slider

Giới thiệu cuốn sách: CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC

24 Tháng 01 Năm 2013 / 10242 lượt xem
Cách đây tròn một thế kỷ, ngày 5-6-1911, từ bến cảng Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Văn Ba với lòng yêu nước nhiệt thành, tình thương dân vô hạn, nghị lực phi thường đã ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau ba thập kỷ, bôn ba qua bốn châu lục, gần 30 nước trên thế giới, lao động, học tập, tham gia hoạt động các tổ chức, phong trào cách mạng của thế giới, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác… Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, các nhà quản lý từ mọi miền đất nước dày công nghiên cứu, suy nghĩ, tìm tòi tư liệu và viết bài. Các bài viết được tập hợp xuất bản thành cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh - hành trình tìm đường cứu nước, do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản mới đây.
Nguyễn Tất Thành quyết chí tìm đường cứu nước
Xuất thân trong gia đình nhà Nho ở vùng quê xứ Nghệ đất cằn cỗi, dân nghèo nhưng tinh thần nhẫn nại, giàu truyền thống yêu nước, được tiếp xúc với các vị tiền bối là những sĩ phu yêu nước, những nhà Nho uyên thâm, nhờ có trí thông minh, mẫn cảm tuyệt vời, Nguyễn Sinh Cung đã sớm có lòng yêu nước, thương người. Trong cuốn sách, các nhà khoa học đã cung cấp những thông tin tư liệu về quê hương, gia đình, tuổi niên thiếu của Nguyễn Sinh Cung, những năm tháng đi học ở Vinh, ở Huế cả về quốc học Việt Nam, cả về Hán văn và Pháp ngữ, được người cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và các sĩ phu khác dẫn dắt, định hướng… Tất cả những yếu tố đó đã góp phần hình thành trí tuệ, ý chí, khát vọng ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Lớn lên khi xã hội Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp bách: làm thế nào để cứu nước cứu dân, giành độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân. Các phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, phong trào Đông Du, Duy Tân đầu thế kỷ XX do các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh khởi xướng thể hiện nhu cầu cấp bách ấy của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Nhưng rồi phong trào Cần Vương thất bại, chấm dứt thời kỳ đấu tranh giành độc lập dưới khẩu hiệu “phò vua giúp nước”. Phong trào Đông Du, Duy Tân đầu thế kỷ XX đã có lúc phát triển mạnh, nhưng chẳng bao lâu đã bị thực dân dập tắt. Bằng trí tuệ thiên tài và nhạy cảm, Nguyễn Tất Thành đã phân tích sâu sắc những con đường của các bậc tiền bối. Tuy hết sức khâm phục tinh thần yêu nước của cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh nhưng Người không tán thành con đường của hai cụ - “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải cách…, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”; cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp ta đuổi Pháp, thật là nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Vậy thì phải tìm ra một con đường mới, một giải pháp mới cho quê hương đất nước. Rất nhiều bài viết trong cuốn sách đã phân tích cơ sở hình thành khát vọng, động lực ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành và đã trích dẫn khá nhiều câu trả lời phỏng vấn của Tạp chí Ngọn lửa nhỏ (Liên Xô) vào năm 1923 của Người: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái…, nên tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”. Rồi “tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác… họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Tất cả những yếu tố trên đây là động lực thúc đẩy Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Qua đó, các bài viết trong cuốn sách góp phần làm rõ mối quan hệ tương tác giữa yếu tố khách quan và chủ quan, giữa truyền thống yêu nước, bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XX, truyền thống gia đình quê hương với trí tuệ, nghị lực, tư chất, tố chất của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành dẫn đến sự kiện mang ý nghĩa lịch sử và thời đại cách đây hơn 100 năm - ngày 5-6-1911.
Từ Thành phố Sài Gòn, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Sau khi rời Huế vào Bình Định rồi Phan Thiết, dạy học ở Trường Dục Thanh một thời gian, đầu năm 1911 Bác Hồ đến Sài Gòn. Sài Gòn là nơi kết tụ hoài bão của Nguyễn Tất Thành trước ngày ra đi tìm đường cứu nước. Ở Sài Gòn chỉ bốn tháng (từ tháng 2 đến tháng 6-1911), tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng Sài Gòn lại chính là nơi đánh dấu sự chín muồi cả về nhận thức và hành động của Nguyễn Tất Thành để làm nên mốc son lịch sử ngày 5-6-1911. Sài Gòn - Bến Nghé cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là một nơi rất sầm uất, mau lẹ tiếp thu văn minh Tây Âu, trở thành hòn ngọc Viễn Đông nhờ cảng sông thuận lợi và khả năng dồi dào lúa gạo, cao su, hoa lành, trái ngọt.
Tại Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đi vào các khu thợ, làm quen với những người đang học nghề hay làm thợ ở các trường kỹ nghệ; tiếp cận với những người đã tham gia các phong trào Đông Du, Duy Tân; tìm hiểu con đường đi ra nước ngoài - Nguyễn Tất Thành thấy được các mặt đối chọi nhau ở đây khá rõ. Sài Gòn đồ sộ, sầm uất hơn nhiều lần so với các nơi Người đã đi qua; cảnh ăn chơi xa hoa của người Pháp nhiều hơn. Nơi đây thấy rõ cách tổ chức cai trị, bóc lột tinh vi của tư bản Pháp. Song, “ngay giữa chợ Bến Thành - nơi mà người ta bảo là một thành phố Pháp, bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh phụ nữ bản xứ để bắt họ tránh khỏi làm nghẽn lối”. Sự đối lập, bất công giữa hai cảnh sống của bọn thực dân và những người lao động mất nước, nỗi tủi nhục của người dân nô lệ phải gánh chịu đã thôi thúc thêm ý chí đi ra nước ngoài của Nguyễn Tất Thành. Các bài viết trong cuốn sách của các nhà khoa học đều đánh giá thống nhất: Sài Gòn, nơi tuy Bác dừng chân ngắn nhất, lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước của Người, là nơi định đoạt dứt khoát thái đọ của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Bác Hồ của chúng ta vào năm 1911 để từ thành phố này Người xuất dương tìm đường cứu nước.
Cuộc hành trình vĩ đại
Hầu hết các bài viết trong cuốn sách đều thể hiện tinh thần khoa học và nêu lên những đánh giá, nhận thức sâu sắc trên cơ sở tổng kết sự kiện lịch sử, bổ sung những tư liệu mới, làm rõ chặng đường cứu nước, vừa kiên trì chiến đấu đầy bản lĩnh và trí tuệ để bảo vệ con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Cuộc hành trình vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh dù trải qua nhiều giai đoạn, nhưng đó là một quá trình thống nhất, liên tục từ lao động, học tập, nghiên cứu, hoạt động thực tiễn, tìm ra “cái cần thiết” cho dân tộc, đến quá trình hoàn thiện đường lối cứu nước, kiên trì chiến đấu bảo vệ chân lý, thực thi lý tưởng, đường lối trong thực tiễn cách mạng Việt Nam và giành được những thắng lợi vẻ vang trong thế kỷ XX. Đó là quá trình từ thập niên thứ hai, thứ ba của thế kỷ XX, Nguyễn Tất Thành lao động, học tập từ Pháp qua châu Phi, sang nước Mỹ, Anh rồi trở về Pháp, tiếp thu được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người… tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no”.
Để thực hiện con đường đó, Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, nhiều tổ chức, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, trước hết là xây dựng lực lượng, đào tạo cán bộ, thành lập đảng cách mạng. Người đã chủ trương “phải có cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Muốn có đảng cách mạng trước hết phải có lý luận, có “chủ nghĩa làm cốt”, “ai cũng phải hiểu”, “ai cũng phải theo” mà “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Do vậy, trong thập niên thứ ba của thế kỷ XX, Người đã dày công truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tổ chức các lớp đào tạo cán bộ, chuẩn bị mọi điều kiện để sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, từ Đường Kách mệnh đến Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình vắn tắt… thực sự đã trở thành Cương lĩnh chính thức của Đảng, thể hiện nội dung cơ bản của con đường cách mạng Việt Nam. Con đường đó là kết quả của quá trình lao động, học tập, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại giàu lòng yêu nước, thẩm thấu chủ nghĩa nhân văn, thương dân tha thiết, nhạy cảm, minh mẫn và có ý chí quyết liệt để cứu dân, cứu nước. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước với những tư tưởng dân chủ tiến bộ của nhân loại, với chủ nghĩa Mác - Lênin chân chính với những sáng tạo độc đáo và đúng đắn, không những phù hợp với thực tiễn Việt Nam mà còn có tầm quan trọng quốc tế. Nắm vững bản chất nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, với tinh thần vì dân, vì nước, vì con người, Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo học thuyết đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi yếu tố dân tộc, đoàn kết dân tộc là “động lực lớn của đất nước”. Đó là kết quả của sự tổng kết sâu sắc thực tiễn lịch sử Việt Nam, đáp ứng yêu cầu lịch sử cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta, Người đã “đặt nhiệm vụ phản đế, giải phóng dân tộc lên trên hết”; vấn đề “giai cấp đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”. Người đã hoàn thiện đường lối chính trị và tổ chức Mặt trận Việt Minh, tạo nên sức mạnh vĩ đại của dân tộc để chiến thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc - tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nhiều bài viết trong cuốn sách đề cập các giai đoạn, những mốc son lịch sử, những nội dung quan trọng, phong phú, đúng đắn, những đánh giá của các học giả, chính khách nước ngoài về đường lối cứu nước do Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn và hoạch định, cũng như những sự kiện lịch sử của dân tộc hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam để minh chứng cho sự đúng đắn của con đường cách mạng Việt Nam do Bác Hồ lựa chọn; từ đó, thấy được công ơn to lớn, tầm vóc vĩ đại của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng Hồ Chí Minh kính yêu.
Vững bước theo con đường Người đã chọn
Các bài viết trong cuốn sách không chỉ khẳng định sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ngày 5 tháng 6 năm 1911, sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và công lao to lớn của Bác Hồ, mà còn củng cố niềm tin, tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vững bước trên con đường Người đã chọn, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng bộ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ góc nhìn, cách tiếp cận với những kết quả nghiên cứu mới, những nhận thức quá khứ với những liên hệ hiện tại và tương lai, từ đó, góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, tích cực học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Nhiều bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ thể hiện nhận thức sâu sắc, tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân ta “vững bước theo con đường Bác Hồ đã chọn”.
Có thể khẳng định rằng, con đường Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn là con đường duy nhất đúng đắn, bảo đảm cho dân tộc ta có nền độc lập thực sự, đất nước ta phát triển ổn định, phồn vinh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó là con đường phát triển đất nước phù hợp với quy luật và xu thế đi lên của thời đại. Các bài viết trong cuốn sách làm phong phú hơn hiểu biết của chúng ta về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, kịp thời góp phần vào việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian tới - một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã được Đại hội lần thứ XI của Đảng xác định; khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc vận dụng tinh thần đổi mới và tư duy sáng tạo, độc lập tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc xây dựng con đường phát triển đất nước trong bối cảnh lịch sử mới: Hội nhập và toàn cầu hóa.
(Nguyễn Văn Dương)

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)