slider

Giới thiệu cuốn sách : DI SẢN HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY

15 Tháng 09 Năm 2011 / 3528 lượt xem
Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”. Gần hai trăm bài viết gửi về tham gia Hội thảo là kết quả của sự dày công nghiên cứu và tình cảm sâu nặng của các tác giả trong, ngoài nước đối với tài năng, trí tuệ, đức độ và công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những di sản mà Người để lại. Ban Tổ chức Hội thảo đã tuyển chọn đăng một số bài tham luận của các nhà khoa học thành Cuốn Kỷ yếu “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”, với nội dung tập trung đi sâu, làm rõ hơn nữa, phát hiện thêm những nhận thức mới trong di sản Hồ Chí Minh đối với thời đại ngày nay. Từ đó, cuốn sách giúp bạn đọc nhận thức đầy đủ hơn nữa những giá trị trong di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân loại.
Cuốn sách gồm ba phần:
Phần I: Di sản Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tập hợp gồm 34 tham luận tiêu biểu của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới chọn đăng trong cuốn sách, những tư tưởng này của Người được trình bày, phân tích, làm rõ.
Nhiều tham luận đều cho thấy, độc lập dân tộc là một nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (Tô Huy Rứa); Giải phóng dân tộc, giải phóng con người, hạt nhân tư tưởng Hồ Chí Minh (PGS, TS. Phạm Hồng Chương); Tư tưởng độc lập tự do với sự kiến lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước pháp quyền của toàn thể dân tộc (PGS. Lê Mậu Hãn)… Theo các tác giả, chủ nghĩa thực dân đã đem xiềng xích, áp bức, đói nghèo, ngu dốt, bệnh tật… đè nặng lên số phận các dân tộc nhược tiểu. Giành lại tự do, độc lập và khát vọng cháy bỏng của các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ XX. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người tượng trưng cho ý chí và khát vọng đó với một chân lý nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Người được coi là một chiến sĩ đi tiên phong trong việc thức tỉnh dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và phẩm giá con người.
Chiến lược của Người là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết- Thành công, thành công, đại thành công”. Người không chỉ coi trọng đại đoàn kết dân tộc, giải quyết thành công mối quan hệ dân tộc với giai cấp, mà còn hết sức coi trọng tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới, kể cả với nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ. Người đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, hình thành trên thực tế một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống xâm lược, đưa hai cuộc kháng chiến vĩ đại của Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Đường lối chiến lược đó được loài người tiến bố công nhận là đường lối chiến lược hoàn hảo của thời đại chúng ta.
Tư tưởng và tấm gương đấu tranh bất khuất cho độc lập, tự do của Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX. Nhiều quốc gia độc lập đã thừa nhận ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của cách mạng Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngày nay, tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn giữ nguyên sức sống của nó, đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định trong tham luận. Hàng trăm nước sau khi thoát khỏi chế độ thuộc địa vẫn đang bị kìm hãm trong tình trạng lạc hậu, kém phát triển. Một số cường quốc đang lợi dụng toàn cầu hóa, lợi dụng thế mạnh về kinh tế - tài chính, khoa học - công nghệ cao để mở rộng biên giới lợi ích quốc gia, xâm phạm độc lập và chủ quyền của các nước đang phát triển, đe dọa hòa bình, an ninh chính trị - xã hội của các nước này. Trong tình hình đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa quốc tế, độc lập phồn vinh cho đất nước mình, đồng thời cho tất cả các dân tộc, vẫn đang tiếp tục tỏa sáng, vẫn là mục tiêu và khát vọng của loài người trong thời đại ngày nay.
Độc lập dân tộc ở Hồ Chí Minh luôn luôn gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Theo Người, “nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người tìm thấy giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc trong mục tiêu và lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, vì vậy, Người khẳng định: “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”. Đề cập đến vấn đề này, có các tham luận: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử và nhân dân Việt Nam (GS, TS. Phan Kim Nga); Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường phát triển của các dân tộc (Suvănđi Sisavát); Sự nghiệp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội (Raun Vanđết Vivô)….
Chủ nghĩa xã hội ở Hồ Chí Minh không phải là những giáo điều cứng nhắc, xa lạ với lợi ích vật chất và tinh thần của con người, mà nó hết sức cụ thể và thiết thực. Người nói: “Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”… Có thể gọi đó là chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh”, một quan niệm về chủ nghĩa xã hội phù hợp với quan niệm truyền thống của dân tộc Việt Nam và hợp với xu thế của thời đại hiện nay.
Quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Mác - Lênin kết hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, với khát vọng công bằng, bác ái của loài người. Vì vậy, các dân tộc, trong khi từ chối con đường đau khổ của chủ nghĩa tư bản, có thể tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội một hướng đi thích hợp cho sự lựa chọn của mình.
Ngày nay, nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội, về con đường và phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trong sự thay đổi đó vẫn có những điều cơ bản không hề thay đổi, đó là khát vọng về một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, nhân đạo, văn minh - những lý tưởng mà Hồ Chí Minh đã nêu lên và suốt đời theo đuổi. Đi theo chỉ dẫn đó, công cuộc đổi mới chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam gần 25 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tiềm lực đất nước và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng được biết đến rộng rãi trên thế giới. Nhiều nước Mỹ Latinh, từ thực tế phát triển của mình, đang có ý tưởng đi tìm một mô hình về “chủ nghĩa xã hội cho thế kỷ XXI”, phù hợp với đặc thù Mỹ Latinh…
 Phần II: Di sản Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Phần này gồm 29 bài tham luận. Các bài này đều cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của khát vọng hòa bình Việt Nam, của tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc.
Về hòa bình, theo các tác giả, hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người thiết tha với hòa bình - một nền hòa bình chân chính gắn liền với độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Kiên định về chiến lược đồng thời cũng hết sức linh hoạt về sách lược để giữ gìn hòa bình, Hồ Chí Minh đã kiên trì con đường thương lượng, đối thoại nhằm giải quyết mối xung đột Việt - Pháp bằng phương pháp hòa bình. Các bài tham luận đề cập đến khía cạnh này là: Tư tưởng Hồ Chí Minh về thế giới quan và đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển (Phạm Gia Khiêm); Hồ Chí Minh với sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và phát triển vì tiến bộ của Việt Nam và thế giới (Nguyễn Mạnh Cầm); Hồ Chí Minh - nhà văn hóa hòa bình (PGS, TS. Lê Văn Tích); Hồ Chí Minh với tư tưởng ngoại giao vì hòa bình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc (TS. Trần Minh Trưởng); Đấng cứu tinh của hòa bình, độc lập và hạnh phúc (Geetesh Sharma)…
Các tác giả cho biết, ngay cả khi kẻ thù buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên cầm súng kháng chiến, Hồ Chí Minh vẫn không buông ngọn cờ hòa bình, vẫn liên tục gửi thư đến Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, kêu gọi họ hãy hướng chính sách của nước Pháp vào con đường chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Những người từng đối thoại với Hồ Chí Minh đều tỏ lòng kính trọng đối với “một con người mềm dẻo, kiên nhẫn, ôn hòa, luôn luôn tìm cách hòa giải về thể thức chuyển hóa”, đều ca ngợi Hồ Chí Minh là “người luôn luôn biết giải quyết những vấn đề khó khăn với nụ cười trên môi”.
Khẳng định Việt Nam là “một bộ phận trong phe hòa bình, dân chủ thế giới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, “nhằm xây đắp nền hòa bình thế giới”.
 “Hồ Chí Minh - chiến sĩ tiên phong đấu tranh cho tình hữu nghị giữa các dân tộc” đây là tham luận của GS, TS. Phan Ngọc Liên, TS. Bùi Thị Thu Hà. Tham luận cho thấy, Hồ Chí Minh là người bắc những nhịp cầu hữu nghị, đẩy mạnh việc giao lưu, tiếp xúc, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc - một cơ sở để duy trì và củng cố hòa bình.
Nhân dân thế giới hiểu rõ cuộc đời chiến đấu hơn 60 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không chỉ đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình mà còn vì hạnh phúc và phẩm giá của các dân tộc bị áp bức. Bản án kết tội chủ nghĩa thực dân của Người đã có tiếng vang rộng rãi, góp phần thức tỉnh nhiều dân tộc thuộc địa vùng lên đấu tranh tự giải phóng.
Sau khi Việt Nam giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng giáo dục nhân dân Việt Nam về lòng yêu hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc, biết kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đặt nền móng cho chính sách mở cửa và hợp tác rộng rãi của Việt Nam với thế giới trên mọi lĩnh vực. Ngay từ khi nước Cộng hòa Việt Nam non trẻ vừa mới thành lập, còn trong vòng vây bốn bề của đế quốc, chưa được một quốc gia nào công nhận, cuối tháng 12-1946, trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc, Hồ Chí Minh đã chủ động tuyên bố: Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của ác nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài và trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay, đường sá giao thông cho buôn bán và quá cảnh quốc tế; Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc; Việt Nam sẵn sàng ký kết, trong khuôn khổ Liên hợp quốc, những hiệp định an ninh đặc biệt là những hiệp ước có liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân…
Trong tuyên bố đó, Hồ Chí Minh đã nói rõ: Việt Nam không chỉ chiến đấu vì những quyền lợi thiêng liêng của mình mà còn “chiến đấu cho một sự nghiệp chung, đó là sự khai thác tốt đẹp những nguồn lợi kinh tế” và “cho an ninh ở Viễn Đông”.
Trả lời phóng viên báo Pháp Regards, Người nói: “Chúng tôi muốn lập với nước Pháp những mối quan hệ kinh tế và văn hóa trên cơ sở bình đẳng, hai bên đều có lợi và cộng tác thẳng thắn và tin cậy nhau… Đồng thời, chúng tôi muốn lập lại quan hệ hữu nghị với tất cả các nước khác, trên hết là với các nước châu Á”.
Đó là những tư tưởng có tầm nhìn xa, đi trước thời đại, đặt nền móng cho chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa, hợp tác làm ăn với nước ngoài của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay. Các tham luận đã phân tích, làm rõ những tư tưởng này.
Phần III:Những vấn đề văn hóa, đạo đức, nhân cách trong di sản Hồ Chí Minh, gồm 31 tham luận, tập trung thể hiện sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự nghiệp và tư tưởng thấm đậm giá trị văn hóa bởi Người đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại cho nhân dân quyền sống đích thực của con người và góp phần cùng loài người loại trừ mọi trở lực trên con đường tiến tới văn minh là chủ nghĩa thực dân, góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân loại.
Những giá trị văn hóa đó càng thêm sâu sắc khi Người chủ trương giác ngộ nhân dân, làm cho nhân dân hiểu rõ các quy luật phát triển của xã hội, nhận rõ mục đích đấu tranh và con đường giải phóng, tin chắc vào sự thắng lợi mà kiên quyết tự đứng lên làm cách mạng và xây dựng xã hội mới không có áp bức, bóc lột và tạo ra những điều kiện phát triển toàn diện cho con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”. Nhiều tham luận như: Một vài suy nghĩ về những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của TS. Đinh Thế Huynh; Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết Hồ Chí Minh vững bước vào thời kỳ phát triển mới của GS, TS. Phùng Hữu Phú; Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa lối sống với việc xây dựng lối sống hiện nay của PGS, TS. Trương Minh Dục; Nội dung đạo đức xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh (Một đóng góp vĩ đại của triết học Hồ Chí Minh đối với sự phát triển xã hội và văn hóa Việt Nam) của TS. Mukhtasar Syamsuddin… làm rõ những giá trị này của Người.
Về văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Vì vậy, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Người cũng rất chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao dân trí, giáo dục đạo đức, tạo điều kiện cho mỗi người tận lực phát triển những năng lực sẵn có của mình. Nền văn hóa mới của Việt Nam, theo Người, phải cố kết hợp tốt giữa việc kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa yêu nước nồng nhiệt kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Văn hóa phải thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn hóa phải chống tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ. Văn hóa phải làm cho mọi người dân Việt Nam, từ già đên trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết tận hưởng hạnh phúc mà mình được hưởng.
Với tham luận về quan điểm “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS, TS. Nguyễn Thị Doan đã khẳng định dây là “chân lý của thời đại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi sự dốt nát cũng là một kẻ thù. Người chủ trương phải phát triển tốt nền giáo dục thì mới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mới tiến kịp sự phát triển chung của nhân loại. Xác định rõ học tập để làm việc, làm người, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, Người thường xuyên nhấn mạnh tới nhiệm vụ giáo dục lý tưởng, giáo dục đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Người khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh mẽ về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”11.
Văn hóa là cái cốt lõi của đạo đức, “đạo đức là cái gốc của người cách mạng” - với tham luận này, Trung tướng, TS. Nguyễn Tiến Quốc khẳng định giá trị luận điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên trước thử thách của kinh tế thị trường. Người không chỉ để lại một hệ thống quan điểm về đạo đức mới mà là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, về sự nhất quán giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của sự toàn thiện, toàn mỹ về đạo đức: yêu đồng bào, yêu nhân loại; triệt để cách mạng và vô cùng nhân từ; uyên bác mà cực kỳ khiêm tốn; nguyên tắc về chiến lược nhưng rất linh hoạt về sách lược; nhìn xa trông rộng nhưng rất thiết thực cụ thể; vĩ đại mà rất mực bình dị; là nhà thơ trong người chiến sĩ cách mạng. Người là hình mẫu về nhân cách cao đẹp của người cách mạng, là nhà lãnh đạo gần gũi của nhân dân, được nhân dân thân thiết gọi là Bác Hồ. Người là kết tinh những giá trị cao quý nhất của văn hóa - đạo đức Việt Nam.
Tư tưởng và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự tôn vinh của UNESCO đối với Người vừa là “Anh hùng giải phóng dân tộc” vừa là “Nhà văn hóa kiệt xuất” là một sự vinh danh kép, theo nghĩa: Hồ Chí Minh đã vận dụng thành công văn hóa - đạo đức vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng và nâng cao phẩm giá con người, đó là một sự nghiệp anh hùng, đồng thời, đó cũng là một sự nghiệp văn hóa cao cả nhất. Với 840 trang sách, người đọc sẽ thấy di sản Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản tinh thần vô giá của nhân dân Việt Nam mà còn là di sản văn hóa chung của toàn nhân loại, mãi mãi soi đường cho chúng ta đi đến tương lai tươi sáng ./

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)