slider

DI SẢN VĂN HOÁ HỒ CHÍ MINH VỀ CON NGƯỜI

07 Tháng 04 Năm 2014 / 2800 lượt xem
ThS. Trần Thị Thắm
Phòng Tuyên truyền – Giáo dục
          
Mỗi thời đại, mỗi dân tộc đều có những vĩ nhân của mình, nhưng hiếm thấy một vĩ nhân mà sự nghiệp gắn với vận mệnh của dân tộc, của Tổ quốc, gắn với lịch sử của thời đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là vị anh hùng dân tộc vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đồng thời là người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
          Đối với Người, giải phóng dân tộc và đất nước không tách rời giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng loài người. Để đưa công cuộc giải phóng ấy đến thắng lợi, để xây dựng xã hội mới thành công cần phải có lực lượng. Lực lượng ấy là con người.
          Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người mới, tức con người xã hội chủ nghĩa hay còn gọi là con người phát triển toàn diện được hình thành trên cơ sở nhận thức những quan điểm chung về bản chất con người là “tổng hoà quan hệ xã hội”. Xuất phát từ quan niệm con người vốn gắn với xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một định nghĩa về con người thật độc đáo: “ Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh, em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”. Với nghĩa đó, khái niệm con người đã mang trong nó bản chất xã hội, phản ánh các quan hệ xã hội, quan hệ gần là gia đình, anh, em, họ hàng, bầu bạn; quan hệ xa là làng xóm, quê hương, đồng bào, nhân loại. Nói đến bản chất con người phải thấy được nền tảng chung giữa người và người. Song bản thân nhu cầu tồn tại của con người không thể có được khi tách con người khỏi xã hội. Cho nên, bản chất xã hội của con người vẫn là bản chất cơ bản nhất. Nói đến con người phải nói đến con người xã hội, mất tính xã hội con người sẽ không là con người với tư cách là thành viên của xã hội. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một gia đình nghèo ở phố Lê Thái Tổ, Hà Nội vào đêm giao thừa năm 1962
          Trong tư tưởng Hồ Chí Minh không có con người trừu tượng mà chỉ có con người cụ thể, con người với ý nghĩa đầy đủ nhất, đó là mỗi một người có cuộc sống riêng của họ, có những mối quan hệ của riêng họ gắn với gia đình, người thân, quê hương, làng xóm, với tập thể, đồng bào trong cộng đồng dân tộc và cao hơn là với nhân loại. Đối với Người, mặt tốt xấu của con người không phải bộc lộ một cách tự nhiên, vô cớ, mà thường có nguyên nhân sâu xa của nó, xuất phát từ nguồn gốc xã hội. Khi nói đến những vấn đề có liên quan đến bản chất con người, Hồ Chí Minh có cách giải thích riêng, rất độc đáo và phù hợp với tư duy biện chúng về bản chất con người.
          Đối với Hồ Chí Minh, khái niệm con người luôn luôn được nhắc đến như một mục tiêu thiêng liêng, cao cả của sự nghiệp cách mạng mà Người theo đuổi. Tư tưởng về con người, về việc giải phóng và phát triển con người, coi con người là nhân tố quyết định thành công của cách mạng, luôn quán xuyến gần như toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy được Người vận dụng và phát triển trong suốt cả cuộc đời. Người rất ít dùng khái niệm con người mang nội hàm con người nói chung, ngoài hai trường hợp đặc biệt ở vào hai thời điểm rất có ý nghĩa, đó là trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các thuộc địa, đăng trên trang nhất số đầu tiên báo Người cùng khổ (La Paria), và trường hợp thứ hai trong bản bản Di chúc của Người. Trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các thuộc địa có câu chỉ ra rằng người bản xứ thiếu hẳn các quyền lợi gắn liền với “phẩm giá con người”. Lời kêu gọi của báo Người cùng khổ viết rắng, sứ mệnh của báo là “giải phóng con người’. Còn trong bản bổ sung cho Di chúc thì Người viết “Đầu tiên là công việc đối với con người”
          Từ đó, vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, mong đem lại tự do và hạnh phúc cho con người, luôn luôn là trung tâm và là điều trăn trở suốt cuộc đời trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta hoàn toàn tự do đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…”1 Vì điều ham muốn tột bậc đó, Hồ Chí Minh đã phải bôn ba trên khắp thế giới, chịu đựng biết bao gian truân khổ ải mới tìm được chân lý cách mạng, không chỉ giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ mà còn hướng tới mục tiêu giải phóng con người khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nói về mục tiêu lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, chủ yếu Người nhấn mạnh đến việc chăm lo con ngưởi, sao cho người lao động có công ăn việc làm, sao cho ai cũng được ấm no, hanh phúc, Người nói: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”2 Không chỉ một lần mà hầu như bất cứ lúc nào có dịp nói đến cách mạng, đến mục tiêu xã hội chủ nghĩa, Người cũng nhấn mạnh việc chăm lo cho con người, trước hết là người lao động. Nói rõ hơn ý tưởng của mình về mục tiêu cách mạng đối với con người, Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì”3. Điều đó chứng tỏ, Hồ Chí Minh có sự nhất quán và rất triệt để về mục tiêu cách mạng vì sự nghiệp giải phóng con người, tất cả vì con người, cho con người và do con người.
Tư tưởng về con người của Hồ Chí Minh là tư tưởng “có dân thì có tất cả”, biết dựa vào dân, tin ở dân, đoàn kết toàn dân, bồi dưỡng, đào tạo họ, phát huy mọi năng lực của con người, của từng cá nhân và của cả cộng đồng, sẽ tạo ra sức mạnh, tạo ra động lực cách mạng. Từ đó, Người đề ra khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Nhờ tư tưởng đại đoàn kết đó, Người tập hợp được một cách rộng rãi mọi lực lượng có thể đoàn kết được, đưa cách mạng nước ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. đồng thời Người thực hiện được mục tiêu lý tưởng của mình. Những tư tưởng ấy là nền tảng của việc hình thành con người mới, tạo cơ sở cho việc hình thành chiến lược con người mà Hồ Chí Minh đã từng ấp ủ và hiện nay chúng ta đang ra sức xây dựng và thực hiện.
Quan niệm về con người nói chung, con người mới nói riêng trong tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển dần dần. Lúc đẩu, khi mới ra đi tìm đường cứu nước, Người mới chỉ cảm nhận được một cách cụ thể thân phận con người mất nước và tội ác của bọn thực dân Pháp ở Việt Nam. Dần dần, trong quá trình tiếp xúc với những người cùng khổ ở các nước mà Người đã trải qua, nhất là sau khi hoạt động trong phong trào công nhân, tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê Nin, Hồ Chí Minh mới thấy rõ hơn về tình cảnh những người lao động cùng khổ trên khắp thế giới và giữa họ cùng có chung một kẻ thù là chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc chuyên nghề đi áp bức, bóc lột những người lao động, gây ra biết bao tai hoạ cho loài người.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người mới dần dần hình thành và phát triển, đầu tiên họ là những con người bản xứ, người dân mất nước, người nô lệ ở quê hương mình, sau nữa họ là những người lao động bị áp bức, bóc lột ở chính quốc, người nô lệ và người cùng khổ trên khắp lục địa. Hồ Chí Minh không chỉ tin ở con người nói chung, mà hơn thế, Người thấy trong quảng đại quần chúng nhân dân cũng như trong những người cùng khổ, những người nô lệ đã hình thành một lực lượng nòng cốt tạo thành hạt nhân cho phong trào cách mạng. Họ chính là những con người ới có mặt ở mọi nơi, có ý thức cách mạng cao và sẵn sàng chiến đấu vì mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
          Ở Hồ Chí Minh, hai bình diện con người mất nước và con người cùng khổ không tách rời nhau. Họ có chung một thân phận là con người nô lệ, con người không có tự do và chịu áp bức, bóc lột của bọn thực dân, quan lại phong kiến và bọn tư bản ở mọi nơi. Đó chính là cơ sở tư tưởng để Người thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa người dân mất nước, chịu cảnh nô lệ ở quê hương mình với người dân cùng khổ ở khắp các châu lục, kể cả nước tư bản chủ nghĩa phát triển.
          Cũng từ đó, Hồ Chí Minh cũng tìm thấy con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Đó là con đường cách mạng giải phóng dân tộc kết hợp với cách mạng xã hội chủ nghĩa, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội, giải phóng con người. Giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, khỏi nghèo nàn, lạc hậu nhằm đem đến cho con người một cuộc sống tự do, hanh phúc, có việc làm và công bằng xã hội là những mục tiêu cao cả đó. Cũng chính là những mục tiêu mà Hồ Chí Minh đòi hỏi đối với con người mới, con người cùng chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng cao cả dưới ngọn cờ của Người.
          Vĩ đại hơn, Hồ Chí Minh đã phát hiện rất sớm, sức mạnh của con người ở ngay các dân tộc bị áp bức đến cùng cực, bị đầu độc cả về thể xác lẫn tinh thần, trước hết là đồng bào ở quê hương mình. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, Người đã phân tích: "Người Đông Dương không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn. Nhưng người Đông Dương nhận được sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thày học duy nhất của họ” và “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”4
          Người kêu gọi giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ trên thế giới cứu đồng bào mình: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: “Các đồng chí hãy cứu chúng tôi!”. Con đường cứu các dân tộc bị áp bức đó, Hồ Chí Minh khẳng đinh: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc tự do, bình bẳng, bác ái, đoàn kết ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc…”5 Rõ ràng, đây là một bước ngoặt lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về lòng tin ở con người, tạo ra sự chuyển biến dứt khoát từ lập trường của chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chủ nghĩa xã hội khoa học, hình thành tư tưởng của Người về cách mạng giải phóng dân tộc kết hợp với giải phóng xã hội, giải phóng con người. Từ đó, người khẳng đinh: Con người là vốn quý nhất. Con người được giác ngộ, được tổ chức, được lãnh đạo đúng đắn sẽ tạo ra tất cả, cho nên trong thư từ biệt các bạn cùng hoạt động, trước lúc bí mật rời Paris sang nước Nga Xô - viết, tháng 6 năm 1923, Người viết: “Chúng ta phải làm gì?... Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra tranh đấu giành tự do, độc lập”6.
          Lòng tin của Hồ Chí Minh đối với nhân dân ta con dựa trên sự hiểu biết sâu sắc truyền thống lịch sử dân tộc và con người Việt Nam: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”7
          Như vậy, Hồ Chí Minh không chỉ tin ở con người nói chung mà trước hết là tin ở con người Việt Nam, ở đồng bào đau khổ của mình và lòng tin ấy có cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc.
          Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là ở chỗ. Người không chỉ tin yêu con người cùng giai cấp đã giác ngộ con đường cách mạng vô sản, mang thế giới quan của chủ nghĩa Mác –Lê Nin, mà còn hơn thế, Người thông cảm với những người cùng khổ trên khắp thế giới. Người muốn giải phóng cho tất cả mọi người khỏi áp bức, bóc lột, khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Tình cảm yêu thương con người của Hồ Chí Minh thật bao la, rộng mở và nhờ tình cảm yêu thương con người ấy, Người đã tìm được con đường cứu nước cho dân tộc mình, đồng thời mở ra một triển vọng mới cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới. Cũng nhờ tình cảm yêu thương con người vô biên ấy, Hồ Chí Minh đã tạo cho mình một chủ nghĩa nhân văn mới, phát triển chủ nghĩa nhân văn mác-xít lên một tầm cao mới trong thời đại cách mạng vô sản đã lan rộng trên toàn thế giới, đến cả những dân tộc chưa biết đến giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đó là một quan niệm mới về chủ nghĩa nhân văn, vừa rất đậm đà bản sắc dân tộc, vừa phù hợp với thời đại cách mạng vô sản trên phạm vi toàn thế giới, vừa rất phương Đông, vừa tiếp thu được những tinh hoa của các chủ nghĩa nhân văn đã từng tồn tại ở phương Tây cũng như trong lịch sử nhân loại.
          Di sản văn hoá Hồ Chí Minh về con người luôn luôn là cơ sở lý luận trong sự nghiệp bồi dưỡng con người mới của chúng ta. Những nhận thức trên đây là sự đóng góp nhỏ bé vào sự nghiệp đó.
----------------------------------------
Chú thích:
1- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật. Hà Nội, tập4, tr 1612- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật. Hà Nội, tập10, tr 17
3- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật. Hà Nội, tập5, tr 56
4- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật. Hà Nội, tập1, tr 28
5-Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật. Hà Nội, tập1, tr 46. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch. In lần thứ 9, NXB Văn học, 1989. tr 171
7-  Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 6, tr 171

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)