slider

Giới thiệu cuốn sách: NGUYỄN ÁI QUỐC - HỒ CHÍ MINH VỚI NƯỚC NGA

24 Tháng 09 Năm 2013 / 4766 lượt xem
Khánh Nguyên
Tạp chí Cộng sản
 
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tình cảm của Người với đất nước của Lê-nin, với nhân dân Liên Xô trước đây và nhân dân Nga ngày nay, cùng những tình cảm thắm thiết của nhân dân Nga dành cho Người, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với nước Nga do Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn.
Cuốn sách đã ghi lại những hoạt động của vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, người bạn lớn và thân thiết của nhân dân Nga - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh- trong mối liên hệ gắn bó thủy chung của Người đối với đất nước và con người Xô-viết. Nội dung cuốn sách gồm ba phần: Phần 1 - Biên niên sự kiện Hồ Chí Minh với nước Nga (1923 - 1969); Phần 2 - Người Nga viết về Hồ Chí Minh; Phần 3 - Những hồi ức cảm động.
Biên niên sự kiện Hồ Chí Minh với nước Nga (1923 - 1969)
Trong phần này, toàn bộ các sự kiện hoạt động Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày đầu tiên đặt chân đến nước Nga - ngày 30-6-1923 đến ngày 10-5-1969 - trong bản Di chúc để lại về phong trào cộng sản quốc tế của Người, đều được ghi chép lại.
Cách đây tròn 90 năm - ngày 30-6-1923, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã lần đầu đặt chân lên đất nước Nga, nơi đây đã chứng kiến bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Người: đó là tìm thấy trí tuệ của thời đại - Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khời, sáng tỏ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba...” (trang 8). Từ đây, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn bỏ thủy chung với đất nước, nhân dân Liên Xô nói chung và nhân dân Nga nói riêng.
Trong những ngày tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động tại quê hương Cách mạng Tháng Mười, Người đã tích cực học tập, tiếp thu nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lý luận đấu tranh cách mạng vô sản và đấu tranh giải phóng dân tộc, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu về xây dựng Nhà nước và chính quyền công nông, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thuấn nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Người đã hiểu rõ chính sách của Nhà nước Xô-viết luôn ủng hộ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa trên thế giới nhằm xóa bỏ gông xiềng áp bức. Người đã ý thức được rằng, Liên Xô luôn là chỗ dựa vững chắc, là nguồn động viên to lớn đối với các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam. Người cũng đã tìm thấy ở nước Nga những kinh nghiệm quý báu cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Theo Séc-gây A-phô-nhin trong Những dòng tâm huyết khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần ba, cho biết, Bác Hồ khẳng định: “Tất cả những thắng lợi của chúng tôi đều gắn bó với tên tuổi của Lê-nin. Tất cả chúng tôi đều biết ơn Người” (trang 305).
Những tình cảm quý mến và sự kính trọng của nhân dân Nga đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Những năm sống ở Liên Xô, cũng như sau này trong các chuyến thăm đất nước Xô-viết với tư cách là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã hiện diện và lưu lại ở hầu khắp các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Tại những nơi đó, đất nước, con người Xô-viết đã để lại trong lòng Người những tình cảm và ấn tượng sâu sắc. Và cũng tại Quốc gia rộng lớn này, đông đảo người dân Liên Xô, từ những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Liên Xô, cho tới những người dân lao động bình thường, các cháu thiếu nhi các dân tộc Xô-viết, luôn dành cho Người những tình cảm quý mến và sự kính trọng đặc biệt mà ít Nguyên thủ Quốc gia nào có được.
TS. E.Côbelép - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga - Việt, vẫn luôn nhớ ký ức ngày đầu tiên được gặp Bác Hồ và kể lại: “Thế hệ tôi còn nhớ rất rõ chuyến thăm Liên Xô chính thức đầu tiên của Người vào năm 1955 với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người bạn lớn, chân thành của đất nước Nga Xô-viết, người có sức lôi cuốn kỳ lạ, đặc biệt khiêm tốn và giản dị - chính hình ảnh ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm mỗi người dân đất nước Nga luôn nhớ và giữ gìn trong tâm trí mình” (trang 173).
Theo TS. E.Côbelép, “Trong nước chúng tôi ở bất cứ thư viện nào cũng có thể tìm thấy và mượn đọc nhiều cuốn sách khác nhau về cuộc sống và hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh”... (trang 173).
Chẳng thế mà, C.M.Xi-mô-nốp - nhà thơ Nga nổi tiếng, khi dịch và giới thiệu tập thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Nga và nói về Sức mạnh của niềm tin... qua những vần thơ, trang văn, truyện ngắn, ký... cho thấy sự bình dị của Người - “nhà lãnh đạo nhà nước vĩ đại”: “Trong phong thái của đồng chí Hồ Chí Minh không có cốt cách của một nhà quân sự, mặc dù Người đã lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân mình hàng mấy chục năm. Trong phong thái của Người không hề có dáng dấp của một trí thức đạo mạo, mặc dù Người hiểu biết sâu và có một kho tàng triết học trong trí óc. Người giống một lão nông Việt Nam có tuổi, giống một người lao động, giống tất cả mọi người, có điều đó là người thông minh nhất, quyết tâm nhất, kiên cường nhất...” (trang 185, 186).
Cũng giống như C.M.Xi-mô-nốp cảm nhận ở trên, PTS Sử học Gram-mát-tri-cốp kể lại khoảng thời gian Bác Hồ ở Mát-xcơ-va, đã khẳng định: “Những người dân Liên Xô, những vị chỉ huy quân sự và các nhà bác học, những người xây dựng và các bác sĩ, những nhà văn và các kĩ sư - tất cả những ai đã gặp gỡ Bác Hồ đều mãi mãi ghi nhớ hình ảnh của Người, một con người giản dị và khiêm tốn, một nhà lãnh đạo sáng suốt, một chiến sĩ mác-xít Lêninnít chân chính” (trang 190).
Và thế hệ trẻ sau này của nước Nga, Anna Vladimirovna - giáo viên dạy tiếng Việt tại Học viện Phương Đông thuộc Đại học Quốc gia Viễn Đông (Nga) khi tìm hiểu và nghiên cứu về Người - nhân dịp Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thốt lên trước anh linh của Bác Hồ - “Người là Cha, là Bác, là Anh”: “Hồ Chủ tịch - Hồ Chí Minh là hiện thân của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, không phân biệt tuổi tác đều gọi Người là Bác Hồ, Bác Hồ Chí Minh, một cách gọi lãnh tụ đặc biệt nhất mà không có nơi nào trên thế giới sử dụng. Hình ảnh giản dị của Bác Hồ: chân đi dép cao su, mặc bộ quần áo kaki... đi vào trí nhớ của toàn thế giới, vì đó là trang phục của Người khi làm việc tại Hà Nội, cũng như khi đi thăm bạn bè thế giới...” (trang 196).
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã đặt nền móng và dày công vun đắp cho mối tình hữu nghị anh em giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô. “Nhân dân Xô-viết đã hoàn toàn bị chinh phục bởi Người” - đó là bài viết của L.N.Daicốp - Trưởng Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô khi ông cho rằng, “Đối với tôi, cũng như với đa số nhân dân Liên Xô, những từ “Việt Nam” và “Hồ Chí Minh” từ lâu không tách rời nhau... Đồng chí Hồ Chí Minh là người bạn lớn và chân thành của đất nước chúng tôi. Người đã khơi nguồn cho tình hữu nghị Xô - Việt và đã góp phần to lớn vào sự nghiệp hợp tác của hai Đảng và nhân dân hai nước chúng ta...” (trang 205).
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Nga - Người thực sự là kiến trúc sư vĩ đại, là biểu tượng cao đẹp và trong sáng cho tình hữu nghị đặc biệt, mẫu mực giữa hai dân tộc Việt Nam - Liên Xô trước đây và giữa hai dân tộc Việt Nam - Liên bang Nga ngày nay.
Những hồi ức cảm động về Bác Hồ
Ngay từ những năm tháng đầu tiên đặt chân đến nước Nga, Người đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân Nga. Đó là những tình cảm rất chân thành, ấm áp, thủy chung và sâu nặng của nhân dân Nga với Hồ Chí Minh, với Việt Nam. Tình cảm đó là những cử chỉ, hành động, những lời hỏi thăm ân cần, những kỷ niệm, hồi ức không bao giờ quên, được tái hiện qua từng câu chữ, lời văn trong những câu chuyện này. Như nhà thơ O. Mandenxtem đã nói: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa Âu châu mà có lẽ là nền văn hóa tương lai... qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.
Trong một chuyến thăm Liên Xô ngày 12-7-1955, kết thúc chuyến thăm, Người nói như một lời ước nguyện thủy chung: “Chúng tôi trở về Tổ quốc đem theo tình thân yêu và tình hữu nghị anh em của nhân dân Liên Xô. Tuy Việt Nam và Liên Xô cách nhau hàng ngàn dặm nhưng trái tim chúng ta luôn luôn ở bên nhau và đập chung một nhịp” (trang 226).
Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Hồi ký của mình đã kể lại Khi người Việt Nam đầu tiên vào Kremli: “Trong căn phòng xưa kia Lê-nin đã ngồi viết tác phẩm cuối cùng... Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị khách nước ngoài đầu tiên vào thăm Bảo tàng này, ngồi viết những cảm tưởng... “Lê-nin, người thầy rất vĩ đại của cách mệnh vô sản, cũng là một vị đạo đức cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”... “Tinh thần Lê-nin muôn đời bất diệt!”...” (trang 242).
Trong Những dòng tâm huyết của Séc-gây A-phô-nhin - chuyên viên Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô những năm 1975 - 1988, viết: “Tôi là người thật may mắn và thật hạnh phúc, khi 3 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh” (trang 302). Sécgây Aphônhin cho rằng: “Tính cách và phẩm chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể nào nói hết được trong một vài câu. Có thể dùng những từ ngữ rất tốt đẹp để nói về Người: Hiền hậu, chân thật, khiêm tốn, thanh tao, tế nhị, ý chí cao, kỷ luật sắt đá, giữ vững nguyên tắc, tự hào về tổ tiên, về dân tộc của mình, sáng suốt, kiên quyết, cảnh giác cao, biết bạn biết thù, chịu đựng khó khăn thử thách, yêu người, yêu đời, lạc quan, trữ tình, nhân đạo, hiểu biết sâu sắc văn hóa thế giới...” (trang 302).
Đồng chí L.N.Daiccốp, trong bài phát biểu của mình nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên câu nói giản dị và sáng suốt của Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ Người cùng với những bạn chiến đấu gần gũi nhất của mình đã sáng lập và củng cố Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng đã trở thành đội tiên phong chính trị thật sự, tập hợp được những đại diện ưu tú nhất của nhân dân Việt Nam...” (trang 306).
Bởi vậy, đồng chí L.N.Daiccốp cho rằng, “thành tựu quan trọng nhất của chúng ta đó là những tình cảm và lòng kính trọng lẫn nhau giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Việt Nam. Đó là tài sản quý giá nhất trong thế giới hiện nay đang thay đổi như vũ bão, chúng ta cần hết sức giữ gìn nó và nhân lên gấp bội...” (trang 308).
Ngày nay, ở Nga có nhiều công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Quảng trường và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Mát-xcơ-va; Viện Hồ Chí Minh thuộc Trường Đại học Tổng hợp St.Petersburg (trong khuôn viên Viện Hồ Chí Minh ở St.Petersburg có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh); Tượng đài Hồ Chí Minh và Đại lộ Hồ Chí Minh ở thành phố Ulyanovsk; Tấm biển lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà ga Đường sắt ở Vladivostok; Đầu máy xe lửa mang tên Hồ Chí Minh… Bên cạnh những công trình lớn này, tại nước Nga còn có một số các công trình tưởng niệm như: Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ mang tên Hồ Chí Minh ở thành phố Iacútsk; Tàu thủy mang tên Hồ Chí Minh ở Ôđétxa; Đầu máy thế hệ mới Ermak của ngành đường sắt Nga mang tên Hồ Chí Minh tại thành phố Khabarovsk...
Với hơn 300 trang sách, biên niên sự kiện, các bài viết của Người về nước Nga, những bài viết và hồi ký của những người Nga đã từng gặp và làm việc với Người được đăng tải trong cuốn sách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với nước Nga đã ghi đậm trong tâm trí bạn đọc tình cảm thủy chung sâu sắc của Người với Lê-nin, với Cách mạng Tháng Mười, với nhân dân Nga theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, và đặc biệt là đã ghi nhận tình cảm quý mến, kính trọng của nhân dân Nga đối với Người.
Đánh giá về cuốn sách, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Cuốn sách được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 90 năm lần đầu tiên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga (1923 - 2013) là sự đóng góp có ý nghĩa trong việc củng cố và phát triển tình hữu nghị gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên bang Nga mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và dày công vun đắp. Tình hữu nghị Việt - Nga đã được tôi luyện qua thời gian và không ngừng phát triển, mối quan hệ giữa hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Liên bang Nga đã phát triển lên một tầm cao mới khi các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí ký kết thỏa thuận nâng quan hệ hai nước lên thành Đối tác Chiến lược toàn điện. Tình hữu nghị thủy chung gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt - Nga mãi mãi là tình cảm thiêng liêng, gần gũi, cao đẹp và thân thiết với mỗi người dân Việt Nam”.
Đọc cuốn sách, chắc chắn nội dung cuốn sách sẽ đáp ứng nhu cầu của độc giả trong nước cũng như nước ngoài khi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, đây còn là nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu, những ai quan tâm tới Chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Nga…/.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)