slider

Giới thiệu cuốn: “Tình cảm nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”

01 Tháng 09 Năm 2011 / 4613 lượt xem
Chúng ta đã biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua hàng nghìn cuốn sách báo, qua những câu chuyện kể của hàng nghìn nhân chứng đã từng được gặp gỡ, tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời Người. Nhưng tất cả kho tàng khổng lồ đó vẫn chưa nói hết được sự lớn lao của Người. Thông qua những điều mà nhân dân thế giới nói về Người, chúng ta lại càng hiểu hơn tầm vóc của Bác Hồ, không chỉ là một vĩ lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam mà còn trở thành vị lãnh tụ của nhân dân lao động thế giới. Người không những là biểu tượng cho khối đoàn kết của Đảng ta, của dân tộc ta, mà còn là hiện thân của chân lý “bốn phương vô sản đều là anh em”.
Người là một biểu tượng sống
Không cần bất kỳ một tuyên bố, không cần đến một sự kiện để tạo nên ảnh hưởng, Hồ Chí Minh đã đến với nhân dân lao động các nước bằng chính sự bình dị, tự nhiên. Có thể nói, Người đã trở thành một biểu tượng không cần ngôn ngữ, thân thuộc và sống mãi trong tâm trí của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Tư tưởng của Người vẫn hiện diện trong đời sống chính trị, đời sống văn hóa và xã hội một cách nhẹ nhàng và sâu sắc.
Người đã không còn là một người dân An Nam thuộc địa hay một người Việt Nam độc lập, Người trở thành một “công dân toàn cầu” và hơn thế nữa, trở thành một chiến sĩ cách mạng, một lãnh tụ được kính mến bởi nhiều thủ lĩnh cách mạng, các nhà lãnh đạo quốc tế. Tiến sĩ Modagat Ahmet, Giám đốc Khu vực châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức Giáo dục khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã phát biểu nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một người trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại, đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng trên trái đất này”. Đây là một nhận xét ngắn gọn và xác đáng, một minh chứng cho lòng tôn kính và tình cảm yêu quý của nhân dân thế giới đối với con Người Hồ Chí Minh.
Một cuốn sách chất chứa tâm huyết
Nhằm giới thiệu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã được UNESCO công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và một số cơ quan trong thời gian qua đã tích cực sưu tầm, tập hợp tư liệu và làm nên cuốn sách ảnh đặc sắc “Tình cảm nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Cuốn sách là một cách biểu đạt sống động hơn những gì mà ngôn từ sách báo viết về người không thể hiện hết. 
“Tình cảm nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh” gồm nhiều bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc bình dị, trải theo cuộc đời của Người. Trong đó, hình ảnh Bác Hồ hiện lên vô cùng phong phú, đa dạng: Khi Người cùng các chỉ huy du kích Việt Minh và lãnh đạo biệt đội Con Nai của Mỹ tại rừng núi Việt Bắc, khi là nhà cách mạng kiên nghị và nhà ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên quyết trong các cuộc đàm phán quốc tế. Và người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc ấy lại hóa thân thành con người gần gũi với cuộc sống đời thường, với đồng bào, chiến sĩ, với phụ nữ, các cháu thiếu nhi... ở Việt Nam và ở các nước, ở bất kỳ nơi nào Người đặt chân tới.
Một nội dung quan trọng khác của cuốn sách là phần trình bày nội dung các câu nhận xét, cảm tưởng đầy kính mến và cảm phục của các vị lãnh tụ nhân dân thế giới về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những lời chân thành được viết từ nhiều góc độ của bạn bè quốc tế đã phản ánh sâu sắc chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tâm hồn và nhân cách lớn lao của Người. 
Hình ảnh người anh hùng trong một nhà văn hóa
Cung cấp cho độc giả nhiều nhận xét, quan điểm và tình cảm của thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách chia làm hai phần:
Phần I - Anh hùng giải phóng dân tộc:Bên cạnh nhiều bức ảnh quý giá cho thấy tác phong làm việc nhanh nhẹn và phong cách sống điềm đạm cả trên chiến trận lẫn khi ngoại giao, phần này cuốn sách còn trình bày ý kiến nhận xét của nhiều người dân thế giới về Bác Hồ. Đó là những lời nhận xét chân tình và xuất phát từ sự ngưỡng mộ cá nhân. 
CTHCM tiếp đoàn đại biểu phong trào hoà bình Pháp sang thăm Việt Nam. 15-3-1955
Phần này có nhiều ảnh chụp ít thấy trong sách báo mà khi ghép lại, ta có một Hồ sơ bằng hình ảnh về quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Bắt đầu là hình ảnh Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước 5-6-1911 đến hình ảnh Nguyễn Ái Quốc và những người bạn quốc tế hoạt động tại Pháp năm 1923, trong đó, đặc biệt có cả hình ảnh chụp nguyên bản Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam do Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi Hội nghị Vécxây, năm 1919. Rồi đến tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), cơ quan ngôn luận của Hội liên hiệp thuộc địa do Bác Hồ và một số nhà cách mạng sáng lập, từ năm 1922 đến 1926. Đặc biệt là quang cảnh Người đọc Tuyên ngôn độc lập và và hình ảnh bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó là ảnh chụp những chuyến thăm của Người tới khắp các châu lục và sự đón tiếp nồng hậu của nhân dân các nước… Nhiều bức ảnh cho thấy, trên khắp đường phố khi xe đón đoàn đi qua, nhân dân đứng chật hai bên đường vẫy tay và hoa chào mừng.
Tiếp đó là những lời nhận xét từ khắp các châu lục: châu Á, châu Âu, châu Mỹ… khiến ta xúc động và tiếc thương một Người Anh hùng sống hết sức đời thường và gần gũi nhân dân:
“Ở nước tôi, nhân dân biết tới Bác Hồ như một người chiến sĩ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và sự tàn bạo. Bác Hồ là tấm gương sáng cho thanh niên Ápganixtan vì lòng yêu nước và sự cống hiến vô tận cho nhân dân. Trẻ em Ápganixtan biết về Người như là biểu tượng của lòng tốt, một người ông yêu trẻ. Trong sách báo của chúng tôi có in rất nhiều ảnh Bác Hồ gặp thanh thiếu niên với tình cảm rất mực yêu thương” - Mohamad Ismail Mhashoor - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ápganixtan tại Việt nam.
“Việc qua đời của người chiến sĩ xuất sắc Hồ Chí Minh là một tổn thất to lớn của tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho tự do và độc lập. Cuộc đời đấu tranh của vị anh hùng Hồ Chí Minh là một tấm gương sinh động đối với chúng tôi”, đó là lời nhận xét của Yátxe Araphat - Chủ tịch tổ chức giải phóng Palextin viết năm 1969.
Còn với Đoàn đại biểu báo Nhân dân Lào, “Vô cùng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì nhờ có Chủ tịch Hồ Chí Minh đất nước Lào mới được giải phóng, nhờ có Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào mới thoát khỏi ách thống trị của bọn đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ”. 
Phần II - Nhà văn hóa kiệt xuất:Tình cảm chan hòa của Người không chỉ với thiếu Nhi Việt Nam mà với thiếu nhi thế giới, khiến cho các trẻ em vô cùng ngưỡng mộ Người. Đặc biệt là các em thiếu nhi Liên Xô, háo hức được gặp gỡ Hồ Chí Minh trong ảnh chụp chuyến Người thăm Liên xô năm 1957.
Nhân dân thế giới biết về Người với lối sống cần kiệm và phong thái giản dị, điềm đạm. Ở Hungari, thiếu niên tới tặng Người bó hoa hồng đỏ thắm. Không chỉ vậy, trên đường từ sân bay về thủ đô Sôfia, nhân dân Hungari tràn ra đường chào đón vị Chủ tịch đến từ Việt Nam xa xôi. Tại đất nước Rumani hay thủ đô Đê li (Ấn Độ), nhân dân nước bạn cũng đón chào đoàn diễu hành trên các đường phố.
Báo chí của nước ngoài cũng đã đánh giá rất cao đóng góp của Người cho nhân dân Việt Nam và cho nhân loại. Năm 1954, ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt trên trang bìa tạp chí Time. Trong những năm sau đó, cũng có nhiều báo và tạp chí đưa ảnh Người lên trang bìa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mất đi  không chỉ để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho nhân dân Việt Nam mà cho cả nhân dân thế giới. Trong sách có hình ảnh một đoàn diễu hành tổ chức lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cônggô năm 1969 và rất nhiều lời ghi chép thể hiện sự tiếc thương chân thành đối với mất mát lớn lao này. Rất nhiều đoàn đại biểu lãnh đạo đã đến thăm Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, những dòng lưu bút tại đây hầu hết đều tỏ lòng tôn kính, tiếc thương, khâm phục Người như một tấm gương lãnh tụ vĩ đại có một tâm hồn cao cả. Đặc biệt, các vị khách hết sức ngạc nhiên và cảm phục lối sống giản dị và thanh cao của Hồ Chủ tịch.
Phần còn lại của cuốn sách là những lời nhận xét, những lời lưu bút của các vị lãnh đạo Đảng, lãnh đạo các nước bạn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một phần được trích từ tham luận tại các Hội thảo, một phần trích từ cuốn lưu bút của khách quốc tế tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.
“Chưa bao giờ trên một mảnh đất hẹp như vậy, trong một thời gian ngắn ngủi như vậy lại diễn ra một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định vì loài người như cuộc chiến đấu mà đồng chí Hồ Chí Minh dã tiến hành chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ở Việt Nam” - đồng chí Phiđen Caxtơrô, Bí thư Thứ Nhất BCH TW ĐCS Cuba, và bác sĩ Ôxvanđô Đoócticốt, Tổng thống Cuba ghi năm 1969.
Nhân dân Miên Điện lưu luyến  tiễn chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay tháng 2/1958
 “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn. Cuộc đời hoạt động và sự nghiệp vĩ đại của Người là tấm gương cao đẹp, trong sáng về một quan niệm nhân sinh và thế giới, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn mới, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, những ước mơ lớn của nhân loại” - đồng chí Phieng Sisulat, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và thể thao Lào.
“Hầu hết, người Nhật Bản đều yêu thích thơ Người. Đó là một biểu hiện lòng ái mộ của người Nhật đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh” - Kawamoto Kunie, Giáo sư trường Đại học Kê I Cô, Nhật Bản.
Phần cuối sách tập hợp nhiều bức ảnh chụp những công trình kỷ niệm ghi lại dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhiều đất nước, như: Bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bờ sông Singapo, nơi Người đã đến vào năm 1933; Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên Môngtơrơi (Pháp); hoặc phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường mang tên Người tại thủ đô Mátxcơva (Nga). Trên “Bức tường danh nhân” tại thủ đô Pari (Pháp), nơi lưu giữ chân dung những vĩ nhân đã làm nên thế kỷ XX, trong đó có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh... Hình ảnh về ngôi nhà ở quê, nơi Người sinh ra và lớn lên, rồi hình ảnh về ngôi nhà sàn, Bảo tàng và Lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ỏ Hà Nội. Ngày nay nơi đây đã trở thành điểm hội tụ tình cảm của đồng bào, đồng chí trong nước và bè bạn quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng.
Qua đó cuốn sách là một minh chứng sống động về tình cảm yêu mến của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Không dừng ở sự ngưỡng mộ, Bác Hồ của chúng ta đã được nhiều người coi như tấm gương về ý chí và nhân cách để noi theo. Thông qua cuốn sách, những người biên soạn đã mang tới một góc nhìn mới và nhiều điều chưa biết về Hồ Chủ tịch. Những bức ảnh và những dòng lưu bút của những vị lãnh đạo khắp năm châu cũng sẽ góp phần đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè và nhân dân thế giới cùng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)