slider
Phát triển kinh tế số

Giới thiệu sách: HỒ CHÍ MINH À PARIS (1917-1923)

28 Tháng 06 Năm 2010 / 4068 lượt xem
 Giới thiệu sách: HỒ CHÍ MINH À PARIS (1917-1923)
P. H. Đ
Phòng Tuyên truyền Giáo dục
 
Cách đây tròn 20 năm, năm 1989, Nhà xuất bản Thông tin lý luận đã xuất bản lần đầu tiên cuốn sách nhan đề Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917- 1923) của nữ tác giả Thu Trang. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tái bản lần thứ nhất vào năm 2001. Tại Pháp, năm 1992 tác giả Thu Trang cũng cho ra mắt bạn đọc một cuốn sách với nhan đề Hồ Chí Minh à Paris (1917- 1923), có lời đề tựa của nhà sử học nổi tiếng người Pháp chuyên viết về sử Việt Nam Philippe Devillers, do Nhà xuất bản L’Harmattan, Paris xuất bản. Tháng 4/2009, nhân chuyến công tác sang Pháp của đoàn cán bộ Khu di tích Phủ Chủ tịch, tác giả Thu Trang (Công Thị Nghĩa) đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đoàn một số vấn đề về tư liệu xuất bản và ký tặng Khu di tích một bản sách gốc Hồ Chí Minh à Paris bằng tiếng Pháp. Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc.
1, Đôi nét về tác giả Thu Trang:
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nho giáo lâu đời ở Hà Nội. Năm 1950, ở tuổi 18 bà thoát ly gia đình để vào Sài Gòn lập nghiệp. Bà có tên trong làng báo miền Nam với các bút danh Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu. Các bài viết của bà thuộc nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, truyện dài, đăng trên các báo Lẽ sống, Sài Gòn mới, Phụ nữ diễn đàn, Tân văn, Cần học …. Năm 1955, bà tham gia cuộc thi Hoa hậu lần đầu tiên tổ chức tại Sài Gòn và giành được ngôi vị Hoa hậu. Thời gian sống ở Sài Gòn bà hoạt động rất sôi nổi trong phong trào học sinh sinh viên, là thành viên trong tổ công tác của Ban tình báo Đặc khu Sài Gòn – Chợ lớn – Gia Định,nhiều lần bà bị địch bắt và tra tấn.
Cuối năm 1960, bà sang Pháp sinh sống. Tại đây bà theo học Ban khoa học Lịch sử và Ngữ văn tại École pratique des Hautes Etudes thuộc trường Đại học Sorbone. Năm 1967 bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp”. Trong bản luận án tiến sĩ của mình bà đã phân tích những trào lưu chính trị ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX nhằm tìm ra những nguyên nhân dẫn đến những thử thách mà Việt Nam phải trải qua trong suốt 30 năm. Những tác phẩm của bà về Hồ Chí Minh là sự tiếp nối của những nghiên cứu trên thông qua việc nhìn nhận các sự kiện trong mối quan hệ với cuộc khủng hoảng về ý thức hệ.
Sau ngày miền Nam giải phóng, bà làm tổng thư ký Hội khoa học xã hội tại Pháp ba khóa liên tiếp. Hiện nay bà là ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp.
2, Lời giới thiệu cuốn Hồ Chí Minh à Paris của Nhà xuất bản L’Harmattan (Lược dịch):
Những ngày Nguyễn Ái Quốc ở Paris (sau này là Hồ Chí Minh vào năm 1945) trùng hợp với giai đoạn cuối của Đại chiến thế giới và thời kỳ hỗn loạn tiếp theo, đây cũng là lúc có sự chia rẽ giữa Quốc tế II và Quốc tế III cùng với sự thức tỉnh của các dân tộc địa. Trong bối cảnh đặc biệt ấy, những quan điểm mác-xít (được Lênin sau này là Stalin bổ sung) có sức lôi cuốn mạnh mẽ, tr­íc hết là nuôi dưỡng những hy vọng to lớn. Những tư tưởng Mác-xít quy tội những người say mê chủ nghĩa không tưởng, những người có khuynh hướng tiến bộ cũng như những nhà chiết trung chủ nghĩa và cả những người có tham vọng quyền lực, nhất là ở các nước châu Phi và châu Á thuộc bảo hộ của đế chế Pháp ở hải ngoại. Tác phẩm của Thu Trang, trong một bối cảnh mới, đã làm sáng tỏ cuộc sống của Hồ Chí Minh tại Pháp trong giai đoạn 1917-1923. Dù muốn hay không, Hồ Chí Minh vẫn sẽ là một trong những nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX.
Dựa trên nguồn tài liệu phong phú và nhất là những báo cáo của mật vụ Pháp, nội dung tác phẩm của Thu Trang giúp chúng ta khám phá những chặng đường gian nan khởi nguồn của một hành trình đầy kinh ngạc cũng như những quan hệ đã trải qua thử thách và những hoạt động đầu tiên dấn thân vào cuộc đấu tranh chống thuộc địa hoá, sự tiếp thu chủ nghĩa Cộng sản, những suy ngẫm và cả những sinh hoạt thường nhật của vị lãnh tụ Việt Nam trong tương lai.
3, Bố cục cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1 gồm 10 chương:
Chương I: Bức tranh toàn cảnh về cuộc xâm chiếm của người Pháp ở Việt Nam và phong trào kháng chiến
Chương II: Khái quát về đời sống chính trị xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX
Chương III: Cuộc sống lưu vong của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh
Chương IV: Cuộc khai thác và quản lý thuộc địa của Pháp ở Việt Nam 
Chương V: Những hoạt động chính trị của Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường tại Paris
Chương VI: Cuộc vận động những người Đông Dương vào quân đội Pháp trong Đại chiến thế giới
Chương VII: Sự ra đi của Nguyễn Tất Thành tới Châu Âu vào năm 1911
Chương VIII: Quan hệ giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành
Chương IX: Những giả thuyết về việc Nguyễn Tất Thành tới Paris
Chương X: Bài viết đầu tiên ký tên Nguyễn Ái Quốc
Phần 2 gồm 6 chương:
Chương I: Nguyến ái Quốc và cuộc bút chiến về nền chính trị thuộc địa
Chương II: Những quan hệ quốc tế của Nguyễn Ái Quốc
Chương III: Sự khủng hoảng của Đảng Xã Hội Pháp và cuộc tranh luận xung quanh việc lựa chọn Quốc tế II hay Quốc tế III
Chương IV: Sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc
Chương V: Sự chuẩn bị cho phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa
           Chương VI: Thành lập khối Liên hiệp các dân tộc thuộc địa
Phần 3 gồm 6 chương:
Chương I: Những hoạt động và những xuất bản phẩm của Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1921, 1922 ở Pháp và ở nước ngoài
Chương II: Bức thư Phan Châu Trinh gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18 tháng 2 năm 1922
Chương III: Chiến dịch phản đối vua Khải Định đến Pháp của Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc
Chương IV: Sáng lập tờ báo Người cùng khổ
Chương V: Nguyễn Thế Truyền và sự ra đời của báo Việt Nam hồn
Chương VI: Sự ra đi của Nguyễn Ái Quốc tới Matxcơva và Canton
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)