slider

Giới thiệu cuốn sách: BÁC HỒ VỚI TÂY NGUYÊN

25 Tháng 09 Năm 2013 / 16656 lượt xem
Phạm ngọc Huệ
Tạp chí Cộng sản
Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa một lần đến Tây Nguyên nhưng tình cảm của Người, miền Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng luôn đau đáu trong tim. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Bác luôn là vị cha già yêu kính nhất, là ánh sáng soi đường, chỉ lối đưa người Tây Nguyên cùng cả nước vượt qua muôn vàn gian khó, để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2013), nhân dịp khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai (9/12/2012) và thực hiện Chỉ thị 03/CT-TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhóm tác giả Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Văn Dương và Lường Thị Lan đã sưu tầm, biên soạn cuốn sách "Bác Hồ với Tây Nguyên". Cuốn sách trở thành nguồn động viên quý giá để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục phát huy vai trò cách mạng to lớn của mình, quyết tâm làm theo lời Bác dạy, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn.
Cuốn sách “Bác Hồ với Tây nguyên” là một tập hợp có chọn lọc các bài viết, bài nói của Bác về đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và những hồi ký của những người con Tây Nguyên với nhiều kỷ niệm đáng nhớ về giây phút được ở bên Bác Hồ, qua đó thể hiện tình cảm của Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng như tình cảm chân thành, sâu sắc của của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác Hồ.
Các bài viết, bài nói của Bác Hồ về đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
Khó có thể kể hết những câu chuyện cảm động về tình dân, lòng dân dành cho Bác kính yêu. Và, tấm lòng của Bác đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng thật sâu nặng. Trong Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plây-cu cùng các đồng bào dân tộc thiểu số ngày 19-4-1946, Bác căn dặn: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào... Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...” (trang 11). Đặc biệt, trong những năm tháng chiến tranh, nhiều người con Tây Nguyên ra miền Bắc học tập, lao động và chiến đấu đã vinh dự được gặp Bác Hồ, được Người quan tâm, thăm hỏi và động viên như truyền thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù để giữ lấy từng tấc đất của buôn làng thân yêu.
Ngày 30-11-1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt ở cả hai miền Nam - Bắc, Bác Hồ lại gửi thư thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Tây Nguyên. Người viết: “... Quân và dân Tây Nguyên, già trẻ, gái trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua diệt giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” (trang 39). Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm cổ vũ, động viên đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Gia Lai vượt qua mọi khó khăn cùng với nhân dân cả nước đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Bác nhiệt liệt khen ngợi các anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, cán bộ, chiến sĩ và toàn thể đồng bào Tây Nguyên đã dũng cảm chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh, phục vụ tiền tuyến, lập công vẻ vang. Tuy nhiên, Bác cũng không quên nhắc nhở đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Tây Nguyên: “Đồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên đã đoàn kết càng phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng không ngừng, phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của địch, ra sức củng cố và phát triển vùng giải phóng và phục vụ tiền tuyến”… (trang 39).
Với tấm lòng chân thành, đồng bào Tây Nguyên đáp lại tình cảm của Bác bằng niềm tin yêu son sắt, lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc đối với vị cha già của dân tộc Bác Hồ trong trái tim người dân Tây Nguyên
Khắc ghi lời dạy của Bác, trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng bào Tây Nguyên luôn sát cánh cùng đồng bào cả nước một lòng một dạ theo Đảng, theo cách mạng. Khắp núi rừng Tây Nguyên đã dấy lên các phong trào thi đua giết giặc cứu nước như phong trào xây dựng làng chiến đấu, góp lương nuôi bộ đội, tình nguyện nhập ngũ, đánh địch bằng hầm chông, bẫy đá... Cả đại ngàn Tây Nguyên đã làm cho quân thù khiếp sợ. Trong những ngày tháng đói cơm, lạt muối, buôn làng luôn phải di dời để tránh càn, bố phòng đánh địch, người Tây Nguyên vẫn luôn mang trong tim hình ảnh Bác Hồ như điểm tựa sức mạnh tinh thần, vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, phòng đánh địch bảo vệ buôn làng.
Nhớ về những kỷ niệm được gặp Bác Hồ, Bác sĩ Y Ngông Niêk Đam - Dân tộc Ê Đê (Đắc Lắc), Nguyên ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục xúc động nói: “Đã gần hai mươi năm qua rồi mà vẫn không quên những cảm giác lần đầu tiên được gặp Bác Hồ...”(trang 65). “Lời Bác nói đến đâu đều thấm đến đó. Tôi thấy Bác gần gũi với các dân tộc Tây Nguyên quá. Bác như một nhân vật hiện ra từ trong ước mơ của các dân tộc Tây Nguyên...” ...”(trang 66). “Sau mỗi lần gặp Bác, tôi lại thấy mình lớn hơn. Tôi mơ một ngày kia thống nhất Bác vào miền Nam. Bác lên Tây Nguyên, núi rừng Tây Nguyên sẽ đón Bác với tất cả lòng tin tưởng kính yêu như đón một người cha đi xa lâu ngày về thăm con cháu”(trang 57). Đồng chí Kim Nhất kể lại trong “Hồi được gặp Bác Hồ tôi còn là thiếu nhi”: “Sự thật trong trí tưởng tượng của tôi lúc bấy giờ Bác Hồ không phải người trần bình thường mà là một vị Yàng cao to từ trên trời xuống trần cứu đồng bào hết cái khổ cái nghèo. Và vị Yàng linh thiêng đó còn biết biến hoá và biết bay như rồng nữa. Vì vậy, khi sắp được tặng hoa cho Bác, tôi cứ nghĩ Bác Hồ là người như thế. Nhưng khi chiếc xe con vào tới tận Phủ Chủ tịch thì tôi nhìn thấy người đứng trên thềm phủ là một ông già đầu lưa thưa tóc bạc, vầng trán cao rộng rất đỗi thông minh. Dưới vầng trán cao rộng ấy là đôi mắt long lanh hiền từ đang cười đón chúng tôi” (trang 87).
Tình cảm sâu sắc của người dân Tây Nguyên với Bác đã đi vào những câu chuyện, những việc làm cụ thể hàng ngày. Với họ, Bác tuy là một lãnh tụ nhưng gần gũi vô cùng, là hơi thở, là cuộc sống của họ. Sinh thời, Anh hùng Núp - người từng được nhiều lần gặp Bác - đã để tang Bác 100 ngày, không cạo râu, không cắt tóc khi hay tin Bác mất. Còn đồng bào, dù không có tín ngưỡng thờ cúng - bởi với họ, sau lễ bỏ mả là cắt đứt mọi sợi dây ràng buộc với người chết - nhưng nhà nhà lập bàn thờ Bác với niềm kính yêu, thương tiếc vô hạn. Hiện nay, nhiều gia đình vẫn thờ ảnh Bác nơi trang trọng trong những nếp nhà sàn.
Lòng dân Tây Nguyên với Bác đặc biệt còn khắc ghi qua câu chuyện góp gỗ xây lăng Bác ờ Hà Nội (năm 1973). Những cây gỗ quý già trăm năm tuổi ờ rừng nguyên sinh Kon Hà Nừng đã góp vào công trình lăng Bác. Sức mạnh nào, nếu không phải là tình yêu vô bờ bến dành cho Bác kính yêu khiến nhân dân có thể thực hiện công việc khó khăn đến thế khi phải vượt đường xa, suối sâu đưa gỗ ra tới Thủ đô. Bác sĩ Y Ngông Niêk Đam nhấn mạnh: “… Tôi cứ nói mãi về tấm lòng của người dân Tây Nguyên đối với Bác Hồ. Lòng kính yêu của Bác Hồ đối với nhân dân Tây Nguyên nhiều như cây rừng, cao như núi đá, dài như suối. Từng rễ cây rừng cũng muốn uống nước nguồn của Bác, từng lá cây trên núi cũng muốn đón gió ngàn của Bác. Trước kia, cả núi rừng Tây Nguyên đã theo Bác trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày nay, núi rừng Tây Nguyên lại vẫn một lòng với lời dạy của Bác ngày trước”(trang 62).  Những tình cảm của người dân Tây Nguyên với Bác Hồ khó có lời nào diễn tả hết. Họ đã gửi vào những ca khúc viết về Bác Hồ với Tây Nguyên.Từ bài hát “Đêm thao thức” của nhạc sĩ người dân tộc Gia Rai Kpă Pui (Tây Nguyên): “Ôi sao sáng mến yêu, hãy nhắn lòng biết ơn, lòng mong nhớ tới Bok Hồ”, tác giả khẳng định: “Tây Nguyên đã đứng lên bước theo Bok Hồ giữ gìn quê hương”. Và trong những ngày đất nước còn tạm bị chia cắt làm hai miền, người Tây Nguyên vẫn vững tin vì có “Mắt Cha sáng long lanh thương yêu nhìn thấu lòng muôn người”, để rồi một ngày kia “Được ấm no muôn đời”... Đến rất nhiều những ca khúc ra đời muộn hơn nhưng cũng nhanh chóng nổi tiếng vào thời điểm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: “Cánh chim báo tin vui” (Đàm Thanh); “Tây Nguyên mừng đón thơ Bác” (Doãn Nho)...
Ít người biết rằng một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không có họ. Sau ngày đất nước độc lập, bà con đã xin Bác Hồ cho được mang họ của Người. Nhạc sĩ Huy Thục đã ghi lại hình ảnh của những cô gái Pa Cô “Con cháu Bác Hồ” khi nghe “Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến”, đã cùng rủ nhau “Dù mưa bom cũng không ngại chi, đi đánh Mỹ để giữ núi rừng ”, với quyết tâm “Giặc chưa hết chưa về dù rừng thương núi nhớ”...Về sau, khi Bác Hồ đi xa, nhiều nhạc sĩ vẫn tiếp tục viết về tình cảm của nhân dân ta với Bác. Nhạc sĩ Lê Lôi cho ra đời ca khúc “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên”, phổ thơ của Kpă Y lăng. Bài hát là lời nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nhắn gửi rằng “ai thương, ai quý Bác Hồ bằng người Tây Nguyên” và “Bác Hồ sống mãi bên từng mái nhà, từng nương rẫy, trong điệu sáo tiếng đàn tr’ưng”. Chiến thắng Buôn Ma Thuột mùa xuân 1975, Kpă Púi sáng tác bài hát “Tây Nguyên giải phóng” nhắc đến “Công ơn của Bác Hồ khắc ghi đời đời” trong tâm hồn người dân Tây Nguyên khi sông núi đất trời đã về ta”...
Đất nước thống nhất, dù Bác đã đi xa, nhưng công ơn của Bác, hình ảnh Bác vẫn còn mãi trong lòng dân Tây Nguyên. Mạnh Trí đã viết bài “Ơn Bác Hồ với người Tây Nguyên”; nhạc sĩ Y Sơn Niê, sáng tác bài “Ơ chim Ktia”, “Hoa suối”, “Bác Hồ, người là sao Bắc Đẩu; Đức Bình có bài hát “Dâng Người lời ca Tây Nguyên hôm nay”; Văn Chừng viết bài hát “Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên”...
Bác Hồ - vị Cha già muôn vàn kính yêu, ngọn đuốc soi đường, chỉ lối
Thấu hiểu nguyện vọng, tình cảm và lòng mong muốn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai mong muốn có một công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, năm 2008, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã đồng ý cho xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai. Tượng đài do Nhà điêu khắc Phạm Bá Đua, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam thực hiện. Cùng với công trình Tượng đài Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Gia Lai và Kon Tum là trung tâm chính trị, văn hóa của 2 tỉnh được khánh thành và đưa vào hoạt động nhân kỷ niệm 94 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-1984). Đây là công trình thể hiện ước nguyện của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai, Kon Tum nói riêng “chưa được đón Bác vào thăm, thì làm nhà rước Bác vào ở”. Đánh giá về công trình Tượng đài Bác Hồ, Hội Mỹ thuật Việt Nam nói: “Trước hết phải nói đây là công trình lớn đặt ở Tây Nguyên, Tượng đài Bác Hồ đã hoàn thiện về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, hài hòa với không gian Quảng trường Đại Đoàn Kết, là trung tâm, là điểm nhấn của toàn bộ không gian... Toàn cảnh chung của quảng trường nơi xây dựng Tượng đài Bác Hồ tạo thành một quần thể về văn hóa và chính trị và là một quảng trường không gian mở, quảng trường cho nhân dân”. Đồng thời, cũng như đánh giá Hội Kiến trúc sư Việt Nam: “Ở đây, là một quảng trường với nhiều câu chuyện lịch sử để nói, một không gian lớn với nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác Hồ”. Vậy là, Bok Hồ đã về giữa Tây Nguyên, thỏa lòng khát khao bấy lâu của hàng triệu trái tim Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng... trải qua mấy mươi mùa rẫy, như lời ca bay vút theo cánh chim chơ-rao “Tây Nguyên đứng lên theo chân Bok Hồ giữ gìn quê hương”; như lời thơ bén sâu tựa rễ cây kơ-nia luôn “uống nước nguồn miền Bắc”; như lời người Tây Nguyên “Khi viết tới Hồ Chí Minh người Ê Đê, người Xơ Đăng, người Châu-Ro, người Gia Rai, người Ba Na... không dùng bút, dùng giấy, dùng mực mà rủ nhau vô rừng đào cây xachk-lang về mài thay bút, thay mực, đời trước, đời sau chuyền nhau viết mãi về Hồ Chí Minh”...
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại thành phố Plây-cu là công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn. Đây là món quà mà Đảng, Nhà nước tặng cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên nhân dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai, thể hiện tình cảm của Đảng, của Bác với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và cũng là tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, đối với Bác.
Với hơn 200 trang sách “Bác Hồ với Tây Nguyên”, tình cảm của người dân Tây Nguyên với Bác Hồ và tình cảm của Bác Hồ với Tây Nguyên thật khiến người đọc cảm động sâu sắc. Đúng như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết - trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai) khi tham dự sự kiện trọng đại Khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tối 9/12/2012: “Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có điều kiện đến thăm Tây Nguyên, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim Người lúc nào cũng đau đáu một niềm thương nhớ, yêu quý đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Bác Hồ luôn luôn là vị Cha già muôn vàn kính yêu, là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối để Tây Nguyên cùng cả nước vượt qua mọi gian khổ, khó khăn giành độc lập tự do và có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay”./

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)