slider

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim tài liệu, phóng sự nước ngoài

10 Tháng 09 Năm 2021 / 1218 lượt xem

Hoàng Kiều Trang

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng bất tận cho nền văn học nghệ thuật, đặc biệt là với điện ảnh. Không chỉ các nhà làm phim Việt Nam có những tác phẩm về Bác Hồ, nhiều hãng phim quốc tế cũng đã thực hiện những thước phim về Người từ nhiều thập kỷ trước.

Năm 1969, một nhóm làm phim của Đảng Cộng sản Nhật Bản quay phim tài liệu về Bác. Nghệ sĩ ưu tú Đức Lưu được vinh dự tham gia đóng bộ phim tài liệu này và đó là những hồi ức đẹp mà mãi mãi về sau ông không thể nào quên. Ông kể lại: “Tháng 6/1969 tôi và Tuệ Minh được nhóm làm phim của Đảng Cộng sản Nhật Bản mời đóng bộ phim “Việt Nam chống Mỹ”. Tôi rất vinh dự và xúc động khi được một đoàn làm phim nước ngoài mời đóng. Tôi càng vinh dự và xúc động hơn vì được biết cùng được đóng phim với Bác Hồ kính yêu.

Nhóm làm phim sang ta khi Bác Hồ vừa qua một trận ốm. Hôm tôi gặp Bác, hai mí mắt của Bác đang mọng, Người thở hổn hển, hai tay năm lại cho khỏi run. Đồng chí Vũ Kỳ nói với chúng tôi là đồng chí đã đề nghị Bác chưa nên đóng phim ngay vì sức khoẻ của Bác còn yếu. Nhưng Bác gạt đi, Bác nói: “Đây là bộ phim của Đảng Cộng sản Nhật quay. Tôi đóng được. Các đồng chí đừng lo”.

Tôi và Tuệ Minh cùng một số các cháu thiếu nhi đến gặp Bác ở Phủ Chủ tịch. Bác mặc bộ quần áo đũi màu mỡ gà giản dị. Bác bảo bộ quần áo đó do đồng bào tỉnh Thái Bình gửi tặng. Bác rất thích mặc. Gặp Bác, các cháu thiếu nhi quây quần bên Bác, được Bác vuốt ve âu yếm hỏi chuyện. Bác kể cho chúng tôi nghe bộ phim mà nhóm làm phim của Đảng Cộng sản Nhật chuẩn bị quay. Đảng Cộng sản Nhật khi cử nhóm làm phim sang ta để thực hiện bộ phim rất nghèo. Do không có tiền để đi làm phim, các đồng chí đó đã bán vé trước để lấy tiền hẹn ngày chiếu vào một thời gian sau để nhân dân đến xem. Do có thiện cảm và cảm phục nhân dân Việt Nam chống Mỹ, nhân dân Nhật Bản đã mua vé ngay, không ngần ngại. Nói rồi Bác đưa tặng chúng tôi mỗi người một tấm vé mà nhóm làm phim đã bán trước.

Trong phim Bác xuất hiện khá nhiều. Vì vậy, phim phải quay “nhái” nhiều. Bác bao giờ cũng chuẩn bị chu đáo, luôn có mặt ở trường quay đúng giờ. Lần nào chúng tôi đến cũng đã thấy Bác ngồi đợi trong bộ quần áo đũi hiền lành giản dị. Bác cứ nhăc lại với chúng tôi: “Các cháu nên nhớ là chúng ta đóng phim cho Đảng Cộng sản Nhật!”

Khi đóng phim, Bác đóng rất có “nghề”. Chúng tôi đã là diễn viên, mà khi quay nhiều cảnh phải quay đi quay lại. Nhưng Bác đóng rất tự nhiên, nhập vai tốt hơn các diễn viên. Tôi thật sự cảm phục Bác và học tập được ở Bác rất nhiều trong cách đóng phim.

Duy chỉ có một cảnh quay Bác vui chơi với các cháu thiếu nhi phải quay đi quay lại mấy lần. Bởi vì các cháu thiếu nhi yêu mến Bác, muốn ngăm nhìn “ông tiên hiền lành”, nên khi quay cứ ngăm nhìn Bác mãi, thành thử cách quay chưa đạt. Lúc đó, Bác phải đứng ra làm một chân “đạo diễn” để uốn năn các cháu. Khi đóng xong cảnh này tôi thấy trán Bác lấm tấm mồ hôi, hơi thở dồn dập. Một tình thương trỗi dậy trong lòng tôi khôn xiết.

Quay xong một cảnh, ngồi giải lao, Bác trò chuyện hỏi han chúng tôi chuyện nhà cửa, học hành, công tác. Bác chia kẹo cho mọi người ăn. Chỗ kẹo còn lại khi ra về Bác đem chia đều cho mọi người. Bác bảo mang về làm quà cho người nhà, nói là của Bác Hồ gửi cho.

Đến hôm chúng tôi chuẩn bị về Thái Bình và một số nơi khác để quay tiếp bộ phim, Bác dặn:

- Các cô, các chú nên nhớ là chúng ta làm phim cho Đảng Cộng sản Nhật. Các cô, các chú đừng đòi hỏi gì.

Nhớ lời dặn của Bác, chúng tôi đã không quản ngại vất vả, ác liệt của chiến tranh để đi đóng từng thước phim cho Đảng Cộng sản Nhật. Bộ phim làm xong đúng thời hạn. Các đồng chí trong nhóm làm phim rất phấn khởi. Bộ phim thành công nhờ một phần lớn sự đóng góp của Bác, và qua những lời chỉ bảo của Bác, những người đóng phim đã đưa hết khả năng nhiệt tình đóng góp cho sự thành công của nó.

Bộ phim “Việt Nam chống Mỹ” đưa chiếu ở Nhật, được dân chúng rất thích. Sau đó bộ phim này cũng đã được giải cao trong liên hoan phim tài liệu ở Đức. Tôi không thể ngờ rằng, sau khi đóng phim xong ba tháng thì Bác kính yêu của chúng ta không còn nữa. Khi nghe tin Bác mất, tôi bật khóc như trẻ nhỏ mất cha... Đã nhiều năm trôi qua, tuy Bác đã đi xa nhưng hình ảnh Người và những lời dạy ân cần của Người còn đọng mãi trong tôi”(1).

Bộ phim tài liệu của Đảng Cộng sản Nhật là nguồn tư liệu quý giá, có sự tham gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa. Bộ phim đã khắc họa chân thực, sinh động hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Đó không chỉ là kỳ vọng của nhiều nhà làm phim mà còn là mong mỏi của cả dân tộc Việt Nam gửi gắm vào các tác phẩm văn học nghệ thuật, điện ảnh về Người. Việc thể hiện Người với những nét quen thuộc, dung dị gần gũi mà luôn tỏa sáng sự kết tinh văn hóa dân tộc và thời đại là những nét nổi bật trong bộ phim này.

Thấm đượm trong những khuôn hình này là hình ảnh đời thường giản dị của Bác, là “vô vàn tình thương yêu” của Bác đối với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế, đồng thời là sự ngợi ca công lao trời biển của Người đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tham gia bộ phim, từng cử chỉ, lời nói, hành động của Bác đều rất mực chân tình, gần gũi, để lại ấn tượng sâu sắc cho đoàn làm phim Nhật Bản cũng như những diễn viên, nhân viên tham gia bộ phim được tiếp xúc với Bác.

Thời gian qua, không ít bộ phim về Bác rất giá trị do các nhà làm phim quốc tế thực hiện đã được chúng ta mua bản quyền hoặc nước bạn trao tặng lại, các bộ phim này được chiếu trên truyền hình đã khắc sâu thêm hình ảnh của Bác trong trái tim nhân dân Việt Nam.

Bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh trên đất nước Lênin” (phim đen trắng) có thời lượng 30 phút, do Xưởng phim Thời sự tài liệu Trung ương Nga sản xuất năm 1976, tái hiện các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình thành lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các hoạt động của Người nhằm phát triển tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi Liên Xô. Qua bộ phim tài liệu này, khán giả cả nước được gặp lại Bác từ những ngày đầu mới đặt chân đến nước Nga, cảm nhận được tình cảm nồng hậu của các lãnh đạo, nhân dân Nga dành cho Người trong nhiều chuyến thăm nước Nga như: Hoạt động của Người tại kỳ Đại hội Đảng Liên Xô; kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười; hoạt động gặp gỡ với các cấp lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam, Liên Xô và các quốc gia thành viên Liên bang Xô Viết; hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân tình, cởi mở với các cháu thiếu nhi, công nông, chiến sĩ bằng tiếng Nga. Đáng giá trong bộ phim là những thước phim quay chiến thắng của quân và dân Việt Nam tại Dinh Độc Lập, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa. Bên cạnh niềm vui, hạnh phúc chiến thắng là những giọt nước mắt của người dân Việt Nam và bạn bè anh em Liên Xô luôn nhớ đến Người. Nhận thấy giá trị và ý nghĩa lịch sử của những thước phim tư liệu này, có nhiều hình ảnh chưa từng có, chưa từng xuất hiện hoặc được công bố tại Việt Nam, nhất là cảm nhận được sự trân trọng, tình cảm của người Nga dành cho Bác, cách họ làm phim về Bác... Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) quyết định mua bản sao và bản quyền vĩnh viễn bộ phim này để khai thác, sử dụng lâu dài. Việc mua bản quyền và phát sóng bộ phim được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về quá trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay, cũng như những năm tháng kháng chiến gian lao mà anh dũng của toàn dân tộc.

Phim “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn” (phim màu), hiện đang bảo quản tại Viện phim Quốc gia Pháp do Jean-Pierre Moscardo làm đạo diễn, sản xuất năm 1975 với thời lượng 60 phút 44 giây. Bộ phim miêu tả những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam (Cuộc chiến ngày 27 - 28/4/1975; sự chuyển hướng của quân đội miền Nam Việt Nam; hình ảnh người dân di cư trốn chạy.); Khung cảnh Sài Gòn những ngày đầu dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (diễu hành chào mừng chiến thắng; học sinh quét dọn và canh gác đường phố Sài Gòn.). Qua bộ phim, khán giả sẽ có được cái nhìn riêng về chiến thắng 30-4 qua cái nhìn của các nhà làm phim Pháp. Khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, sẽ hình dung được khung cảnh Sài Gòn những ngày cuối cùng của tháng 4/1975. Họ sẽ cảm nhận được người dân thành phố Hồ Chí Minh đón nhận sự kiện này như thế nào khi chứng kiến sự vui sướng hồ hởi của mọi người trong thời khắc anh bộ đội hoàn thành nhiệm vụ cầm cờ chạy lên dinh Độc Lập.

Viện phim Việt Nam cũng đã đón nhận những thước phim quý do Viện Lưu trữ Joris Ivens (Hà Lan) và Ủy ban Y tế Việt Nam - Hà Lan trao tặng. Trong số này, 4 bộ phim tài liệu do nhà quay phim tài liệu nổi tiếng Joris Ivens (1898 - 1989) thực hiện vào những năm 1960 tại Việt Nam gồm: Cuộc gặp gỡ Hồ Chủ tịch, Vĩ tuyến 17 - chiến tranh nhân dân, Bầu trời và mặt đất, Việt Nam xa xôi. Nổi bật trong số này, phải kể đến bộ phim tư liệu “Cuộc gặp gỡ Hồ Chủ tịch” (1969) dài 8 phút, có chất lượng hình ảnh rất tốt do Joris Ivens thực hiện, thu được cả tiếng của Bác Hồ trò chuyện với các anh hùng tiêu biểu của hai miền Nam, Bắc trong một cuộc gặp gỡ tại Hà Nội chỉ vài tháng trước khi Bác mất. Đây được xem là những thước phim tư liệu quý giá về Bác Hồ đối với nhân dân Việt Nam.

Các nhà làm phim Thái Lan cũng đã trao tặng Đài truyền hình Việt Nam bản quyền bộ phim tài liệu “Linh hồn Việt Nam” do Tiến sĩ Artha Nantachukra - Đại học Mahasarakham thực hiện. Bộ phim tài liệu này dài 15 tập, qua mỗi tập phim đã đưa người xem trở lại với những địa điểm trên đất nước Thái Lan mà hơn 70 năm trước Bác Hồ đã từng sống và hoạt động cách mạng. Thông qua các hiện vật, những câu chuyện của người dân kể lại, bộ phim đã khắc họa chân dung Người với những phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời luôn được lưu giữ trong lòng người dân Thái Lan và người Việt Nam sinh sống tại Thái Lan. Đồng thời, bộ phim “Linh hồn Việt Nam” còn phản ánh sâu sắc tình cảm hữu nghị đoàn kết gắn bó của người dân Thái Lan và Việt Nam. 15 tập phim tài liệu này đã được biên dịch sang tiếng Việt, lần lượt được phát trên các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và nhận được sự yêu mến của khán giả nước nhà. Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc một học giả Thái Lan đã dày công tập hợp tư liệu và tổ chức sản xuất bộ phim dài tập như “Linh hồn Việt Nam” cho thấy cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ có một sức hấp dẫn lớn đối với giới học giả nước ngoài.

Đài truyền hình Việt Nam đã mua bản quyền bộ phim tài liệu 12 tập mang tên “Hồ Chí Minh - Con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam” do các nhà làm phim truyền hình Thái Lan sản xuất. Đài truyền hình NBT (Thái Lan) từng chiếu bộ phim này trong chuyên mục “Legend of the world” (Huyền thoại của Thế giới) ở quốc gia này. Bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam” đã hướng người xem thấy được những công lao, cống hiến, đóng góp to lớn của Người đối với cuộc chiến tranh giành tự do độc lập cho dân tộc Việt Nam, tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của Bác, đức tính giản dị, lòng nhân ái và tinh thần yêu nước cháy bỏng của Người, đồng thời ca ngợi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc ta. Không những thế, 12 tập phim tài liệu còn ca ngợi và đề cao tình cảm, mối quan hệ thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với cố Thủ tướng Thái Lan Pridi Banomyong, qua đó thể hiện tình đoàn kết hữu nghị truyền thống vốn có giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước.

Sau ngày Bác mất, phim tài liệu “79 Mùa xuân”(2) (phim đen trắng) của Nhà làm phim Cuba Santiago Alvarez được sản xuất và hoàn tất vào năm 1970. Với thời lượng hơn 23 phút, lần đầu tiên một phim tài liệu mang phong cách Mỹ Latin đặc biệt kể về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với góc nhìn chân thực, giản dị và sâu sắc. Bộ phim ca ngợi công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Xen giữa những hình ảnh về cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những hình ảnh về sự tàn khốc của bom đạn Mỹ cùng nhiều tư liệu về quá trình chiến đấu chống ngoại xâm của quân và dân Việt Nam, từ ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại. Cao trào của bộ phim nằm ở những thước phim xúc động, đau thương mà Santiago Álvarez Román ghi lại được trong lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phim kết thúc với những cảnh chiến đấu ác liệt vẫn tiếp diễn, cùng lời kêu gọi phong trào đấu tranh quốc tế hãy đoàn kết lại. Sự kết hợp trên gửi đến thông điệp rằng cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với khát khao giải phóng dân tộc Việt Nam. Dù Người đã đi xa, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục cho đến chiến thắng cuối cùng, vì chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Bộ phim “Tên người là Hồ Chí Minh”(3) do Điện ảnh Liên Xô sản xuất năm 1969 gồm 5 cuốn phim đen trắng 35mm. Nội dung phim nói về Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là tên của một Con Người đó là Hồ Chủ tịch - Vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Là người Việt Nam yêu nước đi tìm con đường giải phóng dân tộc, tham gia phong trào Quốc tế Cộng sản, lãnh đạo dân tộc Việt Nam đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồ Chủ tịch là người bạn lớn của nhân dân Liên Xô và những tình cảm chân thành kính trọng, hữu nghị của nhân dân Liên Xô đối với Người.

Khó có thể kể hết những tác phẩm điện ảnh nước ngoài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng sơ lược những bộ phim tư liệu trên đây có thể thấy, nhiều sự kiện quan trọng, những thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc Việt Nam đã được ghi lại chân thực và sống động và nhiều cảm xúc thông qua ống kính của các nhà làm phim nước ngoài. Qua những thước phim tư liệu quý giá, chân thực, nhiều cảm xúc đã thể hiện tình cảm của nhân dân từ khắp thế giới đối với dân tộc ta nói chung và sự kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trân trọng ghi vào nhiều bộ phim, cuốn sách, trong các cuốn từ điển danh nhân của thế giới, là một bản anh hùng ca cách mạng, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng và luôn là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.

Chú thích:

1.       Chuyện kể về Bác Hồ, Nxb. Nghệ An, 2004, tập 4.

2.       Danh mục phim thời sự, tài liệu, tư liệu có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946-2009) - Viện phim Việt Nam, 2011, tr.373.

3.       Danh mục phim thời sự, tài liệu, tư liệu có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946-2009) - Viện phim Việt Nam, 2011, tr.372.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)