slider
Phát triển kinh tế số

Hồ Chí Minh từ Quảng Tây đến Cao Bằng (phần 2)

21 Tháng 05 Năm 2014 / 4311 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

3, Người Cố vấn giúp đỡ kế hoạch tổ chức của VNCMĐMH:

Trong thời gian được ra khỏi nhà tù nhưng vẫn bị quản thúc, Hồ Chí Minh viết một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán lên mép trắng của tờ Quảng Tây nhật báo: Núi ấp ôm mây, mây ấp núi- Lòng sông gương sáng bụi không mờ- Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh- Trong lại trời Nam nhớ bạn xưa và gửi kèm với một bức thư về nước báo tin, dặn dò anh em ở nhà một số công việc cụ thể phải làm trước mắt. Các bức thư sau đó cũng đều được chuyển về nước theo cùng một cách: chữ được viết bằng nước cơm lên rìa trắng các tờ báo, khi đọc bôi cồn iốt vào thì chữ nổi lên! Lúc này, bởi tổ chức VNCMĐMH vẫn chia rẽ, bè phái, bê bối nên Trương Phát Khuê phải kiêm chức Đại diện và Hầu Chí Minh làm phó đại diện Hội. Trương Phát Khuê đã yêu cầu Hồ Chí Minh hợp tác với VNCMĐMH với danh nghĩa là Phó Chủ tịch! Thoạt đầu, Hồ Chí Minh từ chối tham gia hoạt động của Hội: “Tôi chờ đợi tự do đã bao lâu rồi, giờ đây tôi không có quyền bỏ phí một ngày. Trong nước còn bao nhiêu công việc cấp bách và quan trọng đang chờ tôi. Còn ở đây, sẽ có những đại biểu khác của chúng tôi làm việc thay tôi”(5). Nhưng Trương Phát Khuê đã gửi cho Người một bức thư nhắc lại yêu cầu và coi như đó là điều kiện để trả tự do hoàn toàn. Sau khi cân nhắc, Hồ Chí Minh đồng ý tương kế tựu kế như nhà sử học King Cheng nhận định: “Hồ Chí Minh biết rõ Trương Phát Khuê đang lợi dụng ông, nhưng ông cũng biết cách lợi dụng lại tướng Khuê. Kết quả thế nào, thời gian sẽ trả lời, nhưng rõ ràng Hồ Chí Minh thành công trong việc thay đổi địa vị từ một người tù sang vai trò lãnh đạo của một tổ chức”(6). Ngày 23/11/1943, Chủ tịch

(Hồ Chí Minh, sau khi được tự do dẫn 18 thanh niên yêu nước do Người lựa chọn từ Liễu Châu qua Nam Ninh đến Long Châu, Trung Quốc để về Cao Bằng, tháng 8/1944)

Nguyễn Hải Thần phải cử hai uỷ viên quân sự đặc biệt của Hội là Diệp Thuỵ Đình và Trung Tú Nghị đến Cục Chính trị chiến khu IV đón Hồ Chí Minh về trụ sở Tổng bộ VNCMĐMH tại đường Ngư Phong ở Liễu Châu để chính thức nhận công tác. Liễu Châu là một thành phố nhiều núi đá vôi, đất xấu, dân nghèo, nhưng do giao thông đưòng bộ, đường sắt thuận tiện nên đồng bào các vùng chiến sự và vùng bị Nhật chiếm đóng đều đổ về đây tản cư. Nơi ở của Người là căn phòng nhỏ trên tầng hai trong ngôi nhà tám mái dựng bên đồi kề sông Liễu Giang được gọi là: Khách sạn Nam Dương, thực ra đây là nhà văn hoá Trung Sơn cũ được ngăn làm đôi, một bên là thư viện, một bên là nhà ăn sĩ quan của Bộ tư lệnh. Phòng Người ở chỉ có một chiếc giường và cái bàn con, trên bàn là chồng sách báo tiếng Hán, chiếc bút lông và nghiên mực. Ngoài ra còn ít vải vụn, cái kim, cuộn chỉ Người dùng để vá bộ quân phục đã bạc màu. Bữa ăn cũng kham khổ, Người ăn cơm tập thể cùng các sĩ quan, cơm chỉ có gạo xay, vừa ăn vừa nhặt thóc, thức ăn chủ yếu là rau, thi thoảng mới có vài miếng thịt. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh lại được tự do hoạt động, giao tiếp, Người đã gặp gỡ khá nhiều đại biểu của các lực lượng cách mạng Việt Nam và Trung Hoa. Hàng ngày, Hồ Chí Minh tự rèn luyện và sinh hoạt như một quân nhân. Giữa mùa đông, khi nghe kèn hiệu trại lính, Người ra tập quyền, tập chạy rồi xuống sông bơi khiến quân Tưởng trầm trồ kính phục. Đến bữa, Người còn kể chuyện thời sự với các sĩ quan cùng ăn nên ai cũng thích ngồi cùng bàn với Người, Chủ nhiệm Cục Chính trị Hầu Chí Minh đặc biệt quý Người. Ông này hướng dẫn Người tập Thái Cực quyền và còn tặng Người nhiều sách quý về chủ nghĩa Tam dân. Tháng 12/1943, tướng Hầu Chí Minh mở tiệc chiêu đãi các lãnh đạo của VNCMĐMH. Trong bữa ăn, Nguyễn Hải Thần vốn tự phụ về trình độ Hán học, vừa muốn khoe tài, vừa muốn nịnh quan trên nên đã ra vế thách đối: Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, lưỡng vị đồng chí, chí giai minh! Mọi người còn đang nghĩ thì Hồ Chí Minh đã đối lại: Nhĩ cách mệnh, ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách! (Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai người đồng chí, chí đều sáng- Anh cách mạng, tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách). Tất cả đều vỗ tay khen ngợi, tán thưởng không ngớt. Đầu tháng 1/1944, Hồ Chí Minh đến dự lớp huấn luyện đặc biệt cho cán bộ cách mạng Việt Nam tại Đại Kiều, ngoại thành Liễu Châu, Người phát biểu: “Nhân dân Trung Quốc đã bớt ăn, bớt mặc giúp đỡ cho cách mạng Việt Nam chúng tôi, điều đó chứng tỏ rằng nhân dân hai nước Trung-Việt cùng chung một vận mệnh như răng với môi, sướng khổ có nhau như câu danh ngôn của ngài Tôn Trung Sơn: An nguy tha nhật chung tu trượng, cam khổ lai thời yếu cộng thưởng (những ngày sống chết cùng dựa vào nhau, những lúc đắng cay ngọt bùi cùng nhau chia sẻ). Câu nói đó đối với nhân dân hai nước chúng ta là một lời hiệu triệu vĩ đại mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Nhân dân hai nước Trung-Việt sẽ thực hiện điều đó, mãi mãi không quên. Các học viên thân mến, anh chị em đều là những chiến sĩ cách mạng Việt Nam chúng ta. Chúng ta phải xây dựng Việt Nam thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Thành công ấy đã được khẳng định bởi vì đó là sức mạnh của nhân dân, là yêu cầu của thời đại, vì vậy không một dòng nước ngược nào có thể ngăn cản được…”(7). Trong thời gian ở đây, Hồ Chí Minh còn viết nhiều bài cho Nhật báo Liễu Châu, những bài viết của Người được độc giả rất chú ý, còn giới văn sĩ luôn tấm tắc: “Nếu nói văn của Hồ tiên sinh khác nào nhả ngọc phun châu, thật chẳng phải nói quá. Sao lại có người Việt Nam viết văn Trung Quốc hay thế!”(8). Tuy nhiên, các phe phái khác vẫn luôn tìm cách thăm dò để  biết rõ Hồ Chí Minh là ai. Có lần, đảng Đại Việt duy tân đến thăm Người và hỏi xem sau này nước Việt Nam sẽ theo chủ nghĩa gì? Hồ Chí Minh trả lời rất khôn khéo: “Các bạn ơi, khi ta đang đói, ta cần cơm để ăn đã. Sau khi cơm no sẽ nói chuyện khác! Cũng như bây giờ, chúng ta đang cần độc lập dân tộc thì phải cùng nhau đoàn kết cứu nước. giành độc lập dân tộc đã. Còn chuyện chủ nghĩa gì đấy thì sẽ do nhân dân quyết định lấy”(9)

Đầu tháng 3/1944, Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của VNCMĐMH do Trương Phát Khuê triệu tập khai mạc tại Liễu Châu. Hồ Chí Minh được mời tham gia với danh nghĩa “thiết kế uỷ viên”(tức là cố vấn giúp đỡ kế hoạch tổ chức). Khi thảo luận, một số người không đồng ý cho các tổ chức thuộc Việt Minh tham dự. Hồ Chí Minh đã bàn với các đại biểu Việt Minh, đề nghị cải tổ lại Ban chấp hành của VNCMĐMH và nên đổi tên đại hội này thành: Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại (gọi tắt là Đại hội cách mạng hải ngoại). Trương Phát Khuê tán thành và uỷ thác cho Hồ Chí Minh khởi thảo kế hoạch triệu tập đại hội. Bản kế hoạch được thảo ra rất nhanh, sau đó mấy ngày, Trương Phát Khuê mở tiệc trà, giới thiệu và công khai ủng hộ kế hoạch này khiến phe phái phản đối đành phải nghe theo. Từ ngày 25 đến ngày 28/3/1944, Đại hội cách mạng hải ngoại được tổ chức tại Bộ tư lệnh chiến khu IV. Danh sách đăng ký có 15 đại biểu nhưng chỉ có mặt 12. Đại biểu của VNCMĐMH vắng 3 người là Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, có mặt 4 người là: Trương Bội Công, Nông Kính Du, Trần Báo, Trương Trung Phụng; Đại biểu phân hội Việt Nam HHCXLQT là Hồ Chí Minh; Đại biểu đảng Đại Việt là Nguyễn Tường Tam; Đại biểu hội giải phóng Vân Nam là Lê Tùng Sơn; Đại biểu Biện sự xứ giải phóng đồng minh là Hồ Đức Thành; Đại biểu học sinh Nam Ninh và Đại Kiều là Nguyễn Thành Đồng, Nguyễn Văn Giảng, Trần Đình Xuyên, Lê Duy Thịnh (không có các đại biểu Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp tham dự như một số sách sử nước ngoài đã viết). Sau bài khai mạc của Trương Bội Công, có 5 đại biểu đọc tham luận, trong đó nổi bật là bài của Hồ Chí Minh vì thông qua Báo cáo về tình hình các đảng phái trong nước, Người vừa tóm tắt được lịch sử đấu tranh chống đế quốc của nhân dân Việt Nam, vừa lên án tội ác của bọn quân phiệt, ca ngợi chủ nghĩa cộng sản trước mặt đại diện chính quyền Quốc dân đảng vốn quyết liệt chống Cộng sản. Đại hội thông qua hai nghị quyết và bầu lại Ban chấp hành, Ban kiểm tra. Hồ Chí Minh và Lê Tùng Sơn được bầu làm Uỷ viên BCH.

4, Trở về Tổ quốc:

Tháng 5/1944, qua thu thập kinh nghiệm thực tế trong cuộc kháng chiến chống Nhật ở Trung Quốc và tài liệu nghiên cứu được, Hồ Chí Minh đã viết một cuốn sách nhỏ nhan đề: Chiến thuật du kích gồm 13 chương, giới thiệu tương đối toàn diện về chiến tranh du kích. Tháng 6/1944, tổ chức Đảng trong nước cử người sang Liễu Châu báo cáo tình hình và đề nghị Hồ Chí Minh về nước lãnh đạo cách mạng. Tháng 7/1944, Hồ Chí Minh gửi Chiến khu IV “Kế hoạch về Việt Nam công tác” với bốn mục đích: Tuyên truyền sự ủng hộ Việt Nam của Chính phủ Trung Quốc để giải phóng dân tộc; Phát triển tổ chức VNCMĐMH; Chuẩn bị đón quân Đồng Minh vào Việt Nam giải giáp Nhật; Giành độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Người còn đề xuất một số công việc cần chuẩn bị kỹ trước khi quân Đồng Minh vào Việt Nam, một trong những việc cần làm ngay là phải đưa một số hội viên cốt cán bí mật về nước để thăm dò tình hình thực tế, triển khai công tác, rút kinh nghiệm nên cần phải có kinh phí đi đường, súng đạn, thuốc men. Kế hoạch Người đề ra hoàn toàn phù hợp với ý đồ của Chiến khu IV muốn giúp cho VNCMĐMH, do đó Trương Phát Khuê thỉnh thị cấp trên rồi đồng ý để Hồ Chí Minh về Việt Nam, Sau một thời gian vừa chuẩn bị, vừa bị trì hoãn vì nguyên nhân khách quan, ngày 9/8/1944, Hồ Chí Minh chính thức được tự do và được cấp giấy phép trở về Việt Nam, chứng minh thư do Trương Phát Khuê ký, cùng đi có 18 thanh niên yêu nước do Người lựa chọn là: Dương Văn Lộc, Vi Văn Tôn, Hoàng Quang Trao, Hoàng Kim Liên, Phạm Văn Minh, Hoàng Sĩ Vịnh, Nông Văn Mưu, Hoàng Gia Tiến, Trương Hữu Chi, Lê Nguyên, Hoàng Nhân, Nông Kim Thanh, Hoàng Thanh Thuỷ, Hà Hiền Minh, Lê Văn Tiến, Dương Văn Lễ, Đỗ Trọng Viên, Đỗ Lạc. Đoàn về nước công tác tới Long Châu, trú tạm ở Văn phòng 1 của Hội đồng minh giải phóng dân tộc Việt Nam đặt tại Đức Hưng Xa y điếm, số 82 đường Đông Quan Ngoại. Sau đó, qua những anh em quen biết cũ như Nông Kỳ Chấn, Phan Toàn Trân, Hồ Chí Minh và đoàn đến khu Hạ Đống và được bố trí thu xếp vào ở trong các phòng học của trường tiểu học vì thời gian đó học sinh đang được nghỉ hè. Trong thời gian 20 ngày ở Long Châu, Hồ Chí Minh gặp lại Tăng Thiên Tiết, lúc này đang giữ chức Phó chủ nhiệm sở chỉ huy Tĩnh Tây kiêm Chủ nhiệm phòng đốc sát quân cảnh Long Châu, vị này đã cấp cho Hồ Chí Minh một giấy thông hành có đóng dấu của quân cảnh Long Châu. Từ khi rời Liễu Châu, đoàn vẫn mặc quân phục do Chiến khu IV cấp nên trở về nước sẽ không tiện, vì thế Nông Kỳ Chấn đã thương lượng với bà con trong làng thu gom được 19 bộ quần áo kiểu cũ mà mọi người vẫn thường mặc để cho đoàn thay. Cuối tháng 8/1944, đoàn rời Hạ Đống đi Tĩnh Tây, qua Bình Mãng thuộc huyện Nà Pha để về Việt Nam. Đây là một thị trấn nhỏ vùng biên giới có ba phía tiếp giáp với nước ta, giáp Cao Bằng và cách Pắc Bó hơn 10km. Ngày 10/9, đoàn đến Thuỷ Khẩu Quan thì bị lính canh ải của Quốc dân đảng khám xét, gây khó dễ. Hồ Chí Minh đã gọi điện cho Tăng Thiên Tiết nhờ can thiệp và qua được cửa khẩu. Ngày 20/9/1944, Hồ Chí Minh và nhóm thanh niên yêu nước về đến Pắc Bó.

 

Chú thích:

5, Đồng chí Hồ Chí Minh. Nxb Thanh Niên 2000, trang 337

6, King Cheng- Vietnam and China 1938 – 1954. Princeton University 1969

7, Bác Hồ ở Hoa Nam. Nxb Công an nhân dân 2004, trang 391-382. Bản dịch của Nguyễn Huy Hoan

8, Chuyện kể về Bác Hồ. Nxb Nghệ An 2000, Tập I, trang 111

9, Những ngày sống gần Bác. Nxb Lao Động 2001, trang 97

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)