slider

HỒ CHÍ MINH- BIỂU TƯỢNG MẪU MỰC VỀ SỰ KHIÊM TỐN GIẢN DỊ

07 Tháng 04 Năm 2014 / 9904 lượt xem

                               

 

  Nêu gương đạo đức là một trong những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục đạo đức mới. Hồ Chí Minh đã tự nêu tấm gương đạo đức tuyệt vời, tiêu biểu cho tinh hoa và khí phách dân tộc được toàn dân tin theo, thế giới ngưỡng mộ. Người  không những là tấm gương suốt đời hy sinh phấn đấu cho lý tưởng cứu nước, cứu dân, hết lòng thương yêu nhân dân mà còn là tấm gương về sự khiêm tốn giản dị. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã giành một phần tâm huyết của mình để viết về Bác Hồ với những câu chữ  có sức truyền cảm vô cùng mãnh liệt:“ Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết. Ngót 30 năm bôn tẩu bốn phương trời, người vẫn giữ thuần tuý phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam. Ngôn ngữ của Người phong phú, ý vị, lối sống của Người giản dị mà thanh tao...” (1) .

Trong cuốn sách Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1927, là cuốn sách “gối đầu giường” của những người cộng sản Việt Nam , trang mở đầu nói về tư cách người cách mạng, tác giả có ghi 12 điểm mà điểm thứ nhất là “cần kiệm” điểm thư 12 là “ít lòng ham muốn về vật chất” điểm 9 “ không háo danh, không kiêu ngạo”, 3 điểm đó đều thuộc tính giản dị, khiêm tốn..

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, khi đọc bản tuyên ngôn độc lập, câu hỏi giản dị gần gũi của Người: “ Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Rồi, “ chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ”, cho thấy trên thế giới thật hiếm có vị lãnh tụ nào có cách nói, nếp nghĩ, sự  ham muốn lại  giản dị khiêm tốn  như Bác. Lúc đến Pháp năm 1946, ngay hôm gặp đầu tiên, lối ăn ở giản dị của Hồ Chủ tịch làm cho kiều bào rất cảm động. Hôm ấy, tại Bi-a-rít, đại biểu kiều bào đến thăm Người, hồi hộp và sung sướng. Khách đông, phòng khách không đủ ghế ngồi, giản dị Hồ Chủ tịch ngồi xuống sàn và mời mọi người cùng ngồi thế nói chuyện. Đây không phải là Chủ tịch Chính phủ, đây là cha già của dân tộc, ân cần và thân mật hỏi thăm đàn con bao năm lưu lạc ở quê người. Trên chiến hạm Pháp đi từ TouLon về Hải Phòng, chiến hạm chạy khá chậm, cách ít ngày lại ghé bến sửa chữa. Thường kỳ có bắn tập, phô trương sức mạnh của quân đội Pháp: Còi tàu bỗng reo lên từng hồi báo động; Tiếng chân người chạy rầm rập trên sàn tàu; Tiếng hô của hạm trưởng, tiếng thao tác của vũ khí, tiếng nổ chát chúa của pháo tầm xa, pháo phòng không, tiếng súng máy loạn xạ. “Có gì vậy?” mọi người hỏi nhau. Riêng Bác bình tĩnh, điềm nhiên ung dung hút thuốc lá và mỉm cười bảo mọi người: “Người ta kiểm tra tinh thần của các chú đấy”. Nếp sống giản dị ung dung của Bác nhanh chóng chinh phục được tình cảm của mọi người phục vụ và các thuỷ thủ trên tàu. Viên hạm trưởng cắt một số thuỷ thủ phục vụ riêng cho Bác nhưng Bác không bao giờ gọi đến họ. Viên hạm trưởng rất ngạc nhiên. Quản trị trưởng trên hạm tàu báo: “Ngài Chủ tịch rất ít quần áo, vẻn vẹn hai chiếc áo sơ- mi, hai đôi tất, hai khăn mặt, hai quần áo lót, ngài còn nói ngài tự giặt quần áo, không phiền đến ai”.

Chuyện lan truyền ra trong thuỷ thủ, thuỷ thủ không ngớt  bàn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một Quốc trưởng giản dị lạ thường, họ dần dần có cảm tình với  mọi người trong đoàn. Từ đó các cuộc tập trận, diễu võ giương oai chấm dứt.

Lối ăn ở của Hồ Chủ tịch giản dị như thế nào, chúng ta đã từng biết. Mấy  mươi năm xa cách quê hương, Người không quên những món ăn mang đậm nét quê hương như : cà muối, dưa chua, tương ớt và hàng ngày Người vẫn ưa những thứ ấy. Lúc ở chiến khu, Người sống chung với anh em trong một cơ quan, làm việc, học tập, ăn ở, sinh hoạt nhất nhất như anh em. Nhiều lần, vì đến quá trễ, thức ăn không còn, Hồ Chủ tịch vẫn vui cười ăn đủ mấy bát cơm thường lệ. Người vẫn thích đi bộ, tắm sông, hút thuốc lá và thỉnh thoảng uống một ly rượu thuốc trong bữa ăn.Trong kháng chiến, Người thường mặc bộ đồ màu xanh, chân đi dép cao su. Về Hà nội, Người lại mặc bộ đồ kaki và chân đi giầy vải.Thời kỳ kháng chiến ở chiến khu điều kiện sinh hoạt khó khăn Bác ăn uống kham khổ, nhưng khi hoà bình về Hà Nội điều kiện tốt hơn nhưng Bác ăn uống vẫn rất thanh đạm.Theo lời kể của các đồng chí trước đây có vinh dự được phục vụ Bác thì: bữa ăn của Bác thường cũng chỉ có 3 món. Món mặn bằng thịt kho hoặc cá kho, một món rau luộc hoặc xào, một bát canh nhỏ với chút dưa, chút cà muối hoặc món nhút quê hương. Cá kho sao cho khô đanh, canh cua đồng nấu cho vừa, điểm chút rau thơm, rau ghém, quả ớt, cơm dẻo nóng sốt là được. Nếu đổi món thì rau muống luộc cho xanh, trứng luộc hơi lòng đào, thêm mấy quả cà pháo muối kiểu xứ Nghệ. Còn bữa ăn sáng của Bác  thì thật là đơn giản. Hôm thì miếng bánh mỳ với ít mứt, hôm thì bát cháo hoa với đường, khi ăn xong bữa, Bác tự tay thu  dọn bát đĩa gọn gàng để người phục vụ chỉ việc mang đi. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ chiến khu Việt Bắc, Bác cùng Trung ương Đảng trở về Thủ đô Hà nội. Thể theo nguyện vọng của nhân dân. Đảng và Nhà nước trân trọng mời Bác về ở tại toà nhà của Toàn quyền Đông Dương trước kia nhưng Bác đã từ chối: ”Ngôi nhà đẹp đấy! Các chú hãy quét dọn sạch sẽ, sửa sang lại làm nơi vui chơi cho các cháu thiếu nhi. Bác không ở đây đâu” ( Chuyện của những người giúp việc Bác Hồ- NXB Thông tấn 2003, tr179). Bác đã chọn cho mình ngôi nhà nhỏ của một người thợ điện trong phủ Toàn quyền Đông Dương để ở và làm việc. Đến năm 1958 Đảng và Nhà nước làm cho Người ngôi nhà sàn bằng gỗ giống như những ngôi nhà sàn của đồng bào các dân tộc trên chiến khu Việt Bắc theo ý tưởng của Bác.

Ra nước ngoài, Người mặc đồ nỉ màu đen thẫm có cúc cài cổ, đi dày da.Giản dị là đức tính tự nhiên của Bác, hoàn toàn không có lúc nào là xếp đặt vì mục đích. Người giản dị thì có nhiều, nhưng lại có ít, rất ít người đã đạt tới đỉnh của sự vinh quang cả trong nước và thế giới mà tính giản dị tự nhiên vẫn không thay đổi. Nhà sử học Trần Văn Giầu nhận xét rằng: “Suốt 79 mùa xuân, mấy chục năm đầu giản dị là bản tính, mấy chục năm sau tính giản dị còn nhằm mục đích giáo hoá làm gương” (2) . Bác hy sinh cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc để dân tự do, nước độc lập, mọi người đều bình dẳng, có cơm ăn, áo mặc, được học hành tiến bộ, còn Bác không có chút gì riêng tư cho mình. Bác đi vào lòng người bởi vì tuy là lãnh tụ tối cao nhưng trong cuộc sống đời thường Người không có biểu hiện trước dân chúng cử chỉ của người lãnh tụ rất mộc mạc dân dã, luôn chủ động trong mọi công việc, mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống. Học tập tấm gương mẫu mực về khiêm tốn giản dị của Bác trước hết là học tính gần gũi với dân, Gần gũi với dân thì được nhân dân chỉ bảo nên và không nên làm gì. Gần dân thì dân ủng hộ, dẫu công việc khó khăn đến mấy cũng xong, không có dân thì việc gì làm cũng không xong: “Dễ mười lần không dân cũng chụi, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Cũng như trong kháng chiến Bác đã cùng với các chiến sĩ hành quân. Bác đã đến với các chiến sĩ đang trên mặt trận. Bác đi thăm nhà bếp, nhà vệ sinh, chỗ ở của gia đình, tập thể, nói chuyện với mọi lớp người. Bác đã đi vào lòng quần chúng bằng trái tim nhân hậu, Người đã đi vào ngóc ngách cuộc sống của người dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Bác đã từng đến những gia đình nghèo khó, đến với ruộng đồng, làng mạc xa xôi hẻo lánh, Lần Bác đến thăm một gia đình nghèo ở Hà Nội vì quá bất ngờ và sợ Bác buồn chị chủ nhà đã xúc động, nghẹn ngào : “Sao Bác lại tới thăm những gia đình như gia đình cháu”, Bác ôn tồn nói : “Bác không đến thăm những gia đình như gia đình cô thì Bác đến thăm ai..”. Cho nên, nhà báo Austalia Bớc-Sét nhận xét rằng: “Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu lặng trong nhân dân thì không có ai bằng Bác Hồ”(3). Tính bình dị của Bác trong đối nhân xử thế, ăn mặc dễ gần dân và dân dễ gần Bác. Bác không cư xử xã giao mà hành động thực sự như : cầm gầu tát nước, cuốc đất trồng rau chứ không phải làm tượng trưng chiếu lệ. Khi bàn luận hay giải thích hoặc đề cập đến vấn đề chính trị, Người luôn trình bày đơn giản để mọi người nghe dễ hiểu, khiến những điều phức tạp thành dễ nghe dễ tiếp thu. Khi cần tranh luận, Người không nói vòng vo, dùng từ khuôn sáo, sách vở, Người dùng từ ngữ quen thuộc, gần gũi với mọi người, Người không triết lý dài dòng khó hiểu. Một người Mỹ- nhà báo, nhà văn Đavit Halbétam trong cuốn sách “Ho” của mình, do nhà xuất bản Random House ở Niu Yoóc ấn hành, đã có nhận xét rất chính xác rằng: “ Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này- hơi giống Găng-đi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất kỳ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của Ông, và đối với cả thế giới Ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nhân dân Việt Nam, Ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn nói năng hoà nhã, không màng địa vị, luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất- cách ăn mặc của Ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất-một phong cách mà phương Tây đã giễu Ông trong nhiều năm, Ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy cái tính giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hoà mình vào nhân dân là cơ sở cho sự thành công của Ông,”

Có lần Bác đi thăm Quảng Bình, các đồng chí lãnh đạo thết “một bữa cơm đặc biệt”, có cá thu luộc, rau muống luộc chấm mắm Cảnh Dương, khế, chuối xanh chấm mắm tôm Lý Hoà, canh rau ngót nấu với tôm Nhật Lệ. Trước hết, Bác gắp lên bát cho mấy anh em ngồi gần  mỗi người một khúc cá thu. Bác cũng gắp phần Bác, xong Bác đẩy đĩa cá ra ngoài cho các đồng chí ngồi  ở xa. Việc thật nhỏ, nhưng lại là sự quan tâm vô cùng lớn đối với mọi người. Sự quan tâm của Bác không ai có thể quên được tấm lòng của Bác, ai đã được gặp Bác dù chỉ một lần trong giây lát cũng là một diễm phúc nhất của đời mình. Về hình ảnh của một người nhân hậu, vui vẻ, chân tình, cởi mở và nhận được những lời bảo ban mộc mạc, pha chút dí dỏm nhưng lại chứa chan tình cảm bao la, làm cho lời chỉ bảo ấy dễ đi vào lòng người, mọi người thoải mái dễ tiếp thu, và như vậy mọi người có ấn tượng sâu sắc và kỉ niệm không quên về Bác.

Khi một nơi nào đó được Bác đến thăm, ai nấy đều muốn gần Bác, đứng cạnh Bác, muốn Bác ở lại mãi mà không muốn để Bác ra về, cảnh quây quần ấy làm Bác khó chia tay như trong lần gặp cán bộ cao cắp toàn quân lần cuối cùng tháng 5/1969, bằng một cử chỉ thân tình Bác đã nói vui vẻ với mọi người: “Đằng sau quay”, mọi người cười vui làm theo lời Bác, khi mọi người quay phía sau thì Bác kịp lên xe đi, khi mọi người quay lại thì ô tô Bác chuyển bánh rồi, phong thái vui vẻ chủ động ấy đầy thân tình ở Bác để lại trong lòng mọi người những ấn tượng khó quên.

Khác với các lãnh tụ cách mạng, khi đến thăm các cơ quan, các tỉnh, trong nhà máy, xí nghiệp, trường học, hợp tác xã… đầu tiên không bao giờ Bác đến nhà nghỉ, nhà khách, giảng đường, hội trường, vì những nơi này thường được mọi người quan tâm thu dọn sạch sẽ mà Bác thường đến ngay nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh vì nghững nơi  đó mới phản ánh thực chất cái văn minh, đời sống thực của mọi người. Việc làm ấy ở lãnh tụ ai mà chẳng cảm động, và chính cái đó gây ấn tượng cho mọi người.

Một lần Bác mở tiệc chiêu đãi đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô sang thăm.Thường sau bữa tiệc, khách được mời thưởng thức chương trình văn nghệ. Lần đó, sau khi thưởng thức chương trình văn nghệ, khi khách đã về hết, các diễn viên mới thu dọn. Đến bậc tam cấp nhà khách Phủ Chủ tịch thì bỗng Bác xuất hiện, Bác nói: “ Lúc nãy, Bác được ăn mà các cháu không được ăn, nên Bác ra thăm lại sợ các cháu tủi. Nhưng ăn ngoại giao ấy mà, không ngon đâu”. Câu nói giản dị của Bác làm các diễn viên xúc động về tình thương, về sự  quan tâm của Bác, mọi người cảm thấy Bác càng gần gũi, càng bình dị lại càng yêu Bác hơn.Sự quan tâm này hơn cả cha mẹ đối với con, ông bà đối với cháu chắt. Và vì điều đó mà không ai có thể quên được tấm lòng của Bác.

Ngôi nhà sàn của Bác với chiều dài là 10,50m, chiều rộng là 6,20m cấu Ttúc ngôi nhà theo kiểu Việt Bắc và được làm bằng gỗ. Đồ dùng trong nhà, Bác không dùng những bộ bàn nghế bọc nhung, nạm bạc dắt tiền  mà Bác dùng những chiếc ghế bằng song  mây rất dân dã của đồng baò tỉnh Thái Bình gửi biếu Bác. Phòng ngủ đơn sơ với chiếc giường ngủ cá nhân, tấm chăn đơn, chiếu cói, cái quạt lá cọ: “tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn”. Trên bàn làm việc chúng ta còn nhìn thấy hòn đá cuội trắng Bác mang từ biển về làm cái chặn giấy. Những hiện vật khác như đôi dép cao su, chiếc áo kaki, chiếc máy chữ “Hécméc, hộp xà phòng tiết kiệm với ba viên sỏi kê dưới đáy hộp, là những hiện vật gây sự xúc động sâu sắc tới các tầng lớp nhân dân cũng như bạn bè quốc tế mỗi khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người.

Trên giá sách ở phòng làm việc của Bác có một hiện vật đặc biệt. Đó là chiếc hộp sơn mài sinh thời không ai biết trong đó Bác đựng gì?. Có thể  trong hộp là của riêng vô cùng quý báu của Bác. Nhưng sau khi Người qua đời, kiểm kê tài sản của Bác mọi người mới biết trong đó không có vàng bạc châu báu gì mà là tấm hình chụp mộ phần của người cha Bác- cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Một bức điện họ Nguyễn Sinh ở Nghệ An gửi ra báo tin anh Bác- ông cả Khiêm đã qua đời, và một số thiếp hoa chúc tết. Tài sản riêng của vị Chủ tịch nước chỉ có vậy! Người xưa có câu: có việc phải lo, lo trước thiên hạ, có việc đáng vui, vui sau thiên hạ. Hồ Chủ tịch  nói một cách giản dị và thấm thía hơn: “Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”(4). Câu nói đó đã bộc lộ tâm trạng của Người, một tình cảm ruột thịt bao bọc trăm họ của đại gia đình Việt Nam. Là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Người đã đi khắp năm châu, bốn biển vậy mà nơi ở của Người lại không có chút gì của vinh hoa phú quý. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn luôn lộng gió và ánh sáng phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao!”.

        Trong thời đại ngày nay, một số người đã tha hoá lo chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật chất, bất chấp cả nhân phẩm đạo đức, coi sự hưởng thụ là mục đích  của cuộc sống thì những gì chúng ta nhìn thấy ở nơi ở và làm việc chủ tịch Hồ Chí Minh đã phản ánh cuộc sống giản dị, thanh bạch trong sáng của Người. Sẽ thức tỉnh tâm hồn mọi người dân về  đạo đức cách mạng Cần- Kiệm- Liêm- Chính, chí công vô tư của Bác. Một người suốt đời toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc không đòi hưởng thụ mà chỉ đòi hỏi quyền được phục vụ nhân dân “lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Chúng ta biết rằng, dù đất nước  ta lúc đó còn nghèo nhưng cả dân tộc có thể lo cho Bác có một cuộc sống hoàn toàn đầy đủ, có thể đáp ứng mọi yêu cầu của Bác. Nhưng Người vẫn giữ nếp sống thanh tao, giản dị như ngày nào. Bác thường nói với mọi người “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc dân ta còn thiếu thốn mà một người nào muốn riêng mình ăn ngon, mặc đẹp như vậy là không có đạo đức”(5). Bác giáo dục người khác bằng cách tự nêu gương của mình. Bác khuyên mọi người phải biết sống cao đẹp đó là: “điều gì phải thì cố làm cho được dù là nhỏ, điều gì trái thì hết sức tránh dù là điều nhỏ nhất” (6).

Đạo đức cách mạng giản dị khiêm tốn là lối sống thanh cao của Bác được thể hiện một cách sinh động qua những cử chỉ, lời nói, việc làm cụ thể hàng ngày nên có sức lay động lớn đến từng tâm hồn mỗi người mà không một bài thuyết giảng về đạo đức nào có tác dụng giáo dục sâu sắc bằng.

Trên báo Anh, ký giả Petghi Đaphơ viết: “ Cụ Hồ xem khinh mọi vinh hoa và quyền cao chức trọng. Cụ sống không phải trong Chủ tịch phủ mà trong một căn nhà nhỏ bằng gỗ. Cụ mặc bộ quần áo ka-ki bạc mầu đi dép lốp cao su. Đây không phải là một hình ảnh nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền hay chính trị, Cụ không phải là một con người như vậy” (7)

Nước Cộng hoà Ai Cập thống nhất cho rằng: “ Thiên thần thoại của Cụ Hồ là cuộc sống giản dị và khiêm tốn. Cụ bằng lòng với những sự giản dị đó, và không bao giờ loé mắt vì những chuyến đi khắp thế giới...Khi sống trong rừng núi cũng như khi làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Cụ đều luôn luôn giản dị và thanh bạch”(8).

Phóng viên báo Mỹ viết: “ Khác với một số người mà nhân dân Việt Nam đẫ thấy ở các xã hội bị nô dịch, càng lên cao càng bị tha hoá, nhưng đối với Cụ Hồ Chí Minh, tính giản dị của Cụ là một chất liệu có sức mành to lớn. Càng lên cao, Cụ càng tỏ ra giản dị và trong sạch , luôn luôn gìn giữ những giá trị Việt Nam vĩnh cửu:Tôn kính người già, yêu mến thiếu nhi, coi thường tiền bạc, giàu sang“ (9).

 


 

  • Hồ Chủ tịch tinh hoa của Dân tộc và thời đại -Sự thật-1975, tr10
  • Vĩ đại một con người – NXB Trẻ, tr73
  • Hồ Chủ tịch tinh hoa của Dân tộc và thời đại -Sự thật-1975,tr15
  • ,(8),(9) Vĩ đại một con người – NXB Trẻ, tr74-75

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)