slider

GIÁ TRỊ VĂN HOÁ CỦA KHU DI TÍCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH

07 Tháng 04 Năm 2014 / 6070 lượt xem

 

 

 

  

 

Đỗ Đức Hinh

Phó Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

 

Theo Từ điển tiếng Việt, di tích là “Dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có ý nghĩa về mặt lịch sử văn hoá” (1). Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu di tích) là một di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đặt biệt. Tuy hai chữ đặc biệt không có trong bằng công nhận di tích của Bộ Văn hoá-Thông tin cấp, nhưng người viết bài này lại muốn nhấn mạnh hai chữ “đặc biệt” ấy.

Nói hai chữ “đặc biệt” ở đây không phải về quy mô to lớn, không phải về độ tinh xảo quý hiếm hay có giá trị vật chất cao, đặc biệt ở đây không phải Khu di tích này là độc nhất vô nhị. Nói Khu di tích “đặc biệt” bởi vì: Trước hết di tích này có ý nghĩa chính trị và giá trị lịch sử to lớn, là nơi gắn liền với quãng đời rất quan trọng của một vĩ nhân - Người đứng đầu chính Đảng cầm quyền, đứng đầu Nhà nước và là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. Trong suốt 15 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc (1954 -1969) sự nghiệp cách mạng của Người, những cống hiến của Người về cả lý luận lẫn thực tiễn, chiến lược lẫn sách lược, tầm hoạch định đường lối đến chỉ đạo thực tiễn, cả tổng kết kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam và dự báo con đường tất yếu với tầm nhìn thế kỷ lẫn đối nội và đối ngoại, tấm gương đạo đức, lối sống thanh bạch, phong cách làm việc, sự tinh tế trong ứng xử,… tất cả đều trở thành những bài học quý báu, tất cả đều gắn liền với lịch sử đấu tranh của Đảng, của dân tộc. Tất cả sẽ trường tồn cùng non sông đất nước.

Các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch còn có ý nghĩa đặc biệt bởi giá trị văn hoá của các di tích rất cao. Văn hoá ở đây bao gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể. Văn hoá ở đây hiểu theo khái niệm văn hoá của Hồ Chí Minh đã tổng kết từ những năm 40 của thế kỷ trước: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (2) Trong Khu di tích, tất cả những di tích từ nơi ở, nơi làm việc, phòng tiếp khách, bếp ăn đến vật dụng hàng ngày rất bình thường, đến từng gốc cây, nhành hoa, đường đi lối lại, ao cá đến cả không khí và sắc trời đã gắn với con người vĩ đại Hồ Chí Minh. Và những di tích ấy không còn bình thường nữa, bởi vì bất kỳ một đồ vật đơn sơ nào cũng đều chứa đựng những tinh thần lớn, những giá trị thánh thiện, những triết lý nhân văn, những bài học rất thiết thực để hướng tới chân – thiện – mỹ. Những câu chuyện mà Hồ Chí Minh gửi lại tinh thần trên các di vật ấy đều là những thang bậc vững chắc cho con người từ hoàn thiện mình, không phải chỉ cho riêng ai. Thế hệ trẻ đến đây nghiên cứu về sách, về cách đọc sách và tấm gương rèn luyện, học tập của Bác để thêm quyết tâm và nỗ lực vươn tới những đỉnh cao khoa học, đưa đất nước sánh vai các cường quốc năm châu. Những chính khách đến đây nghe những câu chuyện về đôi dép cao su, về tủ áo quần của vị Chủ tịch nước để biết tự mình cần phải tự cởi giầy, bỏ tất lội xuống bùn để cảm nhận được nền văn minh lúa nước, cảm nhận được một quốc gia nông nghiệp và thấu hiểu được cái khó khăn, chật vật của một nước đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá với 80% là nông dân thì phải như thế nào?... Người ta có thể nói, có thể viết rất nhiều và rất dài về “dân chủ”, về “của dân, vì dân, do dân”, nhưng chỉ cần đến đây lặng im – nhìn chiếc mũ cát bạc mầu được đặt ngay ngắn trên bàn nơi phòng nghỉ của Bác và nghe những câu chuyện của hơn 700 lần đi cơ sở chỉ trong 15 năm ở đây. Với những hình ảnh người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước ngồi trên bờ ruộng với nông dân, trên bãi biển với ngư dân, bên xưởng máy với công nhân, ngoài thao trường với bộ đội, ngay tại lớp học vỡ lòng hay tại giảng đường đại học với các cháu thanh niên, học sinh. Người không có thói quen chỉ nghe báo cáo, nơi nào khó khăn có Chủ tịch đến, nơi nào, người nào là điển hình gương mẫu Chủ tịch đến, để rút kinh nghiệm để biến điển hình thành phong trào chung cho cả nước. Chữ “Dân” và tư tưởng “Dân” của Hồ Chí Minh là thế. Có lẽ vì vậy mà Tố Hữu đã viết được câu thơ rằng: “Bác bảo đi là đi – Bác bảo thắng là thắng” (3) quả là đúng, không khoa trương, không cường điều chút nào. Cũng như vậy, người ta có thể nhận thấy bên mâm cơm của vị Chủ tịch ăn hàng ngày, không phải bữa ăn vương giả, cũng không phải bữa ăn của người nghèo, mà là bữa ăn “lão thực”. Bởi với Hồ Chí Minh khi “nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng” (4). Với mấy ngàn di vật Người để lại gắn với hàng nghìn câu chuyện kể cùng với  những điều tự nhìn thấy, tự cảm nhận được, Khu di tích và các di tích về Người xứng đáng là một cuốn từ điển sống để xây dựng những tiêu chí và tự học để làm Người- với đúng nghĩa chữ người când có. Giá trị văn hoá của di tích, giá trị hằng số của di tích trong dòng chảy vô tận của không gian và thời gian chính là ở sự đóng góp này.

Khu di tích còn có một giá trị đặc biệt nữa đó là khả nặng thu hút và sức lan toả của di tích rất lớn. Xin nêu một con số: Chỉ tính từ khi di tích chính thức mở cửa đến nay đã có hơn 40 triệu lượt người đến thăm trong đó có hàng triệu lượt khách quốc tế đến từ 153 quốc gia ở cả 4 châu lục và trong những người bạn quốc tế rất nhiều người là chính khách, là nguyên thủ quốc gia và những nhà hoạt động xã hội có tiếng tăm. Theo điều tra xã hội do Khu di tích tiến hành vào tháng 5 – 2004, trong số những người được hỏi tới thì có 82,5% có nhu cầu được quay trở lại thăm di tích này. Sức thu hút ở các di tích về Hồ Chí Minh còn ở chỗ, đến đây người ta có thể lý giải được một điều gì đó, có thể giải thích được câu hỏi nào đó, và có thể tìm được một bài học nào đó cho chính mình hoặc thời đại mình. Nhà nghiên cứu văn hoá Australia viết rằng: “Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh được, nhưng ở cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều gì đó để làm cho mình hoàn thiện hơn” (5). Hoặc như cố Thủ tướng Chu Ân Lai đã viết: “Bất cứ người nào đó có lương tri trên thế giới này, muốn có một cuộc đời như cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ cảm thấy cuộc sống như ấm áp hơn, đáng tự hào có có hy vọng hơn. Bởi vì, cuộc đời ấy, tấm lòng ấy giống như biển rộng, sông dài, còn tươi sáng mãi trong lịch sử thời đại ngày nay” (6). Sức hút của di tích Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở chỗ đến thăm nơi ở và làm việc của Người, mỗi người còn tìm thấy chính mình ở đó. Bời vì, Hồ Chí Minh không có một tấm huân chương, không có bảng vàng danh dự, nhưng Hồ Chí Minh lại là hiện thân của dân tộc; Hồ Chí Minh hoà vào dân tộc mình, vào nhân dân mình để trong mỗi người Việt Nam đều có Bác Hồ của họ, và mỗi người đều tìm thấy ở Hồ Chí Minh một điểm nào đó là của chính mình. Có thể đó là quá khứ hào hùng, là niềm tin hy vọng, là một ngày mai tươi sáng hơn. Cùng với sức hút là sức lan toả của di tích – sức lan toả chính là sức sống của di tích. Có thể nói người Việt Nam không ai không biết đến Hồ Chí Minh, không ai không có nguyện vọng được về thăm Bác một lần dù Bác đã đi xa. Một vị khách quốc tế thắc mắc rằng: Tại sao tất cả các thế hệ người Việt Nam đều gọi Hồ Chí Minh là Bác Hồ? Câu trả lời chính là bời vì Người là Hồ Chí Minh – là biểu tượng của chân lý không có gì quý hơn độc lập tự do, là biểu tượng của niềm tin tất thắng, là hiện thân của tình yêu bao la, là gương sáng lý tưởng cho tất cả mọi thế hệ người Việt Nam mãi mãi noi theo. Các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ nhân đảm bảo cho sự lan toả đó ngày càng thấm sâu và lan rộng mãi trong sự đi lên và sự phát triển của dân tộc và của đất nước Việt Nam, với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Những điểm đặc biệt nêu trên cũng chính là những giá trị tiềm ẩn của  Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Việc nhận thức đúng những giá trị tiềm ẩn đó sẽ giúp cho việc xây dựng các dự án bảo tồn và phát huy tác dụng của di tích sẽ giàu tính nhân văn hơn. Việc nhận thức đầy đủ những giá  trị tiềm ẩn của di tích sẽ giúp chúng ta có những đánh giá chính xác về mối quan hệ tương hỗ giữa các công trình tưởng niệm về Hồ Chí Minh trong cụm di tích lịch sử văn hoá Ba Đình là Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận thức một cách khách quan về những giá trị tiềm ẩn của Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, chắc chắn chúng ta sẽ nâng cao trách nhiệm bảo tồn, đầu tư cho các công tác bảo tồn và phát huy tác dụng của di tích một cách khoa học và thích đáng. Bởi vì, đó chính là sự đầu tư cho phát triển bền vững nguồn lực, đầu tư cho nhu cầu giáo dục truyền thống và phát triển văn hoá, và cũng có thể hiểu đó là đầu tư cho tương lai.

                                                                            

Đ.Đ.H

 

 

 

 

 

1. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2003, tr.254.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, t.3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.341.

3. Tố Hữu, Thơ, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2002 tr.225.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.31.

5. Tình thương của Bác, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.100.

6. Điếu văn của Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, chính phủ CHND Trung Hoa, Tư liệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

 

         

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)