slider

Giới thiệu sách: HỒ CHÍ MINH – TỪ PÁC BÓ ĐẾN BA ĐÌNH

22 Tháng 04 Năm 2010 / 5634 lượt xem
Hương Thảo Nguyên - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 
Để giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trong giai đoạn có tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc, đồng thời thiết thực góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Hồ Chí Minh - Từ Pác Pó đến Ba Đìnhdo tác giả Đỗ Hoàng Linh biên soạn, với 296 trang, kích thước 20,5 cm, xuất bản năm 2009.
Nội dung cuốn sách ghi lại những hoạt động của Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1941-1945. Bên cạnh những sự kiện được trình bày theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, cuốn sách còn giới thiệu với bạn đọc các trích đoạn hồi ký của một số đồng chí lãnh đạo cao cấp, lãnh đạo cách mạng đã được sống và hoạt động bên cạnh Hồ Chí Minh giai đoạn này.
Cuốn sách mở đầu bằng các sự kiện trong tháng 1-1941, Nguyễn Ái Quốc ở làng Tân Khư (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), chuẩn bị cho việc về nước và ngày 28-1, Người lên đường về nước theo hướng Cao Bằng. Sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, trước những chuyển biến của tình hình thế giới, nhận rõ tình thế khẩn trương của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về Tổ quốc, mở ra một thời kỳ mới trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Với tên gọi mới Hồ Chí Minh, Người đã trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề quan trọng cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Khi về nước, Người đến hang Cốc Bó với bí danh Già Thu. Trong hồi ký “Bác Hồ đến bản tôi”, đồng chí Dương Đại Lâm kể lại những cảm nhận của mình lần đầu tiên gặp Bác: “… Ông Cụ có dáng bộ nhanh nhẹn, mắt long lanh sáng có ánh nhìn đầm ấm, tin cậy, bước ra tươi cười mời chúng tôi ngồi. “Ông Cụ” mặc một bộ quần áo chàm tay rộng, đầu để trần không khác một cụ già người địa phương… Riêng đối với tôi trên đường về hôm ấy, chân bước đi mà lòng cứ vấn vương ở lại, nơi này từ đó về sau trở nên có sức hút mạnh mẽ và thiêng liêng”.
Ở các hồi ký “Bác Hồ về nước” của Lê Quảng Ba, “Những ngày gần Bác” của Vũ Anh cũng ghi lại rất nhiều hoạt động của Hồ Chí Minh. Đồng chí Lê Quảng Ba kể lại trong hồi ký “Bác Hồ về nước” như sau:
“… Bác sống rất giản dị nhưng rất có nền nếp.
Sáng nào Bác cũng dậy sớm tập thể dục. Ở Khuổi Nậm không có đất, Bác cũng tạp một mặt phẳng đứng tập. Bác đẽo lấy bốn cái chày, hai cái vừa, hai cái to và nặng để thay tạ tập hàng ngày. Sáng sớm Bác vẫn thường tập leo núi. Bác chọn những quả núi quanh vùng cao nhất để leo lên với đôi bàn chân không. Khi thì một hai đồng chí đi theo Bác, khi thì Bác tập một mình. Một lần Bác bị lạc, chúng tôi lo lắng phân nhau đi tìm, mãi trưa Bác mới về đến nhà.
Leo núi đối với Bác không chỉ có mục đích tập luyện mà còn là dịp để tìm hiểu địa hình nhằm ứng phó linh hoạt nhất khi quân thù bất ngờ ập đến. Có đồng chí nhắc Bác: Leo núi Bác đi giày vào cho khỏi đau chân. Bác đáp: Tôi tập leo núi chân không cho quen. Sau giờ tập Bác tắm nước lạnh để luyện chịu đựng với giá rét. Để luyện bàn tay đánh máy, Bác chọn hai hòn đá như trứng gà khi nghỉ đánh máy Bác bóp tay vào đá.
Sống ngay cạnh Bác, ai tinh ý lắm mới biết được Bác mệt; Người có một nghị lực khác thường, mỗi khi mỏi mệt là Bác đứng dậy đi đi lại lại hoặc làm một việc gì đó, trừ trường hợp không đi lại được nữa, Người mới chịu nằm nghỉ. Có lần Bác bị sốt rét, người gầy đi nhiều, nhưng Bác cũng không chịu nghỉ. Mỗi khi lên cơn sốt, Bác lại leo núi cho mồ hôi vã ra như tắm. Lau chùi thân thể sạch sẽ xong, Bác tiếp tục làm việc.
Thời gian ở Pác Pó lúc nào Bác cũng mặc bộ quần áo Nùng màu chàm, đi giầy vải chẳng khác gì một ông cụ người địa phương.
Bác rất chú ý tiết kiệm. Bác dặn kỹ đồng chí Lộc quản lý và tất cả chúng tôi là ăn uống tuyệt đối không được để thừa hoặc đổ đi. Đồng chí nào mang quà về hoặc có quà quần chúng gửi cho, phải dành đến bữa mới được ăn; nếu có nhiều đồng chí quản lý phải tính giảm bớt gạo.
Bác làm việc có kế hoạch, ăn đúng giờ. Cũng như chúng tôi, Bác không ăn sáng, ngày nghỉ chỉ có hai bữa vào lúc chín rưỡi mời giờ và bốn rưỡi năm giờ chiều. Bác ăn chung với chúng tôi, thức ăn chỉ có rau măng và một chút thịt muối băm (một cân thịt rang khô với nửa cân muối và vài lạng ớt chỉ thiên để ăn dần).
Để cải thiện sinh hoạt, Bác cùng chúng tôi trồng một vườn rau cải ở Khuổi Nậm, nuôi một đàn gà…
Bác thường dạy chúng tôi: đối phó với kẻ địch, người cán bộ cách mạng phải nghiêm khắc giữ kỷ luật bí mật. Bác gương mẫu thực hiện điều kỷ luật này…”.
Cũng trong cuốn hồi ký trên, đồng chí Dương Đại Lâm kể lại đầy xúc động:
Người sống rất giản dị và kham khổ. Nước lá ổi thay chè, và cải xoong là thức ăn chủ yếu. Ngày ấy đồng bào quanh vùng ăn độn bắp, mọi người trong cơ quan cũng ăn độn bắp. Riêng “Đồng chí già” tuổi cao, sức yếu, chúng tôi mua gạo nấu riêng cho Người ăn, nhưng Người không đồng ý. Có lần bắp non xay để lâu mới ăn đến, bị chua, chúng tôi lại đề nghị Người ăn cơm gạo không, Người vẫn không nghe…”. Sau khi nghe các đồng chí bảo rang lên thì có thể ăn được nhưng không ngon… Bác bảo: “Thế thì rang lên mà ăn, không nên bỏ phí. Một hạt bắp lúc này cũng quý. Về sau nên phơi khô, rồi hãy xay…”. “Ở đâu, Người cũng luôn tìm mọi cách tự cải thiện đời sống…”.
Trong cuốn hồi ký “Những ngày gần Bác”, đồng chí Vũ Anh kể lại việc Bác tổ chức lớp huấn luyện chính trị - quân sự ngắn hạn cho cán bộ địa phương, viết thư kêu gọi chiến sĩ cách mạng, viết bài Hoan nghênh thanh niên học quân sự, Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập, Xã luận, Thế giới đại chiến và phận sự của ta… Qua đó, người đọc thấy, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Người vẫn làm nhiều bài thơ như: Việt Nam độc lập, Dân cày, Trẻ con, Công nhân, Bài ca Phụ nữ, Ca binh lĩnh…; viết tác phẩm Cách đánh du kích, gồm 13 chương, nội dung mỗi chương nêu ngắn gọn, dễ hiểu để cán bộ, nhân dân nhận thức đúng và thực hiện được…
Năm 1942, ngày 1-1 bài thơ Chúc mừng năm mới của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam độc lập. Cùng trong số báo trên, qua bài Năm mới, công việc mới, Người nêu tình hình thế giới và nước ta trong năm qua (1941), dự đoán tình hình thế giới năm nay (1942) và khẳng định rằng: “Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh - Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua”. Đó là thời cơ nước ta giành được độc lập, tự do. Vì vậy, mọi người phải chuẩn bị và “mau đoàn kết lại!”.
Đồng chí Dương Đại Lâm kể lại sự giác ngộ cách mạng của mình qua những lần “Bác Hồ đến bản tôi” (thuộc địa phận làng Pác Pó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng): “… Tôi dần dần hiểu biết hơn về Đảng, về chủ nghĩa cộng sản. Con người tôi như lớn hơn lên, lòng khao khát được đứng trong hàng ngũ Đảng của giai cấp công nhân ngày càng cụ thể, rõ ràng như có thể sờ tay là thấy được. Từ đó, tôi càng chịu khó tu dưỡng bản thân, tích cực công tác…”.
Cuốn sách còn ghi lại nhiều hồi ký của các đồng chí: Đồng chí Nông Thị Trưng với hồi ký “Chú Thu”, Thúy Bách với hồi ký “Trong vùng núi đá Lam Sơn”, Đặng Văn Cáp với hồi ký “Con đường dẫn tôi đến với Bác”, Trương Nam Hiến với hồi ký “Vào núi gặp lãnh tụ” (năm 1942); đồng chí Lê Tùng Sơn với hồi ký “Bác Hồ với kiều bào” (năm 1943); đồng chí Nguyễn Lương Bằng với hồi ký “Những lần gặp Bác” (năm 1944); đồng chí Đàm Quang Trung với hồi ký “Ở Tân Trào với Bác”, Phùng Thế Tài với hồi ký “Bác Hồ - những kỷ niệm không quên”, Hoàng Quang Bình với hồi ký “Ở Vân Nam”, Tống Minh Phương với hồi ký “Bác Hồ ở Côn Minh”, Hoàng Quốc Việt với hồi ký “Những kỷ niệm ngoại giao sâu sắc với Bác Hồ”, Hoàng Đức Triều (tức An Định) với hồi ký “Những ngày tháng 4 năm 1945”, Việt Dũng với hồi ký “Những ngày ở Tân Trào”, Lương Thị Khanh với hồi ký “Những ngày đầu Bác ở Tân Trào”, Trường Minh với hồi ký “Lớn lên trong sự chăm sóc giáo dục của Bác Hồ”, Công Ngọc Kha với hồi ký “Hạnh phúc đến bất ngờ”, Hoàng Tùng với hồi ký “Đón Bác từ làng Gạ” (năm 1945).
Đọc những dòng hồi ký, người đọc thấy nhiều sự kiện cụ thể, nối tiếp nhau từng ngày, từng tháng được đan xen bằng suy nghĩ, cảm nhận của những người được gần bên Bác trong suốt những năm tháng này, đã làm tái hiện một cách rõ nét hơn về cuộc sống, phong cách sống và làm việc của vị lãnh tụ kính yêu nơi rừng Pác Pó. Qua những cách nhìn và cảm nhận của những con người khác nhau, chúng ta có thể hiểu một cách sâu sắc và toàn diện nhất về Người. Người không chỉ truyền đạt, dạy và giúp cho nhận thức về cách mạng của cán bộ ngày một mở rộng và sâu sắc thêm, mà Người còn là tấm gương sáng ngời giúp cán bộ trang bị cho mình những tác phong sinh hoạt lành mạnh, cải thiện, tăng gia cuộc sống và đối phó với địch…
Bà Trịnh Văn Bô (tức Hoàng Thị Minh Hồ), chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang trong hồi ký “Những năm tháng bên Bác Hồ kính yêu” bồi hồi nhớ lại: “Bác từ chiến khu về chỉ có một đôi dép cao su nhãn hiệu Con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc màu. Đêm đêm, Bác thức rất khuya đánh máy chữ. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn bàn của Ông Cụ mới tắt, nhưng 5 giờ sáng đã thấy Ông Cụ tập thể dục ngoài ban công…”. Theo bà Bô kể lại, gần sát ngày Lễ tuyên ngôn 2-9-1945, ông bà Bô đã chọn riêng loại vải kaki cốtlê của Anh và ông Vũ Đình Huỳnh - nguyên là thư ký lễ tân mang đến xin ý kiến Bác, Bác nói: “Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt…”.
Những trang cuối cuốn sách là sự kiện 14 giờ ngày 2-9-1945, trong cuộc mít tinh tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói:
“Độc lập, tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ…”
Với tinh thần lạc quan cách mạng và nghị lực phi thường, Hồ Chí Minh đã vượt qua thời kỳ hết sức khó khăn của những ngày tháng gian lao trong nhà tù đế quốc, của những năm tháng hoạt động trong điều kiện bí mật với muôn vàn hiểm nguy, gian khổ. Bằng tài năng và đức độ của mình, Người đã cùng với Trung ương Đảng vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao phong ba, bão táp đi đến bến bờ thắng lợi. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Qua 296 trang sách, gồm nhiều trang hồi ký xúc động, chúng ta có thể hình dung một cách rõ nét hơn một thời kỳ hoạt động sôi nổi với nhiều gian nan, thử thách của Hồ Chí Minh và những đóng góp to lớn của Người trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Đây là một công trình có giá trị lịch sử, có ý nghĩa lớn lao vì nó không chỉ ghi lại những hoạt động của Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1941-1945 mà thực sự là một cuốn sử ghi chép lại một cách tỉ mỉ, chi tiết các sự kiện, diễn biến trong khoảng thời gian Người hoạt động từ Pác Pó đến Ba Đình với đầy đủ các thông tin về thời gian, nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh diễn ra… được ghi chép theo trình tự thời gian diễn ra các sự việc, lời nói, bài viết, hành động, sinh hoạt, giao tiếp.. giúp cho người đọc dễ nhận thức về Người, không chỉ từ góc độ một vị lãnh tụ qua những sự kiện lớn, mang tính chất bước ngoặt, mà còn được thấy hình ảnh bình dị, với những chuyện lớn, chuyện nhỏ trong cuộc sống của một con người./

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)