slider

Hồ Chí Minh với một Điện Biên chấn động địa cầu

15 Tháng 09 Năm 2011 / 2467 lượt xem
ThS. Văn Thị Thanh Hương
Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội
 
Cuộc chiến tranh Việt - Pháp kéo dài 9 năm (1946-1954) đã lùi vào lịch sử vừa tròn 55 năm, song mỗi khi nhắc đến Điện Biên Phủ, đến Việt Nam, người Pháp và cả người Mỹ vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi với họ, cùng với Điện Biên Phủ năm xưa, tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh, tiên đoán của Người về một trận quyết chiến chiến lược, “trận đánh cuối cùng” đã trở thành lịch sử. Đi liền cùng chiến thắng đó là một Việt Nam - Hồ Chí Minh trở thành thiên thần thoại trong lịch sử thế giới đương đại.
1. Trong tiến trình dựng nước và giữ nước, Tây Bắc luôn là một vùng đất thiêng của Tổ quốc, luôn được giữ gìn và bảo vệ “như một phần máu thịt” của dân tộc Việt. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Đông Dương, Tây Bắc cũng là một địa bàn chiến lược trong bản đồ quân sự Đông Dương. Nằm trong hướng chiến lược phía Tây Đông Dương, trải dài từ Tây Bắc Việt Nam qua Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào, vị trí đắc địa của Tây Bắc ngày càng được chú ý. Điều đó lý giải rằng, vì sao ngay sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đặc biệt là từ những năm đầu của cuộc trường chinh chống Pháp, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quan tâm đến vị trí, và tầm quan trọng của địa bàn chiến lược này. Người từng nhấn mạnh và yêu cầu các đội quân của chúng ta phải kiên trì chiến đấu, bám trụ, xây dựng vững chắc cơ sở cách mạng trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Theo Hồ Chí Minh, làm tốt được nhiệm vụ trọng yếu đó, không những chúng ta có thể triển khai tốt thế trận chiến tranh nhân dân và tạo điều kiện phát huy sở trường đánh địch ở vùng rừng núi của quân ta; bảo vệ được Việt Bắc - căn cứ đầu não kháng chiến, tạo thế liên hoàn với hậu phương rộng lớn, mà còn thuận lợi nhiều trong giao lưu quốc tế, đặc biệt là xây dựng khối đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào.
Trên cơ sở hiểu rõ về địa bàn Tây Bắc, hiểu rõ thế và lực giữa ta và địch, và cùng với sự phát triển của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947, chiến thắng Biên Giới 1950, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân ta không những đã giữ vững thế chủ động tiến công trên chiến trường, mà còn biết kết thúc đúng lúc. Sau khi “cân nhắc kỹ chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường” và so sánh tương quan lực lượng, Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ đã quyết tâm mở chiến dịch Tây Bắc (14/10-10/12/1952). Từ kết quả của chiến thắng quan trọng này, so sánh lực lượng giữa quân ta và quân Pháp đã có những diễn tiến bất ngờ.
Các tướng lĩnh thực dân như Xalăng (Roul Salan), Nava (Navarre) và sau này là Hoa Kỳ cũng đều nhận thức được tầm quan trọng của địa bàn Tây Bắc. Vốn có vị thế đắc địa như là một điểm trụ, và xoay quanh nó là Lào, Thái Lan, Miến Điện và vùng Vân Nam Trung Quốc, Tây Bắc tuy hiểm trở có thể làm hạn chế khả năng cơ động, sức mạnh hoả lực pháo binh và không quân, nhưng nếu không chế được Tây Bắc, chúng có thể khống chế cả “bên sườn và sau lưng ta”, chia cắt cả khu vực này với Việt Bắc, với hậu phương kháng chiến, đồng thời có thể che chở cho Thượng Lào và Luông Phrabang. Vì vậy, ngay sau chiến thắng Tây Bắc của quân ta, giới quân sự chóp bu của Pháp trong đó có tướng Xalăng đã từng nghĩ đến việc phải chiếm lại Điện Biên Phủ, để có thể xây dựng Điện Biên Phủ thành căn cứ “bảo vệ” Lai Châu, yểm trợ cho Luông Phrabang. Tuy nhiên, thực tế đã không cho phép Xalăng thực hiện ý đồ đó. Hơn nữa, cho đến thời điểm đó (khi chúng ta đã giải phóng một vùng đất đai rộng lớn của Tây Bắc), người Pháp vẫn cho rằng dường như Việt Minh chỉ cố gắng tập trung vào lãnh thổ Việt Nam, không quan tâm đến Lào, Campuchia. Chỉ đến khi quân ta và lực luợng kháng chiến Lào phối hợp mở và giành thắng lợi trong chiến dịch Thượng Lào sau đó (8/4-3/5/1953), giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, tạo điều kiện cho cách mạng Lào phát triển… chiến trường Đông Dương mới thực sự sôi động.
Tuy nhiên, sự thay đổi lớn cũng chỉ diễn ra nhanh chóng khi tướng bốn sao Nava được cử thay Xalăng. Vẫn bận tâm đến Điện Biên Phủ, Xalăng cũng không quên “bàn giao” cả những suy nghĩ và những việc làm còn dang dở của mình cho tướng Nava. Tuy nhiên, trong kế hoạch quân sự Nava (1953-1955) được triển khai, với mục tiêu “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng, Điện Biên Phủ dường như không được chú ý đến. Chỉ đến khi Hiệp định giữa Pháp và Lào được ký kết, chỉ đến khi suy nghĩ cần phải bảo vệ Thượng Lào, Nava và cộng sự của ông mới nghĩ đến việc chiếm và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Duy có điều, đội ngũ tướng lĩnh quân sự Pháp đã bỏ sót một điều quan trọng: Đó là, địa thế tự nhiên của Điện Biên Phủ tuy rất thuận lợi để xây dựng một căn cứ lục quân - không quân kiên cố, nhưng sẽ trở nên “trơ trọi”, dễ bị uy hiếp và khó khăn cho công tác chi viện, hậu cần khi bị bao vây, chia cắt.
Về phía quân ta, trước việc quân Pháp tập trung quân cơ động nhằm tạo nên sức mạnh, giữ thế phòng ngự trong chiến cuộc 1953 -1954, tránh giao chiến với chủ lực của Việt Minh, bảo đảm an toàn và tăng cường sức mạnh cho quân đội viễn chinh; chuẩn bị để có thể chuyển sang thế tiến công trong chiến cuộc 1954-1955, gây cho chủ lực Việt Minh những thất bại quân sự để có thể buộc họ phải đi đến thương lượng hòa giải[1]…, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phương hướng chiến lược của quân ta là “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do”[2].
Tại cuộc họp Bộ chính trị ở Tỉn Keo tháng 9/1953, sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình địch, cân nhắc kỹ thế trận giữa ta và địch, thật bình tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bàn tay mình lên bàn, và bỗng Người giơ lên, nắm lại rồi nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh…Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó cũng sẽ không còn. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng”[3]. Cũng theo Đại tướng, bản đề án tác chiến của Tổng quân uỷ được Bộ chính trị thông qua, trong đó ta chủ trương dùng một bộ phận quân chủ lực phối hợp với các lực lượng địa phương chủ động mở các cuộc tiến quân lên Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên để phân tán lực lượng địch, nhưng vẫn lấy Tây Bắc làm hướng hoạt động chính, còn các hướng khác chỉ là hướng phối hợp. Người và Bộ chính trị cũng đồng thời nhấn mạnh: Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phương châm hành động là “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nguyên tắc chỉ đạo tác chiến là “đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt. Chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh”.
 Với tinh thần chỉ đạo đó, thông qua 5 đòn chiến lược và cách điều quân cơ động tài tình: Tiến công Tây Bắc, tiêu diệt phần lớn quân địch ở Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ; tiến công vào Trung Lào, giải phóng Thà Khẹt; tiến xuống Hạ Lào, giải phóng cao nguyên Bôlôven; mở cuộc tiến công lên Bắc Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum, nối liền với khu giải phóng Hạ Lào; và bất ngờ tiến công Thượng Lào, uy hiếp Luông Phrabang vào hạ tuần tháng 1/1954, chúng ta đã điều động được lực lượng địch, thu hút quân địch đến những chiến trường có lợi cho quân ta, và buộc khối cơ động chiến lược của Nava phải phân tán “thành nhiều nhóm nhỏ”. Năm đòn chiến lược đó đã làm cho kế hoạch Nava từng bước bị đảo lộn và phá sản. Nava đã không thể “luôn luôn tiến công”, “luôn luôn chủ động”, và càng không thể “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng.
 2. Sau ngày 20/11/1953, khi phát hiện quân chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, tướng Nava đã lập tức cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, gấp rút xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Khác với kế hoạch Nava và kế hoạch tác chiến của quân ta lúc đầu, với vai trò là một “tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương”, từ đây, Điện Biên Phủ đã trở thành nơi sẽ diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa quân ta và thực dân Pháp. Như vậy, “số phận của Nava đã được định đoạt từ cuộc họp ở Tỉn Keo”[4] khi Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954; nhất là khi tướng Nava “quyết định tiếp nhận chiến đấu ở Tây Bắc”, quyết định “chiến đấu bảo vệ Tây Bắc sẽ xoay quanh căn cứ lục quân, không quân Điện Biên Phủ mà phải được bảo vệ bằng bất cứ giá nào”.
Lựa chọn Điện Biên Phủ, quyết định của tướng Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương; lựa chọn nơi này làm điểm kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài gần một thập kỷ của người Pháp khi đó đã nhận được nhiều ý kiến phản đối của một số tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp quân đội viễn chinh. Quyết định này của Nava cũng đã làm cho người Mỹ, làm cho Tổng thống Aisenhao (Eisenhower) - người “trước đó chỉ tập trung vào Lào chứ không phải là Việt Nam”, đồng thời “tuyên bố Lào là chiếc chìa khoá hiện nay cho toàn bộ khu vực Đông Nam á”[5] đã ngỡ ngàng đến không ngờ về tầm cỡ lịch sử của Điện Biên Phủ.
 Quan tâm đến địa bàn Đông Dương, Hoa Kỳ đã từng viện trợ và tiếp tục ký hiệp định với Pháp về viện trợ quân sự của Mỹ cho Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Tuy nhiên, cục diện chiến trường, thay đổi tương quan lực lượng giữa quân ta và quân Pháp trong những năm 1953 -1954 đã làm cho người Mỹ vốn quan niệm và coi vùng đất nay “là một bộ phận của cuộc đua tranh giữa phương Đông và phương Tây” càng tham vọng muốn có một cam kết về Đông Dương; muốn có một dấu ấn thực sự để chứng tỏ mình có đầy đủ sức mạnh, niềm tin và quyết tâm đối với địa bàn chiến lược này. Đương nhiên không thể đứng ngoài cuộc chơi, người Mỹ đã buộc bị cuốn hút vào cuộc chiến tranh Việt - Pháp, vào cuộc đọ sức quyết liệt nhất tại địa danh lịch sử vùng Tây Bắc - Điện Biên Phủ.
Trong khi đó, sau những thắng lợi to lớn của quân ta trong đợt 1 của chiến cuộc Đông- Xuân 1953-1954, kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch chiến lược Nava đã được Bộ Chính trị hạ quyết tâm vào ngày 6/12/1953. Bước vào giai đoạn 2 của chiến cuộc Đông- Xuân 1953-1954, với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm mạnh nhất trong hàng loạt các tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Đông Dương, quân ta đã chuyển từ việc “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh trực tiếp vào chỗ mạnh nhất của quân địch.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của trận quyết chiến chiến lược này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được trao trọng trách Chỉ huy trưởng Mặt trận và Bí thư Đảng uỷ mặt trận. Trước khi lên đường, Đại tướng đã nhận được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh mật lệnh: “Tổng tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”[6]. Tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, trong đó nhấn mạnh: Người và Chính phủ “chờ tin thắng lợi để khen thưởng”. Ngày 22/12/1953, nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định “cho mỗi đại đoàn và mỗi liên khu một lá cờ Quyết chiến, quyết thắng để làm giải thưởng luân lưu”[7].
Từ thực tế chiến trường, từ những khó khăn và thuận lợi của quân ta và quân địch, từ lời căn dặn “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, trưa ngày 26/1/1954, Đại tuớng Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình. Đó chính là việc thay đổi phương châm từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, và đi liền cùng đó là việc hoãn thời điểm tiến công, kéo pháo quay trở ra.
 Quyết tâm mới của vị Tổng tư lệnh chỉ huy mặt trận được báo cáo ngay về Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, trong nhiều hồi ký của các tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta điều biết: Với địa thế của Điện Biên Phủ, việc kép pháo vào đã khó, việc kéo pháo ra còn khó hơn nhiều. Tuy nhiên, để tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để “chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn”[8] như Nghị quyết Trung ương đầu tháng 12/1953 chỉ rõ, nhiệm vụ khó khăn đó đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và toàn thể các lực lượng tại mặt trận Điện Biên Phủ thực hiện và thực hiện rất tốt.
 Sau đó, khi công việc chuẩn bị chiến dịch theo phương châm “đánh chắc tiến chắc” đã hoàn thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ và nhấn mạnh: Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ của các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang. Ngày 13/3/1954, quân ta mở màn cuộc tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 15/5/1954, Trung Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ và nhấn mạnh: Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Tuy nhiên, với thắng lợi ở trận đầu, Hồ Chí Minh cẩn trọng nhắc nhở: Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ.
Trong khi đó, khi nói về triển vọng của cuộc chiến ở Điện Biên Phủ (tại Bộ não chỉ huy ở Việt Bắc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với nhà báo úc Bớc Sét (Wilfred Burchett) vào một buổi chiều tháng 3/1954 như sau: Lòng chảo Điện Biên Phủ là “hình tượng một chiếc mũ lật ngược”, mà vành mũ là những dãy núi, còn phía dưới là thung lũng Điện Biên Phủ. Nơi dãy núi là nơi quân đội Việt Nam đang ở, còn phía thung lũng là nơi quân Pháp với những đội quân tinh nhuệ nhất đang chiếm đóng. Và Người kết luận chắc chắn rằng: “Họ sẽ không bao giờ ra được”[9].
Niềm tin của Người đã trở thành sự thật. Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng đã phất cao ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Tinh thần gian khổ hy sinh, đoàn kết chiến đấu, quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Với thắng lợi vĩ đại này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã kết thúc, đồng thời mang lại cho chúng ta một vị thế mới trên bàn đàm phán của Hội nghị Giơnevơ. 
 Điện Biên Phủ là một bài ca chiến thắng của quân và dân ta, của tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt- Lào, sự giúp đỡ đầy tinh thần trách nhiệm của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, và sự chi viện đầy tình nghĩa của những người anh em XHCN, Liên xô, Trung Quốc. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc trong niềm vui sướng hân hoan của Việt Nam nói riêng, của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung và trong nỗi ngậm ngùi của người Pháp và người Mỹ.
3. Để có được một “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”[10], và đó thực sự là một nghịch lý đau xót của Pháp và Mỹ ở Đông Dương, không thể không nhắc đến sự kế thừa truyền thống quân sự của cha ông ta trong lịch sử; tinh thần đoàn kết của quân dân Việt Nam, của nhân dân ba nước Đông Dương và vượt lên trên hết thảy, đó là một Hồ Chí Minh nhạy bén và chính xác trong từng quyết định. Người đã cùng Bộ chính trị lãnh đạo nhân dân ta từ hậu phương đến tiền tuyến đồng tâm, đồng lòng, đồng sức trường kỳ kháng chiến, toàn dân, toàn diện kháng chiến; từng bước đưa thế trận chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam lên một đỉnh cao mới và đi đến kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh Đông Dương.
Một trong những thành công của Bộ chỉ huy tối cao (lãnh tụ Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị) và Bộ Tư lệnh mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, góp phần làm nên thắng lợi vang dội này, chính là việc thấm nhuần nghệ thuật quân sự “đánh địch bằng mưu, đánh địch bằng thế”, “nhỏ đánh lớn phải dĩ nhu xử cương”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu đánh mạnh”, v.v.. trên một đất nước Việt Nam nhỏ bé (chiến trường hẹp), có truyền thống đoàn kết, yêu nước, có bề dày lịch sử chống ngoại xâm. Không chỉ có vậy, những bài học kinh nghiệm trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã được vận dụng một cách linh hoạt, uyển chuyển và lời căn dặn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “biết sức ta, biết sức địch thì trăm trận đều thắng” đã được thực hiện.
Tự tin và tự phụ khi đến Đông Dương, nhưng với địa danh Điện Biên Phủ, nói như Davít Halberstam, “một thời đại mới vừa mới chấm dứt đối với người Pháp ở Đông Dương trong mùa hè năm 1954 và một đế quốc đã sụp đổ, chỉ còn lại nỗi đau đớn phải thừa nhận”[11] ./.


(1) Điện Biên Phủ, nhìn từ phía bên kia, Nxb. QĐND, H, 1994, tr.8
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb, CTQG, H, 1995, t.7, tr.13
(3) Vó Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nxb, CTQG, H, 1998, tr. 25
(4) Vó Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 27
(5) La Côn, điện Biên Phủ - Những điều chưa thấy hết, Tạp chí Xưa Nay, số 62, 4/1999, tr.9
(6) Vó Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 28
(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr.535
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2001, t.14, tr.59
(9) U. Bớc sét: Hồi ký, Nxb. TTLL, H, 1980, tr.254
(10) C.B- Đ.X- T.L- Chiến sĩ, Trần lực, Nói chuyện Mỹ, Nxb. QĐND, H, 1972, tr.295
(11) Davít Halberstam, Hồ, Nxb. Randon House, New York, 1971, Bản dịch lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh, chương II, tr.1

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)