slider
Phát triển kinh tế số

HIỆN VẬT BÚP BÊ NHẬT BẢN ĐANG TRƯNG BÀY Ở DI TÍCH NHÀ 54

07 Tháng 09 Năm 2011 / 3653 lượt xem
N.T.B
                                                                  Phòng Sưu tầm-Kiểm kê- Tư liệu
 
     Trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, có một ngôi nhà được gọi là nhà 54 là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức chuyển đến sống và làm việc từ tháng 12-1954 đến hết ngày 16- 5- 1958. Sau khi chuyển sang ở nhà Sàn từ ngày 17-5-1958, hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trở về ngôi nhà 54 để ăn cơm, kiểm tra sức khoẻ, vệ sinh cá nhân và tiếp khách.Tại ngôi nhà này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị như Bác đã sửa đổi Hiến pháp, chú trọng tới công tác xây dựng Đảng, cũng tại ngôi nhà này với bút danh CB, TL…Bác viết nhiều bài đăng trên các báo, báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, về các hoạt động đối nội, đối ngoại, hoạt động vì sự nghiệp thống nhất đất nước, vì sự nghiệp hoà bình dân chủ, tiến bộ xã hội của loài người. Đặc biệt trong thời gian sống và làm việc tại nhà 54, Bác rất coi trọng mở rộng quan hệ quốc tế và là người đặt nền móng cho ngành ngoại giao của nước nhà. Trong phòng làm việc tại ngôi nhà này, có để một số tặng phẩm của bạn bè quốc tế tặng Bác như: Tháp KremLi, tượng đứng LeNin của đảng cộng sản Liên Xô, tượng Khuất Nguyên của Trung Quốc, mô hình thùng rượu của Bun Ga Ri tặng…Đặc biệt trên bệ lò sưởi có trưng bày một hiện vật đặc biệt của Hội Nhật Việt hữu nghị tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời, đó là búp bê Nhật Bản, mang số kk: 1108-Đ-10. Hiện vật này được tặng vào khoảng năm 1966, khi đoàn sang thămViệt Nam
   Theo hồ sơ của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh về hiện vật này gồm: Bản ghi chép bước đầu năm 1970, được lập ngay sau khi Bác mất gần một năm, ảnh chụp sau ngày Bác mất 14 ngày. Đặc biệt là lời kể của các đồng chí nhân chứng là những người đã được vinh dự phục vụ Bác lúc sinh thời như: Đồng chí Vũ Kỳ, Đồng chí Cù Văn Chước, Đồng chí Phạm Đỉnh…đều cho biết khoàng năm 1966-1967 các đồng chí có nhìn thấy hiện vật này ở Di tích nhà 54, và hiện vật này được đặt trên bệ lò sưởi cạnh bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Cụ thể ý kiến của từng người như sau:
1. Đồng chí Vũ Kỳ: Khoảng năm 1966 chủ tịch Hồ Chí Minh có tiếp đoàn Hội Hữu nghi Nhật Việt sang thăm Việt Nam và họ đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn cụ thể ngày tặng, và ai là người tặng thì đồng chí không nhớ.
 2. Đồng chí Cù Văn Chước: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trân trọng các tặng phẩm của  nước ngoài tặng. Người coi đó là tấm lòng của các nước đối với Người và đối với nhân dân Việt Nam.
 3. Đồng chí Phạm Đỉnh: Có lần Đồng chí đứng gác cạnh nhà 54, Bác vẫy tay gọi vào, khi vào cạnh Bác ông lúng túng không biết nói gì thì chợt ông nhìn thấy các tặng phẩm để trên bàn làm việc và trên bệ lò sưởi, nên ông liền hỏi Bác: Thưa Bác! Con búp bê này và cái thùng rượu đẹp quá Bác mua lâu chưa ạ ? Bác quay lại nhìn ông rồi trả lời: Bác không phải mua đâu mà được tặng đấy chú ạ….
  Có thể nói Búp bê Nhật Bản của đoàn đại biểu hội Nhật Việt Hữu nghị là món quà Quốc tế tặng Bác đã thể hiện tình hữu nghị Việt Nhật. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trân trọng tình cảm của họ đối với Bác, đối với đất nước Việt Nam, nên Người đã để tặng phẩm này tại phòng làm việc nhà 54 để hàng ngày Người vẫn nhìn thấy mỗi khi sang ăn cơm, tắm giặt, kiểm tra sức khoẻ, đọc báo, đọc sách, tiếp khách, mặc dù năm 1958, Người đã chuyển sang ở và làm việc tại nhà Sàn.
   Để hiểu thêm về nguồn gốc, lý do Hội Nhật Việt hữu nghị lại tặng Bác Búp bê mà không phải là những tặng phẩm khác, chúng tôi đã tìm hiểu về nền văn hoá của Nhật Bản và được biết người Nhật thường hay tặng búp bê mặc áo ki mô nô và mặt nạ làm bằng gỗ để thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc họ. Theo quan niệm của Người Nhật khi họ yêu quý một ai đó thì họ sẽ tặng búp bê để có thể xua đuổi tà ma, bệnh tật, bảo vệ người già và trẻ em. Ngoài ra, búp bê còn mang đến cho người được tặng lời chúc luôn có niềm vui, sức khoẻ, lòng tự hào, sự thanh tao, lịch lãm….Do vậy, đối với người Nhật, búp bê rất có giá trị, không đơn thuần là một thứ đồ chơi mà là một phần đặc trưng của nét văn hóa Nhật. Ở Nhật Bản, sản xuất búp bê không chỉ là búp bê con gái, không chỉ để cho trẻ em chơi, mà còn làm cả những loại búp bê của người lớn và làm cả búp bê của phái mày râu, đó là búp bê đàn ông. Nên món quà này dùng để tặng được tất cả mọi người không kể nam hay nữ. Được biết để làm một con búp bê phải cần đến bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và mất rất nhiều thời gian, có những mẫu búp bê làm mất cả năm trời. Với những đặc điểm và ý nghĩa biểu trưng như vậy, nên búp bê đã được Bộ Thương mại Nhật chọn làm “Sản phẩm truyền thống dân tộc” của người Nhật. Và đó cũng là lý do mà Hội hữu Nghị Nhật Việt đã tặng  món quà này cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đoàn sang thăm Việt Nam.
     Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, với sự giúp đỡ của Hội hữu Nghị Nhật Việt và Đại sứ quan Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Búp bê Nhật Bản đã phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm: “Búp bê truyền thống Nhật Bản”. Triển lãm diễn ra từ ngày 19 tháng 10 đến ngày 22 tháng 10 năm 2005 tại Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt Hà Nội. Tại buổi triển lãm này, chúng tôi biết thêm được sự ra đời và phát triển của việc sản xuất búp bê đồ chơi và búp bê truyền thống của Nhật Bản.
    Vào khoảng những năm 1736-1741, có một Linh mục tên là TaKahashi đã chủ trì đền thờ KyotôKamô, để làm lễ cho Bộ tộc HoriKawa. Ông đã làm một chiếc hòm để phục vụ cho lễ hội thờ cúng, khi làm chiếc hòm có nhiều đoạn gỗ vụn, thấy vậy ông nảy ra ý định phải làm một con búp bê từ những mẫu gỗ nhỏ thừa sau khi làm những chiếc hòm còn dư lại. Cách làm của ông đầu tiên là ghép các mẩu gỗ để tạo ra một con búp bê. Và thế là búp bê đã ra đời như vậy. Trải qua nhiều năm, việc sản xuất búp bê ngày càng được phát triển và đã tạo nên được nét đặc trưng của nền văn hoá Nhật Bản. Nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều cả trong nước và ngoài nước, nếu chỉ tận dụng những mẩu gỗ vụn để làm những con búp bê thì không đủ đáp ứng, nên người Nhật còn sáng chế ra một loại búp bê được làm bằng chất liệu khác, đó là một thứ bột đặc trưng của Nhật. Loại bột hồ trắng đặc biệt này được sử dụng để vẽ những bức tranh truyền thống và các mặt lạ được làm bằng gỗ (Nole), loại chất liệu này dùng phổ biến cho đến ngày hôm nay, đã tạo nên được nét đặc trưng của búp bê truyền thống Nhật Bản.
 Cách làm búp bê bằng bột hồ như sau:
 - Đầu tiên cho bột Kiri vào bột hồ và nhào trộn hợp chất này quện đều với nhau
 - Bước thứ 2 tạo ra thân búp bê và làm khô
 - Bươc 3 tạo ra một cái rãnh nhỏ trên thân búp bê dọc theo hàng cúc áo Ki mô nô và những nếp gấp của áo Ki Mô Nô
 - Tiếp theo nhét mép áo vào rãnh để mặc Ki MôNô và đeo thắt lưng cho búp bê. Các bộ phận mặt, tay và chân búp bê cũng được làm bằng bột Kiri và được quét một lớp sơn trắng là loại sơn được làm từ bột hồ. Bột của vỏ sò và một loại chất lỏng trong suốt. Mặt của búp bê sẽ được hoàn thành sau khi quét vài lượt bằng bột hồ và cuối cùng vẽ lông mày và môi hồng cho búp bê nếu búp bê là nữ.
    Ngày 8 tháng 10 năm 2008, chúng tôi có dịp được tiếp đón bà Mi Za Ha Ta RumiKô, cán bộ thuộc Ban Chính trị Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Bà cho chúng tôi biết: Nhật Bản sản xuất Búp bê không đơn thuần chỉ là búp bê con gái, không chỉ để cho trẻ em chơi mà còn sản xuất cả những loại búp bê của người lớn và búp bê cho phái mày râu, đó là búp bê đàn ông. Nghe Bà Mi Za Ha Ta RumiKô nói vậy, chúng tôi thấy hơi lạ, nhưng được Bà giải thích: Nhật Bản làm cả búp bê để tóc dài, tay cầm kiếm…Là biểu tượng để dành cho người lớn yêu thích môn thể thao này và luôn giữ được hình ảnh anh hùng dân tộc của họ. Hoặc đối với trẻ em là nam giới thì lại có loại búp bê hiện nay như Đô Rê Mon, Lô Bi Ta, Trai En…và còn nhiều nhân vật khác nữa được làm bằng búp bê.
    Như vậy, ở Nhật Bản búp bê không chỉ dành riêng cho trẻ em gái mà có cả búp bê dành cho trẻ em trai và cho cả người lớn nữa. Một thứ đồ chơi thật là phong phú và đa dạng cho tất cả mọi tàng lớp từ trẻ em đến người lớn không kể nam nữ, đều dùng được nếu như họ ưa thích.
  Qua hồ sơ khoa học và qua những  nguồn tư liệu chúng tôi thu thập được, có thể nói búp bê Nhật Bản là một trong những món quà Quốc tế tặng Bác có ý nghĩa luôn đem lại niềm vui, sức khoẻ và mọi điều tốt lành cho ai có được món quà này. Món quà được tặng vào khoảng năm 1966. Hiện nay hiện vật này vẫn được đặt ở vị trí như sinh thời Bác, hiện vật này là vật chứng, minh chứng cho những hoạt động đối nội và đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày tháng Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch ( 15 năm). Qua đó thể hiện tình cảm tốt đẹp của Người đối với nhân dân Nhật Bản nói riêng và nhân dân toàn thế giới nói chung. Hồ sơ khoa học hiện đang được lưu gĩư trong kho tư liệu của Khu di tích Phủ Chủ tịch.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)