slider

Hai cuốn từ điển Pháp - Nga và từ điển Nga - Pháp có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang trưng bày tại nhà Sàn

28 Tháng 05 Năm 2014 / 2430 lượt xem

Vũ Thu Hằng

                                                                        Phòng ST-KK-TL

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc học ngoại ngữ. Người quan niệm ngoại ngữ là cầu nối với tri thức đồng thời là phương tiện để hoạt động cách mạng. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Dù phải vất vả làm nhiều nghề để kiếm sống và hoạt động cách mạng, nhưng Người không bỏ phí một phút giây nào tự học. Người tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ hiểu biết của mình, nhất là học ngôn ngữ của những quốc gia mà mình đi qua, dù chỉ đôi ba câu giao tiếp với người dân bản địa. Người nhận thức rằng: "Muốn đánh Tây thì phải hiểu Tây, muốn hiểu Tây thì phải học chữ Tây". Có thể nói, niềm khát khao muốn giải phóng đồng bào đã tạo động lực cho Người ham tìm hiểu nhiều nền văn hoá khác, đặc biệt là đã học ngoại ngữ trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là khó khăn nhất.

Bác Hồ của chúng ta có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ. Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế lần thứ 7, Bác đã ghi: "Biết các thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung, Ý, Đức, Nga". Nhưng trên thực tế, dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, chúng ta còn được biết vốn ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở đó. Người còn sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác nữa như: tiếng Xiêm (Thái Lan), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập... Trong đó hai ngôn ngữ là tiếng Pháp và tiếng Nga được Người sử dụng thành thạo. Điều đó lý giải vì sao trong số hàng trăm cuốn sách tiếng nước ngoài trên giá sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu Phủ Chủ tịch thì sách tiếng Pháp và tiếng Nga chiếm số lượng lớn. Và để giúp Người tra cứu từ mới khi đọc sách, báo, tài liệu nước ngoài, trên bàn làm việc tầng hai nhà sàn Người để hai cuốn Từ điển Pháp - NgaTừ điển Nga - Pháp. Trong cuốn từ điển còn có bút tích của Người.  

Cuốn Từ điển Pháp - Nga do V.V. Pôtôxcaja biên soạn, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa quốc gia Xô Viết xuất bản tại Matxcova năm 1932. Từ điển gồm 25 000 từ, có 496 trang, khổ sách 12x9 cm. Bìa sách là loại bìa cứng, mặt ngoài bìa bọc vải màu đen, dòng chữ tiếng Nga in nổi. Sách có số kiểm kê: 749/G-563. Cuốn Từ điển Nga - Pháp do O. J. Smita biên soạn, Nhà xuất bản từ điển bách khoa quốc gia Xô Viết xuất bản tại Matxcova năm 1950. Cùng tham gia biên tập có: G.K.Đanilop, K.S.Kuzminxki và J. V.Lôa. Đây là tập 5 của bộ từ điển 5 tập loại bỏ túi. Từ điển gồm 2000 từ, có 560 trang, khổ sách 13x 8,5 cm. Bìa sách cũng là loại bìa cứng, mặt ngoài bìa bọc vải màu đen, dòng chữ tiếng Nga in nổi. Sách có số kiểm kê: 750/G-564. Cơ sở để biên soạn cuốn từ điển này là cuốn Từ điển Pháp-Nga của giáo sư K.A.Gansina và Từ điển bách khoa Larousse của Pháp.

Theo lời giới thiệu ở phần đầu cuốn sách, hai cuốn Từ điển Pháp-NgaTừ điển Nga-Pháp này giống như các cuốn từ điển bỏ túi khác được ấn định dùng cho các độc giả có đào tạo, chủ yếu là các độc giả có trình độ trung bình, sinh viên đại học và trung cấp kỹ thuật. Mục tiêu của bộ từ điển này là đào tạo khả năng để đọc được báo, sách khoa học phổ thông, dùng cho việc dịch nghĩa tối thiểu của từ nước ngoài. Theo ban biên tập thì những chú dẫn ngắn về ngữ pháp là tư liệu cần thiết để tham khảo. Ngoài ra trong từ điển còn có các phụ lục về: Danh sách tên địa lý, danh sách tên riêng, danh sách các nhà hoạt động chính trị, các từ viết tắt trong ngôn ngữ thông tấn của Pháp. Với ý nghĩa như vậy, trong việc lựa chọn dữ liệu, từ điển đã hướng đến ngôn ngữ xã hội thông dụng hiện đại trong khuôn khổ hạn chế các thuật ngữ chuyên biệt như khoa học chính trị xã hội, khoa học phổ thông, kỹ thuật thông dụng, thuật ngữ quân sự...

Cuốn Từ điển Pháp-Nga hiện đang được trưng bày trên bàn làm việc tầng hai nhà sàn. Theo như lời giới thiệu cuốn sách thì đây là loại từ điển dùng cho đối tượng có trình độ đại học và trung cấp, như vậy có thể hiểu rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thành thạo cả hai thứ tiếng Pháp và Nga. Trong quá trình rèn luyện để trở thành một nhà cách mạng vĩ đại, khi học tập, đấu tranh, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, Người đã tự học tập và biết nhiều thứ tiếng nước ngoài. Người dùng quyển từ điển này tra cứu các từ chuyên ngành, từ khoa học…vì trên giá sách của Người có hàng trăm cuốn sách tiếng Pháp, Nga. Đặc biệt trong cuốn từ điển này, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bút tích bằng bút chì đỏ ở các trang 764, 767, 768, 770, là các nét gạch chéo, gạch ngang, dấu phẩy. Có thể, Người đánh dấu để tra cứu nghĩa của từ khi đọc sách, báo, tài liệu và kiểm tra lại những từ này trong cuốn Từ điển Nga-Pháp mà Người cũng để trên bàn làm việc nhà sàn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh học tiếng Pháp rất sớm từ khi còn ở trường Quốc học Huế. Khi đó những từ ngữ trong văn học Pháp đã mang đến cho Người mong muốn được tìm hiểu nền văn minh Pháp. Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp, đối với Bác, kể từ thời điểm đó mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày tới công việc, nhằm mục đích tìm đường cứu nước, cứu dân đều phải sử dụng bằng tiếng Pháp, không biết tiếng Pháp thì đó là trở ngại lớn nhất trên con đường tìm đường cứu nước, cứu dân. Bác đặt ra quyết tâm: "Nhất định phải học viết cho kỳ được". Vì thế dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, nhưng Người vẫn tìm ra được phương pháp học cho riêng mình. Khi ở trên chuyến tàu sang Pháp, mỗi lúc rảnh rỗi, Bác đều tìm đến hai người lính trẻ được giải ngũ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp để tranh thủ vừa làm vừa học. Học được chữ nào Bác thực hành ngay. Viết được vài từ sau ghép thành đoạn, dần dần Người viết thành bài dài rồi xin đăng báo. Bác nói với mọi người trong toà soạn rằng: "Tôi rất sung sướng nếu bài viết được đăng, dù thế nào tôi cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi". Sau mỗi lần bài được đăng báo, Bác vui mừng khôn xiết, nhưng Bác lại cẩn thận xem lại từng câu từng chữ đúng sai chỗ nào, toà soạn báo đã sửa lại cho mình như thế nào. Sau mỗi ngày làm việc, Bác lại tranh thủ đọc vài trang tiểu thuyết vừa là tự trau dồi kiến thức, vừa học cách viết bài phóng sự. Bác đã có bài đăng báo "Đời sống thợ thuyền " và báo "Nhân đạo". Cho đến năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo "Người cùng khổ" in bằng tiếng Pháp. Khi viết bằng tiếng Pháp để gửi về nước, Bác lấy tên là Lin cho hợp với tên gọi Pháp. Năm 1924 Bác đã dùng tiếng Pháp để dạy một số môn học cho các nhóm học viên nói tiếng Pháp của trường Đại học Phương Đông ở Matxcova. Trong 10 năm ở Pháp Bác đã diễn thuyết, nói chuyện, phát biểu ở nhiều nơi nhưng đáng chú ý nhất là lời phát biểu của Bác tại Đại hội Tua năm 1920 và Bản tham luận về dân tộc thuộc địa ở Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V năm 1924 đã chứng tỏ bản lĩnh chính trị và vốn tiếng Pháp thành thạo của Bác.

Còn tiếng Nga đến năm 1924 khi bắt đầu đặt chân đến nước Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới học. Để học được tiếng Nga, Người phải dùng từ điển vì theo Bác tiếng này "khó học lắm". Tuy nhiên, vì đã có kinh nghiệm học tiếng nước ngoài nên Bác học tiếng Nga tương đối nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, Người đã nghe và nói được một số câu thường dùng trong đời sống hàng ngày. Thời kỳ năm 1933-1938 là thời kỳ Bác có thời gian trau dồi tiếng Nga. Bác vào học ở trường bổ túc của Quốc tế Cộng sản. Bác lấy tên là Linốp, giống với tên người Nga. Trong thời gian này, Người dành nhiều thời gian để nghiên cứu lịch sử thế giới, suy nghĩ về đường đi của các dân tộc thuộc địa. Với Bác, việc học tiếng Nga, đọc nhiều sách báo tiếng Nga để hiểu biết các dân tộc và để lãnh đạo cách mạng một cách khoa học hơn. Người đã từng viết bài cho nhiều tờ báo Nga như “Đời sống công nhân”, “Tiếng còi”, “Thời mới”, “Sự thật”… Người cũng đi nhiều nơi trên đất nước Liên Xô, tiếp xúc với nhiều người, nhiều tầng lớp. Rôman Cácmen, nhà điện ảnh Liên Xô, người quay cuốn phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” đã được gặp Người trong căn nhà nhỏ ở Việt Bắc vào một ngày mùa xuân năm 1954 và được Người tiếp, nói chuyện bằng tiếng Nga. Trở về nước, đồng chí phát biểu: "Chủ tịch Hồ Chí Minh thông thạo nhiều thứ tiếng của các dân tộc phương Đông và phương Tây".

Để học được tiếng Pháp và tiếng Nga, Bác đã sử dụng nhiều từ điển và có lẽ những năm 20 và 30 của thế kỷ trước chưa có từ điển Pháp-Việt và Nga-Việt nên Người đã dùng từ điển Pháp-Nga và Nga-Pháp để tra cứu. Hai cuốn từ điển trưng bày trên bàn làm việc tầng hai nhà sàn được xuất bản năm 1932 và năm 1950 nên có thể đã được Bác dùng từ trước khi về ở và làm việc tại ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Sau này Bác thường xuyên sử dụng và chúng luôn có trên bàn làm việc của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đọc sách, báo, tạp chí tiếng Pháp, tiếng Nga. Riêng ở nhà sàn có tới 73 quyển tiếng Pháp, 14 quyển tiếng Nga. Bên cạnh đó, Người còn viết báo, trả lời phỏng vấn bằng tiếng Pháp, tiếng Nga. Khi xây dựng hồ sơ khoa học cho hai cuốn sách này chúng tôi đã thống kê được những bài viết, bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Pháp và tiếng Nga từ năm 1953 đến năm 1967 in trong cuốn "Hồ Chí Minh toàn tập", tập 5, 6, 7, 8 do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản, gồm những bài sau:

- Bài "Chúng tôi vững tin vào thắng lợi cuối cùng của mình" đăng trong tuần báo "Vì một nền hoà bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân". Bản tiếng Pháp, số 250 ngày 21-8-1953.

- Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Regards (Pháp) ngày 18-11-1954 gửi thư phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Bài "Chủ nghĩa Lênin và công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức" viết tháng 4-1955, đăng báo Sự Thật Liên Xô ngày 18-4-1955.       

- Trả lời phỏng vấn của phóng viên Hãng thông tấn Pháp ngày 11-11-1955.

- "Cách mạng tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường đưa chúng ta tới hạnh phúc"- Bài nói chuyện với các nhà báo Liên Xô tháng 7-1957 đăng trong cuốn sách của Hồ Chí Minh "Về Lênin, chủ nghĩa Lênin và tình hữu nghị Xô-Việt không gì phá vỡ nổi", Nhà xuất bản chính trị Matxcơva năm 1970.

- Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài phát thanh Matxcơva tháng 8-1957.

- Lời phát biểu tại Hội nghị đại biểu các đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa tháng 11-1957 tại Matxcova, Liên Xô. Bản tiếng Nga lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

- Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài phát thanh Matxcova ngày 5 tháng 2-1959.

- Bài "Sức mạnh vô địch" viết tháng 4-1960 in trong sách "Về Lênin, chủ nghĩa Lênin và tình hữu nghị Xô-Việt không gì phá vỡ nổi", Nhà xuất bản chính trị Matxcova năm 1970.

- Bài "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin", bài viết cho tạp chí "Các vấn đề phương Đông" (Liên Xô) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Lênin 22-4-1960.

- Thư gửi các cháu thiếu niên tiền phong Liên Xô ngày 10-5-1960. Tài liệu bút tích tiếng Pháp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bài viết cho báo Văn học Liên Xô số ra ngày 19-11-1960 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của đại văn hào Nga L.N.Tônxtôi.

- Thư gửi đồng chí Ăng-ve Hốt-gia, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động An-ba-ni ngày 14-8-1961. Tài liệu bút tích tiếng Pháp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Thư gửi hoạ sĩ Pi-cát-xô tháng 8-1961, viết tiếng Pháp đăng trên tạp chí Phê bình mới số đặc biệt về Pi-cát-xô tròn 80 tuổi.

- Bài viết theo yêu cầu của báo Sự thật Liên Xô nhân kỷ niệm lần thứ 44 Cách mạng tháng Mười vĩ đại 7-11-1961 "Chào mừng kỷ niệm lần thứ 44 Cách mạng tháng Mười vĩ đại".

- Bài "Các nước xã hội chủ nghĩa châu Á và các vấn đề của châu Á". Bài viết cho báo Thời Mới Liên Xô ngày 20-11-191961.

- Thư gửi Quốc trưởng Căm-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-núc ngày 11-9-1964. Tài liệu bút tích tiếng Pháp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Thư cảm ơn đồng chí Van-te Un-brích, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng xã hội chủ nghĩa Thống Nhất Đức viết năm 1964. Tài liệu bút tích tiếng Pháp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Thư gửi ông Ê-đua-đô Mông-đô-len, Chủ tịch Mặt trận giải phóng Mô-dăm-bích viết tháng 10-1965. Tài liệu bút tích tiếng Pháp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thanh niên Canađa tháng 12-1965. Tài liệu bút tích tiếng Pháp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Thư gửi ông Đ. Mác-tin Ne-mô-lơ, Chủ tịch hội đồng hoà bình Đức ngày 25-10-1966. Tài liệu bút tích tiếng Pháp lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

- Bài "Tội ác Mỹ tàn bạo hơn Hit-le" viết năm 1966. Tài liệu bút tích tiếng Pháp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

- Bài "Thư gửi nhân dân Ý" viết tháng 3-1967.  Tài liệu bút tích tiếng Pháp lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hai cuốn từ điển là hiện vật gốc này đã được gìn giữ, bảo quản trong kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thay vào vị trí vốn có của nó là cuốn sách làm lại khoa học chính xác để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, về phong cách học tập, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)