slider

Giới thiệu cuốn sách: Bác Hồ với Hà Nội

13 Tháng 03 Năm 2012 / 5325 lượt xem
Phạm Ngọc Huệ
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia
 
 
Từ lâu, Hà Nội đã trở thành biểu tượng cho các giá trị văn hóa của dân tộc, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, mở đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các hoạt động của Người đều được lưu lại bằng hình ảnh, qua ký ức của nhiều người. Những tư liệu quý giá đó được các tác giả Bùi Kim Hồng, Đỗ Hoàng Linh và Nguyễn Văn Dương sưu tầm và biên soạn thành cuốn sách  “Bác Hồ với Hà Nội” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành năm 2010, với 364 trang, kích thước19 X 27cm. Với mong muốncuốn sách này là một bông hoa nhỏ trong lẵng hoa muôn màu sắc của cả nước dâng lên kỷ niệm Hà Nội 1000 năm tuổi.
Một trong những công trình nhân dịp Hà Nội 1000 năm tuổi
Sinh ra nơi xứ Nghệ nhưng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội là nơi Người sống và làm việc lâu nhất. Nơi đây, rất nhiều đồng chí, đồng bào có vinh dự được gặp Bác, nghe Bác chỉ bảo, dạy dỗ. Những con người may mắn đó đã lưu giữ lại những kỷ niệm quý về Bác để giờ đây, trong cuốn sách này, họ kể lại bằng những câu chuyện và những hình ảnh, giúp chúng ta hiểu hơn về sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của Người với Hà Nội. Hà Nội không chỉ là nơi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập mà còn là nơi Người viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, khẳng định chân lý Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Hà Nội còn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc lịch sử, dành tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân ta và bạn bè quốc tế trước lúc Người đi xa.
Chỉ còn ít ngày nữa, Hà Nội sẽ long trọng kỷ niệm 1.000 năm tuổi. Gần 1000 năm qua, dù trải qua bao biến cố thăng trầm bởi những cuộc chiến tranh giữ nước kéo dài trong nhiều thập kỷ, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là một trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước.
Nội dung cuốn sách Bác Hồ với Hà Nội chứa đựng một lượng lớn thông tin về tình cảm của Bác Hồ với Hà Nội, đó là lời thăm hỏi ân cần, sự chỉ đạo sát sao của Người đối với nhân dân Thủ đô trong lao động, sản xuất và chiến đấu, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và Hà Nội trở thành trái tim của hậu phương lớn miền Bắc, chi viện cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng đất nước.
Cuốn sách được chia làm hai phần:
 Phần I: Chứng nhân của nhiều thời khắc lịch sử.Phần nàycó gần 200 hình ảnh tư liệu quý liên quan đến hoạt động của Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội và tình cảm của nhân dân Hà Nội đối với Bác Hồ, được xếp theo trình tự thời gian. Các tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh tư liệu của các nhà nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Đây sẽ là một nguồn tài liệu sinh động, quý giá giúp bạn đọc nghiên cứu, tìm hiểu về sự quan tâm sâu sắc cùng tình yêu thương, tôn trọng của Người dành cho toàn thể nhân dân Thủ đô, cho các bộ, ban, ngành trên nhiều lĩnh vực.
Bắt đầu từ mùa Thu lịch sử năm 1945 - khi toàn thể dân tộc đánh thắng giặc Pháp và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dáng Người đứng hiên ngang cùng các thành viên Chính phủ lâm tời (tức Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam) vào tháng 8-1945. Hay là những bức ảnh quý hiếm như quang cảnh trước buổi lễ công bố bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Nhiều bức ảnh đã lưu lại lịch sử, khẳng định dấu ấn Việt Nam trên chính trường thế giới, như bức ảnh Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập; bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Hoàng thân Xuphanuvông (Lào); bức ảnh Người chụp với các nhà tư sản Hà Nội tại Bắc Bộ Phủ… Có bức ảnh, chúng ta thấy được cả một thời nhân dân Việt Nam sống trong đói khổ, nhưng ý chí, quyết tâm sắt đá đã khiến họ vô cùng mạnh mẽ, kiên cường.
Qua những bức ảnh Người đến thăm Viện Viễn Đông Bác Cổ, thăm Trại Hướng Đạo Sinh, đi bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình… chúng ta thấy được sự quan tâm rộng lớn và sâu sắc của Người đối với tất cả các tầng lớp xã hội, các ngành nghề.
Có những bức ảnh trở thành chứng nhân lịch sử, như bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 tại số nhà 38 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Hiệp định Sơ bộ  công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, quân đội và tài chính riêng, ở trong Liên bang Đông Dương và Khối liên hiệp Pháp. Bản Hiệp định tuy chưa đem lại nền độc lập hoàn toàn cho dân tộc ta, song đây cũng là bản Hiệp định quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ký với nước ngoài, có sự chứng kiến của đại diện các nước Mỹ, Anh và Trung Hoa. Điều đó chứng tỏ Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp.
Qua những bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên máy bay sang thăm Pháp, hoặc khi Người tới thăm tuần lễ Văn hóa Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, nhiều người sẽ tự hỏi vì sao một con người gầy, nhỏ như vậy, lại có thể đảm đương được những công việc lớn lao phi thường, vì lợi ích của hàng chục triệu người khác. Là một người Việt Nam, sinh ra trong cảnh đất nước đang chịu gông cùm thực dân, Hồ Chí Minh đã quên ăn, quên ngủ, quên cả sức khỏe của mình, để có đủ thời gian làm hết một khối lượng công việc khổng lồ mà với sức lực đó, người khác khó có thể kham nổi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ kháng chiến khi ấy chỉ có khoảng 20 người, là một tổ chức gồm nhiều giai cấp và độ tuổi. Điều đó đã từng được nhắc tới và sẽ được nhắc nhiều hơn như là một trong những đường lối đúng đắn đã làm nên sự đoàn kết to lớn trong các tầng lớp nhân dân, tư sản, tiểu tư sản và chí sĩ yêu nước. Không câu nệ vào thành phần xuất thân, những người có tâm huyết, có tài trí đều được Người trân trọng mời tham gia Chính phủ.
Cuốn sách như một cuốn lịch sử tóm lược bằng hình ảnh. Bởi những thời khắc quan trọng của dân tộc, kể từ khi tuyên bố độc lập, đều có sự tham gia và đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh - một con người đã khai sinh và làm rạng danh đất nước nhỏ bé ở miền Viễn Đông này. Đây là những tư liệu quý giá về một thời đã qua.
Phần II: Bác Hồ - Người sống mãi trong lòng các tầng lớp nhân dân, biểu tượng sống của Hà Nội. Phần này gồm những câu chuyện kể về Bác, về những kỷ niệm của Bác với Thủ Đô những ngày kháng chiến cho đến khi thắng lợi. Đó có khi chỉ là người chỉ được gặp Bác một lần, được chụp ảnh cho Bác, hay người đã từng làm việc bên Bác suốt những năm tháng Người còn sống.
Trải qua những biến cố khiến nhân dân ta phải trường kỳ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vững lòng lãnh đạo nhân dân, từng bước kiên trì và khéo léo để giành lại thắng lợi một lần nữa trong tay địch. Những đức tính của Người thể hiện trong suốt quá trình sống, làm việc, đó là sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà Người luôn là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
Tư thế nghiêm trang của Người khi căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành Hà Nội đã khắc sâu những lời lẽ giản dị vào tâm óc của cán bộ chiến sĩ ta: “Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện. Chớ để lộ bí mật. Chớ xa xỉ, tham ô, lãng phí…”. Những chữ “chớ” nhẹ nhàng, ân tình ấy, cùng với ánh mắt hiền từ của Người nhưng vô cùng nghiêm khắc, đã có tác dụng rất lớn trong việc củng cố tinh thần của những người lính nhiều năm sống nơi núi rừng, đang mong “giải tỏa”, “xả hơi”, hưởng thụ khi trở lại thành thị.
Độc giả sẽ được ngắm kỹ những ngôi nhà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống suốt thời gian theo kháng chiến trường kỳ. Đó bao giờ cũng là những ngôi nhà giản dị, đơn sơ so với quyền lợi mà Người có thể được hưởng, ở cương vị một người lãnh đạo toàn Đảng, toàn Dân. Đó là Phủ Chủ tịch, nơi Người từng  hội họp và tiếp khách, đó là nhà 54 hiện vẫn còn trong Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Người đã muốn xây một nhà họp Quốc hội vừa phải để “bao giờ dân ta khá hơn, xóa được nhà ổ chuột thì hãy làm. Mình nghèo anh em ai người ta chẳng biết, không có gì phải xấu hổ vì không có hội trường lớn”.
Trong bất kỳ trường hợp nào, Người luôn luôn ăn mặc hết sức giản dị. Nhưng điều gì thực sự là sức hút ở con người giản dị này? Cầm cuốn sách ảnh trên tay, người đọc sẽ khám phá ra qua từng trang sách, với những lời giải thích ngắn gọn và đôi khi là cả mẩu chuyện có liên quan đến khung cảnh.
Trong những buổi Người đến thăm và nói chuyện với nhân dân, học sinh, sinh viên, thường thấy một không khí vui vẻ, sôi nổi, toát lên trong ánh mắt, nụ cười của những người tới dự. Hồ Chí Minh không chỉ căn dặn, diễn thuyết, Người còn rất hóm hỉnh, ngắn gọn biểu cảm trong truyền đạt. Người đến các lớp học, dừng lại để dự giờ, xem thầy giáo giảng, xem cách học của trò. Người đến liên hoan giao thừa (năm 1956) tại trường thương binh hỏng mắt và khẳng định: họ là những người “tàn mà không phế”, Người khuyên họ tiếp tục học nghề để phục vụ nhân dân. Khi thì Người tiếp sinh viên quốc tế sang Việt Nam và ngoại ngữ không phải là vấn đề gây trở ngại cho Người.
Trong cuốn sách, chiếm số lượng nhiều nhất là ảnh Bác Hồ vui chơi với các cháu nhỏ. Có những tấm ảnh Người đeo khăn quàng cho một cháu gái, lại có tấm Người đến thăm một lớp học. Nhiều tấm ảnh chụp Người chơi với các cháu nhỏ trong vườn Phủ Chủ tịch. Vào mùa đông, mỗi cháu bé đều mặc một chiếc áo trấn thủ - dấu ấn khó phai của một thời tái thiết đất nước.
Người thường xuyên tiếp đón và tặng thiệp chúc năm mới cho đoàn đại biểu nhân dân các xã ngoại thành Hà Nội. Sáng mùng Một, Người còn đến tận các thôn để thăm và chúc Tết đồng bào.
Người rất bận rộn nhiều khi giải quyết các công việc của Nhà nước và Chính phủ, nhưng Người cũng luôn là một nông dân đích thực khi lội ruộng, thăm đồng. Không chỉ tát nước chống hạn, Người sẵn sàng lội xuống ruộng, trực tiếp dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại trại thí nghiệm trồng lúa Hà Nội. Người đọc sẽ không lạ gì hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tát nước chống hạn cùng nhân dân trong bức ảnh Người tới xã Đại Thanh, Thường Tín năm 1958. Rồi bức ảnh Người đến thăm thanh niên đang làm đường Cổ Ngư và đặt tên đường là đường Thanh Niên.
Người đã dành nhiều thời gian để đi thăm từ một lớp vỡ lòng đến những cơ sở sản xuất nhỏ. Bao giờ Người cũng mong muốn cán bộ công nhân áp dụng những phương pháp khoa học để sản xuất “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” phục vụ đời sống và kháng chiến. Người đặc biệt quan tâm và mong mỏi giới công nông biết tổ chức thành hợp tác xã, áp dụng khoa học để sản xuất cho sản phẩm nhiều, chất lượng tốt.
Kỷ niệm gặp gỡ luôn sống động trong lòng những con người tài năng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh… Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh đã vô cùng xúc động mỗi khi kể lại việc Bác đã dành thời gian để “chiều” người nhiếp ảnh gia này, để ông được chụp tấm ảnh Người sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập. Chính từ buổi ấy, nghệ sĩ nhận ra “Trong đời tôi, một bình minh đã đến”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong câu chuyện “Những năm tháng không thể nào quên” đã nhận định: “Chúng tôi sôi nổi báo cáo với Bác tình hình khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh. Bác ngồi lặng nghe, vẻ mặt điềm đạm. Tính Bác vẫn vậy, khi vui khi buồn đều vẫn điềm đạm”.
Trong nhiều câu chuyện đặc biệt về Bác được kể trong cuốn sách, người đọc sẽ được biết tới ký ức thiêng liêng về căn nhà 48 Hàng Ngang lịch sử. Đó là những dòng tâm trạng, tâm sự của một phụ nữ “tư sản” đã tình nguyện phục vụ Bác và nhiều đồng chí Trung ương Đảng trong những ngày trước và sau lễ độc lập 2-9. Đó là ký ức của bẩt Trịnh Văn Bô - chủ căn nhà 48 Hàng Ngang nay đã thành di tích lịch sử. Câu chuyện cho thấy tình cảm chân thành, niềm tin vào cách mạng và sự hy sinh cho cách mạng, cho đất nước của những gia đình tư sản nổi tiếng của Hà Nội thời bấy giờ.
Trong câu chuyện “Người Hà Nội nhớ Bác” là cảm xúc của một cô nữ sinh Thủ đô kéo cờ trong Lễ độc lập. “Ngay những phút đầu tiên, Bác đã để lại cho tôi những ấn tượng hết sức sâu sắc về một tấm lòng thương yêu nhân dân không bờ bến, một ý chí cách mạng kiên cường, và một sự trong sáng, giản dị trong nếp sống”. Sức mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan truyền đến mọi người dân. Sự ngưỡng mộ của họ bắt đầu từ những hành vi, cử chỉ hết sức thân ái, tình cảm của Người.
Đọc cuốn sách để biết điều ít người biết về cái đêm Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt đường lầy, xe hỏng, mưa đêm để đọc bài thơ chúc Tết hết sức hào hùng: “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi” - đó là tết kháng chiến đầu tiên Đinh Hợi năm 1947. Về kỷ niệm những lần Người đi trồng cây, Người đến thăm các cơ quan, tập thể, lặng lẽ xem xét và phê bình thẳng thắn cũng như góp ý để mọi người phấn đấu sửa đổi…
Phần kể chuyện này là những câu chuyện nho nhỏ nhưng hết sức thực tế, sinh động về quan điểm và cách làm của Người đối với công cuộc chống giặc đói, giặc dốt và những chỉ bảo của Người nhằm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng…
Với Thủ đô Hà Nội, nơi Bác Hồ sống phần lớn cuộc đời, Người đã trở thành một biểu tượng sống về lòng nhân từ, bác ái. Cuốn sách “Bác Hồ với Hà Nội” sẽ góp phần giới thiệu “biểu tượng Hồ Chí Minh ” tới bạn đọc./

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)