HỒ CHÍ MINH VÀ LUẬN ĐIỂM SÁNG TẠO VỀ CÁCH MẠNG THUỘC ĐỊA
Phạm Hoàng Điệp
Phòng Tuyên truyền- Giáo dục
Đầu thế kỷ XX, trên thế giới, chủ nghĩa thực dân đế quốc bành trướng mạnh mẽ, tranh nhau thị trường thuộc địa. Mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản , giữa nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa thực dân đế quốc ngày càng gay gắt. ở Việt Nam, những phong trào yêu nước diễn ra liên tiếp nhưng đều lần lượt thất bại vì không có đường lối đúng đắn. Con đường cứu nước rơi vào bế tắc, chưa tìm ra lối thoát. Trong tình hình ấy, vượt qua sự hạn chế của những sĩ phu yêu nước và của những nhà tư sản đương thời, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đi sang phương Tây để tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Trong quá trình đó, Người đã tích cực hoạt động trong phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa, đến nhiều nước thuộc địa, hoà mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động đủ các màu da, xem xét và học hỏi kinh nghiệm cách mạng thế giới. Người hăng say nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin, nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng Nga, đặc biệt là bản sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Nguy?n Ái Qu?c đi đến nhận định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (1)
Trong khi tìm hiểu và vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin vào thực tiễn xã hội Việt Nam và các nước phương Đông, Nguy?n Ái Qu?c đã nhận thấy phương Đông có những đặc điểm khác với phương Tây. Trong báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ gửi Quốc tế cộng sản năm 1924, Nguy?n Ái Qu?c chỉ ra rằng: “Cuộc đấu tranh giai cấp ở phương Đông không giống như ở phương Tây”(2). Đó là vấn đề trước đây Mác chưa có điều kiện nghiên cứu, “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”(3). Từ đó, Người đặt vấn đề “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”(4).
Khi đề cập đến mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa, Lênin cho rằng cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa phong trào cách mạng vô sản ở các nước đế quốc với phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa nhưng cách mạng vô sản ở các nước chính quốc phải được thực hiện trước, sau khi thành công phải giúp đỡ cách mạng ở các nước thuộc địa, nhất là các nước có nền kinh tế lạc hậu và còn tàn dư phong kiến. Như vậy, theo Lênin, cách mạng thuộc địa phải phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể thắng lợi khi cách mạng vô sản chính quốc thắng lợi.
Với kinh nghiệm qua nhiều năm tìm hiểu thực tiễn phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa, kết hợp với những nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Ái Quốc nhận định: chủ nghĩa tư bản đến giai đoạn độc quyền tồn tại chủ yếu dựa vào sự bóc lột nhân dân các nước thuộc địa. Vì vậy, muốn đánh bại các nước đế quốc chủ nghĩa thì phải chặt đứt được nguồn nuôi sống nó, đó chính là hệ thống thuộc địa của chúng.
Mặt khác, Người cũng nhìn thấy triển vọng cách mạng của các nước thuộc địa, khi các phong trào giải phóng dân tộc được giáo dục, giác ngộ và có tổ chức lãnh đạo thì sẽ bùng lên mạnh mẽ và trở thành một “lực lượng khổng lồ”. Từ năm 1921, Người đã dự báo: “Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”(5).
Thực tế ở Việt Nam và Đông Dương cho thấy, sự áp bức, bóc lột dã man, tàn bạo của thực dân, đế quốc không những không làm tê liệt tinh thần chiến đấu của nhân dân, trái lại, nó càng làm sôi sục ý chí quyết tâm giành độc lập tự do của họ: “Người Đông Dương đang che dấu một cái gì đang sôi sục, đang gầm thét, và khi thời cơ đến, nó sẽ bùng nổ mãnh liệt….Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi, chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(6)
Nhận thức sâu sắc vai trò của thuộc địa đối với sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa đế quốc và tiềm năng to lớn của các dân tộc bị áp bức là cơ sở khoa học để Nguyễn Ái Quốc rút ra kết luận: nhân dân thuộc địa có thể đứng lên làm cách mạng tự giải phóng cho mình và cách mạng thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng chính quốc. Trong bản tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (viết năm 1921), Nguyễn ái Quốc khẳng định: “ Công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”(7)
Từ nhận định cách mạng thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người cho rằng: không có con đường nào khác, nhân dân Việt Nam phải tự đứng lên làm cách mạng để cứu chính mình. Và khi cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam thành công sẽ khiến cho giai cấp tư sản ở Pháp yếu đi, tạo điều kiện cho cách mạng vô sản ở Pháp thắng lợi dễ dàng hơn. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, viết năm 1927, Người chỉ rõ: “ Muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”(8).
Trong lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ch? t?ch Hồ Chí Minh viết: “Sự áp bức và bóc lột vô nhân đạo của đế quốc Pháp đã làm cho đồng bào ta hiểu rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết”(9). Tin tưởng vào khả năng thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã tổ chức lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mạng để tự giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Tháng Tám năm 1945, mặc dù cách mạng ở Pháp và Nhật Bản chưa thành công, nhân thời cơ chủ nghĩa phát xít bị Hồng quân Liên Xô đánh bại, với tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, toàn thể nhân dân Việt Nam đã đứng lên làm cuộc tổng khởi nghĩa giành được chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới một dân tộc thuộc địa đã tự giải phóng khỏi ách đế quốc thực dân. Thắng lợi đó không những cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa mà còn góp phần thúc đẩy phong trào vô sản ở Pháp cũng như trên toàn thế giới.
Thành công của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đã chứng minh cho luận điểm “Cách mạng thuộc địa có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và tác động trở lại thúc đẩy cách mạng chính quốc” - một trong những luận điểm đặc biệt sáng tạo trong hệ thống lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, là hoàn toàn đúng đắn./.
Chú thích1- Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 1996, t.9, tr.3142- Hồ Chí Minh, Sđd, t.1, tr.4643,4- Hồ Chí Minh, Sđd, t.1, tr.4655- Hồ Chí Minh, Sđd, t.1, tr.366- Hồ Chí Minh, Sđd, t.1, tr.287- Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr.1288- Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr.2939- Hồ Chí Minh, Sđd, t.3, tr.9