slider

Di tích nhà 1967

15 Tháng 11 Năm 2017 / 915 lượt xem

Vào những năm 1966 - 1967, cuộc phiêu lưu mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ngày càng trở nên ác liệt, những kẻ cầm đầu Nhà Trắng tuyên bố: phải huỷ diệt các thành phố lớn, phải đưa miền Bắc Việt Nam quay về thời kỳ đồ đá, vì vậy Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác cùng các khu công nghiệp bị bắn phá ngày đêm. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng ở phía sau Nhà sàn một ngôi nhà kiên cố đề phòng tình huống bất ngờ xảy ra. Ngày 1-5-1967, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác nước ngoài, ngôi nhà được khởi công xây dựng. Cán bộ, chiến sĩ ở Cục Công trình thuộc Bộ Tư lệnh công binh được giao nhiệm vụ thiết kế và xây dựng công trình. Ngôi nhà được đặt tên theo năm xây dựng: Nhà 67. Ngày 30-6-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội sau chuyến đi công tác dài ngày. Thấy ngôi nhà mới Người tỏ ý không vui. Các đồng chí trong Bộ Chính trị báo cáo với Người về sự cần thiết phải xây dựng ngôi nhà này. Đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị thưa với Chủ tịch Hồ Chí Minh việc xây dựng ngôi nhà là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là của đồng bào chiến sĩ miền Nam. Mặc dù vậy, Người vẫn không nhận cho riêng mình. Người đề nghị sử dụng ngôi nhà làm nơi họp Bộ Chính trị, nơi làm việc với các đồng chí Trung ương. Ngày 17-8-1969, sau khi kiểm tra sức khoẻ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bác sĩ đề nghị Người không lên xuống Nhà sàn nữa. Theo lời đề nghị của bác sĩ, ngày 18-8 Người chuyển hẳn xuống ở nhà 67.
Những ngày cuối tháng 8-1969, bệnh tình của Bác càng trầm trọng thêm, Người đã phải trải qua những cơn đau dữ dội. Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định điều động một số cán bộ, nhân viên y tế giỏi của các bệnh viện lớn cùng với những thiết bị hiện đại đến cứu chữa cho Bác. Trong số đó có một số là nữ y tá. Một lần, vừa tỉnh lại qua cơn đau, Bác thấy có mấy nữ y tá ở cạnh, Bác hỏi một đồng chí phục vụ: “Những ai thế chú?”. “Thưa Bác, đó là các nữ đồng chí y tá của Bệnh viện Quân y 108 được điều động đến phục vụ Bác”. Bác không nói gì, một lúc sau Bác mới chậm rãi: “Các cháu còn trẻ, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, Bác biết các cháu rất thương Bác, nhưng không nên để các cháu ở đây, vì các cháu gái thường dễ xúc động”. Thoáng nhìn thấy những bông hoa hồng cắm trong lọ hoa bên cạnh, Bác hỏi đồng chí phục vụ: “Hoa trong vườn phải không chú? Còn nhiều không? Nếu còn chú hái vào tặng cho các cháu gái”. Đồng chí phục vụ ra vườn hái hoa, khi cầm hoa vào, Bác liền bảo: “Bác đang mệt, chú thay mặt Bác tặng mỗi cháu gái một bông hồng”. Tất cả các cô gái y tá trẻ hôm đó mỗi người được tặng một bông hoa hồng trong vườn Bác. Không trừ một ai, tất cả đều cảm động và sung sướng đến chảy nước mắt. Ngày 27-8, lúc tỉnh cơn đau, Bác nói muốn nghe một khúc dân ca. Cô y tá Ngô Thị Oanh đã cố gắng hát bài Chiến sỹ quân y làm theo lời Bác và bài dân ca quan họ Người ơi người ở đừng về, nghe hát xong Bác tặng chị một bông hoa hồng đỏ thắm. Đến phút chót của cuộc đời Bác vẫn không lo gì cho riêng mình, chỉ lo lắng khi mực nước sông Hồng dâng lên, lo cho dân được xem bắn pháo hoa ngày Độc lập, nghĩ đến miền Nam, theo dõi chiến công mới nhất và mong sao cho các cháu gái ngày ngày vẫn có hoa.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)