Hai cuốn sách của nữ văn sỹ Irina Lepchenco gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh
19 Tháng 09 Năm 2011 / 1854 lượt xem
Trần Thị Thuấn
Phòng Sưu tầm- Kiểm kê- Tư liệu
Trong khối hiện vật sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Phủ Chủ tịch có hai cuốn sách của tác giả người Nga Irina Lepchenco là cuốn Tuyến lửa và cuốn Hãy sờ tay vào bom được in bằng tiếng Nga.
Cuốn Tuyến lửado Nhà xuất bản “Ngọn lửa nhỏ” xuất bản năm 1967, sách gồm 48 trang, có khổ 14x17,5cm; còn cuốn Hãy sờ tay vào bom do Nhà xuất bản nước Nga Xô Viết xuất bản năm 1968, sách gồm 240 trang có khổ là 13x17cm.
Tác giả 2 cuốn sách trên - bà Irina Lepchenco, nữ văn sĩ, anh hùng của Liên bang Xô viết. Bà sinh ngày 15/3/1924 ở thành phố Đôn- bas nước Nga. Sau khi học xong lớp 9 cũng là lúc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô bùng nổ, bà đã tình nguyện ra mặt trận làm chiến sĩ lái xe tăng của quân đội Xô Viết. Trong quá trình hoạt động của mình bà đã được thưởng nhiều huân, huy chương và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Cuộc sống, tâm hồn phong phú của người chiến sĩ là vốn quý đã giúp bà viết thành công nhiều tác phẩm xuất sắc như “Chuyện kể về những năm tháng chiến tranh”; “Nữ chủ nhân xe tăng; Hy vọng”; “Những con người nước Đức mới” và hai cuốn sách kể trên.
Qua hồ sơ khoa học của hai hiện vật do phòng Sưu tầm- Kiểm kê- Tư liệu đã xây dựng, có thể lý giải tại sao hai cuốn sách của bà Irina Lepchenco lại xuất hiện tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm 1964, sau những thất bại nặng nề ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam. Chúng cho máy bay bắn phá điên cuồng các cơ sở kinh tế, các thành phố đông dân, đê điều, trường học, bệnh viện… Đặc biệt vào năm 1966 chúng đã ném bom bắn phá Thủ đô Hà Nội. Những tội ác dã man đó đã dấy lên phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam phát triển lan rộng mạnh mẽ khắp thế giới. Không chỉ Chính phủ và nhân dân các nước XHCN mà ngay cả Chính phủ và nhân dân các nước phương Tây cũng bày tỏ sự ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Nhiều nhà hoạt động chính trị, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo… của các nước đã đến Việt Nam để tìm hiểu tội ác của đế quốc Mỹ và hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam anh dũng kiên cường. Đồng thời bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong số những nhân vật như vậy có bà Irina Lepchenco.
Năm 1966, bà được Hội nhà văn Việt Nam mời sang thăm Việt Nam từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1966. Trong thời gian này bà đi đến nhiều nơi, nhiều vùng bị Mỹ ném bom, tận mắt nhìn thấy những cảnh chết chóc thảm thương của nhân dân Việt Nam nhất là phụ nữ và các em nhỏ. Bà cũng chứng kiến cuộc chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân Việt Nam.
Sau chuyến thăm Việt Nam 3 tháng, với tất cả những gì mà mình tận mắt chứng kiến và ghi chép được, bà viết thành hai cuốn sách: Một cuốn với tên gọi Tuyến lửa in năm 1967, một cuốn với tên gọi Hãy sờ tay vào bom in năm 1968.
Trong cuốn Tuyến lửa, Irina Lepchenco viết về 9 mẩu chuyện ngắn mà được tác giả viết từ những chuyến đi thăm các thành phố, làng mạc Việt Nam, từ những chiến hào những con đường xuyên trong đêm, từ những đường phố Hà Nội, Hải Phòng cho đến các làng mạc Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Vinh… Từ những nơi tác giả đã đến, đi qua và chứng kiến trong những ngày máy bay giặc Mỹ bắn phá, cuộc sống, chiến đấu và lao động của nhân dân Việt Nam vẫn giữ nguyên nhịp điệu. Sinh viên trường Đại học Bách Khoa- Hà Nội vẫn ngồi học bên cạnh khẩu súng trường, các mâm pháo sẵn sàng nhả đạn vào đầu kẻ thù; Các em nhỏ Hương Khê – Hà Tĩnh vẫn ngồi trong lớp học xung quanh có hầm trú ẩn và giao thông hào; Công nhân Hải Phòng vẫn vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu…
Trong những ghi chép của mình, Irina Lepchenco đã biểu thị sự phẫn nộ của bà trước những sự tàn khốc của chiến tranh mà bọn quân phiệt Mỹ đã gây ra trên đất nước Việt Nam mà bà đã chứng kiến (như sự kiện ở Hương Khê, tại một trường phổ thông giờ lên lớp vừa mới bắt đầu máy bay Mỹ đã ném bom… thầy trò bị giết hại). Đồng thời biểu thị sự khâm phục trước tinh thần chiến đấu ngoan cường của nhân dân Việt Nam, kêu gọi loài người tiến bộ hãy lên tiếng đòi đế quốc Mỹ phải chấm dứt giết hại em nhỏ.
Cuốc sách Hãy sờ tay vào bom bà viết về 15 mẩu chuyện kể về những anh hùng Việt Nam mà bà đã gặp, những cuộc đấu tranh anh dũng của quân dân Việt Nam mà tác giả đã chứng kiến như câu chuyện “Những con đường ra trận của Việt Nam” (trang 20); “Má Tần” (trang 42); “Lửa Hải Phòng” (trang 46)… Qua những câu chuyện bà kể, người đọc còn có thể biết được những cuộc phỏng vấn của bà đối với những tên giặc lái nhảy dù vừa chạm đất đã bị bắt như tên đại úy phi công Giê-rơn- Cốp –phi… Trong câu chuyện “Giọng nói tôi với trái tim bạn” (trang 107) người đọc còn được biết câu chuyện về những ngày bà là thành viên của đoàn đại biểu ủy ban của chiến binh Liên Xô sang thăm Mỹ, được tiếp xúc với những người mẹ, người vợ có con, có chồng đang ngồi trong trại giam giặc lái ở Hà Nội, họ đã nhận được thư của con, của chồng họ. Tại đây bà đã kêu gọi các bà, mẹ, chị em phụ nữ hãy lên tiếng mạnh mẽ hơn, đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Mỗi một câu chuyện kể trong sách đều có kèm theo những bức ảnh chụp hoặc những bức ký họa phù hợp với nội dung của câu chuyện.
Với tình cảm yêu mến nhân dân Việt Nam nói chung và lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi các tác phẩm của mình được phát hành tác giả đã gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh 2 cuốn sách này qua Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Những bút tích của bà được ghi trong hai cuốn sách:
ở cuốn Tuyến lửa trên trang đầu cuốn sách, bà Irina Lepchenco viết bằng tiếng Nga (tạm dịch là):
Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh
Với tất cả sự khâm phục tinh thần dũng cảm ngoan cường của Việt Nam anh hùng
Từ trái tim mình xin chúc đồng chí mạnh khỏe sống lâu
Irina Lepchenco của đồng chí
Moskva 15/3/1967
Kèm theo cuốn sách này, tác giả còn gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh một tấm danh thiếp (tạm dịch là):
Irina Nikolava Lepchenco
Nhà văn, anh hùng Liên Xô
SSSR Moskva
Phố Fzundénkaja 3 ĐT: G-2-12-15
Nhà 1, phòng 3
Tấm danh thiếp được gim vào bìa sau của cuốn sách.
Còn trên trang 5 của cuốn sách Hãy sờ tay vào bom bà viết bằng tiếng Nga (tạm dịch):
Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh, bằng cả tâm hồn, tình hữu nghị và tình yêu đối với nhân dân Việt Nam anh hùng và kiên cường phi thường, với lời chúc mừng khâm phục thắng lợi có tính quyết định đầu tiên buộc đế quốc Mỹ ngừng ném bom oanh tạc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Ký tên: Irina Lepchenco
Moskva ngày 14/11/1968
Theo đồng chí Vũ Kỳ- thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được sách của bà, Người đã gửi cho bà một tấm bưu thiếp chúc mừng năm mới và khen ngợi cuốn sách bà mới viết về Việt Nam. Bà rất vui khi nhận được lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà báo Quế Lâm- phóng viên thường trú của báo Nhân dân tại Liên Xô lúc đó đã ghi lại được lời bà tự hào nói với mọi người “Hồ Chủ tịch đọc tác phẩm của tôi. Bận rộn bao nhiêu công việc mà Người vẫn nghĩ đến tôi. Lòng yêu thương của Người bao la như biển cả. Mỗi huân, huy chương đều có thể mất nhưng những lời Hồ Chủ tịch là giải thưởng lớn nhất không bao giờ mất vì đã được khắc sâu trong trái tim tôi”. Tấm thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà nhận được trước khi Người mất hai tháng. Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh mất đến với bà thật đột ngột. Ngày đó bà đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Moscơva và xin được chịu tang như một người Việt Nam, quỳ khóc trước bàn thờ Người và xin ở lại túc trực cạnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba hôm sau bà mang đến một thẻ hương (thẻ hương này bà đã xin ở đền thờ Hai Bà Trưng về làm lưu niệm cách đó hai năm). Bà đã nghĩ rằng thẻ hương ở đền thờ hai vị anh hùng dân tộc phải được kính dâng lên vị anh hùng dân tộc của thế kỷ 20 và người chiến sĩ quốc tế vĩ đại - đồng chí Hồ Chí Minh .
Hai cuốn sách Tuyến lửa và Hãy sờ tay vào bom của nữ nhà văn Irina Lepchenco kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh là kỷ vật quý báu. Qua đó chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách của Irina Lepchenco, có thể Người còn đọc trực tiếp vì Chủ tịch Hồ Chí Minh rất giỏi tiếng Nga (tuy trong sách không có bút tích của Người). Sau khi đọc xong sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng giữ lại tại nơi ở và làm việc của Người. Cuốn Tuyến lửa được để trên giá sách trong phòng làm việc nhà tiếp cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nhà BK1). Cuốn Hãy sờ tay vào bom được Người để trên bàn làm việc tầng 1 nhà sàn.
Qua nghiên cứu chúng tôi còn được biết cuốn Tuyến lửa đã được in ra tiếng Anh và Irina Lepchenco cũng gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và hiện nay cuốn sách được để ở nhà sàn.
Những cuốn sách trên đều đã có hồ sơ khoa học và đang được lưu giữ tại kho tư liệu Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Cuốn Tuyến lửa tiếng Nga có số kiểm kê BTHCM 531/G-376
Cuốn Hãy sờ tay vào bom có số kiểm kê BTHCM 1023/G-780
Cuốn Tuyến lửa tiếng Anh có số kiểm kê BTHCM 885/G-699
Những cuốn sách là những hiện vật vô giá, không chỉ góp phần vào việc nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Khu di tích Phủ Chủ tịch, mà thông qua chúng, người đọc càng hiểu thêm về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân, hiểu thêm tình cảm của nhân dân thế giới đối với Việt Nam, với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của Người đối với nhân dân thế giới nói chung và nhân dân Liên Xô nói riêng. Ngoài ra cuốn sách cũng giúp cho các thế hệ người Việt Nam hiểu rõ hơn những hy sinh mất mát của thế hệ đi trước và hiểu sâu sắc hơn tại sao Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, để mỗi người thấy được trách nhiệm của mình phải làm gì để góp phần xứng đáng vào gìn giữ và phát triển thành quả cách mạng của các thế hệ cha anh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại.