slider

HÌNH ẢNH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH QUA BỘ SÁCH "NHẬT KÝ CỦA MỘT BỘ TRƯỞNG"

09 Tháng 10 Năm 2009 / 2829 lượt xem
Đỗ Tuấn Đông
Nhà xuất bản Lý luận chính trị
 
          Sau Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến cuả Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nền độc lập mà chúng ta vừa mới giành được và chính quyền cách mạng non trẻ chưa có nhiều thời gian để củng cố thì lại phải bước ngay vào cuộc chiến đấu mới, đầy cam go, khốc liệt. Trái với mong muốn của thực dân Pháp và các thế lực phản động, chính quyền cách mạng non trẻ của ta đã không sụp đổ. Vững vàng giữa rừng sâu là cả một bộ máy kháng chiến, mạnh mẽ, linh hoạt, vẫn hàng ngày hàng giờ được củng cố, hoàn thiện về mọi mặt, để rồi từ đó lần lượt đánh bại, phá tan các âm mưu, lực lượng của địch, tiến tới trận tổng tiến công cuối cùng năm 1954, đánh bại hoàn toàn dã tâm và hành động xâm lược của thực dân Pháp và tay sai, giành lại độc lập cho Tổ quốc.
Tác giả của bộ sách Nhật ký của một Bộ trưởng (Nxb Đà Nẵng 2004, hai tập) - cụ Lê Văn Hiến, khi đó giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ kháng chiến, đã ghi lại tương đối đầy đủ hoạt động của mình, xung quanh đó là hoạt động của cả bộ máy kháng chiến. Là một người kháng chiến, hơn thế, cụ Lê Văn Hiến còn là một thành viên quan trọng của Hội đồng Chính phủ, do đó những ghi chép của cụ tương đối đầy đủ, sống động về các hoạt động kháng chiến của nhân dân ta, về hoạt động của bộ máy kháng chiến và các thành viên của nó. Trong đó tác giả dành nhiều trang để viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đứng đầu Chính phủ Việt Nam DCCH, linh hồn của cuộc kháng chiến của dân tộc, nổi lên đó là hàng loạt các hoạt động liên tục, không biết mệt mỏi của Người. Tập nhật ký của cụ Lê Văn Hiến chứa đựng những sử liệu vô cùng quý giá, giúp các nhà sử học phục dựng lại được bức tranh sinh động về một thời kỳ hào hùng của dân tộc.
Những ghi chép của cụ Lê Văn Hiến thiên về thuật lại sự việc hơn là đánh giá, bình luận. Nhưng chính điều đó lại giúp làm rõ hơn hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những nét tiêu biểu một cách tự thân, khách quan, thông qua chính những hoạt động, lời nói, phong thái của Người.
1. Cuộc sống, phong cách sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong hoàn cảnh chiến tranh ngặt nghèo, Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện là một tấm gương suốt đời hi sinh cho lý tưởng cứu nước, cứu dân, hết lòng thương yêu nhân dân mà Người còn là tấm gương mẫu mực về lối sống khiên tốn, giản dị; sống vui vẻ, hoà đồng với thiên nhiên, con người.
Những nơi ở và làm việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn trong suốt hành trình kháng chiến thường mộc mạc, đơn sơ và gần gũi với thiên nhiên. Cụ Lê Văn Hiến kể lại về một lần đến làm việc với Bác năm 1947: “Trong một phòng ấm cúng, trên một bộ ván không trải chiếu, bên một cái bàn đầy sách và báo. Cụ ngồi choàng áo pardessus, mình mặc bộ đồ nâu” (t.1, tr.74). Sang năm 1948, Bác dọn sang một nơi ở mới, “địa điểm mới này… đẹp mà kín… Có đất tốt để làm vườn. Có suối để tắm… Phong cảnh thật tĩnh mịch và nên thơ”(t.1, tr.660). Ở núi rừng, Bác Hồ sống hoà đồng với thiên nhiên, với con người. Khi mời cơm các cán bộ Trung ương, Người thường “thết cho một bữa cơm với “cây nhà lá vườn”… Cụ nuôi vịt và trồng được rau. Bát canh mướp do tay cụ vun xới” (t.1, tr.292). Đến cả việc đón tết trong rừng của Người cũng rất mực thanh đạm (t.1, tr.416), trong hoàn cảnh chiến tranh, súng nổ bốn phương nhưng vẫn mang vẻ mặn mà. Bác cũng thường đãi cán bộ của mình những bữa bắp luộc do Người tự trồng tại vườn (t.2, tr.137). Vào dịp tết Trung thu, Người thường cùng các đồng chí của mình “quây quần bên đống lửa xem trăng và ăn bánh” (t2, tr.159). Kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến, Người cùng anh em đốt lửa trại. Trong cuộc vui “mỗi người đóng một vai hoăc bốn năm người làm một hài kịch ngắn. Các nhân viên thì hát đồng ca” (t2, tr.456) hoặc quây quần bên đống lửa ngày tết, kể chuyện vui (t2, tr.499). Có những lần sau buổi họp Hội đồng Chính phủ, Người cùng anh em ra sân “nhảy điệu đàn, nhảy đầm, nhảy các kiểu mới do các đồng chí ở ngoại quốc đem về” (t.2, tr.500).
Công việc kháng chiến bận rộn, nhưng khi có thời gian, Người thường cùng anh em chơi thể thao, buổi sáng Người có thói quen tập thể dục. Môn thể thao Người ưa thích là đánh bóng chuyền. Sau buổi làm việc hoặc sáng sớm, Người thường đưa tất cả anh em ra sân “volley ball”, rồi chia ra hai phe đánh bóng. Hồ Chủ tịch với các quần cụt có vẻ “cầu sĩ”, “nhanh nhẹn và hoạt động lắm!” (t2, tr.11). Còn buổi sáng, “Người thường dậy sớm dạo các cánh đồng… Cụ thích đi bách bộ buổi sáng xem chỗ này, chỗ nọ” (t2, tr.498). Người cũng rất yêu thơ, trên chiến khu, một dịp Người “tổ chức bữa ngâm thơ và nói chuyện quyển thơ Tố Hữu “Bà mẹ Việt Bắc”; hoặc cùng anh em hát, “cụ Chủ tịch đánh chầu miệng. Người hát cũng có điệu mà Cụ cũng có vẻ lắm!” (t1, tr.493-494). Hoặc có khi, buổi sáng sớm sau một đêm họp Hội đồng Chính phủ, Bác còn “cặm cụi chế cà phê cho mỗi người một cốc” (t1, tr.394); còn khi đi thăm cán bộ, gặp bữa ăn dù đã gần xong, không câu nệ, cụ thân mật bảo cho “thêm một chén một đũa để cụ cùng ngồi ăn chung trong khi mâm cơm đã gần tàn” (t1, tr.140).
2. Đối với công tác kháng chiến
Trong công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là người cẩn trọng, tinh tế, sáng suốt và sát sao với công việc; gần gũi cán bộ. Người thường tạo ra không khí vui vẻ để mọi người cảm thấy thoải mái và làm việc có hiệu quả.
Đến dự các hội nghị, Người thường luôn tươi cười và bắt tay tất cả mọi người. Có khi Người làm đủ cách, hoặc bằng cử chỉ, hoặc bằng lời nói khôi hài, làm cho không khí Hội nghị thân mật, vui vẻ. Tiếng hoan hô cũng như tiếng cười nối tiếp trong Hội nghị (t2, tr.499). Tháng 2-1947, để quyết định chọn địa bàn làm chiến khu, Người đã thân chinh đi khảo sát thực địa. “Sau khi Hồ Chủ tịch đi kinh lý Thanh Hoá, đã có quyết định chọn chiến khu là Việt Bắc. Chuyến đi này là để chuẩn bị dời cơ sở in tiền, kho muối và các cơ quan của Bộ Tài chính lên Việt Bắc” (t1, tr.78). Còn để chuẩn bị cho cuộc đàm phán với Pháp, Người đã làm một động tác là “đề nghị cho Giám (tức Hoàng Minh Giám - ĐTĐ) ở Bộ Ngoại giao. Cụ đã đi một nước cờ khá cao, hành động ấy đã hé cửa, và đã làm cho bọn Pháp muốn điều đình”. Hành động này của Hồ Chí Minh khôn khéo ở chỗ, Hoàng Minh Giám là đảng viên của Đảng Xã hội, đo đó để Hoàng Minh Giám ở Bộ Ngoại Giao, sẽ tạo điều kiện cho những người xã hội Pháp muốn gặp Giám thì dễ.
Về đức tính cẩn trọng, một lần, trước khi gửi thư sang Pháp, Hồ Chí Minh cho họp Hội đồng Chính phủ để thảo luận về bức thư mà Người soạn, để gửi sang Pháp về chuyện giảng hoà; sau khi “cân nhắc lợi hại, toàn thể Hội đồng tán thành nguyên tắc” Người mới an tâm (t.1, tr.128).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết mình với công việc, không có tư tưởng ngại khó, Người đã quyết là làm cho kì được. Tháng 7-1947, cuộc họp Hội đồng Chính phủ đã được ấn định thì trời đổ mưa, ai cũng nghĩ là Bác không qua sông được. “Nhưng một tiếng đồng hồ sau… Hồ Chủ tịch điện thoại qua, nước sông đã xuống và Hội đồng Chính phủ vẫn định như trước” (t.1, tr.198). Trong hoàn cảnh nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn có tác phong khẩn trương, linh hoạt đối với công việc. Khi tình hình thế giới có biến chuyển lớn, “Hồ Chủ tịch cho triệu tập Hội đồng Chính phủ bất thường để đối phó với tình hình thế giới mới” (t.1, tr.285). Một công tác mà Người cũng thường lưu tâm đó là ngoài việc nắm bắt thông tin trong nước, do đó Người thường “sưu tập tất cả tin tức xảy ta trên thế giới mà có liên quan đến ta” (t.1, tr.143) để “đàm luận tình hình thời sự trong nước hoặc trên thế giới” trong các cuộc họp quan trọng của Hội đồng Chính phủ (t.1, tr.292), nhờ đó sẽ giúp cán bộ ta kịp thời nắm được bối cảnh mới và có giải pháp đối phó kịp thời. Có những khi Người “mệt vì cơn sốt hôm qua, nhưng Cụ vẫn không bỏ sót tí gì về công việc… Cụ vừa nằm sấp vừa nghe” (t.1, tr.436). Mồng một tết, vui với cán bộ nhưng “trong lúc vui không khỏi nhắc nhiều và bàn tán tình hình thế giới và việc nước” (t.2, tr.17). Thậm chí, có khi gặp cán bộ đi họp về trên đường, vì đang mong tin cuộc họp nên Bác cùng đồng chí cán bộ tìm ngay một nơi kín đáo gần đó để nghe báo cáo lại kết quả cuộc họp (t.2, tr.557).
Trong công tác, Bác Hồ rất có ý thức trong việc trọng dụng người tài. Nhờ vậy Người đã quy tụ được một đội ngũ đông đảo những người có nhiệt huyết nhất đứng trong hàng ngũ kháng chiến. Nhiều trí thức Việt kiều như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước… đến các vị cựu quan trong Nam triều ngày trước như cụ Phan Kế Toại, cụ Vi Văn Định… các nhà nho như Huỳnh Thúc Kháng… đều theo về với Bác. Chả thế mà Bộ trưởng Lê Văn Hiến đã viết: “chúng tôi nguyến cố gắng theo gương sáng của Hồ Chủ tịch khắc phục mọi khó khăn gian khổ, phụng sự quốc gia, dân tộc với một tinh thần không bao giờ lay chuyển” (t2, tr 5).
- Công tác đối ngoại trong kháng chiến:
Với câu hỏi của các phóng viên quốc tế, Người “gởi gắm cẩn thận và trả lời một cách gọn gẽ, khôn khéo… Cũng là một dịp để ta tuyên truyền với quốc tế” (t.2, tr.34). Khi phân tích tình hình thế giới, Người lấy những ví dụ sinh động, cụ thể: “Ví thế giới như một bàn cờ. Hai phe trắng (phe phản dân chủ) và đỏ (phe dân chủ) đương tranh thủ với nhau… Bên trắng càng ngày càng vào nước bí” (t.2, tr.212). Điều này làm cho người nghe dễ dàng tiếp thu và hiểu vấn đề. Người cũng rất sáng suốt trong vấn đề đối ngoại với các nước anh em. Cụ thể ở đây là chuyến xuất ngoại để cầu viện đầu năm 1950. Chuyến đi của Người dài ngày và đầy hiểm nguy, nhưng bù lại ta được các nước bạn viện trợ cho rất nhiều vũ khí, đạn được, phương tiện; rồi giúp cả cố vấn quân sự, đặt lãnh sự quán tại nước bạn… (t.2, tr.292). Điều này đã giúp ích không nhỏ vào chiến thắng của chiến dịch Biên giới của ta cuối năm đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận rõ vai trò của các nước láng giềng, Người cũng rất chú trọng quan hệ với Lào thông qua Hoàng thân Souvanouvong và ông Chủ tịch Đông Lào (t.2, tr.293).
- Vấn đề cải trang của Bác trong công tác: Trên chiến khu, trang phục thường ngày của Hồ Chủ tịch rất giản dị, thường thì là bộ quần áo nâu đã sờn; có khi vận quần đùi đứng xem anh em đá ballon (t.1, tr.538). Vì công việc, Bác phải đi lại nhiều, trong khi kẻ địch có thể trà trộn khắp nơi, để tiện cho công tác và giữ bí mật, Người thường hay cải trang. Cụ Lê Văn Hiến viết: “Nói đến chuyện cải trang thì Cụ rất thần tình. Đố ai biết là ai? Nhiều lúc chúng tôi ngồi với nhau trong một địa điểm giữa rừng, đương túm năm tụm ba tán chuyện thì thào với nhau để chờ Cụ thì đột nhiên một người đi săn ở đâu lại, đeo súng, mang balô cẩn thận, đội mũ tròn theo kiểu nhà binh, bộ râu che kín, chẳng ai nhìn ra thì Cụ đã đến, cười và bắt tay từng người một”. Đi dự các hội nghị, phương pháp cải trang được Bác Hồ tận dụng triệt để, luôn khiến mọi người phải bất ngờ. Có khi “Cụ Chủ tịch cùng vài người bảo vệ, ở ngoài thình lình bước vào, tai mặt đều che kín không ai nhìn ra, chỉ thấy dáng bộ và bộ đồ nâu thì biết Cụ” (t.1, tr.128). Có khi “mặc áo ngắn quần cụt, mang balô cầm gậy theo dọc bờ suối” trong lần đi dự lễ thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc tại chiến khu năm 1951 (t.2, tr.574).
3. Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân
Người thường xuyên duy trì hoạt động đi thăm, kiểm tra để đôn đốc việc chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên. Tại Chi Nê (năm 1947), sau khi máy bay địch oanh tạc, “Hồ Chủ tịch đi thăm nhà máy và lùng khắp các nhà. Nơi nào bẩn thỉu bị phê bình ráo riết” (t.1, tr.77). Tại Hội nghị Đảng Đoàn năm 1947, trời mưa làm cho ai nấy đều ướt hết, “Hồ Chủ tịch bắt tay từng người một, rờ những bộ quần áo ướt của mỗi người rồi lập tức cho đốt lửa lên để ai nấy cùng ngồi quây quần chung quanh đống lửa để sưởi và hong áo cho khô” (t.1, tr.170). Người nhà của các cán bộ, nhân viên cũng rất được Bác Hồ quan tâm. Trong bữa cơm cùng cán bộ Chính phủ, Bác hỏi thăm cháu Ái (con của Bộ trưởng Lê Văn Hiến) và hai con của cô Xuyến (Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ) (t.1, tr.292) và thăm hỏi cả việc riêng của hai người.
Tết đến, Bác Hồ không quên gửi thư chúc tết cán bộ, nhân viên; nếu có thời gian Người thường đi chúc tết các cơ quan, đơn vị. Tết Tân Mão (1951), tiếp đoàn cán bộ đến chúc tết, Bác “cho mang vào một mâm cam và biếu mỗi vị một quả với câu “khổ tận cam lai”… Cụ dặn các cụ có gia đình thì đem về làm quà cho gia đình. Một số lụa đẹp, Cụ gửi cho các các cháu con các vị từ dưới 5 tuổi” (t.2, tr.495). Cũng vì thương dân, sợ dân phải đóng thuế cao sẽ vất vả, Bác rất thận trọng với vấn đề thuế nông nghiệp. Bác cho người đi thăm dò, khảo cứu kỹ càng trước khi ban hành (t.2, tr.575).
4. Vấn đề sức khoẻ và tình cảm của nhân dân với Bác:
- Sức khoẻ của Bác: Vì công tác vất vả, lại trong điều kiện thiếu thốn nên cán bộ ta dễ hao tổn sức lực. Đối mặt với hành trình kháng chiến gian khổ, Bác có một nền tảng sức khoẻ dẻo dai hiếm có. Nhiều khi Bác phải đi bộ hàng chục cây số, bơi qua suối đi dự họp Hội đồng Chính phủ, nhưng lúc nào trông Bác cũng khoẻ mạnh và lanh lẹ lạ thường (t.1, tr.44). Có khi đến dự cuộc họp, Bác “đã đi bộ trên 20 cây số, trèo đèo lội suối sáng đến già trưa mới đến nơi nhưng Cụ vẫn vui vẻ” (t.1, tr.221). Điều đó chứng tỏ Bác còn tráng kiện lắm và tinh thần xông pha vẫn rất mạnh mẽ. Cụ Lê Văn Hiến còn tự hào khi nói chuyện với Hội nghị Phụ nữ về Bác: “Cụ già chúng ta khoẻ mạnh hơn ai hết” (t.1, tr.141). Tuy vậy, cũng có những khi Bác bị mệt nặng. Có những lần Bác bị mệt quá, dù không muốn nhưng vì công việc Bác vẫn phải nằm võng đến dự phiên họp của Hội đồng Chính phủ (t.1, tr.434).
- Tình cảm của nhân dân đối với Bác: Đáp lại sự quan tâm, tình cảm và sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp chung của Bác, cán bộ, chiến sĩ và nhân nhân luôn một lòng hướng về Bác, dành cho Bác những tình cảm chân thành và nồng nhiệt nhất. Bài hát “Ai yêu Bác Hồ…” hay khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm” luôn vang lên trong các dịp lễ tết, hội nghị hoặc ngày sinh của Bác. Ngày sinh nhật Bác, là dịp để cán bộ, chiến sĩ bày tỏ tình cảm yêu mến với Bác. Trong những dịp này, từ cán bộ, chiến sĩ đến các em nhỏ… ai cũng nhộn nhịp sắm sửa, tập văn nghệ mừng Bác (t.1, tr.534). Có nơi Bác ở heo hút, anh em muốn ở ngoài bảo về cho Bác ngủ, nhưng sợ anh em vất vả nên Bác không đồng ý, Bác nghĩ đã có nhân dân, muôn thú rồi rừng cây bảo vệ cho mình rồi.
Vì tình cảm với Bác mà khi Chính phủ cần, “nhân dân nô nức gánh thóc đi bán cho Cụ Hồ” (t.2, tr.205). Con người dành được nhiều tình cảm của nhân dân là vậy, nhưng vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám (năm 1948 ở chiến khu), trên đường Bác đi công tác, “trong lúc toàn quốc nhân dân biểu tình, hoan hô vị anh hùng dân tộc, thì “cụ già” ấy phải cải trang, lủi thủi tìm đường vắng trong rừng để tránh gặp gỡ, chung đụng với dân chúng” (t.1, tr.606), thật là một tấm lòng khiên tốn, cao thượng hiếm có.
 
* Cuốn nhật kí của cụ Lê Văn Hiến bắt đầu viết từ ngày 19-12-1946 đến ngày 26-11-1951 thì dừng. Năm 1951 đã vào năm thứ 5 của cuộc kháng chiến của nhân dân ta, theo lời cụ Lê Văn Hiến, khi đó cuộc kháng chiến của ta đang phát triển tương đối toàn diện, công việc khó khăn, phức tạp nhiều cần phải giải quyết để cuộc kháng chiến của ta được đảm bảo, không khí đó không còn phù hợp cho việc viết nhật kí nữa. Đó là điều hợp lí, nhưng cũng rất đáng tiếc. Tuy nhiên cũng chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho ta thấy hình ảnh một Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ tối cao, trung tâm của cuộc kháng chiến của dân tộc ta khi đó - Người luôn có một phong thái ung dung tự tại, lạc quan và tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến của dân tộc, dù cho trong điều kiện kháng chiến ngặt nghèo. Dưới sự lãnh đạo tài trí của Người, toàn thể dân tộc ta đã đoàn kết, từng bước vượt qua mọi khó khăn thử thách, đánh bại thực dân Pháp và can thiệp Mĩ bằng trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu./
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)