slider

Giới thiệu cuốn sách:DI TÍCH LỊCH SỬ- LƯU NIỆM VỀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRÊN ĐẤT TUYÊN QUANG

24 Tháng 01 Năm 2013 / 2672 lượt xem
Nguyễn Văn Dương
                                                                            Phòng ST - KK – TL
 
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang cho ra mắt cuốn sách Di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang. Với 342 trang, kích thước 14,5x 20,5cm.
Nội dung cuốn sách gồm bốn phần. Phần thứ nhất là vài nét về tình hình, đặc điểm tỉnh Tuyên Quang trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp; Phần thứ hai là các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang trong thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945; Phần thứ ba là các di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Phần thứ tư là những địa điểm - di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Tuyên Quang năm 1961. Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần phụ lục các di tích - địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, làm việc trên đất Tuyên Quang.
Ở Phần thứ nhất, các tác giả giới thiệu vài nét về tình hình, đặc điểm tỉnh Tuyên Quang trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp. Bằng cách thể hiện đơn giản nhưng sâu lắng, các tác giả đã cung cấp cho người đọc những cứ liệu, những luận cứ thật sự cô đọng, nhằm làm sống dậy những đặc điểm, những điều kiện tự nhiên, xã hội - nhân tố quan trọng tạo nên yếu tố cơ bản “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để Tuyên Quang trở thành địa phương được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, lựa chọn làm căn cứ địa cách mạng, chọn làm trung tâm ATK của Trung ương.
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, nằm giữa Tây bắc và Đông Bắc của Tổ quốc. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và bảo vệ nền độc lập của dân tộc, Tuyên Quang trở thành địa chỉ “đỏ” có sự cảm hóa, cuốn hút lòng người thật sự mãnh liệt. Bởi Tuyên Quang không chỉ là căn cứ địa cách mạng vững chắc, là An toàn khu (ATK) tuyệt đối bí mật, tuyệt đối an toàn của Trung ương Đảng, của Chính phủ… mà còn là Thủ đô của vùng giải phóng rộng lớn, Thủ đô kháng chiến. Sự ra đời và phát triển của căn cứ địa Việt Bắc bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Tuyên Quang luôn được xác định là trung tâm và gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang và Người cũng là linh hồn của khối đại đoàn kết dân tộc; gắn liền với những địa danh - những di tích lịch sử in đậm sự đóng góp to lớn của Đảng bộ, của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang cho thắng lợi huy hoàng của Cách mạng tháng Tám năm 1945, cho chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc trong sự nghiệp kháng chiến chống Pháp xâm lược vì độc lập - tự do và thống nhất đất nước. Với khoảng 443 di tích lịch sử - cách mạng và kháng chiến, trong số đó có nhiều di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.
Trong Phần hai, ba, bốncủa cuốn sách, các tác giả đã dành toàn bộ tâm huyết của mình vào việc giới thiệu 32 di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang theo trình tự thời gian. Cụ thể là: 8 di tích thời kỳ tiền khởi nghĩa (từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945), 16 di tích, địa điểm di tích thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (từ tháng 4 năm 1947 đến tháng 5 năm 1954), 8 địa điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh - khi người về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang; thăm lại cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tuyên Quang ngày 19 và 20 tháng 3 năm1961.
Số lượng di tích được giới thiệu rất đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung. Trong Phần hai ở trang 126, khi giới thiệu về di tích Khấu Lấu - Vực Hồ, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, các tác giả giúp người đọc hiểu được nguồn gốc tên di tích Khấu Lấu - Vực Hồ: “Để thuận tiện cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến trong tình hình mới, ngày 6 tháng 4 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Lũng Tẩu chuyến đến ở và làm việc tại Khấu Lấu - Vực Hồ, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Khấu Lấu nằm ở phía Nam của thôn Bòng, xã Tân Trào, cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Tân Trào ngày nay 3km về hướng Tây Nam, cách quốc lộ 2C khoảng 200m về hướng Nam. Từ địa điểm di tích đi khoảng 2km, qua sông Phó Đáy về hướng Tây Nam là Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ của Thác Dẫng, thôn Lập Binh, xã Bình Yên. Địa điểm di tích nằm bên bến Vực của sông Phó Đáy - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ngồi câu cá trong những phút giây thư giãn sau giờ làm việc, nhân dân địa phương đã lấy tên Bác để đặt tên cho vực là “Vực Hồ”. Bởi vậy mà ngày nay địa danh Khấu Lấu có tên gọi là Khấu Lấu - Vực Hồ. Tại đây, Người đã ở 3 lần từ năm 1949 đến năm 1959…”
Các di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mảnh đất Tuyên Quang tập trung chủ yếu vào hai thời kỳ Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Có thể nói, đây là nội dung cốt yếu của cuốn sách, phản ánh một thời kỳ dài trong quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua đó giúp người đọc có thể hình dung được quá trình hoạt động của Người. Các điểm di tích thời kỳ Cách mạng tháng Tám đều trong vùng Tân Trào. Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc ở Tuyên Quang chỉ trong 3 tháng, chính xác từ ngày 22 tháng 5 năm 1945 đến ngày 22 tháng 8 cùng năm, nhưng hành trình của Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Pác Bó về Tân Trào vô cùng khẩn trương và gian khó. Trong khoảng thời gian khoảng 20 ngày vượt 400km đường rừng, đi qua những ngọn núi cao chưa có dấu chân người, qua những vùng địch còn kiểm soát. Đây là thời kỳ cách mạng được chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng lúc bấy giờ.
Những năm làm việc ở Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng hoạch định đường lối đúng đắn cho cuộc kháng chiến. Người dành bao trí tuệ, tâm huyết xây dựng Đảng Lao động Việt Nam vững mạnh về chính trị tư tưởng tổ chức, bảo đảm để Đảng giữ vai trò lãnh đạo và là trung tâm đoàn kết toàn dân kháng chiến đi đến thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trên đất Tuyên Quang thời gian gần 6 năm, từ tháng 4 năm 1947 đến tháng 8 năm 1954. Nhằm bảo đảm bí mật, Người đã 40 lần di chuyển nơi ở và làm việc qua 32 địa điểm. Trong đó, có nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở hai lần như Lũng Tẩu, Kim Bình, có nơi ba lần như Làng Sảo, Khấu Lấu, hang Bòng. Những lần di chuyển này hầu hết là đi bộ, thời gian hết sức khẩn trương. Trong thời gian này chuyến đi công tác dài nhất là chuyến thị sát chỉ đạo chiến dịch Biên giới năm 1950 và chuyến Bác sang thăm Trung Quốc, Liên Xô gặp gỡ Mao Chủ tịch và Stalin (từ ngày 2 tháng 1 đến tháng 4 năm1950) nhằm tăng cường mối quan hệ với Việt Nam đồng thời tận dụng sự ủng hộ về mọi mặt của Liên Xô và Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Ngoài ra còn nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác ngắn ngày như thăm nhân dân vùng mới giải phóng, các cơ quan, đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, xưởng quân giới, trại thương binh, bệnh viện, trường học…
Trong cuốn sách, qua cách viết của các tác giả, người đọc không chỉ biết được những khó khăn, vất vả, thiếu thốn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trải ở chiến khu, ở Thủ đô kháng chiến, thấy được cuộc sống thường ngày giản dị nhưng thanh tao, đạm bạc nhưng lại giàu lòng nhân ái, vị tha nhưng cũng rất nghiêm khắc và hơn thế là quyết tâm, nghị lực phi thường của một bậc thiên tài hiếm có trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là một cách viết về mới về giới thiệu di tích dưới dạng biên niên sự kiện đầy ắp các sự kiện lịch sử quan trọng và rất hấp dẫn. Ngoài ra, cuốn sách còn giới thiệu một số hình ảnh hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang, giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát cả quá trình hoạt động của Người tại đây. Chẳng hạn, các hình ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh sau giờ làm việc tại lán Núi Lim, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương (năm 1947); Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí cán bộ văn phòng Chính phủ chơi bóng chuyền tại Đồng Man - Lũng Tẩu, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (năm 1948); Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Sơn Dương, Tuyên Quang (năm 1948); Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại căn lán Khấu Lấu, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (năm 1949); Chủ tịch Hồ Chí Minh tăng gia ở thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương (năm 1949); Chủ tịch Hồ Chí Minh câu cá bên bờ sông Phó Đáy, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (năm 1949); Lúc rảnh rỗi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm sóc cháu Minh Thu - con gái đồng chí Lê Văn Lương, trong thời gian chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (tháng 3 năm 1951); Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đơn vị D 600 (đơn vị bảo vệ Trung ương) hát bài Kết đoàn trong dịp Người tới thăm đơn vị tại rừng vầu, thôn Nà Đỏng, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn (năm 1953)… Nhiều hình ảnh khiến người đọc rất cảm động và càng thêm tin yêu, kính phục vị Cha già dân tộc nhưng cũng rất bình dị, gần gũi, gắn bó với nhân dân Tuyên Quang nói riêng và với phong trào cách mạng Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, còn nhiều hình ảnh hoạt động cách mạng quan trọng khác của Người tại đây, như: Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí thành viên Chính phủ dự phiên họp Hội đồng Chính phủ tại Thác Dẫng, thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương (tháng 10 năm 1949); Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo chiến dịch Biên giới (năm 1950); Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh trao đổi về các văn kiện Đại hội trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (tháng 2 năm 1951); Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi tình hình cách mạng với Hoàng thân Xu pha nu vông - Chủ tịch Kháng chiến Lào tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (tháng 2 năm 1951)
Đọc cuốn sách cũng giúp ban đọc thấu hiểu hết những khó khăn, vất vả của tập thể các tác giả trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm, khảo sát, xác minh từng vị trí của các điểm di tích, qua đối chiếu các nguồn sử liệu học, thẩm định và chỉnh lý tài liệu để bảo đảm cho nội dung giới thiệu về từng di tích có độ tin cậy cao về khoa học, trung thực và hấp dẫn với những ai muốn tìm hiểu về di tích lịch sử trên đất Tuyên Quang nói chung và di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang nói riêng.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)