HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRÊN ĐẤT NƯỚC THÁI LAN
31 Tháng 08 Năm 2011 / 6491 lượt xem
Thiếu tướng, TS Đặng Nam Điền
Chính ủy BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
_______________________
Sau nhiều năm bôn ba ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc; trên hành trình trở về Tổ quốc thân yêu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một khoảng thời gian hoạt động tại thái Lan. Tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng hình ảnh của Người đã để lại dấu ấn không phai mờ đối với nhân dân Thái Lan, nhất là đối với bà con Việt kiều.
Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-02-1930, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về công tác ở Đông Dương, tôi từ giã nước Đức vào tháng 6 và đến Xiêm vào tháng 7-1928. Tôi đã làm việc với một số người An Nam di cư ở đấy tới tháng 11-1929”.
Như vậy, trên hành trình trở về Tổ quốc Việt Nam thân yêu, Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc và sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã có thời gian hơn 1 năm hoạt động tại Xiêm (Thái Lan ngày nay).
Bản Mạy thuộc tỉnh Nakhon Phanom là địa danh đã được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn để sống và hoạt động trong sự đùm bọc che trở của bà con Việt kiều sinh sống tại đây. Mọi người đều gọi Nguyễn Ái Quốc với bí danh thân mật là Thầu (già) Chín. Để bảo đảm bí mật và tránh mọi sự theo dõi của mật thám Pháp và chính quyền sở tại, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là một người An Nam di cư sang Xiêm, hàng ngày hòa mình vào với cuộc sống, sinh hoạt như những người dân trong vùng. Những người lớn tuổi chứng kiến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn Người hoạt động ở Thái Lan đã kể lại: “Bản Mạy thời kỳ đó còn nghèo lắm. Trước ngôi nhà Thầu Chín ở là một cánh đồng rộng lớn. Hàng ngày, Người cùng những người dân trong vùng ra đồng lao động, tưới rau, bắt cá để sinh sống như một nông dân thực thụ. Những khi rảnh rỗi, Người cùng với thanh thiếu nhi trong bản đá bóng với nhau rất sôi nổi”.
Hòa mình với cuộc sống của người dân là vậy, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã luôn giành thời gian để tìm hiểu về cuộc sống, sinh hoạt và điều kiện kinh tế xã hội của bà con Việt kiều mình ở trên mảnh đất Thái Lan khi đó. Cũng trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Những điều kiện ở Xiêm: Dân cư rất phân tán, hầu hết theo đạo Phật, một số ít theo đạo Thiên Chúa.
Chừng 10 hay 15 nghìn người An Nam di cư ở Xiêm và Lào. Hơn một nửa trong số họ đã nhiều thế hệ theo đạo Thiên Chúa.
Kinh tế - không có công nghiệp, nông nghiệp tự nhiên và lạc hậu, điều đó dẫn đến chỗ đồng ruộng bỏ hoang; người ta có thể sử dụng bao nhiêu đất tùy ý, không hạn chế, không đánh thuế. Thương nghiệp ở trong tay người Trung Quốc.
Thiên nhiên - nửa năm nóng, nửa năm lạnh, và ở mùa này, tất cả mọi thứ giao thông liên lạc đều không thực hiện được”.
Sau này, khi viết bài trên Báo Thanh niên, số 71, ngày 28-11-1926, Nguyễn Ái Quốc đã viết:
“Từ khi Tây cướp nước An Nam, dân An Nam lưu ly thất sở, tan cửa, tan nhà, phải bỏ quê cha đất tổ, dạt ra đất khách quê người. Cứ vòng duyên biên An Nam mà xem thì Tàu, Diến Điện, Xiêm La đều là có người dạt qua cả. Bây giờ đem tình cảnh người An Nam ở Xiêm điều tra như sau này để cho các đồng bào tham khảo:
1. Người An Nam ở Xiêm có đến hơn 3 vạn người, có chỗ tự lập ra thành làng, thnàh chợ, có chỗ thì ở lẫn với người Xiêm. Những người ở tụm lại với nhau thì nhân tình, phong tục vẫn còn giữ thói cũ, cúng tế lễ, cúng tang ma, đường ăn nói thì không thay đổi chút nào cả. Còn những người ở lẫn với dân Xiêm thì bọn người cũ, nhiều người quên mất cả tiếng An Nam mà học thói ăn bốc, mặc vấn như dân Xiêm vậy.
2. Trong 3 vạn có người tin Phật, kẻ tin thần,có người tin Thiên Chúa…. Nhưng đến đất Xiêm vì làm ăn dễ dãi, trí thức đổi dần, được chỗ yên thân, quên mất sỉ nhục nên bây giờ nhiều người chỉ biết nước Xiêm mà quên mất Tổ quốc….
5. Tình cảnh người mình như vậy đều là lưu lạc quê người, cứ kể bình thường thì người An Nam ở Xiêm trông thấy nhau nên thương yêu nhau, giúp nhau là phải, nào ngờ vẫn giữ lấy thói dã man nào lương giáo giết nhau, lợi hại tranh nhau, lừa đảo nhau, chém giết nhau đến nỗi đem nhau đi kiện cáo cho Xiêm Lào xỉ nhục… nói ra thật đau lòng”.
Với tình cảm của người con xa quê, Thầu Chín đã sống với bà con Việt Kiều trên đất Thái Lan và để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp. Ngôi nhà của Thầu Chín trước đây, giờ đã trở thành một Di tích lịch sử, một địa chỉ đó cho mọi người đến thăm quan mỗi khi đến Nakhon Phanom. Bước chân vào nơi Người đã từng ở, gặp ngay cây Khế to sai trĩu quả- cây Khế do chính tay Bác trồng từ năm 1928, đến nay đã hơn 80 năm. Bà con Bản Mạy tự hào vì có một con người tài ba đã hoạt động ở nơi đây và ngôi nhà Bác ở được bà con Việt kiều gìn giữ cẩn thận, chu đáo. Tuy nhiên, do sự tàn phá của thời gian, ngôi nhà không còn nguyên vẹn. Bà con Việt kiều đã đóng góp tiền để phục dựng như hiện nay. Cách căn nhà Bác không xa là Làng Hữu nghị Việt – Thái. Làng Hữu nghị được xây dựng với sự phối hợp giữa cơ quan ngoại giao, văn hóa của hai nước Việt - Thái. Làng có khuôn viên thoáng rộng, hội trường và tòa nhà hai tầng có thư viện, có gian trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong thời gian Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan. Đặc biệt có nơi trưng bày mô hình nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội và gian nhà Bác ở làng Sen. Nơi đây là địa chỉ du lịch thu hút khách bốn phương. Nhiều đoàn khách quốc tế, đặc biệt là bà con Việt kiều vùng đông bắc Thái Lan, Thakẹt (Lào), thường vẫn tới thăm căn nhà Bác ở Nakhon và Làng Hữu nghị.Mặc dù thời gian hoạt động của Bác ở Nakhon không dài, nhưng hình ảnh của Người mãi khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ người Việt ở Thái Lan. Với tình cảm yêu kính Bác, bà con Việt kiều đã trăn trở rất lâu, mong muốn dựng lại Khu di tích về Bác tại làng Noỏng Ổn. Năm 2003, bà con đã đóng góp tiền của và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, Khu di tích đã được tiến hành xây dựng. Trên nền nhà cũ của Trại Cưa, ngôi nhà chính, nhà chứa thóc, cùng những đồ dùng mộc mạc (giường ngủ, bàn ghế, chum vại đựng nước...), chuồng trại chăn nuôi gia cầm... được dựng lại bằng gỗ, tre, nứa giống như thời gian Bác hoạt động tại đây. Đặc biệt, phía sau khu nhà được trồng rất nhiều tre, tre xanh tốt um tùm, khiến ai nhìn vào cũng cảm thấy như đất Việt thân yêu và hình bóng Bác đang hiện hữu. Bên cạnh khu nhà chính, bà con Việt kiều đã dựng thêm một ngôi nhà để đặt bàn thờ Bác, trong đó đặt trang trọng tấm ảnh Bác với đôi mắt sáng và chòm râu bạc, khiến ai đến thắp hương tưởng nhớ cũng rưng rưng lệ.
Sau nhiều năm bôn ba ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc; trên hành trình trở về Tổ quốc thân yêu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một khoảng thời gian hoạt động tại thái Lan. Tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng hình ảnh của Người đã để lại dấu ấn không phai mờ đối với nhân dân Thái Lan, nhất là đối với bà con Việt kiều. Chính trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, Người đã có điều kiện tìm hiểu thêm cuộc sống của người dân xa xứ. Phải chăng những gì tận mắt thấy, tai nghe về hoàn cảnh của những người dân lao động đã thôi thúc Người trở về Tổ Quốc nhanh hơn để lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền. Những điều đó đã gợi cho mỗi chúng ta những nghĩ suy về tình cảm của Bác đối với nhân dân và nỗi niềm trăn trở của Người khi ra đi tìm đường cứu nước.
Tháng 4- 2011