slider

Hoa quân nhập Việt và mưu đồ "Diệt cộng cầm Hồ"

07 Tháng 04 Năm 2014 / 13280 lượt xem
Đ. H. L
P GĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Ngày 10.9. 1943, lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh được trả tự do sau gần 400 ngày bị giam cầm trong các nhà tù của Quốc dân Đảng. Hành động này chẳng mang hảo ý gì, nó chỉ là một mắt xích trong mưu đồ chính trị thâu tóm Việt Nam của chính quyền Tưởng bằng kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”, cho nên Trương Phát Khuê đã đề nghị Người tham gia Ban trù bị đại hội toàn quốc của Việt Nam cách mạng đồng minh hội( một tổ chức phản động thân Tưởng), nhằm lôi kéo tổ chức cách mạng có thực lực nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ là Việt minh. Nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhận thấy ngay bản chất của sự việc:” Quân đội Tưởng Giới Thạch dù có vào Việt Nam để đánh Nhật cũng chỉ là tạm thời, về bản chất chúng vẫn là kẻ thù. Phải thấy hết tính chất phản động của nó, nếu không thì rất nguy hiểm. Chúng nó không vào Việt Nam thì càng tốt cho ta hơn”.
Sau ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính quân sự Pháp tại Đông Dương, ngày 28/3 tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc Dân đã từ Trùng Khánh tới Côn Minh đôn đốc tổ chức hai cách quân của Trương Phát Khuê và Lư Hán chuẩn bị sẵn sàng tiến vào Việt Nam. Đến 30/3, tướng Tiêu Văn gặp Hà ứng Khâm để trình bày kế hoạch công tác chính trị khi tiến quân vào Việt Nam. Tiếp đó theo chỉ thị của Trùng Khánh, tư lệnh đệ tứ chiến khu Trương Phát Khuê đã chuẩn bị đầy đủ một bộ khung cho cái gọi là chính quyền Việt Nam thân Quốc Dân Đảng gồm có Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ,Vũ Kim Thành, Nguyễn Tường Tam... cùng đơn vị tiên phong 500 binh lính người Việt do Trương Bội Công một đảng viên Quốc Dân Đảng lưu vong chỉ huy, đi trước dọn đường cho Hoa quân nhập Việt. Ngày 24/7 các lực lượng đồng minh chống phát xít phân công cho Trung Hoa dân quốc làm nhiệm vụ tiếp quản Bắc Đông Dương (từ vĩ tuyến 16 trở ra) khi Nhật Bản đầu hàng, nhưng sự vịêc xảy ra lại không như ý quân đội Tưởng. Ngày 15/8, tuy vua Nhật Bản tuyên bố đầu hàng nhưng tới 22/8 quân đội Nhật đóng tại Hoa Bắc vẫn không chịu hạ vũ khí và tướng Suchihasi tư lệnh quân đội Nhật tại Đông Dương cũng có vẻ chưa chấp nhận đầu hàng mà cho tạm ngừng bắn đợi lệnh mới. Nhờ Mỹ can thiệp nên đến ngày 28/8, những đơn vị Quốc Dân Đảng đầu tiên mới bắt đầu vượt biên giới sang lãnh thổ Việt Nam nhưng thành phần chỉ huy có thay đổi: tướng Lư Hán thay Trương Phát Khuê thống lĩnh toàn bộ quân đội tiếp quản Bắc Đông Dương và Tiêu Văn là phó tư lệnh, ngoài ra còn có đơn vị Trung ương của tướng Chu Phúc Thành, tất cả đều là bọn quân phiệt khét tiếng chống Cộng với quân số khoảng 20 vạn chưa kể một bộ phận đông đảo các chuyên gia, cố vấn, đặc vụ... Chân dung của đội quân ô hợp này được một vài tác giả nước ngoài đặc tả như sau: “20 vạn quân Tưởng ấy, chân đi đất, bụng đói và quyết tâm sống nhờ vào của cải của người Việt Nam. Chúng lấy ngay thứ gì chúng cần hay muốn, bất kỳ thứ đó là của người Pháp, người Việt hay Hoa kiều, không kể giàu nghèo. Các lãnh tụ của họ oai vệ hơn vì nghĩ mình đại diện cho quốc gia nhưng cũng tham tàn và ăn sống nuốt tươi mạnh hơn”. Tuy vậy, giữa bọn chúng vốn vẫn có hiềm khích, chỉ đợi dịp là xâu xé lẫn nhau và cũng có một số tên không được lòng Tưởng thống chế nên bị đẩy xuống nhập Việt, vì thế Hồ Chủ tịch nhận định:” Nội bộ của chúng có mâu thuẫn là điều ta có thể tận dụng”.
Trên đường về Hà Nội, bọn Tưởng ngang nhiên tước khí giới của các đội tự vệ địa phương và giải tán các Uỷ ban nhân dân Cách mạng, bắt ta cung ứng cho đàn châu chấu đó lương thực, thực phẩm, nơi ăn chốn ở, vàng bạc, thậm chí cả gái và thuốc phiện. Nhưng thất vọng đầu tiên và cũng là sự cay cú khó chịu nhất đối với chúng chính là sự kiện nhà nước Việt Nam DCCH đã sớm thành lập từ 2.9. Ngày 9/9 Tiêu Văn đến Hà Nội, ngày hôm sau, Bác Hồ nhân danh Chủ tịch chính phủ mở tiệc chiêu đãi, nhưng lúc vừa tàn cuộc rượu, Tiêu Văn đã tỏ thái độ hống hách đe doạ. Ngày 11/9, Lư Hán đáp máy bay đến Hà Nội. Bác Hồ lúc đó vừa là người đứng đầu chính phủ, vừa kiêm nhiệm công tác ngoại giao, tiếp đón ông ta rất mềm dẻo nhưng cũng rất cương quyết. Vừa đến nơi, Lư Hán đã đòi Bác phải báo cáo rõ lực lượng và tổ chức quân đội Việt Nam (coi như không công nhận chính phủ Hồ Chí Minh ở Hà Nội), can thiệp vào các công vịêc trong nội bộ chính phủ, đòi sắp đặt lại nhân sự và thậm chí bắt ta phải lùi giờ Hà Nội lại một tiếng theo như giờ Trung Quốc... và rồi Lư Hán đòi thêm gạo, Bác nói: Không có gạo. Một tên tướng doạ: Không có gạo sẽ dùng vũ lực? Bác điềm tĩnh trả lời: ông muốn làm gì cũng đựơc, nhưng tôi không thể cung cấp cho ông nhiều gạo hơn nữa để dân tộc tôi chết đói! Ngày 28/9, Hà ứng Khâm bay tới Hà Nội tham dự lễ đầu hàng của quân đội Nhật, đồng thời mang theo một mật lệnh của thống chế Tưởng vỏn vẹn bốn chữ “Diệt Cộng cầm Hồ”. Tình hình thực tế lúc đó cho thấy vịêc thực hiện mệnh lệnh này không dễ dàng chút nào, chúng ta vừa mềm dẻo vừa cứng rắn, một mặt vẫn coi quân Tưởng là đồng minh, mặt khác vẫn đề phòng chúng phá hoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phát biểu trong một buổi gặp gỡ giới báo chí :” Tổng trưởng Hà ứng Khâm là một quân nhân, không có quyền nói về chính trị, nên ông không thể nói hơn về nền độc lập của chúng ta. Lấy tình riêng mà nói, Hà tổng trưởng, mặc dầu từ trước tới nay đối với tôi chưa từng quen biết, nhưng về phương diện cá nhân ông rất tử tế!”. Thời gian này, bọn Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh đang khiêu khích rất dữ, anh em ai cũng tức giận vì phải kiềm chế, một số người muốn đánh ngay lập tức. Một lần, Tiêu Văn gửi đến một bức công văn vỏn vẹn mấy chữ:” Kính gửi Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam DCCH: Yêu cầu Cụ cho mượn một cái nồi nấu cơm”. Anh em vô cùng phẫn nộ nhưng Bác vẫn ôn tồn, ung dung: “ Nền độc lập ta vừa mới giành được giống như một chiếc bình ngọc. Nay có những con kiến bò trên miệng bình, nếu ta dùng gậy đập kiến, chưa chắc kiến đã chết mà bình ngọc vỡ mất. Nếu ta lấy một cái que bắc cầu cho chúng xuống thì kiến sẽ đi hết, như vậy có hơn không? Còn họ mượn cái nồi nấu cơm thì ta cho họ mượn, việc gì các chú phải nổi nóng như vậy?!”.
Thêm nữa, Quốc Dân Đảng liên tục gây sức ép với chính phủ ta về mặt chính trị , đưa ra các loại yêu sách nhiễu nhương, đòi bố trí tay chân của chúng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, thậm chí có lần chúng đã đòi Hồ Chủ tịch từ chức. Về văn hoá xã hội, chúng ra nhiều báo phản động như Tự do, Thiết thực, Đồng tâm, Liên hịêp, Phục Quốc tuyên truyền chống phá chính phủ, rải truyền đơn, dán áp phích, kẻ khẩu hiệu nói xấu ta, đồng thời các hội, đoàn mọc lên như nấm: hội Tề thanh niên phật tử, Thánh minh tương tế, Trung binh... Về quân sự, chúng tiến hành các hoạt động ám sát khủng bố những cán bộ nòng cốt Việt Minh, bắt cóc tống tiến, tổ chức cướp ngân hàng, âm mưu phá đê điều. Bên cạnh Việt Quốc, Việt Cách còn có Đại Việt quốc dân đảng của Trương Tử Anh, Đại Việt Quốc gia liên minh của Nguyễn Thế Nghiệp, Đại Việt duy tân của Lý Đông á cũng ra sức phô trương thanh thế và phá hoại. Trụ sở, cơ quan của bọn phản động có mặt ở khắp nơi như nhà 80 Quan Thánh, 7 ôn Như Hầu, 90 Đỗ Hữu Vị, 46 Nguyễn Du, 232 Bùi Thị Xuân rồi Hàng Đẫy, Ngũ Xã...Nhưng dù thế nào đi nữa, tất cả bọn chúng đều phải nhận thấy một điều rõ ràng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đựơc nhân dân ủng hộ, mặt trận Việt Minh có sức mạnh rất lớn, nếu công khai lật đổ hoặc bắt giữ cụ Hồ tất sẽ gặp rắc rối lớn, gây bất lợi cho sự có mặt của quân đội Quốc dân ở Việt Nam. Hơn nữa, vào đúng lúc căng thẳng nhất, ngày 11/11/ 1945, Đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố “tự giải tán” (thực tế là rút vào hoạt động bí mật), chỉ còn lại một Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Hồ Chủ tịch trả lời các nhà báo rằng:” Vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập”. Thế là âm mưu diệt Cộng của quân Tưởng bị hẫng hụt, nhưng chúng vẫn tìm mọi cách đe doạ, ép buộc để vô hiệu hoá chính phủ Việt Minh. 16h ngày 6.10, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp của Hội đồng chính phủ, Người cho rằng việc ngoại giao với Trung Hoa không được rõ rệt vì sự khác nhau trong lời nói và hành động giữa cấp trên, cấp dưới của họ, vì vậy chúng ta phải nhẫn nại, nhún nhường và phải tìm cách liên hệ trực tiếp với chính phủ Trung ương của Trung Hoa. Với độ nhạy cảm chính xác, Hồ Chủ tịch dường như hiểu mọi trạng thái tư tưởng, tình cảm của kẻ thù. Bác đã vận dụng một cách vô cùng sắc bén những đối sách cụ thể với từmg loại kẻ địch, với từng tên một. Thời kỳ này, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã bàn về sức cảm hoá kỳ lạ trong con người của Bác, nguyên nhân có thể do sự hiểu biết sâu rộng, tài trí, nghị lực phi thường, thành thạo nhiều ngôn ngữ, hay do đức khiêm tốn giản dị, sự lạc quan, niềm tin vào thắng lợi, hoặc tính cách thẳng thắn, cởi mở, kinh nghiệm từng trải, lịch thiệp mà cũng có thể vì tất cả những yếu tố kể trên!
Một lần, nhân dân mít tinh trứơc cửa nhà băng Đông Dương (ngân hàng Nhà nước bây giờ) nhằm phản đối Pháp không tiêu tiền 500 đồng do chúng phát hành, thình lình có một quả lựu đạn nổ, lính Tưởng bèn nổ súng bừa bãi, nhân dân chạy tán loạn, các chiến sỹ ta nghĩ bọn Tưởng tấn công nên cũng bắn trả, đạn phá tan các kính cửa sổ tầng hai trong lúc Bác đang nói chuyện với một sỹ quan trong phòng. Thấy súng nổ, Bác quan sát bên ngoài rồi kéo viên sỹ quan Tưởng ra ngay bậc thang trước cổng chính, lấy tay làm loa kêu gọi các chiến sỹ ta ngừng bắn, rồi yêu cầu viên sỹ quan Tưởng cũng kêu gọi lính của mình ngừng bắn và tiếng súng dứt. Nhưng sau đó một trung đội lính Tưởng hầm hè kéo đến đòi tước vũ khí bộ đội ta. Để tránh phức tạp, các đồng chí nộp súng cho chúng 30 khẩu súng đã cũ và hỏng, nhưng hôm sau Bác đến gặp Lư Hán nói thế nào lấy lại được nhiều hơn số súng đã mất, mà toàn súng tốt. Các võ tướng hiếu chiến của quân Tưỏng vẫn thường xuyên mang súng, đeo kiếm đòi vào gặp Bác tại nơi làm việc với thái độ hung hăng sừng sộ, nhưng khi ra về lại khác hẳn: rất nhún nhường và kính trọng Bác. Ngay cả Lư Hán, chỉ sau vài lần gặp Bác đã tỏ ra vô cùng khâm phục, gọi Bác là Hồ Chủ tịch một cách trân trọng.
Tuy nhiên bọn phản động cực đoan vẫn không chịu từ bỏ những âm mưu đê hèn của chúng. Việt Nam quốc dân Đảng đã bắt mối mua chuộc Quốc Chung (thư ký của đồng chí Đàm Quang Trung) – một tên thoái hoá biến chất và tên này đã nhận nhiệm vụ ám sát Bác, nhưng kế hoạch này đã bị cơ sở bí mật của ta phát hiện ra và đồng chí Đàm Trung đích thân bắt tên này tại phòng làm việc cơ quan, trong người có hai khẩu súng dùng để thực hiện mưu đồ do bọn Vũ Hồng Khanh giao cho. Cuối tháng 10/ 1945, công an ta phát hiện một tổ chức bí mật mang tên Hùm xám, đó chính là Ban ám sát của Việt Nam Quốc dân Đảng, Ban này đã liên tục tổ chức các vụ ám sát và khủng bố nhằm vào các đồng chí lãnh đạo có uy tín của Đảng ta, một số nhân sỹ yêu nước hoặc những người đã giác ngộ đi theo cách mạng. Sau đó, cơ sở của ta báo tin Hùm xám đã giao cho tên Nghiêm Xuân Chi – một sát thủ chuyên nghiệp, có thể bắn súng hai tay như một- nhiệm vụ ám sát Bác, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng tại số 8 phố Lý Thái Tổ nhưng các trinh sát của ta đã đón lõng bắt hắn tại nhà hàng Thuỷ Tạ- nơi hắn đang phục kích để hành động, trong người đang giắt hai khẩu súng đã lên nòng. Sự khủng bố trắng trợn của bọn Quốc Dân Đảng đã tạo ra tình hình bất ổn ở Hà Nội và không an toàn cho Bác, sau đó Bác ít về số 8 Vua Lê nữa mà chuyển về ở một ngôi nhà nhỏ sát đê Bưởi, cách dốc Cống Vị khoảng 300 m . Ngôi nhà này ở vị trí rất cơ động, từ đây Bác có thể vào thành phố bằng nhiều ngả và nếu có nguy cấp thì đầu giường có sẵn một bộ quần áo nâu để cải trang, đồng chí bảo vệ tiếp cận sẽ đưa Bác qua sông Tô lịch rồi vượt ra cánh đồng Nghĩa Đô. Quy luật đi lại của Bác cũng được thực hiện rất bí mật bất ngờ. Ban ngày, Bác làm việc ở Bắc Bộ Phủ hoặc đến chỗ của Lư Hán, Tiêu Văn, gặp phái bộ đồng minh Mỹ bằng chiếc xe con mang biển số T.H 45, có lúc là chiếc xe Ford màu đen biển số TG 576. Sau đó Bác lại về nhà số 8 Lê Thái Tổ ăn cơm, làm việc ở đó. Đến khoảng 9, 10 giờ đêm, Người lên chiếc Pơ Jô 203 màu đỏ, dọc đường có khi chuyển sang xe khác và cứ đổi đi đổi lại xe như vậy làm cho đặc vụ Tưởng khó nắm chính xác, hơn nữa giờ giấc Bác về không theo một quy luật nào cả, chỉ căn cứ vào tín hiệu còi đã quy ước, anh em mở cửa xe chạy ngay vào ga ra rồi cửa sắt khoá chặt lại. Bác không bao giờ để cho mọi người nắm được kế hoạch mình có mặt ở đâu, vào lúc nào. Bác đến cơ quan không theo một cửa nhất định, xe vào cửa này nhưng người lại ra cửa khác, ô tô có thể đỗ ở văn phòng Chủ tịch nhưng Bác lại đi bộ sang Bắc Bộ Phủ, tuy nhiên Bác thường có mặt ở cơ quan rất sớm khi mà đường phố còn ít người qua lại. Cứ ra khỏi Bắc Bộ Phủ là Bác quấn khăn phu- la quanh cổ, rồi kéo cao lên che kín bộ râu, đầu đội mũ kéo sụp xuống trán, như thế gọi là kế sách lai vô ảnh-khứ vô hình.
Ngày 19.11.1945, Hồ Chủ tịch cử 10 thương gia cả người Việt và người Hoa đi Việt trì để lo tiếp tế gạo và lương thực cho quân đội Quốc dân nhưng chỉ một tuần sau. quân Tưởng đã dựng chuyện vu cáo cán bộ ta đi xe của Bác và bắn chết một Pháp kiều nhằm kiếm cớ gây sức ép với ta trong khi chúng đang đàm phán với Pháp. Lư Hán đưa thư mời đích thân Bác đến giải quyết vụ việc nhưng lại không tiếp mà cho cần vụ ra yêu cầu Bác đến gặp Tiêu Văn ở Nguyễn Du, rồi tên này lại nhắn Bác đến quân đoàn của Chu Phúc Thành tại Đồn Thuỷ (viện 108 bây giờ). Tại đây, bọn Tưởng tước vũ khí của mấy chiến sỹ bảo vệ và giữ Bác lại từ 9 đến 14 h chiều. Sau vì sự cương quyết và lý luận sắc sảo của Bác, hơn nữa lại không có bằng chứng xác đáng, chúng phải để Bác về nhưng vẫn giam đồng chí lái xe, bảo vệ và giữ luôn chiếc ô tô ( Thực ra, trước khi đi, Bác đã gọi điện cho một viên tướng trong phái bộ Mỹ tại Hà Nội hẹn gặp ông ta đầu giờ chiều tại Bắc Bộ Phủ. Đến giờ không thấy Bác về, anh em bảo vệ kể chuỵên Bác đang bị giữ từ sáng, thế là viên tướng này đã gọi điện mắng cho bọn quân Tưởng một trận, ra lệnh để Bác về ngay và bọn Tưởng phải miễn cưỡng tuân lệnh của quan trên).
Ngày 6/12, Hồ Chủ tịch gửi thư cho Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh nhắc nhở:” Chúng ta, ai nấy đều vì quốc gia dân tộc, chớ không phải vì lợi ích cá nhân. Như vậy, bất luận thế nào, chúng ta cũng phải đoàn kết. Người cách mệnh đều quyết hy sinh cá nhân tư ý, mà tôn trọng công ý của nhân dân và đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích của các đảng phái”. Dẫu sao, bọn Tưởng và lũ tay chân của chúng trong đám Việt Quốc, Việt Cách hiểu rằng chúng không thể trông chờ vào thắng lợi trong tổng tuyển cử được, vì vậy chúng tìm  mưu kế khác để phá. Cuối tháng 12/1945, Tiêu Văn lại gửi một yêu sách đòi ta phải cải tổ chính phủ lâm thời trước khi tổng tuyển cử, thay các Bộ trưởng cộng sản bằng đại diện của chúng. Khi được đảm bảo 70 ghế trong Quốc hội tương lai rồi chúng vẫn chưa thoả mãn mà tăng cừơng rêu rao, khích bác, bôi nhọ chính phủ, truyền đơn của chúng rải khắp nơi, trong viết: “Đả đảo cuộc tổng tuyển cử Việt Minh...” hay “Cùng các bạn trong mặt trận Việt Minh, nhục lắm, đừng đi bỏ phiếu”. Để hạn chế sự phá phách của bọn phản động, ngày 24/12, Hồ Chủ tịch đã ký với Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh cùng thoả thuận ba điều ước: Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết; Đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc tổng tuyển cử Quốc hội và kháng chiến; Đôi bên đều đình chỉ hết thảy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động. Chiều 5/1/1946, có cuộc mít tinh ở Việt Nam Học Xá (khu đại học Bách khoa ngày nay) để các ứng cử viên Quốc hội gặp gỡ đại biểu cử tri Hà Nội, Bác bí mật xuống dự nhưng khi đến nơi đã thấy láo nháo nhiều tên Việt Quốc, Đại Việt. Vì vậy, lúc về, Bác cố ý nán lại, đợi kèm sát bên Vũ Hồng Khanh ra tận cổng. Lên xe, Người dặn đồng chí lái xe phải bám sát cho kỳ được xe của y đề phòng tay sai của nó ném lựu đạn và hai xe cứ giữ khoảng cách một mét trên đường về đến nhà an toàn (thường cứ khi đi gặp bọn Hải Thần, Hồng Khanh ở trụ sở của chúng hay nơi hội họp có bọn này tham dự, bao giờ Bác cũng đi kèm cùng với chúng để phòng tay chân của chúng ám sát, nhất là khoảng cách gần thế không thể ném lựu đạn được). Cho đến ngày 1.3, Hồ Chủ tịch đã thuyết phục được Tiêu Văn về việc tổ chức một Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm những người của các đảng phái và không đảng phái.
Sau hiệp định sơ bộ 6/3/1946, bọn phản động và lũ cơ hội càng tức giận, chúng thổi phồng trong dân lời đồn đại vu khống rằng Hồ Chí Minh là gián điệp của Pháp và bán rẻ cho Pháp nền độc lập của Việt Nam, chúng ra sức tạo cớ gây rối ở Hà Nội. Tình hình ấy, Bác thấy phải trực tiếp đứng ra giải thích trước quần chúng giữa một cuộc mít tinh. Mặc dù biết nhất định gặp nguy hiểm vì bọn phản động sẽ tổ chức mưu sát, song Bác vẫn không thay đổi quyết định. Ngày 7/3, hàng vạn nhân dân tập trung tại quảng trường Nhà hát lớn, lúc Bác chủân bị bước đến micrô thì một quả lựu đạn từ trong đám đông ném lên, rơi trên bậc tam cấp, xì khói xanh rồi nổ tung, rất may không ai việc gì, chỉ tội nghiệp Nguyễn Hải Thần- vị phó Chủ tịch bù nhìn, nói tiếng Việt không sõi, đi đâu cũng rầm rộ lính bảo vệ súng ống lăm lăm nhả đạn kèm theo khẩu trung liên to tướng lù lù trên nóc xe- lẩy bẩy tái mét mặt. Bác vẫn bình tĩnh, ung dung nói chuyện, Người khảng khái, cương quyết: “Tôi, Hồ Chí Minh, suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”. Bác vừa dứt lời, cả quảng trường nhất tề giơ nắm tay hô vang: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Kiên quyết tuân theo mọi mệnh lệnh của chính phủ và Hồ Chủ tịch!”. Sau đó tên tổ chức ném lựu đạn mưu sát Bác đã bị công an ta bắt được và nhận tội, đó là trùm ám sát Giáo Mười, (tên trực tiếp ném lựu đạn là Văn cũng bị bắt khi đang lẩn trốn). Nhưng rồi chỗ ở bí mật của Bác cũng bị bọn Quốc dân Đảng và bọn Pháp mò ra, may là cảnh vệ ta phát hiện chuỵên này kịp thời nên từ cuối tháng 3/1946, các đồng chí không đưa Bác về nghỉ ở đây nữa. Khi bọn lính kéo đến vây nhà thì chẳng còn ai, khiến chúng tức tối phá phách tan tành ngôi nhà sau khi đã lấy đi hết đồ đạc.

Tuy hiệp ước Hoa-Pháp đã ký, nhiều người trong Chính phủ vẫn không đồng ý với phương án thoả hiệp với Pháp để đuổi quân Tưởng về nước nên tại một cuộc họp chính phủ căng thẳng tháng 3/ 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải phân tích rõ:” Chẳng lẽ các vị lại không hiểu rằng tình hình sẽ như thế nào nếu quân Tưởng ở lại? Các vị quên lịch sử đất nước ta rồi sao? Nếu quân Tưởng ở lại thì chúng sẽ ở lại hàng ngàn năm!”. Nhưng tình hình bắt đầu thay đổi, nội bộ bọn Quốc dân Đảng vốn đang nhìêu mâu thuẫn, ở trong nước nội chiến lại bùng nổ, Mỹ hối thúc quân Tưởng ở Việt Nam chuyển lên phía Hoa Bắc. Đồng minh đã thoả thuận để quân Pháp thay thế cho quân Tưởng (cái giá cho vịêc này là Pháp phải trả lại cho Trung Quốc toàn bộ các tô giới ở Thiên Tân, Thượng Hải và khu nhượng địa Quảng Châu). Theo hiệp ước, vịêc rút quân Tưởng sẽ hoàn tất ngày 31/3 nhưng chúng rút nhỏ giọt kiểu ăn vạ cho đến tận tháng 10/1946 mới hết. Khi chúng rời đi, ta có tổ chức tiễn đưa theo khẩu hiệu “hoan tống Hoa quân” (vui mừng tiễn quân Trung Hoa), Bác còn ra nghiêm lệnh đăng trên báo Cứu Quốc quy định toàn thể nhân dân, quân đội phải giúp quân đội Trung Hoa trong lúc thoái triệt, nhưng chính đội quân ấy đã chôm vét của ta một số lượng của cải trị giá đến 250 triệu đồng và còn cướp trắng 400 triệu đồng nữa từ nhà băng Đông dương. Dù sao, 19h ngày 22/3/1946, Lư Hán chính thức mở tiệc chiêu đãi chia tay Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu quân đội Mỹ, Anh... như vậy Hoa quân tuy nhập Việt nhưng mưu đồ diệt Cộng cầm Hồ đã hoàn toàn phá sản. Nhận xét về giai đoạn lịch sử ngàn cân treo sợi tóc của đất nước ta, nhà sử học Mỹ King- Cheng đã viết : “Trong thời kỳ khó khăn nhất này của cách mạng Việt Nam, cụ Hồ Chí Minh đã xử sự linh hoạt, khéo léo, biết vận dụng những mâu thuẫn của kẻ thù. Cuối cùng, quân đội Quốc Dân Đảng đã phải rút khỏi Việt Nam. Các lực lượng Việt Quốc và Việt Nam đồng minh hội cũng đã bị thanh toán. Vấn đề duy nhất còn lại chỉ là tập trung vào việc chống Pháp quay trở lại mà thôi”.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)