slider

Giới thiệu một số cuốn sách Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch xuất bản

30 Tháng 09 Năm 2021 / 527 lượt xem

Trần Ngọc Lan

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021), 76 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2021) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/09/2021), cũng như tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành tổ chức biên soạn và phối hợp với các nhà xuất bản như nhà xuất bản Thông tin - Truyền thông, nhà xuất bản Lao động, xuất bản một số đầu sách sau:

1. “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước”/ Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Thị Bình - Nxb. Thông tin - Truyền thông, Hà Nội, 2021

Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã từ cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) rời Tổ quốc trên con tàu Amiral Latouche Tréville bắt đầu cuộc hành trình bôn ba tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước kéo dài suốt 30 năm. Trong hành trình này, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra hướng đi đúng đắn, làm thay đổi số 

phận của cả dân tộc Việt Nam, từ những người dân của một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành những công dân tự do của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau này, khi trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài, Người khẳng định: “Tôi ra đi vì muốn tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Trên hành trình đi tìm đường giải phóng dân tộc, Người đã không quản ngại khó khăn, làm những công việc lao động chân tay vất vả, từ dọn tuyết, đốt lò, bồi bàn, phụ bếp. để có tiền sinh sống. Mặc dù lao động cực nhọc nhưng hễ có thời gian rỗi là Người say sưa học tập, nghiên cứu. Người thanh niên trẻ tuổi không chỉ miệt mài học ngôn ngữ, nghiên cứu sách báo mà còn tích cực tìm hiểu thực tế cuộc sống những nơi mình đã đi qua, tham gia các hoạt động, phong trào ở đó. Người coi cuộc sống là sự tu dưỡng, rèn luyện cho mình, coi khó khăn là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tất cả chỉ vì một mục tiêu lý tưởng là giành “Độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào”.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã biên soạn, xuất bản cuốn sách ảnh “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước” bằng 4 thứ tiếng Việt, Anh, Nga, Trung Quốc. Ngoài phần Tiểu sử và phần Biên niên sự kiện, các tác giả đã lựa chọn, biên soạn và giới thiệu tới bạn đọc hàng trăm bức ảnh tư liệu, tài liệu, bút tích quý giá có liên quan đến quá trình hoạt động của Người từ năm 1911 - 1945 với mong muốn tái hiện lại quá trình hoạt động của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Cuốn sách còn cung cấp cho người đọc thông tin đầy đủ, chân thực về hành trình cứu nước gian khó của Người đồng thời góp phần tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn những công lao và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

2. “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác phòng chống thiên tai”/ Tổng cục Phòng chống thiên tai, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nxb Lao Động, Hà Nội. 2021.- 200tr

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc giữ đê phòng lụt. Hầu như năm nào Bác cũng gửi thư kêu gọi, nhắc nhở, động viên cán bộ các cấp, các ngành và nhân dân tích cực đắp đê, làm kè, giữ đê phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão... Sau cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ coi công tác phòng, chống thiên tai là một cuộc chiến hết sức gay go, gian khổ và để chống lại “thứ giặc ghê gớm” đó, Người và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm vấn đề phòng, chống thiên tai, phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi, khuyến khích phong trào đắp đê, xây kè, chống hạn.

Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 70/SL về thành lập tại Bắc Bộ Ủy ban Trung ương Hộ đê có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các kế hoạch chống nạn lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều. Ủy ban sẽ do Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ hoặc người đại diện chủ tọa, và gồm những nhà chuyên môn hoặc dư kinh nghiệm do Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc bộ cử ra. Đây là sự khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện mọi kế hoạch chống nạn lụt và kiểm soát việc bảo vệ đê điều.

Vì giá trị lịch sử của Sắc lệnh số 70/SL, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21/3/1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định số 89-HĐBT lấy ngày 22-5 hàng năm làm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam. Sắc lệnh số 70/SL ngày 22/5/1946 là văn bản pháp quy đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về thành lập ở Bắc bộ Ủy ban Trung ương hộ đê (tiền thân của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ngày nay). Sắc lệnh ngắn gọn, chỉ có 6 Điều, nội dung súc tích, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đặc biệt, Sắc lệnh ấn định chế tài đủ mạnh, có tác dụng răn đe, có căn cứ pháp lý rõ ràng để xử lý mọi hành vi vi phạm.

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng chống thiên tai là cuộc chiến đấu bền bỉ, liên tục và luôn luôn sẵn sàng, vì vậy trong sự bộn bề gian nan của cuộc kháng chiến trường kỳ, năm nào Người cũng gửi thư nhắc nhở về việc chống lũ, chống hạn, không được chủ quan. Nội dung các bức thư thật sâu sắc, có sức cuốn hút động viên rất lớn, khi thì nêu kinh nghiệm và biểu dương một địa phương để làm bài học chung (Thư khen ngợi đồng bào Ninh Bình, ngày 20/11/1948), khi thì cẩn trọng nhắc nhở: “Năm nay, mực nước có thể to hơn” (Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê, tháng 5 năm 1949), khi cuộc kháng chiến chuẩn bị chuyển sang giai đoạn tổng phản công thì “Giữ vững đê điều để chống giặc lụt cũng là một việc chuẩn bị. Việc ấy năm nay khó khăn hơn mấy năm trước. Đồng bào sẽ quyết tâm vượt qua những khó khăn ấy dù phải hy sinh cũng vui lòng” (Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê, tháng 6 năm 1950). Và dù có khó khăn vẫn tràn đầy niềm tin tưởng “Công việc sẽ nặng nề, nhưng chúng ta chắc làm được”. (Thư gửi đồng bào các tỉnh có đê, tháng 4 năm 1951). Cứ liên tiếp như vậy, năm tiếp năm, chuẩn bị đến mùa lụt bão là Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thư nhắc nhở các địa phương, các cấp, các ngành và nhân dân nâng cao ý thức, tinh thần chuẩn bị, sát với tình hình diễn biến mới.

Thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ của nhân dân trước các thảm họa thiên tai, trong suốt 25 năm lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tới 179 sự kiện đích thân chăm lo đến các vấn đề thiên tai bão lũ, hạn hán. Không chỉ tham dự các cuộc họp của Trung ương Đảng, của Hội đồng Chính phủ về thủy lợi, tham dự, huấn thị tại nhiều hội nghị của ngành thủy lợi ở Trung ương và ở cả các địa phương, Bác thường dành thời gian đi kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, sửa chữa các công trình thủy nông, đê điều, tham gia động viên tát nước chống hạn, chống úng với bà con nông dân. Những phút cuối cùng của cuộc đời (8/1969), dù sức khỏe yếu, nhưng Người vẫn theo dõi tình hình mực nước lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình đang uy hiếp các triền đê. Bác cho mời Bộ trưởng Thủy lợi Hà Kế Tấn đến báo cáo tình hình và ân cần dặn dò, chỉ bảo, động viên tổ chức giữ đê, bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất.

Cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác phòng, chống thiên tai” do Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn và xuất bản. Ra mắt đúng dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống phòng chống thiên tai Việt Nam (22/5/1946 - 22/5/2021) và Tuần lễ quốc gia Phòng chống thiên tai 2021, cuốn sách gồm có 5 phần:

Phần 1: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác phòng, chống thiên tai

Phần 2: Những câu chuyện, hồi ký về Bác Hồ với công tác tuyên truyền và phòng chống thiên tai

Phần 3: Công tác phòng chống thiên tai làm theo lời Bác

Phần 4: Thành tựu trong công tác phòng, chống thiên tai

Phần 5: Biên niên sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác phòng chống thiên tai từ 1945 - 1969

Với nhiều tư liệu và hình ảnh phong phú, cuốn sách có thể góp phần cung cấp cho bạn đọc những tư tưởng và tình cảm lớn, những niềm vui, nỗi trăn trở, ước mong của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đầy khó khăn nhưng cũng rất vẻ vang này.

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)