slider

Giới thiệu sách: BÁC HỒ VỚI THÁI NGUYÊN – THÁI NGUYÊN VỚI BÁC HỒ

22 Tháng 04 Năm 2010 / 3996 lượt xem
                                                                                                        Nguyễn Văn Dương
Phòng S­ưu tầm- Kiểm kê- Tư ­ liệu
 
 
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ cùng với Trung ương Đảng về ATK Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (20-5-1947 – 20-5-2007), tỉnh Thái Nguyên tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ”, ghi lại những hoạt động chủ yếu của Bác tại Thái Nguyên, cũng như những tình cảm hết sức sâu đậm của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Thái Nguyên với Bác Hồ. Với 536 trang, khÝch th­íc 20,5cm, cuốn sách cung cấp cho độc giả một cái nhìn toàn diện về công lao của Bác Hồ đối sự phát triển của Thái Nguyên nói riêng và sự nghiệp cách mạng của nước ta nói chung, qua nhiều tư liệu quý, phong phú và có độ tin cậy cao giúp cho bạn đọc có thể nghiên cứu và tham khảo… Sách được xuất bản năm 2007, với nội dung gồm năm chương:
Chương thứ nhất: Bác Hồ với việc lựa chọn Thái Nguyên làm nơi xây dựng An toàn khu:
Thái Nguyên là một tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thái Nguyên vừa đóng vai trò như một bức tường ngăn quân giặc từ phương Bắc tràn xuống cướp phá miền đồng bằng, vừa là điểm xuất phát để quân và dân ta triển khai lực lượng chống quân giặc xâm lược ở miền biên giới. Chính từ vị trí chiến lược đặc biệt và địa bàn dụng võ mà lịch sử này, đã giúp cho người dân nơi đây sớm có truyền thống yêu nước và cách mạng, một lòng trung kiên, quyết tâm xả thân vì nước mỗi khi có giặc ngoại xâm.
Ngay từ năm 1940, khi chuẩn bị về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có sự quan tâm đặc biệt đến phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, thấy rõ vị trí chiến lược của vùng đất này, Bác nêu rõ: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta… Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên có truyền thống yêu nước và cách mạng từ lâu đời. Thái Nguyên lại ở vào vị trí hết sức thuận lợi, “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, nên trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Thái Nguyên đã có những đóng góp rất to lớn. Theo như Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Tôi còn nhớ khi Bác Hồ về nước, trong thời gian hoạt động ở Cao Bằng, tại một cuộc họp, Bác nói: Hôm nay, ta có hai chỗ đứng chân là căn cứ Cao Bằng, và căn cứ Bắc Sơn (Lạng Sơn), ta phải củng cố cả hai căn cứ đó, mở rộng thành căn cứ Cao - Bắc - Lạng, Cao Bằng có truyền thống cách mạng, thuận tiện cho việc liên lạc với quốc tế, nhưng ở vị trí xa Trung ương quá; vì vậy, cần thiết phải chọn một nơi để xây dựng thành trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc. Nơi ấy phải có nhân dân tốt, cơ sở chính trị tốt và ở đó “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Cuối cùng, Bác đã quyết định chọn tỉnh Thái Nguyên và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc bao gồm 6 tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Bác quyết định trở lại Việt Bắc và xây dựng ATK kháng chiến của Trung ương trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa và Chợ Đồn thuộc ba tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Đó là “Thủ đô kháng chiến”. Trong đó, các khu ATK Thái Nguyên có vai trò rất quan trọng của Thủ đô kháng chiến. Vì ở đó, Bác Hồ, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh và các cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Tổng Cục Chính trị, Tổng Cục Hậu cần và nhiều cơ quan trọng yếu của Trung ương đã ở, làm việc. Đó cũng là nơi ra đời nhiều quyết định quan trọng của Trung ương, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp…
Chương thứ hai: Những hoạt động chủ yếu của Bác Hồ tại An toàn khu Thái Nguyên lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc:
Chương này gồm hai phần: Bác Hồ ở An toàn khu Thái Nguyên trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến (1947-1950) và trong những năm 1951-1954.
Trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến, sau khi quyết định chọn Thái Nguyên làm An toàn khu, Bác đã có nhiều hoạt động lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Như: Năm 1947, ngày 20-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc tại rừng Khau Tý, thôn Điềm Mạc (nay là xã Điềm Mặc), xã Thanh Định, huyện Định Hóa, Thái Nguyên; Tại đây, vào ngày 25-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào, bộ đội, dân quân tự vệ cả nước và viết Thư gửi nhân dân Pháo và Thư gửi anh em giới văn hóa và trí thức Nam Bộ; Trước ngày 27-5, Người ra lời kêu gọi nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp sau những lời tuyên bố của Cao ủy Bôlae; Ngày 27-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Hội nghị dân quân, tự vệ du kích toàn quốc. Cũng trong tháng 5 này, Bác trả lời 11 câu hỏi của Vasiđép Rao - thông tín viên Hãng Reuter; Đặc biệt, ngày 6-6, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58/SL, đặt 3 loại huân chương: Sao vàng, Hồ Chí Minh, Độc lập để tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân; hoặc các nhân vật người nước ngoài có công với nước Việt Nam. Ngày 10-6, Bác gửi thư cho tướng Raun Xalăng, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp, đồng thời, nhờ Xalăng chuyển bức thư của Người gửi Lêông Blum; Ngày 12-6, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Đại hội Đảng bộ Liên khu IV; Ngày 16-6, Người viết Thư gửi các nhân viên cơ quan Chính phủ; Ngày 19-6, nhân kỷ niệm cuộc kháng chiến toàn quốc tròn 6 tháng, Bác ra Lời kêu gọi gửi đồng bào và toàn thể các chiến sĩ vệ quốc quân, dân quân tự vệ; Ngày 20-6, Người ra Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới; Ngày 22-6, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của một nhà báo nước ngoài; Ngày 30-6, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới Ban Chấp hành Đảng Dân chủ Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 3 ngày thành lập Đảng Dân chủ; Cũng trong tháng 6, Người còn trả lời các nhà báo Việt Nam về những lời tuyên bố mới của Cao ủy Bôlae, viết bài Người tuyên truyền và cách tuyên truyền (ký bút danh A.G.) đăng trên báo Sự thật. Từ ngày 16-7 đến ngày 20-11-1947, Bác Hồ luôn có nhiều hoạt động chỉ đạo cách mạng tại Thái Nguyên. Ngày 29-11, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại Khuôn Đào, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Năm 1948, ngày 1-1, Bác chuyển đến ở và làm việc tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Tại đó, Người chủ toạn Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng, ngày 15 và 16-1); Ngày 20-1, Bác ký 6 sắc lệnh (sắc lệnh số 110, 111, 112); Tiếp đó, Bác ký 16 sắc lệnh ngày 25-1… Từ tháng 2 đến ngày 7-9-1948, Bác viết bài, ký sắc lệnh, gửi thư, trả lời phỏng vấn của báo chí, ra Lời kêu gọi gửi nhân dân cả nước và toàn thể các tướng sĩ nhân dịp 1.000 ngày kháng chiến (ngày 10-6), Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ngày 11-6)… Đến ngày 12-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Năm 1949, ngày 18-1, Bác Hồ dự Lễ bế mạc Hội nghị cán bộ Đảng lần thứ 6… Ngày 6 và 7-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương (mở rộng) để thảo luận các đề án chính trị, chính quyền, kinh tế… sẽ đưa ra Đại hội Đảng. Trong các tháng 5, tháng 6, tháng 9 và tháng 11-1949, Bác tham dự nhiều hoạt động khác lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Từ đầu năm 1950, tại ATK Định Hóa đã diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã từng tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Lêô Phighe dẫn đầu, các đoàn cố vấn Trung Quốc, đoàn điện ảnh Liên Xô và nhà đạo diễn nổi tiếng Cácmen… để chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới.
Trong những năm 1951-1954, ở An toàn khu Thái Nguyên, sau Chiến dịch Biên giới, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Trung du. Chiều ngày 25-10-1951, Bác đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên Trường Chính trị Trung cấp Quân đội (nay là Học viện Chính trị). Từ ngày 30-4 đến ngày 6-5-1952, tại xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, Người chủ trì Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất. Ngày 9-9-1952, Bác đến ATK Thái Nguyên thăm Hội nghị giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Bắc (do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức). Để đối phó với âm mưu và hoạt động của địch, Bác đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954. Ngày 6-12-1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954. Ngày 1-1-1954, cũng tại đây, Bác dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ… Đặc biệt, ngày 1-9-1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là Tiên Hội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quí Ba. Đây là Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Ngày 10-10-1954, từ ATK Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Bác đã ra Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng. Ngày 12-10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà sàn bé nhỏ, đơn sơ trên đồi Thanh Trúc trở về Thủ đô Hà Nội, sau gần 8 năm xa cách.
Chương thứ ba: Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ trong cách mạng và kháng chiến chống Pháp:
Phần này tập hợp toàn bộ các hoạt động của Bác Hồ trong cách mạng và kháng chiến chống Pháp. Như trên đã đề cập một số hoạt động cụ thể của Bác Hồ tại Thái Nguyên, bắt đầu từ khi Người đến ATK Định Hóa cuối tháng 5-1947. Việc đầu tiên, Bác đã cho mời đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Ma Đình Tương đến để nghe báo cáo tình hình mọi mặt ở địa phương…; đến ngày 12-10-1954, từ nơi ở và làm việc tại đồi Thanh Trúc, xóm Đầm Mua, xã Hùng Cường, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về Thủ đô Hà Nội, kết thúc gần 8 năm ở và làm việc tại ATK Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của cả nước (2-4-1947 – 12-10-1954).…
Trong suốt thời gian này, vâng lời Bác Hồ, nhân dân và Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã đấu tranh giành và giữ chính quyền bằng một loạt các hoạt động như: cùng nhân dân các địa phương trong tỉnh thực hiện Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (12-3-1945); có nhiều sáng kiến trong việc cứu đói hưởng ứng lời kêu họi của Hồ Chủ tịch; tích cực khai hoang, phục hóa theo tinh thần “Không để ruộng đất bị bỏ hoang”, “tấc đất tấc vàng” của Bác; Đảng bộ Thái Nguyên tập trung lãnh đạo phong trào thanh toán nạn mù chữ theo lời dạy của Bác;… Ngoài ra, trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước và quân đội đến ở và làm việc tại ATK Đại Từ (từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10-1954), quân và dân trong huyện đã hết lòng giúp đỡ, chở che, bảo vệ an toàn tuyệt đối.
Chương thứ tư: Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:
Thời kỳ này, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã sáng suốt vạch ra đường lối, chính sách nhằm lãnh đạo toàn dân ta đoàn kết, giải quyết những nhiệm vụ cách mạng mới mà lịch sử đã đặt ra trên cả hai miền Nam - Bắc, nhằm mục tiêu trước mắt là củng cố miền Bắc vững mạnh, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam đi đến thắng lợi, thống nhất nước nhà.
Trong bộn bề công việc trên cương vị cao nhất, nhưng Bác Hồ vẫn dành cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, đúng như trong thư Người viết gửi đồng bào tỉnh ta từ năm 1946: “Tuy hiện nay tôi ở Hà Nội, xa cách với đồng bào, nhưng không bao giờ tôi quên đồng bào… người tôi tuy xa cách nhưng lòng tôi luôn gần anh em”. Từ tháng 12-1954 đến ngày 1-1-1964, đã có 7 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp lên thăm hỏi, động viên nhân dân và chỉ đạo Đảng bộ Thái Nguyên lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới. Để kịp thời động viên khen thưởng cán bộ và nhân dân Thái Nguyên tiếp tục phấn đấu vươn lên, từ năm 1955 đến năm 1969, đã có 24 lần Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người cho những cá nhân lập được thành tích xuất sắc. Ngoài việc đến thăm, nói chuyện, gửi thư biểu dương, tặng quà, tặng Huy cho những đơn vị và cá nhân có thành tích. Bác còn phê phán, uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót của cán bộ, đảng viên và nhân dân, mỗi khi có dịp gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo của tỉnh về Hà Nội công tác, Người vẫn thường nhắc nhở, căn dặn phải tăng cường đoàn kết: Đoàn kết trong Đảng cũng như đoàn kết trong nội bộ nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là Thái Nguyên là tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống với nhau từ lâu đời… Bức thư nào của Bác cũng chứa chan tình cảm, ân cần và thắm thiết.
Vâng lời Bác, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ. Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, ba hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên trên miền Bắc được thành lập ở xã Hùng Sơn huyện Đại Từ… Trong dịp kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1980 – 19-5-1965), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gửi thư chúc thọ và báo cáo một số thành tích đã đạt được của Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên để mừng thọ Người, xin hứa: “… quyết tâm khắc phục những khuyết điểm…; tăng cường hơn nữa công tác chính trị, tư tưởng ra sức động viên toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thi đua hoàn thành thăng lợi kế hoạch nhà nước năm 1965; tăng cường công tác củng cố quốc phòng và sẵn sàng chiến đấu làm cho Thái Nguyên mau chóng trở thành một trong những tỉnh căn cứ địa của miền Bắc phồn vinh về kinh tế, vững chắc về chính trị và mạnh mẽ về quốc phòng”(1).
Tuy nhiên, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta từ trên (ngày 2-9-1969). Đây là một tổn thất vô cùng lớn lao, một đau thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Hòa chung với nỗi đau của cả dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên đã biến đau thương thành hành động cách mạng, ra sức xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện đắc lực cho tiền tuyến miền Nam, thực hiện Di chúc của Người, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), 48.278 người con ưu tú của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã gia nhập các lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó hàng vạn người đã tham gia chiến đấu trên các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia… Quân và dân Thái Nguyên đã anh dũng chiến đấu trên 400 trận, bắn rơi 61 máy bay Mỹ…
Chương thứ năm: Dưới ánh sáng tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên từng bước trưởng thành:
Phần này cho thấy sự trưởng thành từng bước của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên trong cách mạng và trong hai cuộc kháng chiến. Hơn 70 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã tập hợp, đoàn kết thành một lực lượng hùng hậu dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính nhờ đó, chúng ta đã Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân ngày 20-8-1945… góp phần xứng đáng vào Đại thắng mùa Xuân 1975.
Sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt từ năm 1997, khi tỉnh Thái Nguyên được tái lập, nhân dân Thái Nguyên đã vượt qua thách thức, sáng tạo trong lao động, làm biến đổi tiến bộ toàn diện Thái Nguyên cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng.
Cuốn sách thực sự là tài liệu học tập, giáo dục truyền thống, giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ; động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục giữ vững và phát huy những thành tựu đạt được, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các cuộc đấu tranh vệ quốc thành tinh thần cách mạng tiến công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng Thái Nguyên trở thành giàu có và phồn vinh /.


(1) Bác Hồ với Bắc Thái, Ty Văn hóa và Thông tin Bắc Thái xuất bản năm 1978, t. 1, tr. 142.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)