ĐỊA ĐIỂM MANG BA MẬT DANH: “CÔNG TRƯỜNG 5”, “K9” VÀ “K84”
09 Tháng 10 Năm 2009 / 9915 lượt xem
Đỗ Hoàng Linh
Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu
Dưới chân núi Ba Vì hùng vĩ, nằm cách Hà Nội khoảng 70km về hướng Tây, thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây nay thuộc Hà Nội (trước là huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây), có một khu vực địa hình đặc biệt vì từ dưới đất mọc lên rất nhiều những tảng đá nhọn như đầu mũi chông, ngọn mác nên người địa phương gọi đây là Đá Chông. Đồi Đá Chông nằm trong khu rừng nguyên sinh có độ cao 250m so với mực nước biển, địa giới giáp các tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ, nằm ven bờ sông Đà cuộn chảy và cách Hà Nội chừng 50km theo đường chim bay nhưng do địa hình có núi, rừng, sông. suối và khí quặng kim loại nên khí hậu trong lành, nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC. Đá Chông có thể coi là vùng đất thiêng vì gần đó có đền thờ Thánh Tản- vị tổ của bách thần nước Việt và đền Lăng Sương thờ hai mẹ con Ngài. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết về vùng núi này trong Kiến văn tiểu lục như sau: “Mạch núi đi từ Mường Thanh xuống tầng tầng lớp lớp kéo đến liên miên chằng chịt, đến đây mọc ngang ra ba ngọn, mặt tả trông về sông Đà, phong cảnh tốt tươi, khí thế nghiêm chỉnh, có chỗ như tán quạt, lâu đài, ngọn giữa rất cao, phụng thờ thượng đẳng linh thần…”. Diện tích Đá Chông khoảng 234ha, có hai hồ nước rộng 15ha, chủ yếu là đồi liên hoàn, rừng thông trên trăm năm tuổi và nhiều cây gỗ quý như long não, chò, trám… Địa thế khu vực tuy hiểm trở nhưng giao thông lại thuận lợi vì có thể sử dụng cả đường bộ: cách thị xã Sơn Tây về phía tây khoảng 20km theo quốc lộ 87; đường thuỷ có sông Đà, đường không sẵn một bãi đất phẳng tự nhiên, có thể dùng làm sân bay trực thăng. 

Chuyện dã sử hiện đại do ông Hoàng Đạo Thuý (nguyên Tổng uỷ viên Hướng đạo sinh Đông Dương, Tổng thư ký Ban thi đua TƯ, Cục trưởng cục thông tin liên lạc) kể lại rằng: Đầu năm 1957, Bác có gặp và hỏi thân mật: “Cụ là scout (tiếng Anh là hướng đạo sinh) đi nhiều, có biết nơi nào kín đáo, mát mẻ, thuận tiện đường xá mách cho tôi một chỗ?”. Ông Thuý lại hiểu sang ý khác xa xôi rằng Bác sớm lo chuyện theo lẽ tự nhiên nên trả lời: “Thưa cụ, tôi có biết và cũng có đến, có suy nghĩ nhưng bây giờ thì hơi sớm. Cụ còn phục vụ dân, nước được nhiều!”. Nhưng Bác chỉ nói: “Hôm sau cụ dẫn tôi đi thăm”. Thế là ít hôm sau, cụ Thuý đưa Bác lên Đá Chông và trình bày tỉ mỉ các tuyến đường giao thông thuỷ, bộ đi các tỉnh cùng sự tích khí thiêng sông núi của vùng này và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn đây làm địa điểm họp bí mật. Còn theo chính sử thì tháng 5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Sơn Tây thăm sư đoàn 308 và một đơn vị bộ đội thiết giáp diễn tập bên sông Đà, Người đã nghỉ chân ăn trưa trên đồi Đá Chông. Nhận thấy đặc điểm vùng này có nhiều thuận lợi về địa hình, khí hậu, giao thông, thế sông đẹp, núi vững nên Người đặt vấn đề muốn chọn đất này làm cơ sở của Trung ương, đề phòng chiến tranh có thể mở rộng ra miền Bắc. Tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng (nguyên Trưởng ban kiểm tra TƯ, Tổng thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch nước) lên thị xã Sơn Tây thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ tỉnh. Sau khi khảo sát toàn bộ khu vực, Bác đã nghỉ trưa tại Đá Chông. Một thời gian sau, khu làm việc của Trung ương được chính thức lập dự án xây dựng với bí danh Công trường 5 (CT5). Tháng 6/1959, CT5 có quyết định xây dựng, ngày 20/6/1959, nhân dịp đi thăm và nói chuyện tại công trường đê Nhật Tảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến xem xét tình hình thi công tại CT5, Người đã cắm mốc, chọn hướng cho ngôi nhà họp chính ở khu A. Sau 3 tháng chuẩn bị, tháng 9/1959, CT5 bắt đầu được khởi công. Ban lãnh đạo và Ban chỉ huy công trường được thành lập dưới sự chỉ đạo, điều hành của các đồng chí phụ trách từ văn phòng Phủ Thủ tướng, Phủ Chủ tịch và đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn Tây. Cũng do ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng của công trình nên toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến CT5 đều được đóng dấu và bảo quản theo mức độ Mật hoặc Tuyệt mật. Các cơ quan hữu quan khác bao gồm: Cục Không quân chịu trách nhiệm làm đề án và thi công sân bay trực thăng; Viện Thiết kế dân dụng thuộc Bộ Kiến trúc đảm nhiệm phần việc trạm nước, máy bơm, bể chứa, bể lọc; Viện Vi trùng học và Viện Vệ sinh thuộc Bộ Y tế làm phân tích mẫu tiêu chuẩn nước ngầm và nước sông; Tổng công ty vật liệu xây dựng Bộ Nội thương đảm trách nguyên vật liệu xây dựng công trình; Lực lượng xây dựng chủ yếu là bộ đội thuộc tiểu đoàn 2 và đại đội 4 trung đoàn 259 thuộc Cục Công binh và trung đoàn 600; Dân công là người của ba xã: Thuần Mỹ, Ba Trại và Minh Quang. Sáng ngày 28/1/1960, tức 1 tết Canh Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Đá Chông chúc tết anh em cán bộ, chiến sĩ, công nhân đang thi công tại CT5, Người thăm hỏi, động viên và chia kẹo cho anh em trong toàn đơn vị.
Sau 10 tháng thi công, tháng 3/1960, CT5 chính thức hoàn thành, lấy mật danh K9 và giao văn phòng Trung ương Đảng quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên gặp gỡ và cảm ơn anh em cán bộ chiến sĩ đã hoàn thành công trình (có đồng chí kể lần ấy Người đi bằng máy bay trực thăng). Tổng thể khu vực xây dựng của CT5 gồm các hạng mục:
- Khu A: Có một ngôi nhà thiết kế kiểu nhà sàn ở Hà Nội. Tầng 1 là nơi tiếp khách, phòng họp Bộ Chính trị lắp cửa lùa bằng gỗ có thể tháo rời được. Tầng 2 có 3 phòng nghỉ và 1 phòng khách. Bên cạnh đó là căn nhà dùng cho thư ký, bảo vệ, cấp dưỡng và hầm trú ẩn
- Khu B: Có một ngôi nhà làm việc 2 tầng, phía sau có hầm trú ẩn khá rộng rãi. Một nhà phụ dùng làm kho, bếp. Sân bay trực thăng năm gần khu này
- Khu C: Có dãy nhà một tầng gần đường mòn dẫn xuống bờ sông dành cho đội cảnh vệ (lúc đó trực thuộc công an vũ trang). Ngoài ra còn nhà máy điện 25KVA, bồn trữ nước, gara ôtô, vườn hoa, hòn non bộ… K9 nằm giữa một khu rừng tự nhiên, chim thú rừng vẫn đến kiếm ăn hàng ngày và cây cổ thụ rất nhiều như gạo, long não, bồ hòn, vải, cà phê che phủ kín đáo rất khó phát hiện ra từ trên không. K9 cũng có đầy đủ điều kiện cơ sở và cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống hầm vững chắc, kiên cố để có thể đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Một số cuộc họp của Bộ Chính đã trị diễn ra tại K9, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương thường lên K9 làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa một số đoàn khách quốc tế lên thăm nơi này. Đầu tháng 3/1961, sau khi lên đây cùng Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ, ngày 13/3, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, lúc đó là khách mời của Đại hội phụ nữ Việt Nam lên thăm K9. Bà Đặng còn mang theo một cây quất quả tròn giống của Trung Quốc và một cây ngọc lan từ Hà Nội lên trồng kỷ niệm. Ngày 24/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa G.TiTốp, anh hùng vũ trụ Liên Xô lên thăm và trồng cây hoa vàng kỷ niệm tại K9. Ngoài ra, vào những dịp nghỉ lễ hay sinh nhật của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lên K9 làm việc để tránh nghi lễ chúc tụng ồn ào như ngày 19/5/1963, Bác lên K9, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng cũng lên và ăn cơm trưa cùng với Người. Ngày 20/9/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số đồng chí trong Bộ Chính trị và Uỷ viên dự khuyết BCT lên K9 họp bàn về công tác phòng không nhân dân.

Khi thấy sức khoẻ của mình suy giảm, từ tháng 5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Tài liệu tuyệt đối bí mật (Di chúc). Và từ năm 1967, Bộ Chính trị TƯ Đảng ta đã đặt vấn đề phải giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ để nhân dân ta, đặc biệt là đồng bào miền Nam được chiêm ngưỡng Người khi Tổ quốc thống nhất. Tuy nhiên công việc này rất khó khăn, cần sự giúp đỡ cuả các chuyên gia Liên Xô- những người đã có kinh nghiệm bảo quản nguyên vẹn thi hài Lênin từ năm 1924. Tháng 9/1967, một Tổ y tế đặc biệt của ta gồm ba đồng chí đã được cử sang Liên Xô học tập và tháng 3/1968 về nước bắt tay vào việc chuẩn bị. Quân uỷ TƯ đã giao cho Bộ Tư lệnh Công binh nghiên cứu và xây dựng một công trình để làm công tác khoa học giữ gìn và bảo quản thi hài, địa điểm được chọn là cơ sở của Khoa Giải phẫu bệnh lý Viện quân y 108. Đầu năm 1969, công trình này hoàn thành và được đặt tên là K75A. Tiếp sau đó, một công trình phục vụ cho quốc tang tại Hội trường Ba Đình cũng được xây dựng và đặt tên là K75B. Ngày 2/9/1969, ngay sau khi Bác mất, tổ y tế đặc biệt đã đón Bác về K75A. 20h ngày 5/9/1969, thi hài Bác được đưa tới K75B để chuẩn bị cho tang lễ. Sau 3 ngày tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu, 20h ngày 9/9/1969, thi hài Bác lại được chuyển về bảo quản tại K75A. Tuy nhiên, đề phòng cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đang leo thang, Bộ Chính trị đã giao cho Quân uỷ TƯ tìm một địa điểm bí mật xa Hà Nội để có thể bảo quản thi hài Bác Hồ đề phòng trường hợp khi chiến tranh ác liệt xảy ra hoặc tình huống thiên tai bất ngờ. Sau nhiều phương án, cuối cùng K9 đã được chọn vì đây là địa điểm tương đối bí mật, di chuyển không quá xa Hà Nội, lại có sẵn một số công trình ngầm kín đáo tiện cho việc bảo vệ, cơ động và lúc sinh thời Bác Hồ cũng rất yêu thích K9, vấn đề là cần cải tạo, nâng cấp một số hạng mục công trình để phục vụ cho công tác y tế và an ninh. Kế hoạch cải tạo bao gồm xây một buồng kính cạnh nhà hai tầng làm buồng đặc biệt để dụng cụ y tế, thuốc men và làm thuốc, đồng thời cải tạo hầm ngầm để có thể đưa thi hài Bác xuống làm thuốc tại đó và cuối cùng phải thi công thiết bị để di chuyển thi hài Bác xuống hầm trên một bộ giá đỡ có bánh xe trượt trên hai đường ray uốn cong theo độ dốc tới 60độ. Tất cả công việc phải tiến hành âm thầm lặng lẽ, yêu cầu đạt độ chính xác cao, chất lượng tốt và hầu như đều được làm thủ công. Ngày 10/9/1969, đoàn khảo sát công trình của Bộ Tư lệnh Công binh đã nhận bàn giao K9 từ lực lượng công an vũ trang và Văn phòng TƯ. Công việc thiết kế, cải tạo lại các phòng kỹ thuật vẫn phải tuân thủ theo nguyên tắc, quy trình như ở 75A và đặt ngầm dưới đất. Phòng số 1 là phòng để thi hài có diện tích đủ rộng để các đồng chí lãnh đạo và các đoàn đặc biệt có thể vào viếng Bác, luôn có nhiệt độ 16+/- 0,20C và độ ẩm 75+/- 5%. Phòng số 2 là phòng đệm giữ ổn định kỹ thuật cho phòng số 1 và tăng nhiệt độ trên 20oC để không tạo chênh lệch đột ngột cho người ra vào. Ngoài ra một số phương tiện, hạ tầng cơ sở cần thiết chuyên dụng khác cũng được thiết kế như hòm kính Bác nằm, xe đẩy chở thi hài trên mặt phẳng, xe đưa thi hài xuống đường hầm, hệ thống ray trượt, đường điện từ lưới điện quốc gia, ba cụm máy phát điện dùng diêzel dự phòng, nước giếng đào, bể trữ nước mưa…
Ngày 15/12/1969, công trình K9 hoàn thành, vượt mức thời gian quy định 10 ngày và được mang mật danh mới K84. Sau khi hoàn thành các công việc chuẩn bị phương tiện và gần 3 tháng luyện tập trên thực địa, tức là quãng đường từ 75A lên K84, đúng 23h ngày 23/12/1969, đoàn cán bộ cao cấp Bộ Quốc phòng, cán bộ y tế và chuyên gia Liên Xô đã cùng hộ tống xe đưa thi hài Bác lên K84 an toàn vào 4h ngày 24/12. Từ đó, công tác bảo quản kỹ thuật thi hài Bác vẫn tiếp tục tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đạt kết quả rất tốt. Sau một năm xa Người, sáng ngày 23/8/1970, lần đầu tiên đoàn đại biểu Ban chấp hành TƯ Đảng và Quân uỷ TƯ do đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn dẫn đầu đã đến viếng Bác trong không khí trang nghiêm, giản dị và cảm động. Nhưng mấy tháng sau, rạng sáng ngày 21/11/1970, Mỹ bất ngờ mở cuộc đột kích đường không xuống trại giam gần Sơn Tây cách K84 khoảng 20km, nhằm giải thoát phi công bị bắt làm tù binh, tuy cuộc tập kích không đạt được mục đích nhưng điều đáng nói là các lực lượng vũ trang địa phương ở khu vực đó đã không kịp phản ứng. Sau sự biến này, để bảo đảm an toàn cho Bác, Bộ Chính trị và Quân uỷ TƯ quyết định đưa Bác về Hà Nội. Từ 22h ngày 3/12 đến 3h sáng ngày 4/12/1970, đoàn xe chở thi hài Bác quay lại 75A. Mùa mưa năm 1971 rất bất thường, lượng mưa lớn nhất trong vòng 50 năm qua, nhiều địa phương ở miền Bắc đã bị vỡ đê, mực nước sông Hồng ở Hà Nội lên mức kỷ lục là 14,10m, vì vậy Quân uỷ TƯ đã quyết định khẩn cấp đưa Bác trở lại K84. Từ 9h sáng đến 17h chiều ngày 19/8/1971, đoàn xe đặc biệt có cả xe lội nước bánh hơi đưa Bác vượt qua các vùng lũ nguy hiểm lên K84. Rút kinh nghiệm sự kiện Sơn Tây, lần này một lực lượng tinh nhuệ đã được tăng cường bảo vệ gồm: một đại đội bộ binh, ba khẩu đội 14,5 li, ba chiếc xe tăng T34 có trang bị cả DKZ án ngữ quanh khu vực nhà hầm, ngoài ra tất cả các bãi trống quanh K84 đều được cắm chông để chống địch đổ bộ đường không. Từ mùa hè năm 1972, Mỹ dùng B52 đánh phá miền Bắc ác liệt, đề phòng địch mở rộng phạm vi oanh kích và cũng vì K84 nằm trên tuyến bay của địch về căn cứ ở Thái Lan, phi công thường trút bom thừa xuống mục tiêu khả nghi nên Bộ Chính trị và Quân uỷ TƯ đã quyết định tìm một địa điểm kín đáo khác để bảo đảm an toàn hơn cho Bác. Một địa điểm sơ tán của của Bộ Quốc phòng ở bên kia sông Đà được chọn và sau khi cải tạo, xây dựng lấy mật danh H21 (hay còn gọi là K2). Đây là một hang đá sâu 70m nằm trong lòng một núi đá lớn cách K84 khoảng 15km. Từ 21h ngày 11/7 đến 0h ngày 12/7/1972, anh em đã đưa Bác vượt sông Đà đến tạm H21. Sau thất bại trong trận Điện Biên Phủ trên không, Mỹ phải ký Hiệp định Paris, Bộ Chính trị và Quân uỷ đã quyết định đưa Bác về lại K84. 21h ngày 8/2/1973, xe đặc biệt lại đưa Bác qua sông Đà về K84 và lần này Người ở lại nơi đây gần 3 năm nữa. Tháng 2/1974, đoàn cán bộ TƯ Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn đầu lên viếng Bác tại K84 trước khi trở lại chiến trường để bắt đầu chiến dịch giải phóng miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất, công trình xõy d?ng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành, 16h ngày 18/7/1975, đoàn xe đặc biệt khởi hành từ K84 đưa Bác trở về Ba Đình lúc 20h. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân uỷ TƯ đã chờ sẵn để rước Bác vào Lăng. Và sáng ngày 29/8/1975, lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại quảng trường Ba Đình lịch sử.
Kể từ khi bắt đầu xây dựng và hoàn thành, công trường 5- K9- K84 tại Đá Chông là di tích gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp, tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nơi gìn giữ, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác Hồ. Địa danh này là một di sản vô giá trong hệ thống di tích Hồ Chí Minh trong cả nước và cũng là nơi mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống uống nước nhớ nguồn của Đảng và nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu./
Ảnh 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Đá Chông khảo sát xây dựng CT5 ngày 23/2/1958
Ảnh 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh và bà Đặng Dĩnh Siêu bên hòn non bộ ở K9 13/3/1961