slider

Đoàn kết quốc tế trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

14 Tháng 11 Năm 2019 / 1876 lượt xem

Lê Thị Cẩm Tú
Phòng Hành chính, Tổng hợp
 Hà Thọ Tiến
Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk


Di chúc Hồ Chí Minh là một tài liệu đặc biệt quan trọng, với nội hàm phong phú, sâu sắc và toàn diện, bao gồm nhiều nội dung về Đảng; về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, nâng cao đời sống nhân dân; về sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; về phong trào cộng sản thế giới và về việc riêng của Người... Trong đó, vấn đề đoàn kết quốc tế được Hồ Chí Minh đặc biệt lưu tâm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, những lời di huấn của Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế vẫn còn nguyên tính thời sự, tính khoa học và thực tiễn; là sự đúc kết, trải nghiệm bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của Người – một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời hiện đại.

Đoàn kết đã trở thành yếu tố cốt lõi, chi phối và có tác động trực tiếp tới những thành quả của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong cả tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn; không chỉ trong nội bộ Đảng, trong bộ máy chính quyền, trong phạm vi một dân tộc, mà còn được thể hiện trên bình diện rộng lớn hơn, đó là đoàn kết quốc tế. Không phải tới Di chúc, quan điểm về đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh mới được biểu hiện thấu triệt và đầy đủ. Gần 60 năm hoạt động cách mạng, hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài, liên tục tham gia phong trào cách mạng và đóng góp cho sự nghiệp chung của cách mạng thế giới, thông điệp về tình hữu nghị và hợp tác quốc tế luôn được Hồ Chí Minh thể hiện một cách rõ ràng và vững chắc.

Mở đầu Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam – Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”(1).

Hồ Chí Minh bắt đầu lời di huấn với sự khẳng định quả quyết về ngày toàn thắng – ngày mà Người sẽ đi từ Bắc chí Nam, đến các nước xã hội chủ nghĩa anh em để bày tỏ lòng biết ơn tới đồng bào và nhân dân các nước đã ủng hộ cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Dường như, trong suy nghĩ của Người, nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước bầu bạn thế giới đã kết thành một khối gắn bó không tách rời. Thành quả của cách mạng là tổng hợp sức mạnh nội lực và sức mạnh của tình đoàn kết, tương trợ quốc tế.

Cần lưu ý, Di chúc được Hồ Chí Minh khởi thảo từ năm 1965 đến tháng 5-1969, trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt. Đế quốc Mỹ sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đã tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc nước ta. Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa III tháng 3-1965 đã nêu cao quyết tâm chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Paris. Điều kiện mới của lịch sử đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hai miền Nam - Bắc tăng cường đoàn kết, chiến đấu bền bỉ với niềm tin chắc thắng. Với dự cảm và tầm nhìn vượt thời đại vào ngày “Mỹ cút, ngụy nhào”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự ghi nhận và biết ơn những đóng góp to lớn, quý báu cả về tinh thần lẫn vật chất của bạn bè quốc tế. Lòng cảm kích, biết ơn chân thành đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu hiện của truyền thống đoàn kết, thủy chung, trọng tình trọng nghĩa của dân tộc Việt Nam, mà Người là hiện thân cao đẹp nhất.

Lịch sử đã chứng minh, sự tương trợ, giúp đỡ của các nước anh em, bạn bè là động lực và sức mạnh lớn lao để dân tộc Việt Nam chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất. Đây đã từng là nguồn sức mạnh to lớn giúp cho nhân dân Việt Nam thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế hơn 1.000 năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Khi đế quốc Mỹ ném những quả bom đầu tiên xuống nước ta, Chính phủ Liên Xô đã tuyên bố sẽ thi hành tất cả biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh và tăng cường khả năng quốc phòng của nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trong một thời gian ngắn, quân đội ta đã được trang bị các thứ vũ khí hiện đại như tên lửa phòng không, pháo cao xạ, máy bay tiêm kích cùng nhiều loại kỹ thuật quân sự khác. Chính phủ bạn còn gửi sang các chuyên gia quân sự và đã có hàng ngàn chiến sỹ Việt Nam nắm được kỹ thuật hiện đại, vững vàng bước vào cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù. Tên lửa “đất đối không” của Liên Xô đã được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 24-7-1965 và đã bắn rơi máy bay Mỹ(2). Những năm 1955 - 1960, Liên Xô đã viện trợ cho ta một khối lượng hàng quân sự là 29.996 tấn(3), gồm hàng hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Từ năm 1961-1964, Liên Xô gửi sang Việt Nam 47.223 tấn hàng quân sự(4) - số viện trợ quân sự trong một thời gian ngắn đã tăng gần gấp đôi. Trong giai đoạn 1965-1968, khi quan hệ Việt Nam - Liên Xô có bước phát triển đáng kể, số hàng viện trợ quân sự của Liên Xô cũng tăng vọt: 226.969 tấn(5). Trung Quốc cũng đã dành cho nhân dân ta sự ủng hộ, viện trợ quý báu trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá. Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tổng khối lượng viện trợ quốc tế ước tính 2.362.682 tấn, trị giá 7 tỷ rúp(6), thì viện trợ của Trung Quốc chiếm khoảng trên 50% tổng số viện trợ nói trên. Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc viện trợ cho ta chủ yếu là vũ khí bộ binh, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, một phần nhiên liệu, phương tiện vận tải và một số xe quân sự, pháo và đạn pháo, mặc dù trong khoảng thời gian trên, Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, mức thu nhập bình quân tính theo đầu người còn thấp.

Với sự giúp đỡ tận tâm của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, miền Bắc Việt Nam đã trở thành một pháo đài kiên cố trước sức công phá mạnh mẽ của máy bay B52 và tàu chiến xâm lược của đế quốc Mỹ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Cách mạng Việt Nam luôn luôn được sự đồng tình và ủng hộ của giai cấp công nhân và nhân dân cách mạng thế giới, nhất là của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Tình đoàn kết quốc tế vĩ đại ấy là một điều kiện rất quan trọng cho cách mạng Việt Nam thắng lợi”(7). Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh: “Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới”(8).

Quan điểm về đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh là xuyên suốt và nhất quán bởi Người đã sớm nhận ra cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản muốn đi đến thắng lợi thì phải huy động và tập hợp được sức mạnh đoàn kết quốc tế. Trong hành trình tìm đường cứu nước, lý tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở giải phóng dân tộc mình, mà còn vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức và nhân loại cần lao. Những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người, và đoàn kết quốc tế cũng để nhằm mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Từ tình cảm, lòng thương yêu và khát vọng giải phóng dân tộc mình, đất nước mình, Hồ Chí Minh thông cảm với nỗi thống khổ và số phận của nhân dân các thuộc địa. Xuất phát từ chủ nghĩa nhân văn cao đẹp đó, không lấy làm lạ khi Hồ Chí Minh trở thành một trong những người có công đầu trong việc thành lập các tổ chức “Hội liên hiệp Thuộc địa (1921)”, “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông (1925)”... Và ngay từ khi tiếp cận với phong trào cách mạng thế giới, Người luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ khăng khít với phong trào cách mạng thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, có một con người vĩ đại, đã gắn cách mạng của đất nước mình với cách mạng thế giới và thời đại, trên cơ sở nhận thức cách mạng Việt Nam là một bộ phận, có quan hệ mật thiết với cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc trên thế giới. Vì vậy, Người chủ trương thực hiện đoàn kết sâu sắc triệt để trên nguyên tắc bình đẳng dân tộc và hợp tác cùng có lợi. Đoàn kết và hợp tác quốc tế là tập hợp lực lượng bên ngoài, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ quốc tế để làm tăng thêm khả năng tự lực, tự cường, tạo điều kiện làm chuyển biến lực lượng có lợi cho cách mạng.
Tại Đại hội đại biểu Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII tháng 12-1920, Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đặt nền móng đầu tiên cho tình đoàn kết chiến đấu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, kết nối phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới. Suốt những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; với nhân dân và các dân tộc Á, Phi, Mỹ Latinh... Người chủ trương “thêm bạn bớt thù”; coi trọng thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân thế giới và các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam; gắn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hồ Chí Minh chính là hình ảnh sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế và không ngừng nhắc nhở về tình hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước láng giềng thân thiết, đối với cả các nước ở bên kia chiến tuyến. Năm 1963, trong một dịp đón Đoàn cán bộ cấp cao Lào sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau như anh em. Trải qua nhiều năm đấu tranh gian khổ và anh dũng, nhân dân hai nước chúng ta đã giành được độc lập, đã làm chủ đất nước của mình. Ngày nay, chúng ta lại đang giúp đỡ nhau để xây dựng một cuộc sống mới. Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”(9). Ở châu Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc duy trì quan hệ hữu nghị với các nước lớn trong khu vực, thường nhắc “Ấn Độ là một nước lớn” và quan tâm, tranh thủ Ấn Độ, xây dựng quan hệ lâu dài với Ấn Độ. Phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân NiuĐêli - Ấn Độ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân hai nước chúng ta đã có những quan hệ anh em từ lâu đời. Nền văn hóa và đạo Phật của Ấn Độ đã truyền sang Việt Nam từ thời cổ. Dưới ách thống trị của thực dân, quan hệ giữa hai nước chúng ta tạm bị gián đoạn trong một thời kỳ. Nhưng tình hữu nghị cổ truyền luôn luôn gắn bó hai dân tộc chúng ta”(10).

Đối với hai nước Pháp, Mỹ vốn là kẻ thù xâm lược, Hồ Chí Minh vẫn đối đãi chân thành, cởi mở trên tinh thần coi trọng hòa bình, hữu nghị. Người luôn khơi dậy tình cảm tốt đẹp và khích lệ nhân dân Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập tự do và thống nhất đất nước của nhân dân ta. Người nói: “Nhân dân Pháp có truyền thống cách mạng tốt đẹp trước đây đã ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của toàn thể nhân dân Việt Nam nay lại tỏ sự đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam và cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước Việt Nam trên cơ sở Hiệp nghị Giơnevơ. Nhân dân Việt Nam rất biết ơn nhân dân Pháp về mối cảm tình đó”(11). Đối với nhân dân Mỹ, Người nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng vì nhân dân Mỹ là một dân tộc tài năng, đã có nhiều cống hiến cho khoa học, và nhất là gần đây đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam”(12).

Bằng tư tưởng thấm đượm tinh thần nhân văn và cách mạng, Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng tình hữu nghị đoàn kết với các dân tộc trên thế giới. Di chúc của Người một lần nữa cho thấy, đoàn kết quốc tế đã trở thành đường lối chiến lược, nguồn sức mạnh và là động lực to lớn trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng phát triển đất nước, trở thành một vấn đề có tầm chiến lược hàng đầu trong đường lối cách mạng của Việt Nam.

Bên cạnh niềm tin tưởng vào sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời bày tỏ nỗi trăn trở của mình về tình trạng bất hòa, mất đoàn kết trong nội bộ giữa các đảng anh em. Nhìn lại lịch sử giai đoạn này, sự chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc trở thành cuộc xung đột chính trị và ý thức hệ sâu sắc, diễn ra từ cuối những năm 1950, phát triển dần thành xung đột biên giới và các cuộc đụng độ quân sự diễn ra căng thẳng kéo theo nhiều hệ lụy cho phong trào cộng sản quốc tế. Tại các diễn đàn quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cảnh báo về sự bất đồng, chia rẽ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà theo đó, không chỉ làm suy giảm sức mạnh cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người, mà còn chia rẽ khối đoàn kết, thống nhất của các lực lượng dân chủ, yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới; tạo điều kiện cho các lực lượng phản cách mạng gây nên chiến tranh xâm lược, phá vỡ an ninh, hòa bình thế giới. Trong Di chúc, Người cũng không nguôi trăn trở: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”(13).

Hồ Chí Minh luôn có tấm lòng yêu thương và bao dung hết thảy, luôn nặng lòng với phong trào cộng sản thế giới và những người cần lao, cùng khổ ở khắp mọi nơi. Vì thế, trong suốt hành trình đấu tranh tìm đường cứu nước, Người không chỉ phấn đấu giành độc lập cho dân tộc mình, giành tự do cho nhân dân mình mà còn ra sức đấu tranh cho nền hòa bình, dân chủ và tiến bộ thế giới. Thực tế đã chứng minh, thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc Việt Nam đã cổ vũ và góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới. Đúng như Hồ Chí Minh từng nhận định: “Trong cuộc đấu tranh cách mạng của mình, chúng ta luôn luôn được sự đồng tình và ủng hộ của các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, của các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập, tự do và của nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới. Mỗi thắng lợi của cách mạng trên thế giới đều thúc đẩy cách mạng Việt Nam tiến lên. Đồng thời, mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng góp sức đẩy mạnh cách mạng thế giới. Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi. Bởi vậy, Đảng ta và nhân dân ta vô cùng quý trọng và luôn luôn cố gắng góp phần bảo vệ tình đoàn kết quốc tế vĩ đại”(14).

Bên cạnh những lời cảm ơn chân thành với bạn bè quốc tế, cùng với việc bày tỏ nỗi lo lắng về tình trạng mất đoàn kết nội bộ giữa các đảng cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh với trọng trách lãnh đạo một đất nước đã và đang từng bước gặt hái được thành công trên con đường tự giải phóng, nhắc nhở Đảng và toàn thể nhân dân Việt Nam phải nêu cao vai trò, nghĩa vụ quốc tế, phải có đóng góp thiết thực cho phong trào cách mạng thế giới đi đến thắng lợi toàn diện mà trước tiên là phải có trách nhiệm khôi phục tình đoàn kết quốc tế: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình” và đặt niềm tin trọn vẹn vào tình đoàn kết quốc tế: “Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”(15).

Đoàn kết quốc tế đã trở thành một chân lý, một phương châm hành động tất yếu phù hợp với quy luật và sự phát triển của cách mạng, sự tiếp nối của lịch sử. Đoàn kết quốc tế chưa bao giờ là lệ thuộc. Cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam là cuộc đấu tranh chính nghĩa, bởi nó huy động được sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình thế giới nhằm tăng cường nội lực và sức mạnh tổng hợp để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược. Về phần mình, nhân dân Việt Nam lại có nghĩa vụ đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới theo tinh thần: “Người đến trước phải rước người đến sau”; “Chúng ta đã giành được thắng lợi to lớn. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu trên con đường muôn dặm. Sự nghiệp cách mạng còn lâu dài gian khổ. Đảng ta còn có trách nhiệm nặng nề đối với 30 triệu đồng bào cả nước ta và phải tích cực gánh vác phần trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp cách mạng thế giới”(16). Khép lại Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng và giao phó: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(17).

Cảm phục tầm vóc, trí tuệ và tâm hồn cao thượng của Hồ Chí Minh, trên Báo Quyền lợi đỏ (Pra–ha, Tiệp Khắc) ngày 09-9-1989, tác giả I-Liu Sít-lích có bài viết nhấn mạnh: “Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người là thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình”. Đó là lý do, nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam nhận định: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai… Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”(18).

Tư tưởng đoàn kết và đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những di sản quý báu đã được Đảng ta phát huy và vận dụng sáng tạo trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Hơn 30 năm đổi mới, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, từ tuyên bố “muốn là bạn” (Đại hội Đảng lần thứ VII), “sẵn sàng là bạn” (Đại hội Đảng lần thứ VIII), “là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội Đảng lần thứ IX) đến Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng ta khẳng định: Việt Nam là “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185/193 nước thành viên Liên hợp quốc, quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước; quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế; Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN; tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thể hiện vai trò tích cực vào việc tạo dựng và đảm bảo nền hoà bình khu vực và thế giới…
 
Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại đã hiến dâng cả cuộc đời cho đất nước, cho nhân dân và nhân loại tiến bộ. Những lời căn dặn của Người trong Di chúc về đoàn kết quốc tế là định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đưa Việt Nam trở thành một thành viên quan trọng đóng góp vào nền hòa bình, ổn định và phát triển thế giới. Việc nghiên cứu và tìm hiểu Di chúc của Hồ Chí Minh giúp cho Đảng, và nhân dân ta thêm thấm nhuần bài học về quan hệ quốc tế, từ đó, có định hướng chiến lược đúng đắn, lâu dài cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Chú thích:
1, 8, 13, 15, 17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 621, 675, 623, 623, 624
2. Gaiđuk. V.I (1998), Liên bang Xô-viết và chiến tranh Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, H, 1998, tr.127
3, 4, 5. Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Thống kê số liệu viện trợ quốc tế, Hồ sơ 795, số 15
6. Chiến tranh cách mạng Việt Nam, thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 601
7, 9, 11, 12, 14, 16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,
Tập 14, tr.467, 48, 323, 304, 27, 467
10. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, Tập 11, tr. 257
18. Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, Tập 1, tr. 462 - 463

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)