slider

“Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng”(1)

23 Tháng 05 Năm 2020 / 3691 lượt xem

Nguyễn Thị Thu Hằng

Phòng Hành chính, Tổng hợp

Ngay từ năm 1953, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ”. Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ là hai yếu tố bảo đảm hiệu quả của công tác xây dựng đảng ở cơ sở. Tháng 4/1966, tại hội nghị tổng kết ba năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “Bốn tốt”, Người khẳng định: “Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng”(2).

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động thực tiễn vĩ đại đồng thời là nhà lý luận sáng tạo. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của đường lối đúng đắn và phương pháp cách mạng sáng tạo từ sự kết hợp của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cống hiến vào lý luận xây dựng chính đảng vô sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Sau khi Đảng ta giành được chính quyền, vấn đề xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền trở thành mối quan tâm sâu sắc, Người luôn lo lắng làm sao chống lại nguy cơ Đảng xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng, rơi vào thoái hóa, biến chất. Người khẳng định “đối với công tác xây dựng Đảng, cái gốc là chi bộ”(3), vai trò của chi bộ quan trọng hàng đầu bởi công cuộc cách mạng do nhiều việc nhỏ, nhiều bộ phận xây dựng nên, không có những việc nhỏ, những bộ phận nhỏ cộng lại thì không thành việc lớn “giống như cái đồng hồ, nếu thiếu một cái đinh nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến cả cái đồng hồ”(4).Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người dùng những cụm từ đầy sức nặng nói về chi bộ, đó là “tổ chức gốc rễ của Đảng”, “đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”, “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng và quần chúng”, “các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh”(5). Người thường xuyên nhắc nhở phải chăm lo củng cố chi bộ giống như việc “muốn làm nhà cho tốt phải xây nền cho vững”(6). Ngày 21/01/1960, dự Hội nghị Trung ương mở rộng chuẩn bị văn kiện cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác Đảng ở các chi bộ cơ sở, coi chi bộ là tổ chức quyết định tới thành công hay thất bại của Đảng. Ngày 30/01/1961, nói chuyện tại Hội nghị phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba về kế hoạch Nhà nước năm 1961, Người chỉ rõ: “Thực tế cho thấy chỗ nào chi bộ tốt, công việc trôi chảy; chỗ nào chi bộ yếu, công việc xộc xệch”(7). Chi bộ là động lực của mọi công việc. Khi họp Bộ Chính trị về chống tham nhũng, lãng phí, ngày 20/01/1962, Người nhắc: “Các đồng chí phụ trách chi bộ phải làm cho đúng, phải làm cho chi bộ vững”. Trong cuộc vận động cán bộ ở Trung ương về xã tham gia cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, tháng 4/1963, Người yêu cầu phải rất chú ý “một việc cực kỳ quan trọng” là “củng cố, phát triển chi bộ cho tốt”. Khi chi bộ tốt, mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng, trái lại chi bộ kém thì công việc không trôi chảy.

2. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là cái gốc của công việc nên trước từng chuyển biến mới của sự nghiệp cách mạng, đảng viên trong chi bộ phải chuyển biến mạnh tư tưởng, tác phong, phải hăng hái, gương mẫu, bất kỳ ở địa vị nào, làm việc gì đều vì nhân dân, vì Tổ quốc thì mới xây dựng chi bộ xứng đáng là “hạt nhân vững chắc, lãnh đạo đồng bào thi đua yêu nước, cần kiệm xây dựng nước nhà”(8). Nếu đảng viên tốt thì lúc thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn đều biết phát huy thắng lợi, khắc phục trở ngại, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng, phát huy được trí tuệ và lực lượng vĩ đại của quần chúng. Người yêu cầu đảng viên mỗi chi bộ trước hết phải có lòng tin tưởng: “Tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, tin tưởng vào sự cố gắng của bản thân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”(9). Tháng 4/1966, tại hội nghị tổng kết ba năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “Bốn tốt”, Người phân tích cụ thể: “Đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết, chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì phải củng cố tốt và phát triển tốt”. Đảng viên phải giải thích cho mọi người hiểu thấu chính sách của Đảng, khuyến khích mọi người có ý kiến để thực hiện, “tuyệt đối không được lạm quyền, mệnh lệnh. Phải nhớ rằng: chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính”(10), “chỉ có làm đầy đủ những công việc ấy thì Đảng mới liên hệ chặt chẽ với quần chúng”(11).

Để củng cố tốt chi bộ và rèn luyện trở thành đảng viên tốt, một điều rất quan trọng nữa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi ở đảng viên là “phải thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình”(12), “vạch rõ các khuyết điểm và đề ra cách sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to”(13). Thực chất của tự phê bình và phê bình là góp ý giúp đồng chí và tự bản thân mình kiểm điểm lại xem việc nào làm được và chưa làm được, làm hay hoặc còn thiếu sót, sai lầm và từ đó phát huy cái tốt, tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa những gì chưa hay, khuyết điểm, sai lầm. Tự phê bình và phê bình góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Ngày 17/7/1958, họp Bộ Chính trị về vấn đề cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta, chi bộ ta cơ bản là tốt nhưng họ đánh giá không đúng tình hình nên đã không biết dựa vào chi bộ để tiến hành cải cách ruộng đất, đi đến đả kích nội bộ Đảng. Đó là một sai lầm quan trọng nhưng Trung ương chậm biết. Đó là quan liêu nặng”(14). Người phê bình những chi bộ và bí thư không hoàn thành nhiệm vụ, để lại những tiếng xấu trong quần chúng nhân dân. Ngày 14/1/1963, họp Ban Bí thư bàn về công tác tuyên giáo, Người nhận xét công tác giáo dục còn “máy móc”, “rập khuôn”, “học nhưng không hành”, năm nào vấn đề giáo dục chi bộ cũng đặt ra nhưng nội dung chưa sát; có bí thư nấu rượu lậu, có chi bộ giấu sản lượng thóc, chưa quan tâm đến đồng tiền, hạt gạo của nhân dân. Người nhắc nhở phải thấm nhuần tư tưởng thành tâm thành ý phục vụ nhân dân để tiêu diệt bớt lãng phí, quan liêu và “phải tăng cường chi bộ”. Ngày 21/5/1963, dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Các cấp, từ chi bộ đến Tỉnh ủy, phải vì lợi ích của nhân dân mà tự phê bình một cách thành khẩn và thẳng thẳn. Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ phải luôn luôn tự hỏi: Mình đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo của Đảng hay là chưa?”. Khi họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề tăng cường công tác chi bộ cơ quan, Người nhấn mạnh phải có kế hoạch chấn chỉnh từng nơi cho tốt và các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho các bí thư về công tác chi bộ. Người yêu cầu các huyện ủy, thành ủy, tỉnh ủy cần phải đi sâu, đi sát đến các chi bộ, giúp đỡ các chi bộ một cách thiết thực, thường xuyên; cần chỉ đạo riêng cho chi bộ để rút kinh nghiệm về xây dựng chi bộ “bốn tốt”.

3. Nhằm tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về vai trò của chi bộ và đảng viên trong chi bộ, với ngòi bút là công cụ sắc bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo thể hiện tâm huyết đối với việc nâng cao đạo đức, tác phong làm việc của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, đáp ứng các yêu cầu mới của cách mạng. Các bài viết ký bút danh Chiến sĩ, Trần Lực, đăng báo Nhân dân như: “Đảng mạnh là do chi bộ mạnh, chi bộ mạnh là do đảng viên hăng hái tham gia và gương mẫu”, “Một chi bộ tốt ở nông thôn” (số 2518 ngày 9/2/1961), “Cần học những kinh nghiệm tốt” (số 2694, ngày 6/8/1961), “Nông dân ta ngày càng no ấm” (số 2828, ngày 19/12/1961), “Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt” (số 2926, ngày 28/3/1962), “Đời sống nông thôn ngày càng tiến bộ” (số 3154, ngày 13/11/1962) và loạt bài dưới tiêu đề “Chi bộ tốt, chi bộ kém” đăng trên báo Nhân dân các số cuối năm 1963 biểu dương chi bộ, đảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ, nêu gương trước quần chúng; phê bình khuyết điểm, sai trái mà chi bộ, đảng viên yếu kém mắc phải. Người còn tìm hiểu, viết bài “Chi bộ” đăng báo Nhân dân(15) nhằm giới thiệu thêm về kinh nghiệm và thành tựu hoạt động trong phong trào chỉnh phong của một số chi bộ đảng địa phương ở Trung Quốc làm tài liệu tham khảo.

Trong các bài báo về chi bộ, tác giả nêu rõ nhân dân ta rất tốt, nếu chi bộ khéo lãnh đạo và đảng viên hăng hái xung phong làm gương thì khó khăn gì cũng vượt qua, công việc gì cũng làm tốt. Từ bài học những xã: Kim An (Hà Đông), Đại Phong, Xuân Lai, Quảng Hải (Thanh Hóa) đến những hợp tác xã như HTX thống nhất ở miền núi Phú Thọ và HTX Diễn Hải chốn nước mặn đồng chua, nơi sơn cùng thủy tận của đất Nghệ An, vươn lên có cuộc sống ngày càng no ấm, tiên tiến, từ đói đến no, từ nghèo đến giàu, theo tác giả, ở nông thôn “chi bộ nào chấp hành tốt các chính sách của Đảng; đi đúng đường lối quần chúng; củng cố và phát triển tốt hợp tác xã nông nghiệp, không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân, đảng viên gương mẫu và được dân tin, dân phục, dân yêu” thì đó là chi bộ tốt. HTX thôn Nhân Lệ (Kiến An) đất ruộng có ít, nghề phụ chưa có, lại bị thiên tai, thu hoạch kém, tuy vậy, đồng bào Nhân Lệ làm rất gọn và tốt chính sách lương thực. Có kết quả đó trước hết do đảng viên xung phong, rồi do thanh niên, dân quân làm nòng cốt động viên nhân dân học tập chính sách của Đảng về việc bán thóc cho Nhà nước. Lúc đầu tuy khó khăn nhưng khi tư tưởng đã thông suốt thì các cụ phụ lão cũng đều hăng hái kêu gọi con cháu xung phong. Có những hộ neo đơn, được miễn không phải bán thóc nhưng vẫn xung phong bán. Tinh thần hăng hái lôi cuốn nhân dân cả thôn. Nội dung của việc trên đây rất bình thường nhưng chứng tỏ ý nghĩa rất lớn: “Chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt”.

Ngược lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình chi bộ kém, đảng viên không gương mẫu, nội bộ thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng, thậm chí có nơi, có lúc còn làm trái đường lối của Đảng. Trong những chi bộ ấy có cả cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo quan liêu mệnh lệnh nặng. Người yêu cầu Đảng phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ mắc sai lầm, nhắc nhở các chi bộ nghiêm khắc tự phê bình, quyết tâm sửa chữa. Ngày 20/01/1963, trong bài “Chi bộ tốt và chi bộ kém”, tác giả phê bình đích danh Bí thư Đảng ủy xã Nam Lợi (Nam Định) đã tham ô, lãng phí, gây ảnh hưởng xấu cho các cán bộ, đảng viên khác. Ngày 12/12/1963, trong bài “Chi bộ tốt và chi bộ kém”, Người nghiêm khắc nhắc nhở xã Đại Tân (Hà Bắc) từ xã khá nhưng do chi bộ kém, nhiều cán bộ, đảng viên nêu gương xấu, làm sai chính sách của Đảng, Nhà nước, xâm phạm đến lợi ích của xã viên, khiến HTX thoái bộ. Ở những chi bộ kém, đảng viên không một lòng một dạ phục vụ nhân dân, không lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, một số đảng viên mang nặng những thói xấu như tham ô, ích kỷ, đã không làm kiểu mẫu tốt, lại nêu gương xấu.

4. Trong chỉ đạo thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng bàn về công tác chi bộ, thực hiện hàng trăm cuộc đi thăm cơ sở để nắm tình hình tại các địa phương, xí nghiệp, công - nông trường, HTX, bệnh viện, trường học, trại thương binh, đơn vị quân đội ở biên giới, hải đảo tìm hiểu hoạt động của chi bộ, của đảng viên trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, động viên nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ. Đây thực sự là những cuộc gặp gỡ chứa chan tình người, là những bài học về tác phong lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát tình hình và là tấm gương mẫu mực về mối liên hệ máu thịt giữa lãnh tụ với quần chúng. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt một đời thanh bạch, chẳng vàng son, tuyệt nhiên không ham công danh phú quý. Người là lãnh tụ luôn gần dân, yêu dân, tin dân, tất cả vì hạnh phúc nhân dân. Người cho rằng sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu con người, chứ không phải chỉ bằng thành tích nổi bật của một số cá nhân anh hùng. Việc giữ mối liên hệ mật thiết và luôn luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân chính là nền tảng lực lượng của Đảng cầm quyền trong một nước dân chủ, nhờ đó mà Đảng thắng lợi, nếu “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(16). Ở chiến khu Việt Bắc, Người xuống làng hỏi thăm đồng bào, vào rừng lấy củi, hái rau, vun trồng khoai sắn, xuống suối xách nước tưới cây với anh em, trò chuyện với người này, người khác, hỏi chuyện xa, chuyện gần, chuyện làng xóm, gia đình, qua đó hiểu thêm được tình cảm, nguyện vọng của từng người và thực tế cơ sở. Người hỏi các đồng chí Văn phòng Trung ương xây dựng chỗ nào thì tốt nhất và khẳng định: Xây ở trong lòng nhân dân là tốt nhất. Các chú phải dựa vào dân. Nếu chú có một que diêm nhưng biết cách thì cũng có thể đốt được cả một cánh đồng. Còn nếu có cả một mồi lửa to, nhưng không biết cách thì cũng không châm lên được(17). Đến thăm trường cán bộ miền Nam, khi Người hỏi: “Bác đố các chú: ai to nhất nước Việt Nam?”, “Thưa Bác: Bác ạ, Bác ạ!”, tất cả đều đồng thanh trả lời. Người bảo: “Các chú ngồi xuống, các chú phong kiến quá. Bác đọc cho các chú nghe nhé: Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ai là chủ đây, các chú? À, dân chủ, vậy là dân làm chủ, còn Bác cháu ta chỉ là công bộc của nhân dân mà thôi”. Với cả cuộc đời chiến đấu, hy sinh không mệt mỏi vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân, đời thường giản dị, trong sáng và đạo đức mẫu mực của một người cộng sản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, đảng viên và để lại di sản quý báu về tư tưởng, đạo đức cách mạng trong thời đại mới. Người lấy hành vi và chính sự gương mẫu để truyền đạt những tư tưởng thâm sâu của mình và tạo nên niềm tin tập hợp mọi người vào mục đích chung. Để hiểu Người, ta không tìm kiếm những pho sách đồ sộ mà độ dày có thể lấy thước đo, để hiểu Người, ta bắt đầu từ chính cuộc sống đời thường của Người. Ở đó có sự kết hợp đẹp đẽ giữa cái cao cả và bình thường, giản dị mà thanh cao, vĩ đại mà gần gũi, trở thành kinh điển để lại cho đời sau không chỉ hình bóng và tư tưởng của một con người mà còn in dấu của một trong những thời kỳ hào hùng nhất của lịch sử dân tộc.

Nếu công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây hết sức gian khổ, ác liệt thì nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng cực kỳ phức tạp. Để xây dựng chi bộ vững mạnh, tránh “bệnh hình thức” trong sinh hoạt giữa bối cảnh kinh tế thị trường sôi động đòi hỏi rất nhiều tâm sức. Một số đảng viên lười học nghị quyết, không còn muốn tự phê bình mình và phê bình đồng chí mình, không phát biểu ý kiến cá nhân, không quan tâm đến từng công việc cụ thể của tập thể, tâm lý “không động chạm”, “muốn yên thân” khá phổ biến. Thực trạng này khiến một bộ phận lãnh đạo có dấu hiệu làm sai nhưng không được kịp thời ngăn chặn; phần nào tính chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng bị giảm sút. Trong những năm qua, BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, tạo được một số chuyển biến tích cực về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng để chăm lo, giữ gìn tổ chức gốc rễ của Đảng, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng. Tuy vậy, muốn “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(18), quan trọng nhất vẫn ở người đảng viên. Nếu mỗi đảng viên trong chi bộ thực sự suy ngẫm lại bản thân đã nỗ lực, đã làm gì xứng đáng với lời thề trước Đảng, từ đó có những sửa đổi dù nhỏ nhưng bền bỉ lâu dài để dần dà thay đổi về chất thì Đảng ta, chính đảng vinh quang do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập sẽ ngày càng sâu rễ bền gốc, vững vàng trong sự nghiệp lãnh đạo nhân dân gặt hái những vụ mùa hạnh phúc.

Chú thích:

1.            Bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết ba năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “Bốn tốt”, tháng 4/1966

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr98

3.            Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 8, tr189

4.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr405

5.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr286-289

6.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr25

7.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 13, tr25

8.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr680

9.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr540

10.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr454

11.          Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, nxb Thông tin và Truyền thông, tr85

12.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr543

13.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr453

14.          Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 7, tr121

15.          Số 1622 ngày 21/8/1958

16.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr286

17.          Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, 125 chuyện kể về Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, tr46

18.          Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)