lại: “Muốn sửa chữa cá nhân chủ nghĩa thì khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, mà phải nghĩ đến đồng bào”, “làm việc gì mình cũng nghĩ đến lợi ích chung trước và lợi ích riêng sau”[4]. Từ đó, Người quan niệm, khi mỗi người sinh viên tự hỏi và trả lời được 2 câu hỏi Học để làm gì? Học để phục vụ ai? thì trong họ đã dứt khoát định rõ mục tiêu để học, để phấn đấu, bởi tư tưởng thông suốt thì hành động sẽ đúng đắn.
Đại hội lần thứ II sinh viên Việt Nam diễn ra trong bối cảnh miền Bắc đang tiến hành thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục và cải tạo kinh tế văn hoá xã hội để bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH. Trước những khó khăn của thực tế và con đường đi lên CNXH đầy chông gai thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với những sinh viên Việt Nam, những người trí thức XHCN tương lai: Để xây dựng CNXH thì cần phải có “lao động trí óc và lao động chân tay”. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể của nước nhà, Người nêu rõ: Chúng ta cần” lao động trí óc kiêm lao động chân tay, nghĩa là lao động chân tay cũng phải có văn hoá, mà người lao động trí óc cũng phải làm được lao động chân tay. Nếu lao động trí óc không làm được lao động chân tay và lao động chân tay không có trí óc thì đó là người lao động bán thân bất toại”[5]. Ngược lại, Người cũng khẳng định rằng: Lao động trí óc mà không có lao động chân tay, “chỉ biết lý luận mà không biết thực hành” thì cũng chỉ là “trí thức một nửa”.Vì vậy, sinh viên các cháu phải “trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành”, “học tập kết hợp với lao động”. 
Từ kinh nghiệm thời tuổi trẻ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu thanh niên sinh viên là lớp người trẻ tuổi đang chuẩn bị bước vào đời, khát khao lý tưởng, có nhiều hoài bão. Là những người ham hiểu biết, khám phá, cũng ham hành động, lại nhiều xúc cảm, dễ chịu tác động của tập thể và đặc biệt là đó mới chỉ là lớp người đang trưởng thành chứ chưa phải là những người trưởng thành nên họ rất dễ vấp ngã, nản lòng. Từ đó, Người khuyên sinh viên hãy: Yêu Tổ quốc và “phải làm sao cho Tổ quốc ta giàu mạnh”; Yêu nhân dân; Yêu CNXH; Yêu lao động; Yêu khoa học và kỷ luật. Cuối cùng, Người kết luận: Bây giờ là thời đại của khoa học phát triển rất mạnh, là thời đại của CNXH và là thời đại của anh hùng, vì vậy mà “mỗi người lao động tốt đều có thể trở thành anh hùng” và “mong các cháu cũng làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng”.
          Từ những chỉ dẫn tâm huyết, cụ thể và đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sinh viên, từ những đòi hỏi cụ thể của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và xây dựng CNXH ở miền Bắc, Người đã cùng Đảng, Chính phủ chú trọng đến sự nghiệp đào tạo, giáo dục thanh niên sinh viên, đồng thời sử dụng, tạo điều kiện để những trí thức XHCN phát huy mọi khả năng của mình trên mọi lĩnh vực. Mặt khác, Người cũng luôn lấy g­ương ng­ười tốt việc tốt để cổ vũ, động viên và khuyến khích thanh niên sinh viên, giúp họ định hướng tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng với sự phát triển của cách mạng, thanh niên sinh viên ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình. Họ thực sự là những người được đào tạo chuyên môn, nắm vững khoa học kỹ thuật, có đạo đức cách mạng, tinh thần giác ngộ XHCN và tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Những phong trào Sinh viên tình nguyện, Tiếp ứng mùa thi, những sẻ chia của họ đối với nhau, đối với cộng đồng, những gương sáng Sinh viên nghèo vượt khó, những Sinh viên đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giởi quốc tế, v.v.. trong những năm đất nước đang chuyển mình đổi mới, đã thực sự làm cho những mong mỏi, những tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 50 năm toả sáng trong thực tiễn.
           Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song những điều Người căn dặn, những việc Người đã làm và tình cảm, sự quan tâm của Người đối với thanh niên sinh viên thì vẫn luôn là nguồn động viên nội lực, là sức mạnh tinh thần để mỗi thanh niên sinh viên không ngừng phấn đấu vươn lên, trở thành những người “vừa hồng vừa chuyên”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./ .


(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.5, tr.185
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr.172
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr.172
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr.172
(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr.173

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)