slider

Giáo sư Trần Hữu Tước- người thầy thuốc ưu tú theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “về nước phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào”

23 Tháng 05 Năm 2020 / 1303 lượt xem

Lê Thị Cẩm Tú

Phòng Hành chính, Tổng hợp

 Giáo sư Trần Hữu Tước sinh ngày 13/10/1913 trong một gia đình trung lưu tại làng Bạch Mai, xã Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội). Lớn lên, ông là một trong những học sinh xuất sắc tại trường Albert Sarraut - trường học danh giá thời Pháp thuộc. Năm 1930, chưa đầy 18 tuổi, ông luôn đau đáu trong lòng cái nhục mất nước, bất công, áp bức, nghèo nàn, dốt nát... của người dân nô lệ. Sang Pháp học và thi đỗ vào trường Đại học Y khoa Paris, Trần Hữu Tước phải vừa đi học vừa đi làm kiếm kế sinh nhai. Sống trong xã hội Pháp với muôn vàn triết lý, học thuyết, xu hướng và luận điệu, Hữu Tước phải tìm cho mình một chân lý và tự nhủ “Hãy học nghề cho thành thạo sau này mới có thể phục vụ Tổ quốc, nhân dân”(1). Tốt nghiệp đại học năm 1937, ông tiếp tục học và năm 1940, đã tốt nghiệp xuất sắc kỳ thi tuyển làm Trợ lý các bệnh viện Paris chuyên ngành tai mũi họng, đảm nhận nhiệm vụ Trợ lý thứ nhất của Khoa tai mũi họng các bệnh viện nổi tiếng ở Paris, có thu nhập cao và sống sung túc tại Paris.

Năm 1946, bác sĩ Trần Hữu Tước cùng kiều bào ở Pháp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người sang thăm nước Cộng hòa Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp. Nhân chuyến đi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Việt kiều về xây dựng Tổ quốc, cùng nhân dân cả nước đấu tranh bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, Người nói: “Nước ta còn nghèo vì 80 năm bị đế quốc bóc lột, chiếm đóng. Đồng bào Nam bộ giờ đây là đổ máu. Chúng ta còn gian khổ chiến đấu nhiều chứ chưa được sung sướng ngay đâu. Các chú về nước chính là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào”(2). Ngày 16/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Paris, đi tàu hỏa xuống quân cảng Toulon, trở về nước trên chiếc tàu Dumont d'Urville của hải quân Pháp. Cùng về với Bác, có một số trí thức Việt kiều yêu nước: Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân... Chủ tịch Hồ Chí Minh tin những thanh niên Việt kiều yêu nước sẽ cống hiến hết mình cho Tổ quốc “Sớm muộn gì chiến tranh Việt Pháp sẽ không tránh khỏi, chú Trần Đại Nghĩa, chú Võ Quý Huân sẽ tạo được vũ khí đánh giặc, chú Trần Hữu Tước bào chế thuốc men. Đó là yêu cầu khẩn thiết nhất lúc này”(3).

Nhớ lại quyết định “thiêng liêng khôn tả” của mình, sau này bác sĩ Trần Hữu Tước kể lại: “.Đảng đã đến với tôi và tôi vẫn nhớ những ngày tháng được gặp Bác. Cho nên tôi về, về nhẹ nhàng trầm lặng. Có người không hiểu, hỏi tại sao tôi lại về? Tôi không trả lời hoặc chỉ trả lời ngắn ngủi: Về Đất nước”(4). Bác sĩ Trần Hữu Tước đã thành bác sĩ của phái đoàn Việt Nam trong thời gian hội nghị Fontainebleau và sau này là bác sĩ riêng của Bác Hồ trong suốt hành trình tàu Dumont d'Urville đưa Bác từ Pháp về Việt Nam. Trong thời gian ở trên tàu, Trần Hữu Tước và các trí thức trẻ theo Bác về nước được dự “lớp chính trị đặc biệt” do Bác trực tiếp phụ trách. Bác còn nhắc: “Tuy ta còn khó khăn, song mọi người đều phải làm sao cho đồng bào ta có đủ cơm ăn, các trẻ không bị thối tai toét mắt, thò lò mũi xanh, chân còng bụng ỏng và ai cũng có thể được đi học” và “nếu không thay đổi cơ cấu xã hội thì làm thuốc giỏi mấy cũng chẳng làm được gì”(5). Bác sĩ Trần Hữu Tước cảm nhận được ở Chủ tịch Hồ Chí Minh tình cảm yêu nước sâu sắc, là hiện thân của lý trí kiên trì lý tưởng giải phóng và cách mạng cho dân tộc Việt Nam. Ông khâm phục và từ đây một lòng tin tưởng đi theo Người.

Ngay từ tháng 11/1946, vừa mới về tới Hà Nội, bác sĩ Trần Hữu Tước đã bắt tay xây dựng chuyên ngành tai mũi họng của trường đại học Y Việt Nam (nay là trường Đại học Y Hà Nội), trở thành một trong những cán bộ giảng dạy giỏi đầu tiên của trường. Giáo sư Hồ Đắc Di, nguyên Giám đốc trường Đại học Y Dược thời ấy cho biết: Một buổi sáng tháng 11/1946, các thầy Tôn Thất Tùng, Hoàng Đình Cầu. và một số sinh viên trường được chăm chú nghe bài giảng của người thầy đầu tiên chuyên ngành tai mũi họng vừa từ Paris theo Bác Hồ về nước. Đây là lần đầu tiên một bài giảng được trình bày bằng tiếng Việt ở trường. Từ ngày thành lập trường Đại học Y Dược năm 1902 cho đến cách mạng tháng Tám, ngoại ngữ bắt buộc để học ở trường là tiếng Pháp. Vì vậy dùng tiếng Việt để giảng dạy là một thành công lớn của bác sĩ Hữu Tước. Trong bài giảng hôm đó, bác sĩ đã trình bày khái quát sự cần thiết phải học tập và phát triển chuyên khoa tại mũi họng rồi kể lại những ấn tượng sâu sắc trong những ngày gần Bác Hồ, nhất là những ý kiến của Bác về quan hệ ngành y với xã hội “Người thầy giỏi phải như một người mẹ hiền”.

Dù trong hoàn cảnh nào bác sĩ Trần Hữu Tước cũng luôn khắc sâu lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ y tế: “Đừng có ngại khó, ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch ban ơn...”. Trong những ngày toàn quốc kháng chiến nổ ra tại Hà Nội, bác sĩ Trần Hữu Tước đã tham gia chiến đấu cùng Trung đoàn thủ đô suốt 60 ngày đêm. Từ tháng 2/1947, cùng 2 y tá giúp việc, ông cõng trên lưng ba lô bộ đồ nghề xây dựng ngành tai mũi họng đi kháng chiến. Khắp các vùng Liên khu III, Liên khu IV đều có bóng hình của người bác sĩ Tây học sẵn sàng chịu mọi gian khổ để tiếp tục xây dựng chuyên ngành tai mũi họng. Dù thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng bác sĩ Trần Hữu Tước cùng các đồng nghiệp vẫn xây dựng được Bệnh viện tai mũi họng Trung ương giữa rừng sâu. Sống trong lòng nhân dân và đồng nghiệp, ông đã cùng họ chia ngọt sẻ bùi, cùng chung một mái nhà tranh lán lá, cùng bộ áo nâu, cùng bì bõm lội nước chạy giặc, cùng một lòng phục vụ bệnh nhân. Ít ai nghĩ rằng chàng “công tử thành Ba Lê” ngày nào giờ đi dép cao su Con Hổ, và về sau đi dép lốp, lúc ở trong nhà thì đi guốc mộc. Ăn uống chỉ có cơm độn khoai, với rau muống luộc chấm tương, và thi thoảng thêm vài con cá đồng, lươn chạch...

Không may, trong những năm ở Thanh Hóa, bác sĩ Trần Hữu Tước mắc phải bệnh đường ruột có khối u ở đại tràng. Thuốc men quá thiếu thốn, cấp trên gợi ý sắp xếp một đường dây bí mật đưa ông vào Hà Nội chữa bệnh một thời gian nhưng ông kiên quyết từ chối. Sau Chiến dịch Biên giới 1950, biên giới Việt - Trung được giải phóng, ta có cơ hội đưa cán bộ sang Trung Quốc chữa bệnh. Bác Hồ và Trung ương Đảng mấy lần điện vào Thanh Hóa “lệnh” cho bác sĩ Tước lập tức lên Sơn Dương để sang Bắc Kinh điều trị. Đọc lại những dòng nhật ký bác sĩ Trần Hữu Tước ghi lại mới thấy sự quan tâm, tình cảm của Bác Hồ dành cho ông lớn lao mà cũng rất gần gũi đến nhường nào: “Chiều hôm đó, từ trong rừng Việt Bắc, ánh mặt trời còn le lói chiếu trên đầu ngọn cây, sau bao nhiêu năm, tôi lại thấy hiện ra một chiếc xe Jeep dưới vòm lá xanh cổ thụ. Khi tôi sắp bước lên xe, ngồi cạnh anh lái, thì bỗng nghe tiếng ngựa phi nhịp nhàng nước đại...

Trời! Bác đến. tiễn tôi!

Cũng có thể do thấy tôi gầy còm quá, chắc gì đã có lần gặp sau, nên Bác đến. Cảm động nghẹn ngào.

Bác trao cho tôi một lá thư tự tay Bác viết bằng chữ Hán, để chuyển tới người đại diện Chính phủ ta ở nước láng giềng. Bác ân cần khuyên tôi cố gắng an tâm chữa bệnh.

Thấy tôi dô cả xương ra, thế mà chỗ ngồi, ghế tựa xe Jeep rất cứng, Bác gọi đem đến hai cái gối độn cỏ khô để chèn cho đỡ xóc đường trường. Rồi thấy đầu tôi có thể va vào khung sắt mui xe, Bác lấy luôn cái mũ cát vàng của Bác chụp lên đầu tôi, rồi Bác dặn “phải chú ý”.

Xe chuyển bánh. Bác đứng một lúc, vẫy tay, rồi nhảy lên ngựa. Ngoái đầu nhìn lại, tôi chỉ còn thấy bóng con ngựa hồng trong ánh chiều sáng lóa, trên lưng ngựa, Bác gò cương phi về phía trước, tóc bạc tung bay ra phía sau, giữa màu xanh chàm của núi rừng trùng điệp trên đất nước thiêng liêng.Nhiều năm trôi qua, mỗi khi nhớ về thuở ấy giữa rừng Việt Bắc, tôi lại thấy như hiện lên bức tranh cảm động, đẹp tuyệt vời Bác Hồ cưỡi ngựa hồng đến tận nơi tiễn tôi ra nước ngoài chữa bệnh...”(6). Năm sau, khi bình phục, bác sĩ Trần Hữu Tước trở lại Việt Bắc. Ông tiếp tục công việc chuyên môn tại Bệnh khoa Tai mũi họng ở Chiêm Hoá. Thỉnh thoảng ông nhận được quà Bác gửi cho, khi vài quả trứng, khi ít rau cải xoong mọc ở ngọn suối, gần nơi Bác ở. Sau trận Điện Biên Phủ, rồi Hiệp nghị Geneva, ở Hà Nội, chính quyền thân Pháp ra sức lôi kéo trí thức vào Nam. Một số bác sĩ dao động, khi gặp nhau, câu hỏi cửa miệng của họ là: “Cậu đi hay ở lại?”. Có người trả lời ngay: “Tước, nó còn ở được, tại sao chúng mình không ở được?”(7). Ý nói, bác sĩ Tước sống sung sướng bên Pháp mà còn chịu gian khổ được, thì tại sao chúng ta lại không bằng anh ấy? Bác sĩ Trần Hữu Tước trong quá trình làm việc, phấn đấu cho sự phát triển của nền y học Việt Nam luôn thực hiện theo những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Y học phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây” tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại, yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất. Hòa bình được lập lại ở miền Bắc, ông về tiếp quản Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Bạch Mai. Thời gian này, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu thành công như: Ung thư tai- mũi-họng, viêm tai-xương chũm hài nhi; áp-xe não và tiểu não do tai, điếc trẻ em...

Năm 1955, Trần Hữu Tước là một trong 9 bác sĩ đầu tiên của nước ta được Chính phủ phong hàm Giáo sư. Ông đã có công đào tạo, bổ túc và xây dựng nhiều cán bộ chuyên khoa tai mũi họng trên toàn quốc. Kể từ ngày đầu về nước cùng Bác Hồ bắt đầu giảng dạy ở Trường Y, ông đã đào tạo hơn 500 bác sĩ, y sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Ngoài nhiệm vụ xây dựng ngành tai mũi họng, tháng 11/1954, để tập hợp các cán bộ y dược từ kháng chiến về, từ miền Nam ra và vùng tạm chiếm ở lại với chế độ mới cùng nhau xây dựng nền y học Việt Nam, Chính phủ, Bộ Y tế còn giao cho bác sĩ Trần Hữu Tước làm Trưởng Ban Vận động thành lập Hội Y học Việt Nam. Ngày 03/3/1955, 200 đại biểu gồm các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, y sĩ, lương y cả quân y và dân y, cả công và tư đã tổ chức Đại hội thành lập Hội Y học Việt Nam tại Câu lạc bộ Đoàn kết và bác sĩ Trần Hữu Tước được bầu làm Chủ tịch. Trong Đại hội thường niên (nhiệm kỳ II) năm 1956 của Hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Trần Hữu Tước có thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về kết quả một năm hoạt động của Hội “đã đạt được một số kết quả đầu tiên trong việc xây dựng nền y học nước nhà, xứng đáng với một nước đứng trong khối các nước dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa,... và khai thác vốn y học dân tộc là nền Đông y”...

Ghi nhận những cống hiến, đóng góp to lớn của ông với đất nước, nhất là trong lĩnh vực Y học, ngày 30/10/1996, Nhà nước đã truy tặng Giáo sư Trần Hữu Tước Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - kỹ thuật đợt một. Năm 2005, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã làm lễ đặt tên Trần Hữu Tước cho một đường phố ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa...

Xuyên suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Trần Hữu Tước - người có công đầu trong xây dựng và phát triển chuyên Khoa tai mũi họng ở Việt Nam là tình yêu đất nước và mong mỏi được phục vụ Tổ quốc và nhân dân, đó cũng là mục tiêu phấn đấu suốt đời của Giáo sư. Với mục tiêu bất biến đó, Giáo sư đã về nước một cách nhẹ nhàng, thầm lặng đi vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, dùng nó để vượt qua mọi gian nan thử thách và để lại cho chúng ta một tấm gương về phẩm giá của người trí thức Việt Nam yêu nước, được Bác Hồ trực tiếp tuyển chọn, bồi dưỡng, yêu mến và tin cậy.

Chú thích:

1. 4, 5. GS. Trần Hữu Tước, Tổng hội Y dược Việt Nam, ngày 10/9/2015

2. GS Trần Đại Nghĩa, báo Hậu Giang, số 395 ngày 30/3/2007

3. Kỷ niệm về Bác, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2005, tr71

6. Chuyện những trí thức theo Bác Hồ đi kháng chiến, báo Công an nhân dân, ngày 8/12/2011

7. Bác Hồ với Giáo sư Trần Hữu Tước, Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, số 505 ngày 9/7/2018

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)