slider

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH ẢNH: CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI TRUNG QUỐC”

01 Tháng 09 Năm 2011 / 5131 lượt xem
Phan Thị Hoài
Phòng Tuyên truyền- Giáo dục
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh- lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc. Trong hành trình tìm đường cứu nước, bôn ba khắp năm châu bốn biển vì sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh đã đi qua rất nhiều quốc gia nhưng Trung Quốc là nơi ghi lại nhiều dấu ấn nhất của Người và cũng là nơi Người kết giao nhiều bạn bè nhất. Với tấm lòng chân thành và niềm tưởng nhớ sâu sắc đối với những tình cảm hữu nghị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho nhân dân Trung Quốc, Viện khoa học xã hội Quảng Tây hợp tác với một số đơn vị biên soạn tập sách ảnh nhan đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc”. Với 178 trang, cuốn sách chia làm bốn phần: đề từ, tranh ảnh, niên biểu và phụ lục.
Phần ảnh: Đây là phần trọng tâm của cuốn sách. Với gần 500 bức ảnh tư liệu đã tái hiện một cách sinh động, chân thực những sự thật lịch sử về tình hữu nghị sâu nặng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Trung Quốc. Nội dung bao gồm: Những lần Người đến thăm Trung Quốc, những lần Người tiếp bạn bè Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Những bút tích chữ Hán của Người như lời đề từ, viết lưu niệm, thư tín… Những hiện vật, di tích liên quan đến hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước Trung Hoa. Những tài liệu văn bản về mối quan hệ giữa Hồ Chủ tịch với Trung Quốc. Căn cứ theo thứ tự thời gian, địa điểm, hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước Trung Quốc, phần ảnh được chia thành 6 giai đoạn. 
Nguyễn Ái Quốc với đồng chí Trương Thái Lôi bạn học tại trường Đại học Phương Đông Mátxcơva.
 Giai đoạn 1: Từ 1890 đến 1927
Sinh ra và lớn lên trong những năm tháng nhân dân Việt Nam sống nô lệ, đói khổ, lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã rời Tổ quốc ra nước ngoài tìm chân lý cứu nước, cứu dân. Đầu những năm 20 của thế kỷ XX ở Pari và Matxcova, Hồ Chí Minh đã kết bạn với rất nhiều đảng viên thời kỳ đầu của cách mạng Trung Quốc như: Chu Ân Lai, Lý Phúc Xuân, Trần Diên Niên, Vương Nhược Phi, Tiêu Tam, Trương Thái Lôi, Triệu Thế Viên, Trần Kiều Niên….Tháng 11 năm 1924, Hồ Chí Minh đến Quảng Châu, Người vừa tham gia hoạt động cách mạng của Đảng cộng sản Trung Quốc vừa chuẩn bị lực lượng cho cách mạng Việt Nam. Với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ở Quảng Châu, Người đã lập ra tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng, mở lớp huấn luyện chính trị đặc biệt, bồi dưỡng cán bộ cách mạng cốt cán cho Việt Nam, sáng lập báo Thanh niên cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng, chuẩn bị về tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Giai đoạn 2 từ 1929 đến 1933
Đầu những năm 30 tại Hương Cảng, Hồ Chí Minh đã chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 6 năm 1931, Hồ Chí Minh (tên gọi khi đó là Tống Văn Sơ) bị cảnh sát Anh bắt tại số nhà 186 phố Tam Kung, Cửu Long, Hương Cảng. Được gia đình luật sư Lôdơby tận tình cứu giúp, đầu năm 1933 Hồ Chí Minh rời Hồng Công đi Hạ Môn. Khoảng mùa hè năm 1933, khi tình hình về vụ án Tống Văn Sơ có dấu hiệu lắng xuống, Hồ Chí Minh quyết định rời hạ Môn lên Thượng Hải. Tại đây được bà Tống Khánh Linh giúp đỡ, Hồ Chí Minh đã bắt được liên lạc với những đồng chí của mình.
Giai đoạn3: Từ 1938 đến 1945
Hạ tuần tháng 10 năm 1938,  Hồ Chí Minh rời cơ quan Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva về Diên An, Thiểm Tây, Trung Quốc. Cuối tháng 12 năm ấy, theo sự sắp xếp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Chí Minh cùng Diệp Kiếm Anh đến Quế Lâm tham gia công tác tại phòng Cứu Vong Văn phòng Bát Lộ Quân Quế Lâm. Tháng 6 năm 1939, Hồ Chí Minh rời Quế Lâm đến công tác tại Trường huấn luyện cán bộ du kích Khu Tây Nam do Quốc Dân đảng và Đảng Cộng sản cùng hợp tác tổ chức, khóa I mở tại Hành Sơn tỉnh Hồ Nam. Với tư cách là một thiếu tá điện đài, Hồ Chí Minh phụ trách thu thập tin tức quốc tế cung cấp cho lớp huấn luyện. Tháng 9 năm ấy lớp huấn luyện bế mạc, Hồ Chí Minh quay trở về Quế Lâm. Đầu năm 1940, Hồ Chí Minh đến Trùng Khánh tạm trú tại Văn phòng Bát Lộ quân Trùng Khánh. Lúc này tại Côn Minh, Vân Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập ra một cơ quan bí mật mang tên Ban chỉ huy ở ngoài. Được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 2 năm 1940, Hồ Chí Minh đến Côn Minh bắt liên lạc với các đồng chí trong ban Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng ta. Tháng 10 năm 1940, Hồ Chí Minh cùng một số cán bộ Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng lần lượt rời Côn Minh đi Quế Lâm. Hồ Chí Minh công tác ở Văn phòng Bát lộ quân Quế Lâm. Cùng lúc đó, tờ Cứu vong nhật báo do Quách Mạt Nhược làm tổng biên tập dời từ Quảng Châu về Quế Lâm. Với bút danh Bình Sơn, Người đã viết một loạt bài cho báo như: Ông trời có mắt, Chú ếch và con bò, Trò đùa dai của Rudơven tiên sinh, hai chính phủ Véc xây, Bịa đặt, Nhân dân An Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc… Những bài báo này rất ngắn gọn, lời văn hài hước, ngụ ý sâu sắc. Trong số đó có những bài giới thiệu sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống phát xít Nhật, phản ánh mối quan hệ như môi với răng, thể hiện tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước Việt- Trung. Hạ tuần tháng 12 năm 1940, căn cứ vào yêu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam, Hồ Chí Minh cùng các thành viên của Ban chỉ huy ở ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam rời Quế Lâm chuyển đến vùng biên giới Trung- Việt thuộc huyện Tĩnh Tây. Ngày 28 tháng 1 năm 1941 Hồ Chí Minh từ Tĩnh Tây đặt chân lên mảnh đất Việt Nam ở cột mốc biên giới 108 nay là cột mốc 675. Ngày 28 tháng 1 trở thành ngày đặc biệt đáng ghi nhớ trong lịch sử Việt Nam, cột mốc biên giới 108 cũng trở thành địa điểm đặc biệt trong lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử quan hệ hữu nghị Việt -Trung. Sau khi trở về Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chọn Pác Bó làm cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng vùng này hay bị bọn thực dân quấy rối nên thỉnh thoảng Hồ Chí Minh phải lánh sang Tĩnh Tây. Trong những ngày Hồ Chí Minh bôn ba ở vùng biên giới Việt Trung để hoạt động, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, nhiều gia đình bà con dân tộc thiểu số Trung Quốc đã trở thành nơi dừng chân tin cậy của Người như: Trương Đình Duy, Từ Vĩ Tam, Lâm Bích Phong...
, Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Chu Đức tại Bắc Kinh đầu năm 1950.
Ngày 13 tháng 8 năm 1942, Hồ Chí Minh đi Trung Quốc với tư cách là đại biểu của phong trào Việt Minh và đại diện của phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược. Ngày 27 tháng 8 năm 1942, khi đến phố Túc Vinh, Thiên Bảo, Quảng Tây, Người bị bắt với lý do những giấy tờ tùy thân của Người đã quá hạn sử dụng. Hơn một năm trời bị giải qua hơn 30 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, trải qua những ngày tháng giam cầm đày ải Hồ Chí Minh đã viết tập thơ bằng chữ Hán: Ngục trung nhật ký. Tháng 9 năm 1943, sau khi được trả tự do Hồ Chí Minh đã tham gia một số công tác của tổ chức “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” được thành lập ở Liễu Châu. Tham gia giảng dạy ở lớp huấn luyện cán bộ của Đệ tứ chiến khu tổ chức. Hội nghị đại biểu các đoàn thể hải ngoại của Việt Nam cách mạng đồng minh hội họp tại hội trường của Bộ tư lệnh đệ tứ chiến khu tháng 3 năm 1944, được trúng cử làm Ủy viên chấp hành, Hồ Chí Minh đã thay mặt Phân hội Việt Nam chống xâm lược đọc báo cáo tại hội nghị. Tháng 6 năm 1944, tổ chức Đảng ở trong nước cử người sang Liễu Châu báo cáo tình hình với Hồ Chí Minh, đồng thời đề nghị Hồ Chí Minh sau khi cải tổ Ban chấp hành Việt Nam cách mạng đồng minh hội chọn thời cơ thuận lợi, công khai về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Tháng 8 năm 1944, Hồ Chí Minh đã chọn 18 thanh niên đã học qua lớp huấn luyện đặc biệt cùng Người rời Liễu Châu về nước. Tháng 9 năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Giai đoạn 4 từ 1946 đến 1954
Cuối năm 1946 thực dân Pháp ồ ạt điều quân phát động một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện ra miền bắc Việt Nam. Để tranh thủ sự gúp đỡ của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam đầu tháng 1 năm 1950, Hồ Chí Minh quyết định bí mật đi thăm Trung Quốc và Liên Xô. Đầu năm 1950, con đường giao thông huyết mạch nối liền hai nước Việt Trung vẫn bị quân Pháp chiếm đóng và khống chế, Trung Quốc muốn viện trợ cho Việt Nam trước hết phải quét sách quân địch ở vùng biên giới mở đường thông thương từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định cử đồng chí Trần Canh sang Việt Nam giúp Việt Nam tổ chức chiến dịch biên giới để mở đường nối liền hai nước. Đồng thời còn cử một đoàn cố vấn chính trị do đồng chí La Quý Ba dẫn đầu và một đoàn cố vấn quân sự do đồng chí Vi Quốc Thanh dẫn đầu sang giúp Việt Nam xây dựng chính quyền và đấu tranh quân sự. Tháng 7 năm 1950, đồng chí Trần Canh từ Vân Nam sang Việt Nam. Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch biên giới đồng chí Trần Canh ở Bó Cục Quan, xã Hạ Đông, huyện Long Châu, Quảng Tây. Hồ Chí Minh thường đi qua biên giới đến Bó Cục Quan để bàn chiến sự với đồng chí Trần Canh. Có một hôm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trần Canh đi bách bộ ở Bó Cục Quan nhìn thấy nhân dân vùng biên của hai nước tự do đi lại thăm họ hàng bà con, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xúc động. Người nói: “Tôi vô cùng ước ao một ngày nào đó sẽ chóng đến với chúng tôi ngày đó Việt Nam đã được giải phóng, Lào và Cămpuchia cũng được giải phóng và đều trở thành nước xã hội chủ nghĩa. Phía Bắc và phía Tây Việt Nam trở thành biên giới hòa bình và yên ổn. Chúng ta sẽ tập trung lực lượng, xây dựng kinh tế với tốc độ nhanh nhất để nhân dân sớm được hưởng một cuộc sống hòa bình và tươi đẹp”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức (10/1959).
Giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam liên tiếp giành được thắng lợi thì Hội nghị Giơnevơ giải quyết về vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương khai mạc ngày 26 tháng 4 năm 1954. Ngày 7 tháng 5, quân và dân Việt Nam giành đại thắng tại Điện Biên Phủ. Ngày 8 tháng 5, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương. Đại biểu cho phái chủ chiến của chính phủ Pháp được Mỹ ủng hộ đã ngoan cố giữ lập trường thực dân, không đếm xỉa gì đến quyền lợi chính trị của nhân dân Đông Dương nên hội nghị lâm vào tình trạng bế tắc. Đầu tháng 7, Thủ tướng Chu Ân Lai mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thành phố Liễu Châu để trao đổi ý kiến. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thẳng thắn về một số vấn đề lớn được đề cập trong hội nghị Giơnevơ. Cuộc hội đàm tại Liễu Châu có ý nghĩa quan trọng đối với việc ký kết Hiệp nghị Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Bài xã luận của báo Nhân Dân nêu rõ: “Cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ Tướng Chu Ân Lai một lần nữa góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, càng thể hiện rõ nguyện vọng hòa bình của nhân dân hai nước. Cuộc hội đàm lần này đã đem lại cho nhân dân ta niềm hi vọng mới”. Ngày 12 tháng 7 năm 1954, Hội nghị Giơnevơ về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương đã bế mạc. Cùng ngày, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố cuối cùng về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hai bên tham chiến ở Việt Nam, Lào và Cămpuchia đã ký kết hiệp định ngừng bắn. Đó là thắng lợi của nhân dân Việt Nam và nhân dân Đông Dương, là thắng lợi của các lực lượng hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới.
Giai đoạn 5: Từ 1955 đến 1968
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc Việt Nam được giải phóng, Hồ Chủ tịch đã rất nhiều lần đi thăm, và đi nghỉ ở Trung Quốc và đã từng nhiều lần đón tiếp các bạn từ Trung Quốc sang. Có thể nói rằng từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây đâu đâu trên đât nước Trung Hoa đều in đậm dấu bước chân của Người.
Giai đoạn 6: Từ 1969 đến nay
Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, ngày 4 tháng 9 Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc đến Hà Nội chia buồn. Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã gửi điện chia buồn trước tổn thất lớn lao của nhân dân Việt Nam. Tại Trung Quốc, nhiều nơi đã tổ chức mít tinh, làm lễ truy điệu tưởng nhớ Người. Ngoài điện văn, rất nhiều bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đăng trên báo chí Trung Quốc, ca ngợi sự nghiệp cách mạng vỹ đại và công lao to lớn của Người. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã in đậm trong trái tim nhân dân Trung Quốc.
Trong thời kỳ mới, khi hai nước Việt Trung đang cùng nhau tập trung sức lực vào công cuộc xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, dựa trên phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và trên tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, về mặt kinh tế thương mại, giao lưu văn hóa hay đi thăm nhau đều đã được tăng cường và đạt được những thành tích rực rỡ. Mối quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Trung Việt đang trên đà phát triển toàn diện và tốt đẹp. Điều này phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước và cũng là điều mong mỏi thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Nhân dân thành phố Nam Ninh (khu tự trị dân tộc Choang) Quảng Tây đến Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/1969)
Phần niên biểu: Được sắp xếp theo thứ tự thời gian những sự kiện tiêu biểu về mối quan hệ mật thiết giữa Bác Hồ với Trung Quốc từ mùa hè năm 1922 đến ngày Người qua đời
Phần phụ lục: Bao gồm những bài thơ chữ Hán Người đã viết trong những chuyến thăm Trung Quốc hoặc tặng các đồng chí Trung Quốc tại Việt Nam. Những bức điện chia buồn của Quốc Vụ Viện, Ủy ban Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính quyền Nhân dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời… Tất cả đã phản ánh tình cảm sâu nặng của nhân dân, của Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc đối với một vĩ nhân suốt đời hy sinh vì dân vì nước.
Có thể nói cuốn sách phản ánh một cách toàn diện, hệ thống, ngắn gọn và rõ ràng các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc và tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Những tư liệu ảnh và tài liệu lịch sử được chọn trong cuốn sách vô cùng quý giá, vô cùng sinh động. Bốn phần cuốn sách vừa mang tính độc lập, vừa có mối liên quan với nhau, giúp người đọc hiểu sâu sắc thêm mối quan hệ tình cảm đặc biệt giữa Hồ Chủ tịch và nhân dân Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng hữu nghị núi liền núi sông liền sông. Dù trong những năm tháng đấu tranh cách mạng hay trong thời kỳ hòa bình xây dựng, mối quan hệ giữa hai nước luôn luôn mật thiết. Với một khối lượng lớn tranh ảnh quý, cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc” là một tài liệu tham khảo quý báu cho việc học học tập, tìm hiểu những sự kiện lịch sử về hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh trên đất nước Trung Hoa, một lần nữa thể hiện mối tình hữu nghị chân thành “vừa là đồng chí, vừa là anh em” và cũng giúp chúng ta cảm nhận tình cảm sâu sắc nồng nàn của của Hồ Chủ tịch với nhân dân Trung Quốc. Đó là bằng chứng sinh động nhất trong quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt- Trung./

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)